14 Chung cư Alice
Chung cư Alice là góc yên tĩnh trong thành phố ồn ào, ít người biết. Nó ở cuối con đường, như một bầu trời trong hang động. ở đấy, mọi cửa sổ đều rèm che trướng rủ, yên tĩnh không một tiếng động. Người ở đây không ra ngoài, ngay cả những chị người ở cũng không chuyện trò với ai. Tối đến, cửa sắt đóng lại, chỉ còn một lối đi nhỏ và một ngọn đèn, khiến người ta không còn biết đây là đâu, vào thời điểm nào, là thế giới của ai. Không rõ ai đó, với dụng tâm nào đã đặt cho khu chung cư này cái tên Alice. Alice như tên một người đẹp cùng với một mối tình. Trong thế giới phàm tục của chúng ta, đúng là một cảnh quan kỳ lạ, tuy gần chúng ta đấy, nhưng lại xa tận chân trời, không ai nhìn thấy ai. Không rõ chuyện gì đã diễn ra ở phía sau những tấm rèm cửa sổ buông kín kia? Những câu chuyện ấy cứ lang thang trên bầu trời thành phố, tựa như những lời đồn đại đẹp đẽ, không sợ không biết, chỉ sợ giật mình. Đó là những câu chuyện của người con gái phải trải qua hiểm nguy, lấy tình yêu làm bè mảng, họ chèo chống đến tận miền xa, Alice là miền xa ấy. Alice là nơi yên tĩnh nhất của thành phố huyên náo này, yên tĩnh không phải không sóng không gió, mà như hòn Vọng Phu, yên tĩnh ngưng đọng. Đó là tiên cảnh nhân gian dùng tuổi trẻ phí hoài và tuổi quá chiều riêng giữ để làm cái giá phải trả, nhưng tiên cảnh này một ngày bằng trăm năm, quyết không phải là điều mong ước của người bình thường. Làm một người con gái có những suy nghĩ lạ kỳ, không cam tâm bình thường, ai lại không muốn là người của Alice? Mọi nẻo đường của thành phố, đi đến đâu cũng bắt gặp Alice. ở thành phố này không ít tự do, không nhiều cơ hội, cuối cùng vào được chung cư này, có thể nói đó là tinh hoa của Alice.
Nếu có thể vạch mái nhà của Alice, những cảnh sắc diễm lệ sẽ xuất hiện trước mắt. Một thế giới được dệt bằng gấm hoa và những vật trang trí, nhung thiên nga cũng là một loại vật liệu, cho dù là đồ gỗ, thì cũng ngập ánh hào quang của tơ lụa gấm vóc. Trong thế giới này, nhung lụa chất đầy, cái gì cũng ngập đất kín trời, vô cùng mềm mại, sáng láng, tấm thảm lót chân đặt trước bồn tắm cũng được thêu hoa, sofa bọc vải hoa, màn thêu hoa, khăn trải bàn chung quanh viền hoa. Đây là thế giới của hoa lá với ngàn vạn đường kim mũi chỉ, chỉ ngũ sắc, một màu đỏ có trăm ngàn sắc độ khác nhau. Đây là thế giới của hoa, hoa trên chụp đèn, chung quanh tủ áo quần cũng chạm hoa, kính cửa sổ là loại kính hoa cau, hoa dây trên giấy dán tường, hoa cắm trong lọ, một bông hoa bạch lan được gói trong khăn tay, hoa nhài phảng phất trong chén trà, nước hoa mùi lan tử la, son màu hoa hồng, sơn tô móng tay đỏ màu hoa phượng tiên, áo quần toả hương hoa cúc non. Cảnh diễm lệ này chỉ có ở chung cư Alice, tình yêu này chỉ có ở chung cư Alice. Diễm lệ và tình yêu đỉnh cao, con gái đỉnh cao. Đây là cảnh sắc của vương quốc con gái, là đất trời con gái. Trong thành phố bê-tông cốt thép này, liệu nơi đâu ấm áp và dịu dàng? Chỉ có ở Alice. ánh đèn ở Alice cũng như lụa, thướt tha chiếu lên mọi vật dụng, giàu mộng mơ, dịu dàng càng thêm dịu dàng. Tất cả như không xương, ngón tay như đan cài được vào nhau, nếu nắm lại có thể vắt ra nước chảy qua kẽ ngón. Alice còn một đặc điểm khác, nhiều gương, gương đối diện với cửa ra vào, đóng cửa lại vẫn có gương. Gương trước đầu giường, trong cánh tủ cũng có gương, trong buồng tắm là gương chải đầu, trước bàn phấn là gương trang điểm, gương nhỏ trong hộp phấn để soi khi cần, bên gối cũng một tấm gương để chiếu lên tường chơi. Bởi vậy, người ở Alice đều hai, một người thực, một người hư không; một người thật, một người giả. Tiếng hát trong máy quay đĩa cũng hai âm thanh, kim cùn cùng lúc chạy hai rãnh. Mộng ảo là cái bóng lúc tỉnh, tối là cái bóng của sáng, đều là một nửa đối xứng một nửa.
Alice là trái tim con gái, là dây leo quấn vào nhau, vừa nhỏ vừa nhiều, bò lan trên vách trên tường, trên cửa sổ, phủ kín trên nền nhà, trên giường, trên bàn, trên ghế, được giấu trong đường kim mũi chỉ, giấu trong hộp nữ trang, cất trong áo quần không mặc, cất trong những lá vàng lá bạc để dành. Alice là tổ ấm, đậu một trái tim con gái, trái tim như cánh chim cố sức bay cao, bay không mỏi, không sợ hiểm nguy. Alice là tổ ấm trên cành cao cho những trái tim tự do bay cao đậu nhờ, bay đến đây tựa như tìm được ngôi nhà xưa. Con gái ở Alice không phải là những người cha sinh mẹ dưỡng, là sinh linh tự do, là những con người ưu tú sinh ra trong môi trường tự do và tốt đẹp giữa đất và trời. Các cô là những hạt giống từ trên trời cao gieo xuống thành phố này, những hạt giống bay theo gió, bay đến nơi nơi, tự sinh tự diệt. Alice là nhánh dây leo của trái tim con gái, lớn theo gió và bắt rễ khi gặp đất. Hoang dã đấy, phóng túng, thích sao làm vậy, không quy củ, không vuông cũng không tròn, thế nào cũng sống được, chết cũng không ân hận. Ôi, trái tim này, bởi quá tự do không gò bó, nên không biết đi đâu về đâu, mông lung, là trái tim bàng hoàng, do dự. Chim từ trên trời sa xuống đất, tất cả đều bàng hoàng. Bàng hoàng làm tiêu hao sức lực, lòng tin và cả hy vọng. Bay càng cao càng nhiều hiểm nguy.
Yên tĩnh ở Alice kỳ thực chỉ ở bề mặt, xao động dồn nén trong tim. Tiếng chuông điện thoại vọng ra từ sau tấm rèm che cửa sổ là điều tiết lộ. Tiếng chuông vang lên từng hồi trong phòng khách thênh thang, vang trong nhung lụa gấm vóc, bị vò đến quá mức mềm mại, tất cả đều có tiếng rè, đó là tiếng kêu khẩn thiết. Chỉ cần nghe tiếng chuông điện thoại là có thể biết được nhịp tim thôi thúc của Alice, như dòng chảy ngầm của con sông phẳng lặng. Điện thoại là thứ không thể thiếu ở Alice. Nó như động mạch tiếp thêm sức sống cho sinh mệnh. Khỏi cần tìm hiểu ai là người gọi điện đến, ai gọi đều thế cả, đều là gọi và trả lời, là âm thanh cho Alice sống lại. Tiếng chuông cũng vang lên cả trong đêm, như từ trong tĩnh lặng xuyên qua tim, là âm thanh chấn động nhịp tim, qua rồi nhưng hồi lâu vẫn không bình tĩnh nổi. Chuông cửa cũng là thứ gây động tĩnh. Đó là âm thanh quả quyết, không ám ảnh, quẩn quanh không dứt như tiếng chuông điện thoại. Nó độc đoán lộng hành, bất chấp tất cả, tôi hành động theo ý tôi, là dòng chảy ngầm mạnh nhất của con sông phẳng lặng, là hướng chảy của dòng chính, thậm chí còn mang tính đầu nguồn. Chúng ta không cần thiết phải tìm hiểu xem ai bấm chuông cửa, họ là người có quyền thế và có cam kết. Hai loại tiếng chuông ấy vẫn dạo bước trong chung cư Alice, giống như chủ nhân dạo bước, có thể đến bất cứ ngóc ngách nào. Alice như hoa, như gấm vóc, như mộng, như mơ, tưởng đâu được nâng trên tiếng chuông, nổi trôi trên tiếng chuông, là những hạt trai được xâu thành chuỗi.
Alice cũng có lúc náo nhiệt, tiếng chuông là viên quan dọn đường. Náo nhiệt của Alice được che đậy bằng những tấm rèm cửa dày, nhưng thực tế cũng không che đậy nổi những gì vào ra, khiến người khác phải loá mắt, không thể quên nổi. Đó là lễ hội của Alice, hội này không theo lịch mà do mình định đoạt. Lễ hội này có khi kéo dài cả mấy tháng, có lúc chỉ một đêm đẹp, phải tích góp tiếng cười và náo nhiệt của ngày thường để dùng cho những dịp hội hè. Nước mắt cũng được gom góp để chảy trong ngày hội. Những chị giúp việc ngày thường rỗi rãi, đến ngày ấy một người không đủ, phải đặt món ăn và mời bếp của nhà hàng Yến Vân. Đúng là ngày vui tràn ngập, đèn lồng đỏ được treo cao, những cây nến đỏ sẽ được thắp sáng. áo mới ngày Tết được đưa ra mặc, chăn uyên ương được nắn nót từng mũi chỉ đường kim. Náo nhiệt ở Alice là một ngày của bạn, một ngày của tôi, một ngày của nàng, cộng lại đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày trong năm. Náo nhiệt của Alice bạn một lần, tôi một lần, nàng một lần, nghĩa là không dứt, là hình thái của năm tháng, cảnh sắc đẹp trong năm của nhiều người hợp lại. Bách Lạc Môn chếch bên kia cũng náo nhiệt, cũng ào ạt đến; náo nhiệt của Alice được bọc trong tim, náo nhiệt của Bách Lạc Môn hiện lên nét mặt, không biết đường phố tối tăm, ngõ nhỏ chật chội ở phía sau là thế nào; náo nhiệt ở Alice tuy không nhiều, nhưng tâm khẩu là một, trong ngoài như nhất. Náo nhiệt ở Bách Lạc Môn là nước chảy, chảy đi rồi không trở lại; náo nhiệt của Alice ở trên bờ sông, chờ người đến. Ca múa ở Bách Lạc Môn đêm nào cũng thâu đêm suốt sáng, kỳ thực là phô trương thanh thế, sáng không biết có chiều; Alice là viên trợ tim, lần lượt sáng tối, thứ tự trước sau.
Thành phố này không biết có bao nhiêu chung cư như Alice, chúng là chốn đào nguyên đời thường, nguồn sống của chung cư thường được giấu kín, có bao nhiêu không ai biết. Chúng ta không thể đoán biết đằng sau bức tường xi-măng xám xịt kia có một thế giới đẹp đến nhường nào. Thế giới ấy được khảm khắc linh tinh vào nhiều góc của thành phố, nhìn tổng thể, như tổ kiến, vách mỏng mảnh dễ vỡ như vỏ trứng; cái đẹp ấy giống như đom đóm, tuổi thọ chỉ một ngày một đêm, chỉ một chấm sáng, tất cả những thứ đó đủ là ma quái của tự do, tận mọi sức lực để chiếu rọi. ở thành phố này còn rất nhiều xương tàn của ma quái tự do, chúng làm phân bón cho dây tầm xuân, mọi loại dây tầm xuân đều là câu đối viếng thương những người con gái ấy. Những chung cư như thế là nơi gửi gấm những khoái lạc lớn nhất của đời người con gái, lấy buồn tẻ làm nguồn nuôi dưỡng. ý nguyện làm người con gái đều thực hiện trong những chung cư như kiểu Alice. ý nguyện ấy thoạt nhìn không có gì hấp dẫn lắm, vụn vặt, đều là những mảnh thừa của những lý tưởng lớn, chúa tể vận mệnh, thậm chí không đáng là mảnh vụn của mảnh thừa, nhưng lại chứa đựng tâm huyết, là ước mong suốt đời. Chung cư như Alice kỳ thực là huyệt mộ của những ý nguyện kia, nó giam hãm những ý nguyện kia để độc hưởng. Chúng đến vì tự do, mà đây là tận cùng của tự do. Đây là ngục tù của trái tim cam chịu và tự nguyện, tự mình giam hãm mình. Dây tầm xuân là chút khát vọng còn sót lại, là tự do lọt qua kẽ tường. Cho nên, Alice còn là hy sinh, là lễ vật dâng cho nữ thần tự do, cũng là dâng cho mình, đó là Alice.
Chung cư như thế còn có một cái tên khác là “Chung cư Hoa giao tế”. Chỉ có thành phố này “Hoa giao tế” mới có đất sống, nó ở khoảng giữa gái chính chuyên và đĩ điếm, cũng ở khoảng giữa thê và thiếp, kỳ thật nó không bị câu thúc về hình thức, không trọng danh chỉ trọng thực. Nó cũng có tự do lớn nhất, là nguồn sống phù du trên đám bèo nước của thành phố, chung cư như mái lều trú mưa, cầu xin no ấm. Các cô gái thêu vẽ thành lều hoa. Các cô ở đấy đều đẹp, dáng vẻ đài các, đẹp và đài các cũng là phong cách riêng, một tiêu chuẩn khác. Họ là con gái triệt để, không làm vợ, không làm mẹ, các cô đẹp lại đẹp thêm, gọi các cô là hoa cũng không quá. Dung nhan như trăng như hoa của các cô là của cải của thành phố này, là niềm kiêu hãnh của chúng ta. Cảm ơn những người đã sinh thành các cô gái này, họ là những người nghĩ đến vẻ đẹp của nhân loại. Trong cuộc sống dài lâu của các cô gái ấy chỉ có một mùa hoa ngắn ngủi, trăm năm chỉ nở một lần. Hoa nở đẹp tuyệt vời! Các cô gái ấy là sứ giả của cái đẹp, cái đẹp này thật vinh quang, vinh quang này là áng mây trôi, là áng mây ngũ sắc bao phủ đất trời. Đất trời không phải của các cô gái ấy, các cô thà làm áng mây trôi, tuy chỉ trong thoáng chốc, cũng là vươn cao, cũng đã có lúc nhìn xuống. Tù binh thì tù binh, ngắn ngủi thì ngắn ngủi, cho dù sau đấy làm dây tầm xuân leo tường.
15 Giã từ Alice
Kỳ Dao vào chung cư Alice từ mùa xuân năm 1948. Đó là năm căng thẳng, ngọn lửa nội chiến đã bùng lên, tương lai mờ mịt. Nhưng Alice vẫn là thế giới triền miên êm dịu, giàu sang. Đó là mùa xuân Kỳ Dao mười chín tuổi an phận, rốt cuộc đã có gia đình riêng. Việc nàng dọn đến đây, chỉ người nhà biết ngoài ra không một ai hay. Trình đến tìm, người nhà bảo cô về Tô Châu thăm bà ngoại; hỏi bao giờ về, trả lời không biết bao giờ. Thậm chí Trình về tận Tô Châu. Tô Châu mùa hoa bạch lan nở, cả thành phố ngào ngạt hương hoa, mỗi ô cửa dưới bóng bạch lan tưởng đâu cũng có bóng Kỳ Dao, kết quả không phải. Ở đó có bán cả những bộ ấm chén trà bằng gỗ chỉ lớn bằng đầu ngón tay, những em gái đang chơi bộ đồ trà ấy đều là Kỳ Dao ngày nhỏ, lớn lên không còn tìm thấy đâu. Những con đường rải đá đều in dấu chân Kỳ Dao, nhưng bóng hình lướt nhanh, không làm sao đuổi kịp. Trình ra đi không hề hay biết, lúc trở về càng không ai hay biết. Đáp chuyến xe đêm trở về Thượng Hải, ngoài kia trời tối như mực. Trình không cầm nổi nước mắt, bản thân anh cũng không rõ vì sao mình buồn đến thế, tưởng không có lý, nhưng vẫn không chống lại nổi nỗi buồn. Từ sau ngày ở Tô Châu về, anh không đến tìm Kỳ Dao nữa, lòng như đã chết hẳn. Anh quên hẳn, không sờ đến máy ảnh. Mỗi sáng tối đi về anh đều phải qua phòng chụp, nhìn mà không thấy, cứ thế đi thẳng vào phòng ngủ hoặc ra khỏi nhà. Tất cả đều không để mắt. Năm ấy anh đã hai mươi chín, vẫn là người cô đơn. Anh không muốn xây dựng gia đình, cũng không nghĩ gì đến sự nghiệp, rất thích chụp ảnh, nhưng đã qua rồi! Anh như người không có tất cả, tất cả mọi suy tính đều tan thành mây khói. Anh đội mũ phớt, tay cầm can đi ngoài phố trông như cảnh châu Âu cổ điển. Nỗi tuyệt vọng một nửa là thật, nửa kia là biểu diễn, biểu diễn cho mình và cũng để cho người xem. Anh biểu diễn cũng muốn cho mọi người hứng thú và hy vọng.
Khi Trình tìm Kỳ Dao thì cũng có người tìm Trình, đó là Lệ Lợi. Lệ Lợi tìm Trình trong tâm trạng giày vò, nhưng cô thì không chịu thua. Đầu tiên cô đến sở Tây nơi anh làm việc, ở đấy người ta bảo lâu lắm rồi không thấy Trình đến làm, nghe đâu sang làm cho một sở khác. Lệ Lợi đến nơi mới, ở đấy người ta nói chưa bao giờ nghe thấy cái tên Trình, Lệ Lợi lại trở về nơi làm cũ của anh để hỏi thăm. Thấy một cô gái hai lần đến tìm Trình, lại tỏ ra bức thiết, mọi người cố giấu không nói, sợ có gì phiền phức cho Trình chăng, mà mình cũng liên lụy. Đến lúc này Lệ Lợi mới đi tìm Kỳ Dao, tuy biết thế là không hợp tình hợp lý, Lệ Lợi bất cần. Thế nhưng, Kỳ Dao cũng không gặp. Lệ Lợi nghĩ, hay là hai người kia có một nơi nào rồi, nhưng nghĩ lại thì không thể, chưa có tin Trình lấy vợ, mà về phía Kỳ Dao cũng không thấy nói. Cuối cùng, Lệ Lợi tìm gặp Bội Trân, theo con đường của ông đạo diễn để tìm địa chỉ của Trình. Đến tìm Bội Trân, cả hai đều tránh không nhắc gì đến Kỳ Dao, nhưng trong lòng cùng nghĩ về Kỳ Dao. Các cô đều là bạn học nhiều năm, nhưng rất ít tiếp xúc, bây giờ, do Kỳ Dao mà hai người tìm đến nhau. Kỳ Dao là vết thương lòng của cả hai. Không gì có thể ngăn nổi nỗi bức xúc của Lệ Lợi phải tìm bằng được Trình, và cuối cùng đã có địa chỉ. Lệ Lợi đến nhà Trình.
Thang máy đưa Lệ Lợi lên tầng cao nhất. Cửa nhà Trình đóng, ấn chuông không ai trả lời. Trình chưa về, Lệ Lợi đứng chờ ở cửa. Cửa sổ cầu thang trông ra sông Hoàng Phố, đã gần tối. Mặt sông màu đỏ sẫm, tiếng còi tàu vọng lại. Lệ Lợi đứng dựa vào lan can cầu thang, lòng mờ mịt không phương hướng. Bao giờ Trình về? Đã bao lâu rồi Lệ Lợi không gặp anh? Lần gặp cuối cùng trong khung cảnh nào nhỉ? Còn lần gặp đầu tiên thì thế nào? Những suy tư lại nổi lên, trăm mối đan cài vào nhau! Mây đỏ phía chân trời hoàng hôn, từng đám từng đám thẫm lại rồi chuyển sang màu đen, bồ câu bay lượn, từng chấm từng chấm, không rõ chim đang bay về đâu. Đèn hành lang đã bật sáng, Trình vẫn chưa về. Lệ Lợi đứng chờ đã mỏi chân lắm rồi, hơi lạnh, nhưng bụng không thấy đói. Thang máy ở mãi dưới, không chịu lên. Tiếng thang máy lên xuống rất khẽ, nhưng nghe rõ mồn một. Có lúc thang lên xuống dồn dập, đang giờ tan tầm, nhưng vẫn không lên tầng thượng. Lệ Lợi trải tấm khăn tay ngồi chờ ở cầu thang. Cô không tin Trình không về, cũng không tin mình không tìm thấy Trình. Ngoài trời còn rơi rớt chút ánh sáng lẫn trong sương mù. Tầng gác yên tĩnh quá, cửa đóng chặt, không chút hơi ấm tình người. Thỉnh thoảng có tiếng nhà ai mở cửa, vọng ra tiếng người và mùi thơm của bữa cơm chiều, tưởng như tìm lại được niềm tin vào cuộc sống. Lệ Lợi cảm thấy hơi lạnh của phiến đá đang ngồi lên, hai tay khoanh lại, thu mình, cố quên thời gian. Thế rồi có tiếng thang máy thẳng một mạch lên tầng thượng. Trình bước ra khỏi thang, Lệ Lợi tưởng chừng không còn nhận ra anh, mà cũng không tin ở mắt mình nữa. Anh vốn đã gầy, lúc này như chỉ còn lại bộ xương, còn lại cái giá treo mũ áo. Lệ Lợi không hỏi Trình tiều tụy vì ai, chỉ thấy sống mũi cay nồng. Lệ Lợi gọi “anh Trình” thế rồi nước mắt trào ra. Trình bối rối, hồi lâu vẫn chưa định thần, dần dà anh mới hiểu và nhận ra người đang đứng trước mặt đây. Bất giác chuyện cũ lại hiện về.
Trình và Lệ Lợi gặp lại sau lần chia tay, hai người đều có chuyện buồn, gặp lại càng trở nên thân thiết. Tuy không yêu nhau, nhưng là hai người quen biết trong biển người, là người cũ chuyện xưa. Hai người gặp nhau nối lại câu chuyện bỏ dở, mỗi người là một đoạn, là những mảnh vỡ. Bởi thế cả hai cùng thương cảm ngậm ngùi, buồn vui lẫn lộn. Trình mở cửa, bật đèn, đưa Lệ Lợi vào nhà. Lần đầu tiên Lệ Lợi đến đây, tỏ ra hết sức kinh ngạc. Phòng chụp hoang vu, nhưng là một thế giới khác. Lệ Lợi sờ cái này, mó cái kia, tay dính đầy bụi. Trình đứng nhìn, gợi lại những chuyện cũ, anh đi đến bỏ tấm vải che đèn chụp, bụi rơi như mưa rào. Anh nói:
- Lệ Lợi, em ngồi xuống, anh chụp cho em một kiểu ảnh nhé!
Lệ Lợi ngồi xuống, xường xám dính đầy bụi. Đèn bật sáng, Trình giật mình, tưởng đâu Kỳ Dao đang ở trước mặt, anh định thần lại mới hay đấy là Lệ Lợi. Cô ngồi, hai tay để trên đầu gối, vẻ mặt căng thẳng và hạnh phúc. Toàn thân Lệ Lợi đang được bao trùm bởi ánh mắt Trình, không dám cử động, không dám cười. Lệ Lợi hy vọng phút giây này sẽ là vĩnh viễn. Thế nhưng, cửa sáng của máy ảnh trong tay Trình vang lên, đèn tắt. Lệ Lợi vẫn ngẩn ngơ, nhưng Trình đang nói chuyện với Lệ Lợi, hỏi có gặp Kỳ Dao đâu không. Trái tim Lệ Lợi đang ấm nóng chợt buốt giá, cô nói với giọng khô khan:
- Anh Trình, em chưa ăn cơm tối!
Trình ngơ ngác, không hiểu việc Lệ Lợi ăn cơm hay chưa liệu mình có trách nhiệm gì. Lệ Lợi lại nói:
- Em đến đây từ chiều, chờ anh ...
Trình cúi đầu ngượng ngùng, trông như đứa trẻ đã lớn. Lệ Lợi lại nói với giọng dịu dàng:
- Anh Trình, đưa em đi ăn tối được không?
Trình trả lời được và hai người kẻ trước người sau đi xuống.
Ra khỏi nhà, đèn và sao rực rỡ mặt sông, xe và người cuồn cuộn sôi động, lòng người cũng đang sục sôi. Trình phấn khởi nói:
- Anh sẽ đưa em đến một nơi thật thú vị.
- Anh đưa em đi đâu em cũng sẵn sàng theo anh. Lệ Lợi nói.
Trình đi trước, bước đi nhanh nhẹn, Lệ Lợi theo sau chừng như phải chạy mới kịp. Chợt Trình đi chậm lại, như vừa nghĩ ra điều gì. Lệ Lợi hỏi nhưng anh không nói. Cứ như thế hai người đến một nhà hàng ăn nhỏ. Theo một cầu thang hẹp, hai người lên gác hai của một nhà làm sát mặt phố, không giống nhà hàng ăn. Hai người đến ngồi vào bàn kê gần cửa sổ vừa dọn xong. Phía dưới là đường phố đông vui ồn ào, ánh đèn trước hàng hoa quả và khói của hàng mỳ vằn thắn hoà trộn như đập vào mắt. Trình không hỏi Lệ Lợi ăn gì, anh gọi mấy món như chân vịt hầm, miến, rồi anh thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Dừng lại giây lát, anh nói:
- Đã có lần Kỳ Dao ăn cơm ở đây, chợt đòi ăn quýt, đã dùng một sợi giây buộc khăn tay và tiền thả xuống để chủ hàng quýt bán và kéo lên.
Lâu lắm Trình không nhắc gì đến Kỳ Dao, là để lẩn tránh và cũng để tự trừng phạt, nỗi đau chồng lên nỗi đau. Lần này gặp Lệ Lợi bất giác anh lại nhắc đến Kỳ Dao, đã nhắc đến rồi không thể nào thôi. Trình không nghĩ đến tình cảm của Tưởng Lệ Lợi, thậm chí anh còn tỏ ra tuỳ tiện, anh hiểu bất luận mình nói gì đi nữa thì Lệ Lợi chỉ biết nghe mà thôi.
Tuy Lệ Lợi biết chuyện Trình và Kỳ Dao trước đây, nhưng đây là lần đâu tiên nghe Trình nói về Kỳ Dao. Lệ Lợi rất giận, bức xúc, và uất ức, cô gục đầu xuống bàn khóc. Lúc này Trình mới thôi không nói nữa, nhìn Lệ Lợi nhưng vẫn chưa biết mình sai ở đâu, không một lời khuyên bảo, dỗ dành. Lệ Lợi khóc một hồi rồi bỏ kính xuống lau nước mắt, cười gượng và nói:
- Anh Trình, em chờ anh bao nhiêu lâu, lẽ nào chỉ để nghe anh nói về Kỳ Dao?
Trình cúi đầu, nhìn đăm đắm vào rãnh trên mặt bàn. Lệ Lợi lại nói:
- Lẽ nào anh không có chuyện gì khác ngoài chuyện Kỳ Dao hay sao?
Trình cười ngượng. Lệ Lợi quay nhìn ra ngoài cửa sổ. Trên quầy hoa quả bày bán không phải là quýt mà là dưa vàng, màu sắc thật đẹp. Giận đấy, nhưng cũng giống như Kỳ Dao, cô định mua một quả dưa, lại cảm thấy giẫm lên vết chân người khác chẳng hay ho gì. Thức ăn trên bàn cũng là thứ Kỳ Dao thích, con người kia đã bị Kỳ Dao bắt mất hồn. Dù sao đi nữa thì Kỳ Dao không còn tung tích, có gọi trăm lần thì cũng chẳng ai trả lời, hay là người còn sợ bóng? Lệ Lợi đã vui lên, châm chọc một câu:
- Anh Trình vẫn nhớ Kỳ Dao, nhưng Kỳ Dao thì chẳng nhớ anh, chỉ phí hoài lòng anh thôi nhỉ!
Câu nói chạm vào chỗ đau của Trình, thế nhưng anh vẫn là người con trai, nước mắt không rơi mà chỉ cúi đầu nhìn mặt bàn. Lệ Lợi cảm thấy đau lòng, đổi giọng:
- Thật ra em cũng đang tìm Kỳ Dao, nhưng chẳng có tin tức gì, người nhà Kỳ Dao kín miệng lắm, không thể tìm đâu ra manh mối.
Trình ngước lên, giọng nói xót thương:
- Em đi tìm một lần nữa xem sao? Hỏi nhiều có thể biết đấy, em là bạn thân của Kỳ Dao mà!
Lệ Lợi nghe nói đến “bạn thân” mà bực lên, nói to:
- Bạn đáng giá mấy đồng xu? Bây giờ thì em không còn tin lời bạn nữa, tất cả đều lừa dối, càng thân càng bị lừa đau!
Câu nói trúng vào chỗ hiểm khiến Trình im lặng, chỉ ngồi nghe. Lệ Lợi hết giận, bình tĩnh trở lại, cô ngừng giây lát rồi nói tiếp:
- Em chẳng ngại đi hỏi, nhưng thật kỳ dị, người nhà Kỳ Dao cứ bí mật, sợ nói ra làm người khác phải sợ hãi.
Nghe Lệ Lợi nói thế Trình thôi, không dám nhờ nữa.
Thật ra, Kỳ Dao đến ở căn hộ ông Lý thuê trong chung cư Alice phải được coi là chuyện lớn ở Thượng Hải, nhưng lúc này, có thể coi là chuyện bình thường trong thời loạn. Chẳng qua Trình là người thuộc tầng lớp khác, lại nản chí, thế là trở nên ngăn cách. Còn Lệ Lợi, bởi đi tìm Trình, nên bất kể chuyện gì cũng bỏ mặc không tính đến. Cho đến lúc bình tĩnh lại, chú ý một chút, không cần hỏi, rồi cũng sẽ biết tin. Nguồn tin không phải của ai xa lạ, của bà mẹ Lệ Lợi. Bà nói:
- Cái cô bạn học của con, đến ở nhà ta một thời gian ấy, đã đi làm con gái chung cư rồi! Nghe đâu là người của ông Lý!
Lệ Lợi hỏi ông Lý nào thì bà mẹ cũng không biết ông Lý là ai, chẳng qua chỉ là vẹt học nói, nghe đâu là một ông lớn, nhiều người biết tiếng. Lệ Lợi nghĩ bụng không hiểu vì sao Kỳ Dao lại đi theo con đường ấy, lại nghĩ người nhà Kỳ Dao ấp a ấp úng, ắt chuyện đúng thế. Bà mẹ nói:
- Ngữ con gái ấy không thấy thế gian thì thôi, hễ thấy chỉ có đi theo con đường ấy, chẳng khác được!
Câu nói mang nặng thành kiến, có phần nhỏ nhen, nhưng cũng có lý. Song Lệ Lợi không nghe, khoát tay bỏ đi.
Kỳ Dao đã làm tổn thương tình cảm Lệ Lợi, Lệ Lợi những mong bạn trở về và sẵn sàng nhường Trình. Nhưng tin ấy làm Lệ Lợi buồn, vẫn không muốn tin. Lệ Lợi nghĩ: Kỳ Dao được học hành tử tế, ngày thường vẫn tỏ ra biết suy nghĩ, tại sao lại đi theo con đường tự hủy diệt ấy? Thế rồi Lệ Lợi đi điều tra xem thực hư ra sao. Và sự việc ngày càng rõ. Không còn nghi ngờ gì, rõ cả chỗ ở của Kỳ Dao. Lệ Lợi vẫn chưa tin, nghĩ bụng: trăm nghe không bằng một thấy, mình phải đến tận nơi, gặp được Kỳ Dao thì mới gọi là thật, mà Trình cũng mới thật tin. Lúc này Lệ Lợi nghĩ đến Trình. Việc này Trình nhờ, bây giờ thành việc của chính mình. Trình sẽ buồn đến mức nào? ý nghĩ ấy làm Lệ Lợi đau lòng. Lệ Lợi ngơ ngẩn nghĩ hồi lâu, cảm thấy mình thật đáng thương. Từ bé đến giờ, Lệ Lợi quen được người khác giúp, chỉ có hai người mới làm ngược lại, Lệ Lợi giúp hai người nhiều việc, đó là Kỳ Dao và Trình. Chỉ vì hai người ấy mà chẳng nghĩ gì đến mình, mình có cũng được, không cũng xong.
Lệ Lợi đã từng nghe nói đến chung cư Alice, nhưng chưa bao giờ đến đấy, cứ nghĩ đó là một thế giới lạ kỳ, đến đấy như đi thám hiểm, không rõ sẽ gặp chuyện gì. Thêm vào đó, là một buổi chiều u ám, mây đen phủ chụp bầu trời, lòng trĩu nặng. Lệ Lợi ngồi xích lô mà cảm thấy ánh mắt khác lạ của người đạp xe. Xe đi qua Bách Lạc Môn đã nhận ra bầu không khí dị thường. Xe dừng trước ngõ, Lệ Lợi trả tiền xe rồi bước vào cửa sắt, sau lưng vẫn là những ánh mắt nhìn theo. Ngõ yên ắng, cửa đóng chặt, cửa sổ kín rèm, có lá rèm thêu những nụ hoa xuân, phảng phất không khí thơ ngây nơi thôn dã. Lệ Lợi tưởng đâu nhận ra hơi hướng Kỳ Dao, cô nghĩ: Kỳ Dao đúng là ở đây rồi! Lệ Lợi rụt rè ấn chuông, không rõ mong đợi hay sợ hãi, nghĩ người ra mở cửa sẽ là Kỳ Dao. Trời như sắp đổ cơn nước, âm u không còn gì âm u hơn. Cửa hé mở, một khuôn mặt ló ra, không nhìn rõ, giọng Triết Giang, hỏi tìm ai. Lệ Lợi nói tìm Kỳ Dao, bạn học, tên Lệ Lợi. Cửa khép lại, chỉ giây lát lại mở ra để Lệ Lợi vào. Phòng khách tối om, sàn gỗ đánh xi ánh lên màu nâu, cửa phòng phía đầu kia mở, có ánh đèn, Kỳ Dao đứng trong ánh đèn, mặc váy ngủ dài sát đất, tóc buông xoã, lượn sóng, người như cao lớn hơn. Hai người đều quay lưng về phía ánh sáng, không ai nhìn rõ mặt ai, chỉ nhìn thấy bóng phía sau, như quen như lạ. Kỳ Dao nói:
- Lệ Lợi đấy à!
- Kỳ Dao!
Hai người cùng bước đến với nhau, cùng đến trước sofa kê ở giữa phòng khách. Lúc này, chị giúp việc người Triết Giang bưng nước lên, hai người ngồi xuống. Kỳ Dao lại nói:
- Lệ Lợi, mẹ vẫn khoẻ đấy chứ? Còn cậu em?
Lệ Lợi trả lời rành mạch. ánh sáng lọt qua tấm rèm cửa dày, yếu ớt chiều lên khuôn mặt Kỳ Dao. Kỳ Dao có phần béo hơn trước, sắc mặt cũng hồng hào hơn, tấm váy màu hồng thêu một bông hoa lớn dưới gấu, vải bọc sofa và chao đèn cũng có những bông hoa lớn. Trước mắt Lệ Lợi hiện lên những bông hoa nhỏ trên áo Kỳ Dao trước đây, nghĩ bông hoa kia đang đàng hoàng cùng chủ nhân.
Hai người ngồi đối diện, chốc chốc lại im lặng. Bởi người và vật không còn như xưa, ngay cả chuyện cũ cũng khó nhắc lại, thậm chí đã quên. Lặng đi trong giây lát, Lệ Lợi nói:
- Anh Trình bảo mình đến thăm Kỳ Dao.
Kỳ Dao cười nhạt, nói:
- Anh Trình đang bận gì? Vẫn suốt ngày chụp, tráng phim, in ảnh chứ? Phòng chụp của anh ấy có thêm gì mới không? Mình còn nhớ, phòng chụp của anh Trình có mấy ngọn đèn cháy bóng, chuẩn bị thay.
Lệ Lợi nói:
- Lâu lắm rồi anh ấy không sờ mó gì đến những thứ ấy nữa, đừng nói gì đến đèn chụp, ngay đèn trong phòng cũng sắp hỏng.
Kỳ Dao lại cười, nói với Lệ Lợi:
- Anh Trình ấy à, cứ như đứa trẻ khó bảo! Thế rồi Kỳ Dao nói - Còn đằng ấy, bao giờ thì đội mũ tiến sĩ? Lúc ấy cũng trở thành trẻ con. - Kỳ Dao sôi nổi hẳn lên, nói tiếp - Có viết thêm được bài thơ nào nữa không?
Lệ Lợi sa sầm nét mặt, nghĩ Kỳ Dao đã xúc phạm mình, nhưng lại không biết đập lại bằng cách nào, bèn hỏi lại:
- Còn đằng ấy, vẫn khoẻ chứ?
Kỳ Dao khẽ hất hàm, nói:
- Vẫn khoẻ! - Vẻ mặt ngang tàng cứng cỏi, xưa kia không hề có. Kỳ Dao nói tiếp - Mình biết đằng ấy đang nghĩ gì, biết mẹ đằng ấy đang nghĩ gì, nhất định bà lấy mình so sánh với gia đình ông bố đằng ấy ở Trùng Khánh. Lệ Lợi, đừng trách mình nói những điều ấy, nếu mình không nói ra những điều ấy thì chúng mình không còn gì để nói với nhau, ở địa vị đằng ấy thật khó nói, thôi thì nể mặt mình một chút, để cho mình nói.
Mặt Lệ Lợi đỏ lên, tưởng như không nơi ẩn náu, trong lòng thầm thừa nhận Kỳ Dao thật thông minh, nhạy cảm, chỉ một mũi kim có thể thấy máu chảy. Tiếp theo, Kỳ Dao nói:
- Rất xin lỗi, mình đã đưa ra ví dụ ấy, nhưng còn biết ví dụ thế nào nhỉ? Mẹ đằng ấy làm người ngoài bề mặt, làm người để người khác nhìn vào, cái gọi là “thể diện” đại khái là thế! Nhưng người ở Trùng Khánh làm người bên trong cốt lõi, không dám nhìn mặt ai, là thực dụng. Mẹ đằng ấy và người ở Trùng Khánh mỗi người một nửa bầu trời, không ai nhiều, không ai ít; còn như nửa nào thì không thể muốn là được, âu cũng là số phận.
Lúc này mặt Lệ Lợi không đỏ, tim cũng không đập mạnh nữa. Tuy Kỳ Dao lấy bố mẹ Lệ Lợi ra làm ví dụ, nhưng lại như lên lớp, tất cả đều là đạo lý làm người. Đạo lý này không phải như trong tiểu thuyết được tô vẽ mộng mơ, mà thẳng thắn, chân thực gấp nhiều lần. Kỳ Dao như nói chuyện của người khác, không chút động lòng:
- Tất nhiên, nếu được cả bề mặt và bên trong thì tốt, có nghĩa là trọn vẹn, nhưng mỗi người đều có số, nếu đã gọi là số thì trong hay ngoài đều chỉ có thể tàm tạm, tốt nhất là bỏ đi một bên, trọn vẹn với một bên, nghĩa là trọn vẹn trong cái không trọn vẹn; hơn nữa, người xưa vẫn nói trăng tròn rồi khuyết, nước đầy rồi lại vơi! Khuyết một bên, biết đâu bên kia lại vững chắc, an toàn hơn!
Lệ Lợi nghe Kỳ Dao nói, nghĩ bụng: vừa rồi Kỳ Dao coi mình như trẻ con không có gì là quá đáng. Đạo lý ấy có thể so sánh với mẹ.
Kỳ Dao nói được điều ấy ra thì các điều khác cũng dễ nói. Đó là điều cấm kỵ lớn nhất, nói ra rồi vẫn chỉ là thế, huống hồ chuyện râu ria chi tiết. Hai người trở nên thoải mái, Lệ Lợi hỏi về ông Lý, Kỳ Dao cũng không giấu giếm gì, lại còn kể thêm những chuyện khác rồi đưa Lệ Lợi đi xem các phòng. Khi vào phòng ngủ Kỳ Dao đi trước, nhặt nhạnh những thứ trên giường cho hết vào tủ, mặt ửng đỏ, khiến Lệ Lợi nghĩ Kỳ Dao không còn là con gái nữa, giữa hai người có giải phân cách, như đứng hai bờ sông nhìn nhau. Hai người đi xem các phòng xong, Kỳ Dao bảo chị giúp việc đi mua bánh cua, vừa ăn vừa kể cho Lệ Lợi nghe chuyện láng giềng, rất nhiều điều đồn đại ở Thượng Hải đều được chứng minh tại đây và cũng được đính chính một cách chi tiết. Lúc này trời sáng lên một chút. Hai người như trở về những ngày qua, không nói chuyện hiềm khích thù ghét mà nói những chuyện tốt đẹp. Hai người không nhắc đến Trình, tưởng đâu như không có con người ấy, nhưng lại nói nhiều về ông Lý. Kỳ Dao lấy bộ tẩu thuốc của ông Lý cho Lệ Lợi xem, những cái tẩu lớn bé khác nhau, được để trong một cái hộp kim loại. Kỳ Dao lấy ra một cái ngậm vào miệng vờ hút thuốc, trông rất trẻ con. Lệ Lợi đứng dậy cáo từ, Kỳ Dao không cho, nhất định giữ Lệ Lợi lại ăn cơm, rồi quay sang dặn chị giúp việc một vài điều. Cả chủ và tớ đều phấn khởi, bởi Lệ Lợi là khách đầu tiên đến đây. Cơm tối xong, Kỳ Dao nói với Lệ Lợi một câu rất cảm động:
- Mình ăn cơm mãi ở nhà đằng ấy, hôm nay mới mời đằng ấy ăn một bữa ở nhà mình!
Câu nói làm Lệ Lợi xúc động, lần đầu tiên hiểu được nỗi lòng Kỳ Dao khi đến ở nhà mình, đó là điều Lệ Lợi chưa bao giờ nghĩ tới. Ngoài trời đã tối hẳn, đèn ở phòng khách sáng trưng, máy hát đang chạy đĩa hát của Mai Lan Phương(7), tiếng rè không nghe rõ, như hát lại như khóc. Ly cốc im lặng dưới ánh đèn, thức ăn ngon, rượu bình gốm ấm áp, những sợi khói nhẹ bay ...
Lệ Lợi không biết nói với Trình thế nào, cô nghĩ thay cho Trình, sợ Trình không chịu nổi đòn đau này. Lệ Lợi cũng nghĩ cho mình, nếu như Trình thực sự sụp đổ, cõi lòng anh nát tan thì mình hy vọng gì? Lúc này Lệ Lợi thương Trình cũng đồng thời thương cho cả mình, thương cho hai người đều bị động, không còn làm chủ được bản thân. Lệ Lợi quyết định nói tất cả với Trình, hẹn gặp anh trong công viên. Từ xa Lệ Lợi đã trông thấy bóng Trình với dáng vẻ cô đơn. Lệ Lợi nghĩ mình sẽ có lỗi khi đưa đến cho anh những chuyện như thế. Cô chưa kịp xuống xe thì Trình đã chạy đến đón rồi hai người cùng vào công viên. Cả hai cùng lặng lẽ bước đi trong công viên, Trình muốn hỏi nhưng không dám hỏi, Lệ Lợi muốn nói mà chẳng dám nói. Hai người đến bên bờ hồ, thuê một chiếc thuyền, người ngồi trước người ngồi sau, chèo ra giữa hồ. Tuy mặt đối mặt nhưng vẫn có Kỳ Dao ở giữa, giành hết mọi sự chú ý. Chèo một lúc, Lệ Lợi nói:
- Anh Trình còn nhớ không nhỉ, lần trước ba chúng mình cùng đi bơi thuyền...
Lệ Lợi vào đề như thế để Trình có sự chuẩn bị. Trình cảm thấy phía trước như đang có cạm bẫy gì đó, bất giác đỏ mặt, lảng tránh câu chuyện, bảo Lệ Lợi đưa đi xem cây liễu bên hồ đẹp như tranh vẽ. Giá như lúc khác sẽ đúng với tâm tư Lệ Lợi, nhưng hôm nay lại có việc khác. Lệ Lợi không đáp lại yêu cầu của Trình, chỉ ngước lên, nói:
- Mẹ em bảo từ ngày Kỳ Dao không đến cũng chẳng thấy anh đến chơi!
Trình cười gượng, định nói sang chuyện khác nhưng lại không có chuyện gì để nói, đành cúi xuống nhìn mặt nước. Tuy Lệ Lợi không nỡ, nhưng đau lâu không bằng cố chịu đựng trong chốc lát, thế là cô đưa hết dũng khí ra nói:
- Mẹ em nói cho em nghe những chuyện đồn đại về Kỳ Dao...
Trình tái mặt, chỉ một chút nữa là buông tay chèo, nói:
- ở Thượng Hải này thiếu gì chuyện đồn đại, khó tin lắm!
Lệ Lợi bị Trình gạt đi, vừa bực vừa buồn cười, chế giễu:
- Em chưa nói thì anh đã không tin!
Mắt Trình chớp chớp sau lớp kính, quên cả chèo thuyền, con thuyền tròng trành. Lệ Lợi khó nói, nhưng đã nói đến đây rồi, không nói tiếp sẽ không còn dịp nào để nói nữa, thế là với giọng bình thản, Lệ Lợi nói hết những điều mắt thấy tai nghe cho Trình. Trình khua mái chèo trong tay, không nói cũng không khóc, trở thành người đang bị giật dây. Anh chèo thuyền vào bờ, ghếch mái chèo lên một mỏm đá, buộc dây giữ thuyền rồi anh lên bờ, không để ý gì đến Lệ Lợi vẫn còn trên thuyền. Tưởng Lệ Lợi vội vã lên được bờ thì Trình đã đi vào một lùm cây, đứng quay mặt vào một gốc cây. Lệ Lợi đến, định trách anh nhưng đã thấy Trình đang khóc.
- Anh Trình!
Lệ Lợi khẽ gọi, không phải anh không trả lời mà không nghe thấy. Lệ Lợi lại giật nhẹ tay áo anh, không phải anh mặc kệ mà là không hay biết. Bất giác Lệ Lợi thở dài, nói:
- Anh buồn, em biết làm sao bây giờ?
Lúc này Trình mới quay lại, nhìn Lệ Lợi, nói với giọng vô cùng thảm thương:
- Chết đi còn hơn!
Tự nhiên nước mắt Lệ Lợi cũng rơi xuống, nghĩ bụng mình không thể chết nổi, lòng đang buồn, không ngờ Trình ôm lấy Lệ Lợi, hai mái đầu gục vào nhau. Không tự chủ, Lệ Lợi cũng ôm lấy Trình, mùi cổ áo anh thoảng nhẹ, rất nhẹ. Hy vọng trỗi dậy trong lòng Lệ Lợi, tuy chỉ là một tia nhỏ nảy sinh từ trong tuyệt vọng của Trình, nhưng cũng là hy vọng.
Từ đấy, Trình không còn nhắc đến Kỳ Dao nữa, Lệ Lợi cũng không nhắc. Hai người tuần nào cũng hẹn gặp nhau, hoặc ăn cơm, hoặc xem phim. Ăn cơm hoặc xem phim đều ở chỗ khác, không phải nơi ba người trước đây đã đến, hoặc những nơi chỉ có Trình và Kỳ Dao đến. Chừng như tránh mặt Kỳ Dao, nhưng càng tránh càng không tránh nổi, mỗi lần gặp nhau hai người lại hồi hộp vô cớ, cứ sợ như làm điều gì sai trái. Kỳ Dao chiếm một khoảng lớn trong hai người, chỉ để lại những kẽ hở nhỏ cho quan hệ của hai người. Tuy nhiên, chỉ là tình cảm trong kẽ hở, nhưng là chân tình, không lừa lọc, giả dối, có là có, không là không. Dĩ nhiên Lệ Lợi không có gì để nói với Trình, ít nhất Trình không có gì ghét bỏ Lệ Lợi, ngược lại còn rất cảm kích. Cảm kích đối với mình, cảm kích đối với Kỳ Dao, là tình cảm anh em bạn hữu. Đều là những tình cảm có tác dụng. Có một thời gian hai người qua lại rất mật thiết, chừng như ngày nào cũng gặp nhau, thậm chí còn cùng xuất hiện trong các buổi tiệc hoặc họp mặt của bàn bè thân thiết, tỏ ra đã yêu nhau, sắp cưới đến nơi rồi. Những ngày đó trong lòng yên tĩnh, không còn những chuyện to tát mà chỉ toan tính chuyện nhỏ nhặt. Trình trở thành khách của nhà Tưởng Lệ Lợi, ngay cả cậu em lành như bụt khi gặp Trình cũng nói đôi ba câu chuyện khách khí. Hôm sinh nhật lần thứ hai mươi của Lệ Lợi, ông bố về, gặp nhau rất trịnh trọng, hai bên đều để lại những ấn tượng tốt đẹp. Tuy Trình chưa cầu hôn, nhưng trong lời ăn tiếng nói anh không còn coi mình là người ngoài. Bà mẹ Lệ Lợi bắt đầu tính đến lễ cưới, tính cả chuyện mặc xường xám gì trong lễ cưới con gái, bà cũng nghĩ lại mình khi đi lấy chồng, thật là vừa vui vừa buồn.
Trong không khí rạo rực như thế thì lòng Lệ Lợi lại giá lạnh. Rõ ràng Trình gần thì Lệ Lợi lại cảm thấy xa. Càng nhận được nhiều tình cảm của Trình thì Lệ Lợi càng cảm thấy chưa đủ. Lệ Lợi được đằng chân lân đằng đầu. Tính Lệ Lợi vẫn vậy, đã được rồi còn muốn được thêm, muốn mình có quyền. Trước kia rộng lượng là do hoàn cảnh bắt buộc, là việc bất đắc dĩ. Trước kia là trước kia, bây giờ khác với trước kia, âu cũng là lẽ thường tình của con người. Nhưng ở Lệ Lợi lại biểu hiện vô cùng cực đoan, lùi đến cùng, tiến cũng tiến đến cùng, không có khoảng giữa. Lúc này thái độ của Lệ Lợi đối với Trình rất nghiêm khắc, hơi một tỵ gì cũng không được, hơn nữa quá coi trọng Kỳ Dao, bất cứ việc gì cũng đều liên tưởng đến Kỳ Dao. Bắt đầu là nghĩ bụng, sau rồi nói ra miệng, đặt ra một khu vực cấm, cũng có đất trống, nhưng rồi tình hình có khác đi. Hôm ấy, hai người trên đường đến Công ty Tiên Thi mua tặng phẩm tặng bạn, đang nói chuyện thì Trình có gì đó như không tập trung tư tưởng, suy nghĩ bị phân tán. Theo ánh mắt của anh, Lệ Lợi trông thấy trước mặt có một chiếc xích lô chất đầy bọc lớn bọc nhỏ, ngồi lọt ở giữa là một cô gái trẻ khoác gi-lê. Thoạt đầu Lệ Lợi chưa trông thấy rõ, nhìn kỹ mới vỡ lẽ, cô im lặng. Lệ Lợi im lặng cũng làm cho Trình bừng tỉnh, hỏi Lệ Lợi tại sao đang nói bỗng im lặng như thế, Lệ Lợi cười nhạt, nói:
- Em cứ tưởng kia là Kỳ Dao, thế là quên mất mình đang nói gì!
Trình không đề phòng, bị Lệ Lợi nói đúng tâm tư, cười cũng dở, bực cũng dở, đành cúi xuống im lặng. Kể từ hôm đi bơi thuyền, đây là lần đầu hai người nhắc đến tên Kỳ Dao, lộ rõ tâm tư của cả hai. Lệ Lợi thấy Trình im lặng cho rằng anh thừa nhận, hoặc không phục mình, cô bực lên, không còn muốn đi mua sắm gì nữa, thế là Lệ Lợi gọi xích lô, lên xe đi về, bỏ Trình lại ở phố. Trình tuy buồn đấy nhưng không biết làm gì hơn, ai bảo không cẩn thận? Trình đến Công ty Tiên Thi mua tặng phẩm, đến cửa hiệu Tài Chi Trai mua kẹo hạt thông cho Lệ Lợi rồi lên xe điện về nhà Lệ Lợi. Đang ngồi ở phòng khách thấy Trình đến, Lệ Lợi bỏ lên gác vào phòng riêng đóng cửa khoá trái lại. Trình không dám gọi to, chỉ khe khẽ gọi, Lệ Lợi vẫn không mở cửa, cho đến lúc anh chịu thua định bỏ đi thì có tiếng lách cách mở khoá. Cửa mở, Lệ Lợi đứng ngay giữa cửa, mắt sưng mọng vì khóc. Trình phải khuyên giải dỗ dành mãi đến gần tối Lệ Lợi mới làm lành trở lại.
Sự việc đã có lần thứ nhất phải có lần thứ hai, dần dần Lệ Lợi nhắc đến Kỳ Dao luôn, mà cứ hơi một tỵ lại nhắc, có lúc nói đúng, nhưng cũng có khi nói không đâu vào đâu, dù có sai thì Trình vẫn nhịn, nhận lỗi về mình. Qua nhiều lần, Trình cũng cảm thấy mông lung, thật sự cho rằng mình không thể không có Kỳ Dao. Lẽ ra Kỳ Dao sẽ mờ dần theo thời gian, đâu có thể chịu đựng được việc cứ nhắc đi nhắc lại như thế, mãi rồi sẽ trở thành điều khắc cốt ghi xương. Trình phải chịu đựng nỗi đau xé lòng, quen dần những ngày vắng Kỳ Dao, tuy không còn cách nào. Bây giờ, Lệ Lợi lại nói với anh về Kỳ Dao mà anh cố quên đi. Tưởng đâu Kỳ Dao đã trở lại, sáng chiều gặp nhau, được tự do nghĩ đến nhau, không còn âm thầm khắc khoải như vừa qua. Anh bắt đầu thích ngồi một mình, những lúc một mình cũng có nghĩa là đang cùng Kỳ Dao. Anh lại trở về với chiếc máy ảnh, nhưng chỉ thích chụp phong cảnh, tĩnh vật, kiến trúc... không có người, có ý để dành chỗ cho nàng. Anh có phần thờ ơ với Lệ Lợi, ít gặp mặt hơn. Bắt đầu, Lệ Lợi giận không hẹn gặp Trình, thi thoảng mới gọi điện thoại hoặc Trình đến cô cũng không quan tâm. Thậm chí từ chối thẳng thừng. Cô có ý buông lỏng để rồi nắm chặt hơn, có ý giận thật. Sau đó, Trình không có tin tức hoặc liên hệ gì, Lệ Lợi thật sự bối rối, bắt đầu gọi điện cho Trình. Trong máy có tiếng Trình, trái tim yên ổn, nhưng lại giận. Tuy gặp mặt, nhưng chia tay không vui, cả hai đều không hứng thú. Mấy bận như thế, Trình tìm cách từ chối khéo những cuộc hẹn của Lệ Lợi. Câu chuyện ở vào trạng thái tồi tệ nhất, mọi sự cố gắng và nghiêm túc của cả hai đều trôi về đông, có cảm giác hoài công vô ích. Lệ Lợi không cam lòng, mà cũng chẳng tin là thế. Những lời từ chối khéo của Trình lại khích lệ Lệ Lợi, khiến cô gọi điện cho Trình hết lần này đến lần khác. Lệ Lợi lùi đến bước tận cùng, trở thành tự ti, dù thế nào cũng phải gặp mặt Trình. Trình thì hơi sợ, tránh mặt Lệ Lợi, “sợ” không phải chỉ sợ riêng Lệ Lợi, mà sợ cả tình yêu trai gái. Trình hai lần yêu đều gặp trắc trở, dâng trọn trái tim, lòng thành và lòng thành không giống nhau, có lúc là yêu, có lúc là tình nghĩa, có dụng công cũng chỉ khổ thân, nhưng rồi được gì? Bởi thế Trình nghi ngờ: có thể hai người cùng vui được không? Anh cho rằng tình yêu trai gái cũng như trồng dưa không được hái dưa, trồng đậu không được hái đậu. Không được có nghĩa là giày vò con người, mà được cũng là điều giày vò con người.
Lệ Lợi gọi điện nhưng không có người nghe, đến nơi làm việc mới của Trình hỏi thăm, người ở đây bảo anh xin phép nghỉ dài ngày để về quê, bao giờ trở lại Thượng Hải cũng không biết. Lệ Lợi lại đến nơi anh ở trên tầng thượng của chung cư cao tầng ngoài bờ sông, định tìm xem anh có nhắn lại gì không. Lệ Lợi có chìa khoá cửa căn hộ này, nhưng ít khi dùng đến bởi Trình thường xuyên đến nhà cô. Thang máy đưa cô lên cao, từ trên cao nhìn xuống đầy vẻ hoang lương, tựa như nơi không người, bụi bay mù mịt trong không gian. Lệ Lợi tra khoá vào ổ, mở cửa. Trong nhà tối om, rèm cửa đều kéo kín, một chút ánh sáng lọt qua kẽ hở, bụi bặm nhảy múa. Cô đứng một lúc cho mắt quen với bóng tối rồi mới đi lại. Sàn nhà phủ một lớp bụi dày, bụi phủ trên máy ảnh, bàn ghế phủ đầy bụi, đèn được đậy bằng những mảnh vải, đây một chiếc kia một chiếc, cũng đầy bụi. Lệ Lợi đi lại giữa hoang vắng, tưởng tượng khi đèn bật sáng. Lòng vô cùng trống trải, chênh vênh, một trái tim rơi vào khoảng trống không đáy. Mấy kệ gỗ dùng làm phông cảnh vẫn nguyên chỗ cũ, toát lên vẻ lạnh lùng. Nhìn chúng mà lòng thêm trống trải. Lệ Lợi vào phòng hoá trang, bật đèn trên mặt bàn, mặt bàn được dọn dẹp gọn gàng, chỉ có bụi. Cô thấy mình trong gương, sinh vật sống duy nhất trên tầng cao của chung cư này, nhưng ruột gan đã rút đi hết, chỉ còn vỏ ngoài. Cô tắt đèn, đi sang buồng tối, buồng tối lại có chút ánh sáng, không biết ánh sáng từ đâu lọt vào. Một cuộn phim cũ vẫn kẹp trên dây phơi, soi trước ánh sáng, phim phong cảnh không người, ảnh bỏ bừa bãi, vẫn là trái tim hoang vắng. Lệ Lợi không xem nữa, đi ra. Vào phòng ngủ của Trình, phòng ngủ chỉ một chiếc giường, một cái tủ áo quần, một giá treo áo mũ, chỉ một chiếc áo gi-lê còn sót lại, đụng vào bụi bay lên. Căn phòng cũng được thu dọn gọn gàng, không một biểu hiện gì khác, như không có điều gì để nói. Chừng như Lệ Lợi nghe được cả tiếng bụi rơi từ trần nhà xuống. Cô hiểu Trình đi lần này không sao gọi lại được nữa, và cô thật sự mất anh!
Lệ Lợi với Trình từ đầu đến cuối đầy trắc trở. Còn Kỳ Dao chỉ có một việc là chờ ông Lý. Ông Lý đưa Kỳ Dao vào ở chung cư Alice, sống chung với nhau chừng nửa tháng. Một con người bận bịu như ông ta một ngày bằng hai, bởi thế cũng có thể coi đó là tuần trăng mật. Sau đó, ông đến đi đều vội vã, có lúc một đêm, có khi chỉ nửa ngày. Kỳ Dao chưa bao giờ hỏi ông ở đâu về, đi đâu, thời cuộc và công việc đều là những chuyện mà Kỳ Dao không hứng thú. Ngay cả việc riêng của ông ta Kỳ Dao cũng không tiện hỏi, có hỏi cũng chẳng để làm gì. Ông Lý rất thích vẻ hồn nhiên không nghe, không hỏi của Kỳ Dao, bên trong có cái tự biết tự hiểu của người phụ nữ, có cả sự đáng thương của người phụ nữ, càng làm ông thêm yêu, khổ nỗi không có cách nào để nói rõ thân phận, không có cách nào để luôn ở bên Kỳ Dao. Trong những ngày này ông Lý như mũi tên đã đặt lên giây cung, như ngàn cân treo sợi tóc, đang đêm cũng phải dậy hoặc đi ra lệnh hoặc đi nhận lệnh, giấc ngủ thì mộng mị hành hạ, giãy giụa kêu thét. Gặp những lúc như thế Kỳ Dao ôm chặt lấy ông, không ngừng vuốt ve cho đến khi ông tỉnh lại, mồ hôi toát ra như tắm, quay sang ôm Kỳ Dao vào lòng, mọi điều căng thẳng được giải toả. Có những đêm ông không ngủ được, một mình nhẹ nhàng dậy ra ngồi ở phòng khách, khe khẽ mở đĩa hát có giọng ca Mai Lan Phương. Trước mặt Kỳ Dao ông Lý cố tỏ ra vững chãi, giấu đi sự mệt mỏi trong lòng, nhưng với giọng ca của Mai Lan Phương thì ông có thể triệt để trút bỏ binh giáp, con người trở nên mềm yếu. Chỉ có giọng ca của Mai Lan Phương trong máy hát mới hiểu nỗi lòng ông, có hiểu cũng không đi nói với ai. Có lúc Kỳ Dao ngủ một mạch đến sáng, nhận ra bên cạnh không có ai, vội vã chạy ra ngoài thì thấy ông Lý ngủ ở sofa, gạt tàn đầy những tàn thuốc, đĩa hát vẫn chạy không.
Mỗi lần ông Lý đi không hẹn ngày về, Kỳ Dao không còn lòng dạ nào, cứ tính từng ngày, lịch cũng không bóc. Ngày tháng từng chuỗi trôi qua, không còn biết ngày hay đêm. Kỳ Dao ăn ngủ cũng chỉ vì một mục đích, ấy là chờ ông Lý. Kỳ Dao quen ông Lý mới biết thế giới này lớn như thế nào, xa là như thế nào, có thể đi hàng mười mấy ngày không về; Kỳ Dao biết ông Lý mới biết thế giới này cách biệt bao xa, tiếng leng keng của tàu điện như từ nơi xa xôi nào vọng lại, tưởng như không liên quan gì; Kỳ Dao chờ đợi ông Lý mới biết thế nào là đoàn tụ, thế nào là ly biệt và cả sự thất thường của đoàn tụ, ly biệt. Có những hôm nàng nghĩ, trời mưa thì ông Lý sẽ về; ngày mưa lại nghĩ, trời nắng ráo ông Lý sẽ về. Kỳ Dao còn chơi trò tung đồng tiền, đồng tiền sấp thì ông Lý về, đồng tiền ngửa thì ông không về; hoặc nhìn nụ hoa trong bình, đoán hoa nở thì ông Lý về. Kỳ Dao không tính ngày tháng mà tính bóng nắng trên tường, bao nhiêu lần từ tường bên nay chuyển sang tường bên kia. Kỳ Dao nghĩ, thời gian chính là bóng nắng! Lại nghĩ, ai bảo thời gian không trông thấy? Rõ ràng nó đang ở trước mặt đấy thôi. Kỳ Dao chờ ông Lý trong cô đơn, cô đơn thêm cô đơn, cô đơn trùm lên cô đơn, trong ngoài đều cô đơn. Nàng không dám về nhà mẹ, sợ ở nhà hỏi này hỏi khác, càng không muốn người nhà đến, cũng chỉ sợ hỏi han này khác, ngay cả điện thoại cũng lười không gọi, cơ hồ như cắt đứt mọi liên lạc. Sau lần ấy, Lệ Lợi còn đến chơi hai lần nữa, cả hai cùng đi xem phim, thế rồi cũng không thấy đâu. Không có ai đến chơi, Kỳ Dao cũng không đi chơi nhà ai. Nàng không đi cũng không để chị giúp việc đi chơi, định cả thời gian cho chị đi chợ mua thức ăn, muốn để chị nếm thử mùi vị cô đơn, kỳ thực đó là cô đơn cộng thêm cô đơn. Bếp núc cũng lạnh tanh, Kỳ Dao gần như không ăn, mỗi ngày nhiều lắm chỉ ăn một bữa, ăn gì cũng không biết. Có lúc nàng cũng nghe Mai Lan Phương hát, cố gắng để nghe được tâm tư của ông Lý, tưởng như hẹn ước cùng ông Lý, càng cố nắm bắt, càng xa hơn. Nàng nghĩ, mình với ông Lý chỉ là duyên số đợi chờ, đợi chờ từ ngày đầu, tiếp theo vẫn đợi chờ, ngày đợi chờ nhiều hơn ngày không đợi chờ, lấy đợi chờ làm chính. Kỳ Dao không biết đấy thôi, mỗi căn phòng trong chung cư Alice đều đầy ắp các màu, các vẻ đợi chờ!
Mỗi lần ông Lý về Kỳ Dao không khỏi rơi nước mắt, tuy không nói, ông Lý cũng hiểu nỗi buồn tủi. Biết nỗi buồn tủi của nàng, nhưng việc đi vẫn phải đi. Ông cảm thấy mình không tự chủ được bản thân mình, tâm tư ấy không phải mới có hôm nay và nơi này, một người và một vật, mà là sự thu nhỏ của bao nhiêu năm tháng sự việc. Không biết từ lúc nào, ông Lý bắt đầu từ “dám” nay trở thành “khó”. Bởi ông “dám” mới bước chân vào vòng thế sự, càng vào sâu càng không lối ra, bây giờ thì nhất cử nhất động đều “khó” rồi. Người đời tưởng rằng ông có quyền, kỳ thực ngay cả với bản thân ông cũng không có quyền 57e0 gì. Ông Lý thương Kỳ Dao cũng là thương cho chính mình, bởi thương hại mình lại càng thương hại Kỳ Dao, không biết phải làm gì cho nàng đây! Càng nghĩ thế, Kỳ Dao càng yêu ông. Sự thể đến nước này, hai người mới thật sự có được tình thương chồng vợ. Tình thương này sản sinh từ trong đợi chờ, là tình thương khổ nhiều vui ít, cũng là tình thương qua loa xong chuyện, có ngày nào hay ngày ấy. Kỳ Dao không hay biết thời cuộc đang rối ren bất ổn, chỉ biết ông Lý đi về thất thường, khiến lòng rối ren bất ổn. Kỳ Dao còn biết thêm, mỗi lần ông Lý về trông vẻ càng tiều tụy hơn, già đi mấy tuổi. Nàng có được một ngày trong hang động, tâm tư ngàn năm ở đời. Kỳ Dao chỉ biết lo lắng mà chẳng giúp gì được. Thế giới của ông Lý là thế giới mây nước bấp bênh, còn Kỳ Dao, mây là mây trôi, nước là nước chảy, ngoài đợi chờ còn biết làm gì? Kỳ Dao chỉ biết trao “đợi chờ” cho ông Lý, còn biết trao gì khác hơn? Ôi, thế giới của ông Lý, Kỳ Dao nhìn cũng chẳng thấy còn nói chi đến. Nàng lắng nghe tiếng ô tô nổ máy trong ngõ, chỉ giây lát đã lặng im.
Một lần ông Lý về, sau một hồi bịn rịn quyến luyến, ông nói nghiêm chỉnh, không được thừa nhận với bất cứ ai về quan hệ với ông, cái nhà này do nàng đứng tên, mỗi lần ông đi về không một ai hay biết, tuy nói rằng ở Thượng Hải nhiều chuyện đồn đại, nhưng đồn đại là đồn đại, cuối cùng chẳng tính được bao nhiêu chuyện. Kỳ Dao gối đầu lên gối nghe ông nói, cảm thấy ông muốn rũ bỏ quan hệ với mình, chỉ cười nhạt mà rằng, biết mình không leo lên được gia đình ông Lý, từ trước tới nay cũng chưa bao giờ mong muốn được làm người nhà của ông, bởi thế chưa bao giờ dám nói với ai, còn như lời dặn dò hôm nay của ông thật ra không cần thiết. Ông Lý biết Kỳ Dao hiểu sai ý ông, nhưng ông không giải thích lại, chỉ cười đau khổ, nói: cứ nghĩ em không biết hẹp hòi, thế mà cũng biết. Kỳ Dao nhận ra điều chua xót trong câu nói của ông, nhìn lại vẻ mặt sầu não của ông, đầu tóc bạc đến một nửa, bất giác cảm thấy hối hận, nàng cười gượng: nói đùa vậy thôi!
Ông Lý ôm lấy Kỳ Dao, chợt xúc động, nói: cuộc đời ông như đi trên tảng băng mỏng, sắp sa xuống vực thẳm, e rằng chẳng giữ được mình, nếu không hệ lụy đến những người như Kỳ Dao là tốt lắm rồi, họ là những người vô tội. Ông nói, mắt rưng rưng lệ. Đó là những lời tâm huyết không dễ gì thổ lộ, bây giờ nói với nàng cũng là nói với chính mình. Kỳ Dao nghe mà giật mình, nghĩ ông nói mỗi lúc một gở, phải cắt ngang, nhưng nghẹn ngào, nước mắt trào ra.
Đêm ấy thật khác thường, bóng tối dày hơn, yên tĩnh hơn, không có tiếng phách rao cháo hoa quế, tiếng hát hò bên Bách Lạc Môn cũng đã tắt. Trong phòng yên tĩnh quá, chỉ có tiếng khóc của chị giúp việc đang trong phòng mình. Tất cả đều đã rõ. Hai người như suốt đêm không chợp mắt. Ban đầu nói chuyện, sau đó nằm suy tư, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ, nhưng đều buồn. Ông Lý nghe thấy tiếng nức nở của Kỳ Dao, nhưng vờ như không nghe thấy gì, không phải ông không muốn khuyên giải, nhưng vì không có lời khuyên, ông nói gì cũng đều không thể đổi lại được, không nói gì lại tốt hơn. Kỳ Dao thấy ông Lý dậy, đi đi lại lại trong phòng khách, cũng vờ như không hay biết, ông Lý là người thân cận với các bậc quyền thế, nếu ông không giải quyết nổi thì còn ai có thể giúp nổi ông. Bởi vậy, đêm ấy là đêm cực kỳ cô độc, có hai người đấy, nhưng chẳng ai an ủi được ai, mỗi người có một khó khăn riêng. Hai người đều có dự cảm, dự cảm của ông Lý thì có bằng cớ, còn dự cảm của Kỳ Dao là một mớ mơ hồ. Nàng mơ hồ thấy có điều gì đang đến, nhưng lại không dám nghĩ nhiều, chỉ nghĩ: trời sáng sẽ tốt thôi mà! Nàng mong cho trời chóng sáng, bất giác thiếp đi, mơ thấy về nhà bà ngoại ở Tô Châu, sắp đi thì tỉnh giấc. Trong nhà tối như mực, chỉ có khuôn mặt ông Lý là rõ, ông đang cúi xuống, đặt cái hộp gỗ đào hoa tâm chạm khắc kiểu Tây Ban Nha bên gối, rồi ông kéo tay nàng, đặt vào lòng bàn tay nàng chiếc chìa khoá, nói ông phải đi, ô tô đang chờ ở cửa. Kỳ Dao bất giác ôm lấy cổ ông khóc to, chưa bao giờ thảm thiết như thế. Nàng như đứa trẻ ngang bướng không cho ông đi, cứ nghĩ ông đi kỳ này không biết bao giờ về, lại bắt nàng đêm đợi ngày chờ, ăn ngủ không yên, tính bóng nắng trên tường qua ngày, muốn bóng trên tường qua nhanh thì nó cứ chậm chạp trôi, khi muốn nó chậm thì lại đi nhanh, không chút hiểu lòng người, cây ngô đồng cũng không hiểu lòng người, gió thu chưa về thì lá vàng đã rụng. Kỳ Dao không biết đã khóc bao lâu, ông Lý gỡ vòng tay nàng, đi rồi vẫn còn nghe tiếng khóc. Đêm ấy qua đi trong nước mắt. Cuối cùng, ánh sáng ban mai chiếu rọi vào phòng, chỉ một chấm sáng cũng đủ để nàng khóc đến lả người.
Lần này Kỳ Dao không ngồi nhà để chờ ông Lý. Nàng ngồi không yên, phải đi ra. Nàng ăn mặc chỉnh tề, gọi một chiếc xích lô, nói nơi cần đến với người đạp xe. Ngồi trên xe Kỳ Dao ngắm phố ngắm phường, phố phường như cách lòng, nàng vẫn đi giữa phố, không chút hứng thú với ngày qua. Giày mũ bày trong tủ kia nói với nàng, thời đại đã tiến thêm một bước, bước tiến ấy không liên quan gì đến nàng, thời đại là thời đại của người khác. Rạp chiếu phim đang chiếu phim mới, tình yêu và niềm vui mới của trai gái, còn nàng là câu chuyện của thời cũ. Những đôi trai gái ngồi đối diện trong quán cà-phê kia cũng là câu chuyện của thời cũ, nàng là người đi tới. ánh nắng xiên qua kẽ lá như những mảnh bạc vỡ chỉ làm chói mắt, còn nữa không có ý nghĩa gì. Nàng nhìn người qua lại trên phố, lòng bất bình nghĩ, người đông đúc thế này tại sao lại không có ông Lý? Nàng bảo bác xích lô dừng lại để xuống. Định mua vài thứ nhưng chẳng biết mua gì. Có lúc tay không trở về, nhưng có lúc lại mua linh tinh đủ các thứ. Ngồi trên xích lô mà lòng để đâu đâu còn khá, bởi vẫn đang đi về phía trước, đi mỗi bước thêm gần, tuy chẳng biết đi đâu. Phố xá hai bên đang lùi lại phía sau, thời gian cũng đang lùi lại, cuối cùng vẫn có chút màu sắc.
Những ngày Kỳ Dao đi chơi phố, trong chung cư có mấy nhà lần lượt dọn đi, để lại phòng không. Kỳ Dao không biết, chỉ biết ở đây càng ngày càng yên tĩnh, yên tĩnh đến trống vắng. Nàng mở đĩa hát Mai Lan Phương, tiếng rất vang, âm thanh ngập nhà, không ngờ có hồi âm, một Mai Lan Phương hô, một Mai Lan Phương ứng, càng trở nên rộng lớn và trống trải. Một lần, Kỳ Dao mở cửa sổ muốn ngắm nhìn trời, nhưng lại trông thấy lan can nhà trên gác đậu đầy chim sẻ, bỗng tim đập mạnh, biết rằng nhà trên ấy đã dọn đi. Nhìn bên phải, nhìn bên trái, lại có mấy hộ cửa sổ đóng kín, không chút động tĩnh, ban công lá rụng đầy, người đã ra đi, vắng vẻ. Alice tàn lụi xác xơ, lòng Kỳ Dao cũng xác xơ tàn lụi. Nàng tự an ủi, chỉ cần ông Lý về thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, nhưng ông Lý bao giờ về? Kỳ Dao đi chơi nhiều hơn, có ngày đi ba lần, sáng đi, chiều đi, tối đi. Nàng trách bác xích lô đi quá chậm, phải đạp thật nhanh, nhanh như gió, đua với ô tô. Kỳ Dao vội vã đi, vội vã về như có việc cần kíp lắm. Xe đi trên đường phố, mắt nàng nhìn bốn phía, tưởng đâu để tìm ông Lý trong đám người đang đi kia. Lòng nàng như lửa đốt, miệng khô. Lần này ông Lý đi, nàng tính ngày, tròn nửa tháng rồi đấy. Nửa tháng này dài như nửa đời người, kiên nhẫn đã đến tận cùng, một phút cũng không chịu thêm được nữa rồi. Hôm ấy, Kỳ Dao vừa ra cửa thì ông Lý về, vẫn vẻ nóng vội, hỏi chị giúp việc Kỳ Dao đi đâu. Chị giúp việc nói đi mua sắm. Lại hỏi đi bao lâu thì về. Chị giúp việc nói không chừng, có thể lâu, có thể mau, lại hỏi ông Lý trưa nay có ăn cơm nhà không. Ông bảo trước buổi trưa ông phải đi rồi, chỉ tranh thủ về một lát. Ông vào buồng ngủ, cửa sổ kín rèm, vẫn còn hơi ấm của nàng, ông vào buồng tắm cạo mặt, vẫn vương hơi hướng nàng, chỗ nào cũng đậm dấu tích nàng, chút nước đọng lại trong chậu rửa mặt, mấy sợi tóc vương trên lược. Ông cạo mặt xong rồi lên ngồi ở phòng khách chờ, nhưng Kỳ Dao vẫn chưa về. Ông ngồi không yên, liền đứng dậy đi đi lại lại, nhìn đồng hồ trên tường. Lần này ông về cũng thật bất ngờ, nhưng nàng không có nhà, bởi không thể không gặp. Chưa bao giờ ông muốn được gặp Kỳ Dao như lần này, khát khao cồn cào. Đến phút cuối cùng Kỳ Dao vẫn chưa về, ông tỏ ra tuyệt vọng. Ông vừa khoác áo ngoài, vừa hy vọng giây cuối cùng nàng sẽ xuất hiện, nhưng vẫn không. Ông ra khỏi chung cư Alice với nỗi lòng buồn đau: bao giờ mới gặp lại nàng?
Chỉ mười phút sau, ông gặp lại Kỳ Dao. Qua cửa sổ phía sau ô tô ông nhìn thấy một chiếc xích lô đang phóng nhanh, tưởng như ngang với ô tô của ông, Vương Kỳ Dao đang ngồi trên đó. Nàng mặc áo khoác ngoài mùa thu, tóc bay bay theo gió, trong tay đang ôm cái ví da cừu, nhìn phía trước, đang căng thẳng tìm kiếm gì đó. Xích lô và ô tô đi với nhau một quãng, thế rồi tụt dần về phía sau. Kỳ Dao cụp mí mắt nhìn xuống. Cuộc gặp gỡ bất ngờ không những không an ủi ông Lý mà còn làm ông đau lòng gấp bội. Đúng là cảnh thời loạn, cũng là cảnh mênh mang đời người. Ông nghĩ, ông với nàng cùng chung số phận, tuy một người biết và một người không biết. Nhưng biết và không biết đều không còn cách nào hơn, đều mặc cho nước chảy bèo trôi. Hai người không ai dựa được vào ai, chỉ mình dựa mình, hai linh hồn cô đơn. Lúc này họ như hai ngọn lá mùa thu đang bị gió cuốn, ngẫu nhiên gặp nhau rồi lại cách xa. Ô tô chen chúc trong dòng người và xe, bấm còi hối hả, thời gian đã muộn, chỉ vì chờ nàng. Đó là mùa thu năm 1948, sắp xảy ra biến cố lớn nhưng thành phố này chẳng hay biết gì, vẫn là đèn đỏ rượu xanh, các rạp chiếu bóng vẫn chiếu phim Hollywood mới, các sàn nhảy vẫn hát những bài hát mới, các cô vũ nữ mới nổi vẫn chưng biển quảng cáo. Kỳ Dao không hề hay biết, chỉ một lòng chờ ông Lý, chờ đợi nhưng đã bỏ lỡ cơ may.
Tối hôm ấy Bội Trân đến chung cư Alice. Bội Trân mặc áo khoác đen, tóc uốn, môi tô son, trông dáng một thiếu phụ, đẹp hơn trước và cũng tỏ ra chín chắn hơn. Bội Trân bước vào, Kỳ Dao thoáng không nhận ra, khi nhận ra lại rất kinh ngạc, thầm nghĩ Bội Trân đẹp, trước đây sắc đẹp ẩn giấu, cũng rất nhã nhặn, khiêm nhường. Bội Trân vẫn cho là mình không đẹp, rất không tự nhiên, mặt đỏ lên, nói:
- Mình lấy chồng rồi!
Tim Kỳ Dao đập mạnh, miệng nói “chúc mừng” nhưng mắt nhìn ngây dại, ngồi xuống quên cả mời khách. Chị giúp việc bưng trà lên, mời:
- Mời cô xơi nước!
Kỳ Dao nói to:
- Rõ ràng là bà rồi, còn mời cô, tai không nghe lẽ nào mắt không trông?
Chị giúp việc bị mắng, nhưng chị thông cảm nỗi lòng bà chủ, cứ thế lặng lẽ đi vào. Bội Trân tỏ ra lúng túng, cô không khờ khạo, gần đây làm dâu, hiểu biết thêm nhân tình thế thái. Bội Trân hiểu được nguyên do sự cáu bực vừa rồi của Kỳ Dao, trách mình mới vào đã vội nói ra điều ấy, khác nào đến để khoe khoang. Thật ra, điều ấy có gì gọi là khoe khoang đâu? Bội Trân ngượng, ngồi ngay ngắn, ngước lên nói với Kỳ Dao, lần này mạo muội đến để từ biệt, lẽ ra không đến làm phiền, nhưng sắp đi rồi, không gặp không đành, ra đi lần này không biết đến bao giờ mới gặp lại nhau, Kỳ Dao vẫn là bạn tốt, cũng là duy nhất, hoàn cảnh Bội Trân khác với Kỳ Dao, còn Kỳ Dao đối với Bội Trân vẫn vậy, Thượng Hải vẫn là nơi lưu luyến, ngoài cha mẹ ra chỉ còn Kỳ Dao, thời gian làm bạn với Kỳ Dao là thời gian vui nhất của Bội Trân, thời gian không chút ưu tư phiền muộn. Những lời nói ấy có phần khoa trương, nhưng vào lúc này nơi này, lại là lòng chân thành của Bội Trân. Trong những năm tháng đầy ưu phiền, ưu phiền như không khí, không đâu không có, dù biết hay không, đều cảm thấy buồn, tương lai mờ mịt, mà trước kia mới là khoảng thời gian tốt đẹp.
Kỳ Dao nghe bạn nói, lòng ngẩn ngơ, không biết thế nào. Ngày hôm nay xảy ra quá nhiều sự việc, quá phức tạp, rối ren. Chờ ông Lý thì ông không về, khi không chờ thì ông về; trở về nhà thì ông đã đi, thật đau lòng. Lúc này, Bội Trân ngồi trước mặt, trước nói chuyện lấy chồng, sau nói đến chuyện đi xa. Mạch suy tư của Kỳ Dao đã rõ dần, hỏi:
- Đằng ấy đi đâu?
Bị cắt ngang câu chuyện, Bội Trân dừng lại giây lát rồi trả lời sẽ đi Hồng Công, đi cùng gia đình chồng. Gia đình đằng chồng là một chủ doanh nghiệp loại trung, quyết định đưa toàn bộ tài sản ra Hồng Công, vé tàu đã mua, ngày mai sẽ đi. Kỳ Dao cười, nói:
- Trân ơi, trong ba chúng mình xem ra đằng ấy là hạnh phúc nhất!
Bội Trân không hiểu, hỏi lại:
- Ba người nào?
Kỳ Dao nói:
- Đằng ấy, mình và Lệ Lợi!
Nghe nhắc đến Lệ Lợi, Bội Trân có vẻ khó chịu, quay mặt đi. Bội Trân vẫn nghĩ, Lệ Lợi đã giành mất tình bạn của Kỳ Dao. Bội Trân đã lớn, đã làm vợ người ta, nhưng tình khí vẫn còn rất học sinh, vẫn giận dỗi như thời đi học, đến già không quên. Kỳ Dao không chú ý đến tâm trạng Bội Trân, tiếp tục nói:
- Mình với Lệ Lợi không như đằng ấy! Lệ Lợi sắp trở thành tiểu thư già, còn mình thì thê không phải thê, thiếp không phải thiếp, chỉ có đằng ấy lấy được người chồng vừa ý, vinh hoa phú quý tận hưởng không cùng!
Bội Trân lặng lẽ cúi đầu. Kỳ Dao càng nói càng phấn chấn, mắt long lanh, móng tay cứ vạch đi vạch lại trên đệm sofa như sắp cứa đứt. Bội Trân nắm tay bạn, nói:
- Đằng ấy đi Hồng Công với mình đi!
Kỳ Dao ngơ ngác, quên cả câu chuyện đang nói, đến lúc rõ ra mới cười, nói:
- Mình đi làm gì? Làm người ở hay làm thiếp? Nếu làm thiếp thế này thì ở Thượng Hải còn hơn, thay đổi không bằng để yên.
- Đằng ấy phải thoát khỏi tình trạng thiếp không ra thiếp này, mình hiểu lòng đằng ấy, xưa nay mình vẫn cho rằng đằng ấy hơn mình.
Kỳ Dao rùng mình, người nhũn ra. Nàng quay mặt đi, nhìn vào bức tường, rồi quay lại, rưng rưng nước mắt, nói:
- Cảm ơn Trân, mình không thể đi được, phải ở lại để chờ ông ấy, nếu mình đi, ông ấy về thì sao? Ông ta về, không thấy mình, chắc chắn sẽ trách mình.
Hôm sau, vào giờ Bội Trân rời Thượng Hải, Kỳ Dao như nghe thấy tiếng còi tàu rời bến. Những ngày cùng với Bội Trân lại hiện về, từng màn từng màn một. Lúc bấy giờ các cô như tấm lụa trắng, dần dần viết chữ lên, chữ nối thành câu, thành lịch sử. Những ngày không có chữ là những ngày tự do thanh thoát, muốn làm gì thì làm, không phải chịu trách nhiệm gì, ưu sầu cũng là ưu sầu không trách nhiệm. Quan hệ giữa Kỳ Dao và Bội Trân là quan hệ không trách nhiệm, chỉ là tình bạn. Với Lệ Lợi lại không thế, có chút lợi ích, tất nhiên lợi ích không phải là lợi ích xấu. Quan hệ với Bội Trân là sự tình cờ, nước trong không cá, với Lệ Lợi là ngó sen và đầm lầy. Bội Trân ra đi đã cắt đem theo đoạn lịch sử không có chữ, để những đoạn có chữ lại, có những chỗ lộn xộn không thành chương đoạn, viết rất cẩn thận, nét bút nặng nề, không thanh thoát tự nhiên.
Kỳ Dao vẫn đợi ông Lý, từ hôm bỏ lỡ cơ may với ông, nàng không dám đi chơi nữa. Thấy nhà hàng xóm cửa đóng then cài, Kỳ Dao không dám mở cửa sổ, suốt ngày buông rèm để không phải nhìn thấy bóng nắng trên tường. Trong chung cư, ban ngày cũng phải bật đèn, đêm và ngày liền nhau, chuông không còn điểm, không có thời gian cũng chẳng sao. Chỉ còn duy nhất tiếng máy hát, vẫn là giọng hát Mai Lan Phương, ý ý a a, hát đi hát lại mãi. Suốt ngày Kỳ Dao chỉ mặc váy ngủ, dây lưng thắt lỏng lẻo, trông như Mai Lan Phương mặc đồ tuồng, diễn vai nàng Ngu Cơ của vua nước Sở. Kỳ Dao nghĩ, thời gian, nếu coi nó không có thì sẽ không có. Bây giờ thì nàng đã yên tâm, nghe Mai Lan Phương cũng đã vào, có gì đó như tiếng lòng, cũng là điệu hát mà ông Lý thích nghe. Đó là sự tranh thủ cực kỳ dịu dàng của người con gái, giấu kim trong bọc, sự tranh thủ đến từ người đàn ông, đến từ thế giới này, chỉ có đàn ông mới hiểu nổi, bản thân con gái là không tự giác, làm xong mới nói, đó là điều được gọi là tri âm giữa nam và nữ. Chung cư yên tĩnh, tiếng hát của Mai Lan Phương nâng đỡ sự yên tĩnh. Sự yên tĩnh ấy là kỳ quan của Thượng Hải năm 1948. Thành phố với những kiến trúc bê-tông tạo nên những ô như tổ kiến, yên tĩnh dâng đầy và miễn cưỡng chịu đựng. Sự yên tĩnh này kỳ thực là náo động đang được tạm ngưng, cũng như bóng nắng, bổ sung cho nhau, phối hợp với nhau, buồn vui liên quan với nhau. Kỳ Dao tưởng như quên hẳn thế giới bên ngoài, báo không đọc, đài không nghe. Những ngày này tin tức trên báo hết sức nhiều và rất lộn xộn: chiến dịch Hoài Hải đã mở màn; giá vàng leo thang; thị trường cổ phiếu sụt ghê gớm; tử hình Vương Hiếu Hoà; tàu Giang á chạy trên tuyến Thượng Hải - Ninh Ba bốc cháy và nổ, hai ngàn sáu trăm tám mươi lăm người chìm đáy biển; một chiếc máy bay từ Bắc Kinh về Thượng Hải bị rơi, trong danh sách những người tử nạn có một người đàn ông tên là Trương Bỉnh Lương, một tên khác của ông Lý.
Hết chương 4. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.