1 Ngõ nhỏ
Từ trên cao nhìn xuống, những ngõ nhỏ của Thượng Hải trông thật đẹp, chúng tạo nên bối cảnh của thành phố. Những đường phố và những toà nhà cao tầng nổi lên như những nét chấm phá kín đầy khoảng trắng trong bức tranh Trung Quốc. Về đêm, khi thành phố lên đèn, những nét chấm phá kia tràn ngập ánh điện, tạo nên một vầng sáng, để lại phía sau một vùng tối tăm, ấy là những ngõ nhỏ của Thượng Hải. Vùng tối như những đợt sóng cố sức đẩy lùi ánh sáng. Ngõ nhỏ là một mảng lớn để những nét chấm phá nổi lên, chia cắt; là những dấu chấm ngắt câu, ngắt dòng trong văn chương. Vùng tối như vực thẳm, giá như ném cả một quả núi vào đó thì quả núi cũng lặng lẽ chìm tận đáy sâu. Vùng tối ấy còn ẩn chứa không biết bao nhiêu đá ngầm, nếu không cẩn thận sẽ bị lật thuyền. ánh sáng của Thượng Hải được những vùng tối nâng đỡ hàng chục năm. Đó làParishoa lệ của phương Đông phủ chụp lên nền tối tăm kia hàng chục năm trời. Ngày nay, tất cả đã cũ, dần dần lộ rõ những dấu vết thật của nó. ánh sáng ban mai toả rạng, ánh đèn tắt dần. Trước hết là lớp sương mù mỏng manh, ánh sáng chiếu thẳng tạo nên những đường viền tinh tế. Trong sương mù buổi sáng, hiện ra trước tiên là những cửa sổ tò vò có hình thù kỳ lạ trên mái nhà của các ngõ nhỏ, những cánh cửa kính làm rất khéo, ngói lợp thẳng tăm tắp, chậu hoa hồng bày trên cửa sổ được chăm sóc cẩn thận... Những ban công hiện ra, áo xống phơi qua đêm cũng yên tĩnh như tranh vẽ; lớp vữa trên ban công lở lói, để lộ những viên gạch đỏ giống như những nét bút của một bức tranh. Tường hồi nứt nẻ, rêu phong, có cảm giác man mát khi chạm vào. Tia sáng đầu tiên trên tường hồi quả là bức tranh tuyệt mỹ, rực rỡ nhưng rất hoang lương, mới lạ nhưng lại có năm tháng. Lúc này, nền đường xi-măng trong ngõ vẫn còn che phủ trong sương mù, sương mù nơi cuối ngõ càng dày đặc hơn. Nắng đã toả trên các sân thượng có lan can sắt trong các ngõ kiểu mới, những ô cửa sổ phản chiếu ánh nắng. Đó là những ngọn bút sắc nhọn rạch đôi đêm và ngày. Cuối cùng, ánh nắng cũng xua tan mây mù, tất cả được tô đậm, những đám rêu có màu đen, những khung cửa sổ cũng trở nên đen, lan can sắt trên sân thượng hiện rõ màu gỉ vàng, cỏ xanh trong các kẽ nứt trên tường hồi, bồ câu trắng bay lượn trên bầu trời cũng trở thành bồ câu màu xám.
Ngõ hẻm ở Thượng Hải lắm hình nhiều vẻ, muôn ngàn sắc màu, chúng có lúc thế này, có lúc lại thế khác, không giống nhau. Dù có trăm biến vạn hoá, chúng cũng không mất đi cái vốn dĩ nguyên sơ, hình hài thay đổi nhưng thần thái không đổi, quanh đi quẩn lại vẫn thế, ngàn con người ngàn khuôn mặt, nhưng vạn người một lòng. Những ngõ nhỏ có cổng đá ở Thượng Hải là những ngõ quyền lực thanh thế, mang di truyền của các bậc đại gia, có khuôn mặt các dinh thự, thâm nghiêm kín cổng cao tường. Mở cửa bước vào, bên trong là khoảng sân hẹp, các gian phòng cũng nông choẹt, chỉ đi vài ba bước là khắp lượt, cầu thang gỗ lên tận mái nhà. Cầu thang không lượn vòng, khuê phòng ở cuối, cửa sổ trên tầng hai hững hờ quay ra phố. Những ngõ mới ở phía đông Thượng Hải rất có dáng, cổng sắt hoa văn uốn lượn, tầng hai có những cửa sổ nhô ra lại còn thêm ban công nghỉ chân để ngắm cảnh phố phường. Những cành trúc đào vươn ra ngoài tường không giữ nổi xuân sắc. Phía trong vẫn phải đề phòng kẻ gian, khoá cổng là thứ khoá của Đức chế tạo, cửa sổ tầng dưới có song sắt, trên cánh cửa sắt là những góc sắc nhọn, giếng trời ở giữa nhà, vào được nhưng không ra nổi. Nhà trong các ngõ nhỏ phía tây thành phố lại rất nghiêm mật, các căn phòng khép kín, cửa đóng chặt, một người đóng trăm người khó mở, tường cách âm, không còn nghe thấy tiếng chó sủa gà kêu. Nhà nọ cách nhà kia một khoảng rộng, không ai biết mặt ai. Nhưng cũng chỉ là chống kẻ gian dân chủ, cách như bên Âu Mỹ, bảo vệ tự do của con người, kỳ thực là muốn làm gì thì làm, không ai ngăn cản. Ngõ tạp lều lán là kiểu mở toàn diện, mái lợp giấy dầu dột nát, phên vách không để chắn gió, cửa không đóng chặt. Trong hẻm, nhà cửa chen chúc chật chội, đèn như đom đóm, tuy yếu ớt nhưng lại rất nhiều, bát nháo lộn xộn như một nồi cháo. Những ngõ hẻm này như một dòng sông lớn có nhiều chi lưu, như một cây lớn không biết có bao nhiêu cành. Đường ngang ngõ tắt chằng chịt tựa một tấm lưới khổng lồ. Bề ngoài của chúng thì rộng mở, nhưng lại rất bí ẩn kín đáo, nội tâm uẩn khúc. Khi hoàng hôn xuống, đàn bồ câu bay lượn trên bầu trời Thượng Hải để tìm về tổ. Mái nhà nhấp nhô trông như đồi núi chập chùng. Từ trên cao nhìn xuống chúng liền một mảng, không thấy đâu là bờ, không còn phân biệt đông tây nam bắc. Chúng như dòng nước cuộn chảy, tràn ngập mọi ngóc ngách, tưởng như rối loạn nhưng thực tế đan xen nhau. Chúng vừa rộng vừa dày đặc, tựa như ruộng lúa của người nông dân gieo hạt để rồi gặt hái, lại giống như cánh rừng nguyên thủy tự sinh tự diệt. Kỳ thực, chúng tạo nên cảnh đẹp.
Ngõ nhỏ Thượng Hải rất tình cảm, thân thiết như ruột thịt. Cảm giác ấm lạnh, có thể nhận biết, suy tư. Những cửa sổ nhà bếp dính đầy dầu mỡ là để các bà người trong người ngoài chuyện trò đỡ buồn; cửa sau là để các cô gái cắp sách đến trường và hẹn hò với bạn trai; cửa lớn phía trước hiếm khi mở, mỗi khi mở là nhà có việc lớn, là cửa để khách quý vào ra, dành cho các đám cưới hỏi. Chúng có những niềm vui không thể kiềm chế, khấp khởi, lôi thôi. Sân thượng, ban công và bên cửa sổ còn lưu lại những lời thì thầm, về đêm tiếng gõ cửa lúc tỏ lúc mờ. Hãy tìm một góc độ tốt trên cao: những cây sào phơi áo ngang dọc cũng có những tâm tình riêng tư; hoa phượng tiên, hoa bảo thạch và hành tỏi trồng trong chậu cảnh đều có tình riêng; chuồng chim bồ câu trống không trên mái nhà là trái tim hoang vắng; những mảnh ngói vỡ lộn xộn cũng tượng trưng cho trái tim và cơ thể. Mặt đường trong ngõ tựa như khe rãnh, nơi lát xi-măng, nơi thì rải đá. Đường lát xi-măng ngăn dạ cách lòng, đường rải đá có cảm giác máu thịt thân thiết. Hai loại ngõ thì tiếng chân cũng hai loại, loại trước tiếng vang giòn, loại sau chìm lắng, buồn tận đáy lòng; loại trước nói năng khách sáo, loại sau là những lời trong tâm can, cả hai không phải là văn chương quan cách, đều nói lời thông thường hàng ngày. Nơi tận cùng ngõ hẻm Thượng Hải dễ đi sâu vào lòng người hơn, ở đó mặt đường được trang trí bằng những vết nứt nẻ, cống rãnh ngập nước vẩy cá, cuống rau nổi lều bều, khói mùi dầu mỡ từ các bếp bay ra. Nơi này bẩn thỉu, bừa bãi, để lộ ra những thứ sâu kín nhất, không còn gì gọi là nền nếp. Bởi thế, nó càng âm u hơn. Phải ba tiếng đồng hồ sau chính ngọ ánh nắng mới lọt vào ngõ, nhưng cũng chỉ trong chốc lát. Một chút nắng phủ sắc màu ấm áp, tường nhuốm vàng, lồi lõm, lạo xạo. Kính trên những ô cửa sổ cũng nhuốm vàng, nhiều vết bẩn, hoa cả mắt. ánh nắng chiếu lâu cảm thấy mệt mỏi, chiếu những tia cuối cùng xuống tận cùng hẻm, trong tia nắng chứa nhiều trầm tích, nhớp nháp, bẩn thỉu. Chim bồ câu lượn ở phía trước, phía sau ngõ là bụi bay trong nắng, mèo hoang bắt đầu ẩn hiện. Tất cả đã ăn sâu vào da thịt, không còn nói thân sơ, ngược lại đã bắt đầu chán ngấy, ngấm ngầm ghê sợ nhưng lại cảm động đến tận cốt tuỷ.
Nét cảm động của các ngõ hẻm Thượng Hải đến từ những tình cảnh thường ngày, cảm động không như mây bay nước chảy mà tích tụ từng ly từng tí. Cảm động bởi khói lửa tình người. Từng hàng, từng dãy ngõ hẻm tràn đầy những điều không hề nghĩ tới nhưng lại có tình có lý. Không phải là những gì to tát, chỉ bé nhỏ vụn vặt, tích tiểu thành đại. Toàn là những điều không liên quan gì đến khái niệm lịch sử, ngay cả dã sử cũng không, chỉ có thể gọi đó là chuyện đồn đại. Chuyện đồn đại cũng là một cảnh quan trong các ngõ hẻm Thượng Hải, tưởng chừng có thể trông thấy, nhìn thấy, thoát ra từ các cửa sổ, cửa sau. Lời đồn đại thoát ra từ các cửa trước, các ban công mặt tiền thường nghiêm chỉnh hơn, nhưng vẫn là chuyện đồn đại. Lời đồn đại tuy không phải là lịch sử nhưng cũng có hình thái thời gian, tuần tự tiệm tiến, có nhân có quả. Những câu chuyện đồn đại ấy dính vào da vào thịt, không lạnh nhạt cứng nhắc trên đống giấy cũ, tuy sai nhiều, nhưng là những điều sai có thể cảm nhận. Khi đèn thành phố rực sáng thì trong ngõ chỉ một ngọn ở chỗ ngoặt, chao đèn thuộc loại thông thường nhất, gỉ đen, bám đầy bụi bẩn, ánh sáng vàng vọt, phía dưới như sương mù đeo bám, đó là thời gian ấp ủ những chuyện đồn đại. Đó là thời khắc tối tăm, không rõ ràng, nhưng thương tổn lòng người. Bồ câu gù trong chuồng, chừng như đang thổ lộ tâm tình. Ngoài phố là ánh sáng đàng hoàng, đáng tiếc khi vào hẻm đều bị bóng tối nuốt chửng. Những chuyện đồn đại từ những nhà có phòng khách phía trước và phòng xép hai bên phải trái, thường đượm mùi cỏ khô, là chuyện theo phái cũ; còn chuyện đồn đại của những ngõ nhà có gác xép và cầu thang uốn lượn thuộc phái mới, có hương thơm của long não. Dù là cũ hay mới đều thành tâm, có thể gọi là chân tình. Tất cả đều vốc nước bằng tay, vốc một nửa chảy một nửa nhưng cũng vốc được đầy bể, chim én tha rác làm tổ, tha một nửa rơi vãi một nửa nhưng rồi cũng xây được tổ, không hề lười biếng và dối trá. Ngõ hẻm Thượng Hải không thể nào nhìn thấy tình cảnh, như rêu xanh trong bóng râm, kỳ thực như những vết thương kín miệng, như những vết đau được thời gian xoa dịu. Bởi không danh chính ngôn thuận, đều lớn lên trong bóng tối, nhiều năm không thấy ánh mặt trời. Dây thường xuân vốn là chính đáng nhưng được bức màn thời gian che đậy. Khi đàn chim bay lượn, nhìn mái nhà lô xô của các ngõ hẻm, lòng quặn đau từng cơn. Mặt trời hiện dần trên mái nhà, gập ghềnh, gập ghềnh, ánh nắng bị cắt xén; đó là những cảnh đẹp được gom góp bởi vô số cái nhỏ bé vụn vặt, là sức mạnh to lớn được tập hợp bởi lòng kiên nhẫn.
2 Chuyện đồn đại
Những câu chuyện đồn đại thường mang vẻ u buồn. Vẻ u buồn có lúc lẫn lộn thơm hôi, có lúc là hương long não, lại có khi là mùi mùn thớt. Nó không phải là mùi thuốc lào hoặc xì gà, cũng không phải mùi thơm của phấn 66 hoặc Titi. Nó không mang khí phách phong độ đàn ông mà là vẻ mềm yếu héo hon, là phong thái đàn bà, con gái. Là sự lẫn lộn mùi khuê phòng và nhà bếp, có mùi phấn sáp, có mùi hành mỡ, có cả mùi mồ hôi. Những chuyện đồn đại lại như mây mù che phủ, đổ bóng đen, là những ô cửa sổ thông thoáng, lại như những cửa kính bám đầy bụi. Thành phố này có bao nhiêu ngõ hẻm thì có bấy nhiêu câu chuyện đồn đại, đếm không xuể, kể không hết. Những chuyện đồn đại có tác dụng như vết dầu loang triền miên, chúng có thể biến những chuyện nghiêm chỉnh thành mập mờ, không còn phân biệt được đâu là chuyện nghiêm chỉnh, đâu là chuyện mập mờ. Chuyện đồn đại thì khó mà biết được đâu là thật đâu là giả, không thể phân biệt nổi cái thật trong cái giả, cái giả trong cái thật. Chúng khó tránh khỏi bộ mặt hoang đường, cái hoang đường của đám đàn bà con gái ít kiến thức, ít thấy nhưng lại hay cho là kỳ lạ, có chút ảo giác. Những chuyện đồn đại trong các ngõ hẻm cứ truyền từ cửa sau nhà này sang cửa sau nhà khác, chỉ trong nháy mắt là cả thế giới đều biết. Những chuyện đồn đại cứ như sóng điện giao thoa trên không trung; chúng lại như những đám mây phủ chụp lên thành phố tạo nên những cơn mưa, không phải là những trận mưa như trút nước, mà là những cơn mưa phùn trong những ngày ẩm ướt, mưa không to nhưng ướt đẫm không gian. Bởi thế, không thể xem thường những chuyện đồn đại, nó có hình hài mềm mại nhỏ bé, rất vướng bận. Trong mỗi ngõ hẻm Thượng Hải đều phảng phất bầu không khí vừa phải, vừa trái như thế. Ngõ ở phía tây thành phố với những nhà cao sang thì không khí này cũng cao sang hơn, tương đối mát mẻ, tương đối sáng sủa, như mùa thu trời trong không gợn mây; thấp hơn là những ngõ kiểu mới, bầu không khí có phần vẩn đục, cũng xao động hơn, tựa như gió thổi quẩn quanh; kém hơn là loại ngõ hẻm kiểu cũ có cổng như hang đá với bầu không khí lẫn lộn phải trái, không phải là gió mà là hơi nước bốc lên trời, chung quanh đầy những vết bẩn; còn những ngõ lều lán là những ngày mù sương dày đặc, không phải là mây mù tan, ánh nắng ló rạng, mà là quá mù ra mưa, âm âm u u, cách nhau dăm bước không trông thấy nhau. Nhưng dù là loại ngõ nào đi nữa, không khí này tràn lan khắp mọi nơi, mọi chỗ. Có thể coi đó là tính chất tinh thần của các ngõ hẻm Thượng Hải. Ngõ hẻm Thượng Hải nếu biết nói thì chúng sẽ nói lên những chuyện đồn đại. Chúng là tư tưởng của các ngõ nhỏ Thượng Hải được truyền bá ngày đêm. Nếu các ngõ của Thượng Hải có những giấc mơ, thì đó là những giấc mơ về chuyện đồn đại.
Chuyện đồn đại thường thô thiển hèn kém, nội tâm thô tục, cam lòng hèn hạ. Chúng là nước trong cống rãnh, con người đã dùng, dơ bẩn. Chúng là những chuyện không ngay thẳng, chỉ có thể thì thào, bàn tán giấu giếm. Đó là những chuyện vô trách nhiệm, không gánh chịu hậu quả, bởi thế rất tuỳ tiện, như nước trôi nước chảy. Nó không thể cân nhắc, mà cũng chẳng ai đi cân nhắc xem xét làm gì. Chúng như thứ rác rưởi của ngôn ngữ, nhưng trong rác rưởi có khi tìm được những thứ hàng thật. Chúng là phế liệu của những chuyện nghiêm chỉnh, là lá úa vàng, là những hạt sạn trong gạo. Thường thì chúng không có khuôn mặt nghiêm túc, chuyện xấu nhiều, chuyện tốt ít, không sạch sẽ, là loại hàng dơ dáy. Chúng được chế tạo bằng những loại vật liệu hạ cấp nhất, loại vật liệu này ngay cả các tiểu thư trong các gia đình phía tây Thượng Hải cũng tích góp một ít. Nhưng trong những vật liệu hạ cấp ấy cũng có những của thật. Những thứ thật đó là mặt sau của tính sĩ diện hão, nói ra ngay bản thân cũng không dám nghe, thế là đem chế tạo chuyện đồn đại. Nếu nói về mặt tốt của chuyện đồn đại thì đó là cái thật trong đó, cái thật trong cái giả, cái hư trong cái thực, khuôn mặt có màu sắc tráo trở, tựa như giương đông kích tây. Sự thật ấy có chút gan dạ, có gan đi ngược lại. Trong sự gan dạ đó có chút buồn thương. Nỗi buồn thương không toại nguyện, không vừa lòng, ấm ức, buồn vẫn là buồn đấy, lòng lại muốn tìm cái cao xa hơn, bởi muốn tìm cao xa nên buồn vì mất mát. Bởi thế, điều không toại nguyện cũng là sự không toại nguyện thô bỉ, không phải như thơ Đường thơ Tống, mà là những lời đầu đường góc chợ. Có thể nhìn thấy trọng lượng của sự không toại nguyện, nó nặng nề, là vật trầm tích, không phải là cảnh phong hoa tuyết nguyệt trên mặt nước. Chuyện đồn đại kỳ thực là những vật chìm, không phải là thứ được tẩy rửa trăm lần, tôi luyện ngàn lần, mà nó như là vốn có, sau này vẫn vậy, rửa không sạch, tôi luyện không trở nên tinh chất, là cái dai dẳng của kiếp người cái dai dẳng ấy đập gãy xương gân vẫn bám, đánh gãy răng nuốt vào bụng, mặt dày vẫn trơ tráo. Chuyện đồn đại không tránh khỏi có phần khoa trương thanh thế, thất thiệt giật gân, yêu quái hiện hình, nghe gió kéo đến, theo gió bay đi, không thấy đâu là đầu là cuối. Tuy thế, lòng chân thành của thành phố này chỉ có thể tìm được trong những chuyện đồn đại. Bất luận bề ngoài của thành phố hoa lệ đến đâu, nhưng tim lại là trái tim thô thiển, trái tim ấy được gửi trong những chuyện đồn đại, chuyện đồn đại lại được gửi gấm trong các ngõ hẻm Thượng Hải. Kinh thành Paris phương đông này được trải đầy những truyền thuyết thần kỳ phương đông, bóc ra xem kỳ thực chỉ là nhân lõi của các chuyện đồn đại. Tựa như nhân lõi của hạt ngọc trai, nhân lõi ngọc trai chỉ là hạt cát, chuyện đồn đại cũng như những hạt cát vậy.
Chuyện đồn đại đảo lộn những điều mắt thấy tai nghe, nó như muốn sửa chữa lịch sử, hơn nữa bắt đầu từ cái nhỏ. Nó gậm nhấm dần những điều ghi chép trong sách vở, như đàn mối đang nuốt dần lâu đài Hoa Hạ(1). Chúng không có chương hồi, lộn xộn, cũng không theo quy luật, đến đâu hay đấy, mang chút hiểm độc vô lại. Nó không đao to búa lớn, cũng không chi ly tình tiết, mà rất ngang. Với phương pháp trộm cắp vồ từ phía sau, thoắt cái đã biến mất, kết quả là nỗi oan không đầu, nợ không chủ, không có hành động lớn nhỏ nào mà chỉ vụn vặt không ngưng nghỉ. Thế rồi ít thành nhiều, trăm dòng suối nhỏ hợp thành sông lớn. Cái gọi là “tin đồn như đàn ong” là thế, đúng như ong vỡ tổ. Chúng hèn mạt bỉ ổi nhưng cũng rất cần cù. Một que diêm chúng cũng nhặt lên làm mồi lửa, thấy sợi chỉ vương vãi cũng đem về xâu vào kim. Tuy chúng nhũng nhiễu nhưng cũng khẩn thiết chân tình, không phải đùa dỡn với thế gian, là tin đồn nhưng cũng dày công tạo dựng. Tuy nói không căn cứ, nhưng nghe ra rất có tình, có ý. Việc nó nó làm, bạn nói đằng bạn, nó nói việc của nó, sự việc thế nào thì đã có công luận, phải trái là chuyện khác. Hơn nữa, chúng không giữ chính kiến bất đồng, không có chính kiến nào hết, không thông hiểu chính trị, đi đường riêng cửa ngách, không đối lập mà cũng không đồng tình với xã hội, chỉ là nhánh phụ, đốt sâu của xã hội này, không làm cho xã hội phải cảnh giác, bởi thế chúng cứ âm thầm gây chuyện quấy phá. Kỳ thực không thể xem thường sức mạnh này được, bão lớn thường bắt đầu từ ngọn gió. Chúng xa rời đạo đức truyền thống, không mang bộ mặt chống phong kiến mà hàm ý đồi phong bại tục, điển hình của thối nát. Chúng dám kéo Hoàng đế xuống ngựa, cũng không nhân danh bộ mặt dân chủ cộng hòa, mà chỉ là hành động côn đồ độc ác, cũng là điển hình cho sự thối nát. Chúng không cùng với cách mạng hoặc phản cách mạng, chúng bị lực lượng của cả hai phía vứt bỏ và xem thường. Chuyện đồn đại không có gì là chính thức, xác thực, nếu không thế chúng có thể trở thành dư luận quần chúng, dối lừa mọi người để đạt mục đích, chúng sẽ lan truyền như gió thoảng bên tai. Gió thoảng mặc gió thoảng, vì chuyện đồn đại vốn tràn lan, chúng không có quan niệm tạo dựng sự nghiệp. Chúng không có dã tâm, không hoài bão, ngay cả đầu óc cũng không. Chúng chỉ mang bản năng gây sự gây rối, sinh sôi nảy nở vô tội vạ. Tốc độ sinh sôi của chúng cũng thật kinh khủng, như cá đẻ trứng. Phương thức sinh sôi cũng lắm kiểu, có lúc vòng nối vòng, có lúc bộ nối bộ, có lúc như thách đố, có lúc vụ này kéo theo vụ khác. Chúng lan tràn trên không trung thành phố, như đám lãng tử không nhà, không bị câu thúc hình hài, kỳ thực chuyện đồn đại là một trong những điều lãng mạn của thành phố này.
Tính lãng mạn của chuyện đồn đại ở chỗ sức tưởng tượng không bị gò bó, có thể co dãn tuỳ ý. Sức tưởng tượng này là vũ môn có thể vượt, là hang chó có thể chui, nhất nhất không thành quy luật. Không có gì bịa đặt tuỳ tiện hơn những chuyện đồn đại. Nó có sức sống vô cùng, không làm sao bóp chết nổi, lửa thiêu không hết, gió xuân về lại nảy nở sinh sôi. Nó là những hạt cỏ thấp kém nhất, gió thổi vào các hốc đá vẫn có thể bén rễ khai hoa. Hễ thấy kẽ hở là lách vào, khuê phòng là nơi màn che trướng rủ thâm nghiêm như thế nó cũng lọt vào được. Nó lưu truyền trong phòng the của các tiểu thư khuê các, trong sách báo ngoài giờ học của học sinh, lưu truyền trên những tiểu thuyết tình ái bi lụy, trên trang giấy đẫm nước mắt. Chuyện đồn đại từng ly từng tí sinh ra trong tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ để bàn; sinh ra từ chậu nước rửa đầy mỡ màng. Những nơi kín đáo thường là nơi chuyện đồn đại um tùm nhất, bầu không khí riêng tư là nơi rất có lợi cho chuyện đồn đại sinh trưởng. Ngõ hẻm Thượng Hải là nơi cất giấu nhiều riêng tư thầm kín, bởi thế chuyện đồn đại dễ sinh sôi nảy nở. Về đêm, đèn mọi nhà đã tắt, khe cửa nhà nào còn lọt ra một tia sáng, ấy là chuyện đồn đại; ánh trăng chiếu lên đôi giày thêu hoa bên giường cũng có chuyện; một bà già ngồi bên hộp gương lược chải đầu, kỳ thực đang đưa chuyện; tiếng xóc bài của các mợ, ấy là chuyện đồn đại đang lên tiếng; ngay cả những buổi trưa mùa đông, trên giếng trời những con chim sẻ nhảy nhót, ấy là chuyện đồn đại được nói bằng tiếng chim. Trong chuyện đồn đại có tiếng “riêng”, trong tiếng “riêng” có nỗi buồn đau khó diễn tả. Không phải nỗi buồn đau của Đường Minh Hoàng mất Dương Quý Phi, không phải của Sở Bá vương với nàng Ngu Cơ, nó không chìm nổi, ngợi ca và khóc than, nỗi buồn đau khóc than thảm thiết, mà là thứ chó chết lằng nhằng vướng vít, li ti vụn vặt. Ngõ hẻm Thượng Hải không cất giấu nổi những buồn đau lớn. Buồn đau của nó được cắt nhỏ chia đều, chia đều cho mỗi người không được bao nhiêu. Là buồn thương, là thảm thiết, nỗi buồn thương trong lòng, thảm thiết trong lòng, không thể đưa lên sân khấu cho mọi người cùng thưởng thức, nó đến thế nào, đi ra sao chỉ một mình mình biết, khổ đau đến khổ đau đi chỉ một mình khổ đau, đó cũng là ý nghĩa của chữ “riêng”, kỳ thực cũng là ý nghĩa của buồn đau. Bởi thế, nói cho cùng chuyện đồn đại có nỗi đau, cho dù không đau, nhưng cũng ăn sâu vào tim vào phổi. Mỗi người đau riêng nỗi đau này, không cùng chung, không gợi sự đồng tình, là nỗi đau cô đơn. Đó chính là nỗi xúc động của chuyện đồn đại. Khi sản sinh chuyện đồn đại cũng là lúc tận tâm làm người. Làm người ở các ngõ hẻm Thượng Hải là tận tâm tận lực, tập trung tinh thần, mắt chỉ nhìn vào mình, chuyên chú. Không muốn sáng tạo lịch sử, chỉ muốn sáng tạo chính mình, không có chí khí lớn, nhưng phải tận dụng thực lực của chính mình. Thực lực đó cũng phải chia đều cho mọi người.
3 Phòng khuê
Phòng khuê của các ngôi nhà trong ngõ hẻm Thượng Hải thường là những gian khuất một bên hoặc là gác xép, nhìn chung có cửa sổ quay về phía kín đáo, có rèm che. Kéo rèm lên là có thể thấy phòng khách của dãy nhà sau, thấy các ông và các bà, thấy cả cây trúc đào ở sân sau. Những phòng khuê này thực ra không có gì là nghiêm cẩn. Trú ngụ cạnh gác xép hoặc là một thực tập sinh sở Tây, hoặc là một sinh viên, thậm chí là một vũ nữ mới vào nghề. Phía trong của ngõ là nơi chứa chất rác rưởi. Chuyện nhà quê của các bà già, tiếng địa phương của những người phu xe, cánh bạn hữu vớ vẩn của anh sinh viên ngày nào cũng lui tới vài ba lần, chị em cùng hội của cô vũ nữ chừng vài ba ngày lại đến. Nửa đêm, nghe rõ cả tiếng kẹt của mấy cánh cửa sau cứ tưởng như sắp xảy ra chuyện khác thường. Nói ngay cái ông bà ở nhà khách phía trước lúc nào cùng làm ra vẻ vợ chồng, nhưng biết đâu lại là thứ mèo mả gà đồng, cứ ít hôm lại ầm ỹ nhà cửa, tiếng mâm bát vỡ loảng xoảng. Phía trong là nhà một ông lớn có một tiểu thư học trường Tây, đằng sau cánh cửa sơn đen đậu một chiếc ô tô nhà, vào dịp giáng sinh hoặc sinh nhật tiếng dương cầm lại nổi lên, cũng thì con gái như thế nhưng phòng khuê lại khác, không thể sinh ra theo lòng oán hờn, cũng không thể sinh ra theo dục vọng. Cả hai có thể coi là sự đố kỵ trong cuộc sống phòng khuê, cùng một gốc rễ, phòng khuê vốn thuần khiết kiêu hãnh như nhụy hoa, nhưng lại sinh ra ở nơi hỗn tạp lộn xộn liệu sẽ gặp cảnh ngộ nào?
ánh trăng đổ bóng xuống những tấm rèm hoa che cửa sổ nhìn chung đều đẹp với vẻ dịu dàng. Vào những đêm trời quang, ánh trăng soi sáng khắp nhà. Không phải như ánh sáng ban ngày không che không chắn mà được bao phủ một lớp màn mỏng, ánh sáng dịu nhẹ. Hoa bách hợp trên giấy dán tường, cỏ tơ vàng trên mặt chăn tất cả như được vẽ bằng ngọn bút tài hoa, rõ nét không còn gì hơn. Nghe như có tiếng máy hát vọng lại làn điệu “Bốn mùa”. Cho dù là nơi ồn ào hỗn độn thì phòng khuê vẫn yên tĩnh. Cây hương vệ sinh cháy một nửa, nửa kia đã thành tàn, chuông điểm mười hai tiếng chỉ nghe thấy sáu, nửa kia chìm trong mộng. Giấc mộng cũng không lời, không lẽ. Trong cửa sổ tối đen ở ngõ sau, không rõ ai đã mơ một giấc mơ thuần khiết không tì vết, như áng phù vân trên trời cao, ngơ ngác đoản mệnh nhưng lại không biết mình đoản mệnh, đêm nọ vẫn như đêm kia. Đường kim mũi chỉ trên khung thêu, chữ trên trang sách đều dày sít, từng hàng từng hàng viết lời tâm sự. Tâm sự cũng được ánh trăng lặng lẽ thấm đẫm, vô cùng đẹp mắt, vô cùng hàm súc, không biết nói thế nào. Trăng ngả về tây, nửa tối nửa sáng, vào lúc tối nhất, giấc mơ và tâm sự không còn, trời sáng dần, nhạn bay không lưu dấu vết. Đó là chút sôi động trong đêm vắng vẻ tĩnh mịch, sôi động cũng thật trang nhã, sôi động mềm mại như nước, như mây trên trời cao. Ban mai hé mở nửa cánh cửa sổ phía sau tấm rèm hoa, nửa kia có vẻ đợi chờ, tưởng như đợi chờ, ấp ủ cho một đêm khác. Kính cửa sổ không tì vết. Trong nhà không một bóng người, chỉ đầy ắp đợi chờ. Đợi chờ không tên, không lý do, cuối cùng chỉ là trống không. Cũng không oán hờn, bi ai. Đó là buổi sáng xao động không yên, chỉ bó tay chờ chết. Không nơi nương tựa, không nơi cầu cứu nhưng lại chứa chan hy vọng. Niềm hy vọng nở hoa không kết trái. Đó là chút trong giá trắng ngần của ngõ hẻm Thượng Hải. Trên nóc nhà là đàn chim non, trong phòng khuê là trái tim thiếu nữ. ánh nắng chiếu vào ô cửa sổ là ánh nắng chiều tà, như ai oán bi ca, trút cõi lòng vào phút cuối. Đó là điều bắt buộc của buổi chiều tưng bừng, sôi nổi. Điều bắt buộc có gì đó xưa cũ, mang ý thơ ca đàn sáo, có thể ngâm vịnh, nhưng ai là người nghe? không phải là đám mây trôi, mây trôi sẽ biến thành mưa thành gió, nó chỉ có thể biến thành sương khói, gió thổi tan không còn tung tích. Phòng khuê trong ngõ nhỏ Thượng Hải biết đâu sẽ trở thành ảo ảnh, thời gian trôi nhanh, qua nhanh trong chớp mắt.
Phòng khuê trong ngõ nhỏ Thượng Hải kỳ thực là phòng khuê biến dạng, vừa dùng vừa xem, vô cùng khiêm nhường hiếu học, nhưng không quy luật nhất định. Nó lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng, chuyện trinh nữ và chuyện tình Hollywood cùng tồn tại, dưới áo dài màu xanh lam là giày cao gót, vừa cổ xưa vừa mốt, biết ngâm Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách; Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu...(2), vừa biết hát Chúng ta thời còn trẻ... Biết nói trai gái không được gần nhau, nhưng cũng biết nói giải phóng phụ nữ. Cô Nana(3) bỏ nhà ra đi là lãnh tụ tinh thần của các cô gái, lòng mong muốn như Oanh Oanh trong Tây sương ký, quanh đi quẩn lại lòng chàng sắt đá, chỗ dựa một đời. Không thể nói nó không quy củ, nhưng quy củ quá phức tạp, tuy mỗi người nói một khác, nhưng các cô cũng được chiết ghép tốt đẹp, là những phòng khuê pha trộn. Không thể nói lẫn lộn của giả, vẫn là tấm lòng chân thành, chân thật. Rốt cuộc cũng đi về cuối, giống như nhà nông cày ruộng kinh doanh phòng khuê. Các cô là con nhà quyền quý hay bình dân cũng không phân biệt nổi, đứng đắn hay không cũng không biết, tiểu thư của các gia đình kín cổng cao tường hay vũ nữ trong gác xép ngay bên cạnh đều là tấm gương, đoan trang và lẳng lơ tuỳ ý chọn lựa. Các bà mẹ muốn gả bán con gái mình cho con nhà lành, đàn ông cực lực phản đối các cô đòi độc lập, các vị Mục sư Tây hối thúc các cô thụ lễ. Những tấm áo đẹp trong tủ vẫy gọi, những minh tinh màn bạc và sân khấu vẫy gọi, những nữ nhân vật trong các tiểu thuyết đăng dài kỳ trên báo vẫy gọi các cô. Người ngồi trong phòng khuê đấy nhưng lòng dạ lại hướng về bốn phương. Đường đi muôn nẻo, cuối cùng cũng như trăm sông đổ về biển cả. Các cô miệng đếm bằng tiếng Tây, lòng dạ lại tưởng đến những hàng may áo dài. Bảo rằng lòng các cô hoang dã, đi khắp thiên hạ, nhưng lại rất nhát gan, xem buổi chiếu phim muộn cũng phải có người hầu gái đưa đón. Tan học phải đi thành đoàn thành toán mới dám qua đường, lại còn hay xấu hổ. Gặp người lạ không dám ngước nhìn, nghe một lời nói thô bỉ thì uất phát khóc lên được. Cho nên, đó cũng là mâu thuẫn, phòng khuê tự mình làm khổ mình.
Phòng khuê buổi chiều có biết bao nhiêu điều phiền muộn, bực bõ. Mùa xuân, mùa hè mở cửa sổ, tiếng ve trên cây ngô đồng, tiếng xe điện đầu ngõ, tiếng rao quà vặt, tiếng máy hát của nhà bên cứ thế chui vào đầu óc, làm rối lòng. Bực nhất là những tiếng động nhỏ như có như không, không tên gọi và từ đâu đến, nhỏ giọt tí tách, đó là thứ hơi ấm trong âm thanh, lời ấp úng, không thể xua đuổi, không thể nắm bắt. Buổi chiều thường là lúc nhàn rỗi, trong lòng tràn ngập những âm thanh ấy, đã buồn tẻ càng thêm buồn tẻ. Mùa thu, mùa đông là những chuỗi ngày u ám, u ám của miền Giang Nam như đong đếm được, nó ép chặt trái tim. Tĩnh mịch đấy, nuốt tiếng thở dài nhưng rồi u ám xuất hiện lại. Than hồng trong chậu là để xua đi cái u ám, không ngờ u ám lại đè nặng đến tức thở, lúc ẩn lúc hiện không rõ ràng. Sáng và tối, ấm và lạnh buổi chiều đều làm phiền lòng. Lúc thức, nó làm phiền tai, mắt và giấc mơ; với nữ công gia chánh, nó làm rối đường kim mũi chỉ; đọc sách, nó làm lẫn lộn câu chữ; nếu hai người ngồi nói chuyện, nó quấy rầy câu chuyện của họ. Buổi chiều là ngày mới qua được một nửa, là niềm hy vọng của một ngày đang chờ tiếp cận với phần cuối, thiếu kiên nhẫn và ngã lòng tiếp nhau kéo đến, hy vọng cũng là niềm hy vọng chơi vơi. Đó là hoang vu cuối năm của phòng khuê, trái tim đã già cỗi tưởng như vẫn chưa bắt đầu làm người. Nghĩ đến đây trái tim như thắt lại nhưng không dám nói ra với ai, mà nói cũng không rõ. Các phòng khuê trong ngõ nhỏ Thượng Hải cũng không nhìn thấy. Cây trúc đào trong sân nhà bên, áng mây hồng trên bầu trời, cây ngô đồng tĩnh lặng trước cửa sổ nhà mình; ánh đèn nê-ông nhuộm bầu trời Thượng Hải, trong nhà chỉ một ngọn đèn cô độc, chiếc đồng hồ tích tắc đếm thời gian. Năm tháng vẫn là năm tháng tốt đẹp, nhưng không được bao lâu. Buổi chiều là thời khắc có nhiều sự biến của phòng khuê, với vẻ hoảng loạn bối rối, khinh suất, không tính toán cẩn thận, ấp ủ hoạ lớn, di hại suốt đời cũng không hối hận, giống như con thiêu thân. Bởi thế, buổi chiều như một cạm bẫy, càng rực rỡ càng nguy hiểm. Rực rỡ của buổi chiều thường không tốt đẹp, như chơi trò ú tim, gió quật ngã người, bóng quật ngã người, con người không đề phòng. Máy hát hát mãi điệu Bốn mùa, hát từ mùa xuân sang mùa đông, hát về những cảnh đẹp mê hoặc lòng người, chọn nói những lời đẹp đẽ. Chim bồ câu bay lượn trên nóc nhà thật ra là những trái tim phòng khuê bay lượn, bay cao, ngắm nhìn những ô cửa sổ che rèm hoa, mang vẻ lúc đi thì dễ khi về thì khó, lại có vẻ lên cao không thắng nổi sợ hãi.
Phòng khuê Thượng Hải là phòng khuê từ nhiều nơi tụ hội, buồn cũng ồn ã. Nước mưa viết lên ô kính chữ “buồn”; sương mù ẩn hiện nỗi buồn, tất cả đều thôi thúc, thôi thúc không lý do. Nó tiêu hao lòng kiên nhẫn của người con gái, tiêu hao cả lòng kiên nhẫn làm người, mũi tên đã đặt lên giây cung, trâm trong hộp, chờ dịp để bay đi. Thật sự, mỗi ngày một khó chịu hơn, nhìn lại biết ngày nào hết khổ, không còn biết làm thế nào. Phòng khuê là sự ngây thơ của các ngõ nhỏ Thượng Hải, chỉ trong một đêm đi từ xanh đến chín, sinh sinh diệt diệt, đời nọ kế tiếp đời kia. Phòng khuê còn là ảo giác của ngõ nhỏ Thượng Hải, mây tan, nắng lên, khói toả... màn nọ tiếp màn kia không dứt.
4 Bồ câu
Bồ câu là thứ quỷ quái tinh khôn của thành phố này. Cứ mỗi buổi sáng không biết bao nhiêu là bồ câu từ những mái nhà lô xô cuộn sóng bay lên trời cao. Chúng là sinh vật duy nhất từ trên cao nhìn xuống, liệu có ai thấy thành phố rõ ràng và thân thiết như chúng không? Có biết bao nhiêu sự kiện không đầu mối mà chúng là chứng nhân. Đôi mắt của chúng đã thu nhận bao nhiêu điều bí mật? Chúng bay qua ngàn vạn ô cửa sổ của các gia đình, chắp nối bao nhiêu cảnh tượng trong khung cửa. Tuy là cảnh tượng hàng ngày, nhưng rất nhiều, chồng chất lại cũng thật kinh hồn. Kỳ thực chúng hiểu hết ý nghĩa chân thực của thành phố. Cứ sáng sáng bay đi tối lại về, chúng thu lượm được không biết bao nhiêu kiến thức. Hơn nữa, chúng có ký ức mạnh mẽ. Những gì qua mắt không thể quên, nếu không làm sao có được bản lĩnh nhớ đường? Chúng ta làm sao biết được chúng lấy gì làm dấu để nhận đường. Chúng có thể nhận biết mỗi góc nhỏ của thành phố. Trên đây có nói đến một điểm cao, kỳ thực đó là điểm nhìn của chúng. Có điểm cao nào để chúng ta có thể đứng trên đó? Con thú hai chân như loài người chúng ta hành động không thể nào tự do như thế được, lòng dạ tù túng, tầm nhìn hạn hẹp đến đáng thương. Chúng ta sống cùng đồng loại chỉ nhìn thấy cùng một sự việc, không phát hiện thêm điều gì mới. Trong lòng chúng ta không có gì mới lạ, tưởng như tất cả đã cũ. Bởi chúng ta không nhìn thấy điều đặc biệt. Bồ câu thì không thế, mỗi chiều chúng đem về thật nhiều thứ. Trên bầu trời thành phố này có bao nhiêu đôi mắt như thế nhỉ?
Mọi cảnh sắc trên đường phố đều đã quen mắt, ngày nào cũng như ngày nào. Điều ấy có gì đó như diễn xuất, trình thức hoá, tuy xán lạn, sắc màu rực rỡ đấy, nhưng lại sáo mòn cũ kỹ. Người đi trên đường phố đều là những người đeo mặt nạ, giả tạo, cười xã giao, nói xã giao, cũng không đúng tầm cỡ sáo mòn, chỉ là cái vỏ ngoài của sáo mòn. Cảnh sắc trong ngõ mới là cảnh sắc thật, hoàn toàn tương phản với cảnh sắc ngoài phố, bộ mặt giống nhau, dãy nhà này giống với dãy nhà kia, không phân biệt nổi, tưởng chừng đã cũ lắm rồi, nhưng trong đó đổi mới muôn màu, từng chiếc từng chiếc, cái nào riêng cái đó, không thể tìm thấy bậu cửa. Cách một bức tường tưởng chừng cách muôn trùng núi non, mọi tình tiết của đôi bên giống như phải qua ngàn vạn dặm trường. Liệu có ai biết? Những vụ việc không đầu mối trong ngõ hẻm Thượng Hải nhiều vô kể, vụ nọ tiếp nối vụ kia. Kỳ thực thì chuyện đồn đại cũng khoa trương thanh thế, nghiêm chỉnh thì không thể dùng được, vẫn là hai mắt tối tăm. Chuyện trong ngõ nhỏ Thượng Hải thì sư bảo sư phải, vãi bảo vãi hay, không ai đứng ra phân xử, thực hư chân tướng tù mù, chuyện đồn đại càng như quẫy bùn non. Cảnh sắc trong ngõ nhỏ bề ngoài rõ đấy, bên trong thì rối như tơ vò, cắt không đứt, gỡ không ra. Lại còn những người trong ô cửa sổ đều là đương sự, từng trải nhưng thuộc loại hồ đồ nhất, thuộc loại bù nhìn nhất, có mắt như mù. Mắt sáng là loài sinh vật biết bay kia, chúng rạch mây mù, không nơi nào không tới, chúng thật sự tự do. Tự do thật sự quật ngã lòng người. Chúng quen thuộc mọi cảnh sắc trên phố lớn, đôi mắt sắc sảo của chúng có khả năng nắm bắt những sự việc rất không bình thường. ánh mắt của chúng có thể lọc bỏ cái giả dối, giữ lại cái chân thật, giỏi nắm bắt ý nghĩa sự việc. Chúng vô cùng tình cảm. Chúng không bị trói buộc bởi lề thói cổ xưa, cơ hồ chúng là đứa con tự nhiên duy nhất của thành phố. Chúng bay lượn trên những mái nhà dày đặc tưởng như bay trên đống ngói vỡ, giống như những sinh vật còn lại sau một thảm hoạ, những vật sống cuối cùng. Chúng bay đi bay lại mang chút tuyệt vọng, những gì thu vào mắt đều nhuốm màu bi quan.
Cần nói rằng, trong thành phố này còn có một sinh vật biết bay khác nữa là chim sẻ. Nhưng chim sẻ rất thế tục, bay cũng không cao. Chúng chỉ bay đến ban công hoặc giếng trời nhà người, tìm ăn mồi thừa trong các vết nứt nẻ, mang ý nghĩa a dua. Chúng là khách thường xuyên của các ngõ, là khách thường xuyên đấy nhưng không được trọng vọng, bị người rượt đuổi, chúng cũng tự đánh giá được mình. Chúng không có trí tuệ, là loài chim bình thường nhất. Chúng xem xét sự vật còn kém cả con người, bởi chúng không được sự giúp đỡ của văn minh như con người, những gì trời phú cho thì không đủ. Chúng không cùng tiếng nói với bồ câu, bồ câu là loài động vật linh thiêng, chim sẻ là loài động vật tạo nên bằng xương bằng thịt. Chúng là loài chim rất thích hợp trong các ngõ, ngõ hẻm cũng là nhà của chúng. Chúng thuộc loài nhỏ nhen ti tiện, ồn ào, rơi vào những chuyện đồn đại thì không thể rút chân lên nổi. Không khí u uẩn trong ngõ nhỏ cũng có phần của chúng, chúng làm tăng phần hèn kém của ngõ. Bồ câu thì không vương vấn gì trong các ngõ, chúng không đậu trên ban công, bậu cửa sổ và giếng trời, nịnh nọt tiếp cận với con người. Chúng bay lên trời cao, đạp mái ngói của thành phố này xuống chân. Chúng bay rào rào qua bầu trời, dáng vẻ ngang nhiên. Chúng kiêu ngạo biết bao nhưng không có vẻ gì không gần với tình người, nếu không chúng làm sao có thể đi xa, lại còn khóc than trở về. Chúng là bạn chân chính của loài người, không phải là bạn kéo bè kéo cánh mà là bạn hiểu biết, đồng tình, gần gũi và yêu thương. Nếu vào buổi chập tối, bạn thấy giải lụa điều trên ngọn tre tung bay nhảy múa trong gió vẫy gọi đàn bồ câu trở về thì bạn sẽ hiểu. Đó là sự cảm thông sâu sắc, sự cảm thông mang hơi hướng trẻ con. Trong lòng chúng có bao nhiêu bí mật thì có bấy nhiêu sự đồng tình; có bao nhiêu đồng tình thì được tin dùng bấy nhiêu. Đàn bồ câu là biểu tượng của thành phố này và cũng là biểu tượng khá rực rỡ của ngõ hẻm Thượng Hải; làm cho bồ câu cái chuồng trên nóc nhà, sáng tiễn đi tối đón về là một thứ tình yêu của thành phố, là tấm lòng dịu hiền của thành phố.
Nơi sâu thẳm nhất của thành phố giấu kín bao nhiêu tội lỗi và hình phạt, họa và phúc đều không che nổi mắt chúng. Khi đàn bồ câu kinh hãi cứ bay lượn mãi trên bầu trời thì cũng là lúc nảy sinh tội lỗi, hình phạt, tai hoạ và hạnh phúc. Chợt nhìn, chúng tựa như đám mây mang cơn mưa tích tụ dưới mặt trời, và cả những chấm đen của mặt trời. Trong những nếp gấp cống rãnh của thế giới bê-tông có biết bao nhiêu cảnh không thuận mắt. Không trông thấy thì cứ việc không trông thấy, còn đàn bồ câu có tránh cũng không tránh nổi. Những cảnh tượng này làm chấn động thần sắc đôi mắt của chúng, tựa như có nước mắt mà không trào ra được. Thành phố bê-tông dưới bầu trời, trăm ngàn ngõ hẻm đan chéo nhau tựa như vực lớn, sinh mệnh như đàn kiến giãy giụa, chen chúc. Bụi bay như nhảy múa, làm chủ trời đất. Lại cả tiếng nói khe khẽ lọt vào từng ngóc ngách cũng là chủ nhân của trời đất. Bỗng nghe thấy tiếng bồ câu mát lạnh lướt qua như xé vải, thức tỉnh cả thế gian đang thiu ngủ. Trên nóc nhà của thành phố này, có lúc còn có vật biết bay, làm bạn với bồ câu, ấy là những cánh diều. Chúng thường bị lưới điện cắt đứt dây, hoặc bẻ gẫy cánh, cuối cùng treo lơ lửng trên nóc nhà hoặc cột điện, giương mắt nhìn đàn bồ câu. Chúng mô phỏng loài chim như bồ câu, ngay cả sinh vật sống như chim sẻ cũng không coi chúng vào đâu, nhưng lại như gửi gấm tấm lòng thơ ngây của con người bay cao bay xa. Chúng thường xuất phát từ bàn tay con trẻ hoặc kẻ lang thang, kẻ lang thang cũng là con trẻ, con trẻ đã lớn. Con trẻ và kẻ lang thang dìu nó, chạy, chạy thục mạng, tung nó lên trời, nó thường rơi giữa chừng, cuối cùng cũng bay lên bầu trời chẳng được là bao. Cũng có lúc được lẫn lộn bay lượn cùng đàn bồ câu thì tỏ ra sung sướng vô ngần. Trong tiết Thanh minh có biết bao nhiêu xác diều vương trên nóc nhà bị mưa gió đánh tơi tả, đúng là cảnh tượng chết vì tình. Chúng dần dần biến thành bụi đất trên mái nhà để nuôi dưỡng đám cỏ đuôi chó gầy gò. Có những cánh diều đứt dây bay lên cao thành những chấm đen trên không trung, cuối cùng không còn tung tích, đó là kẻ đào tẩu với quyết tâm chết. Với loài người chỉ có bồ câu là có thuỷ có chung, chúng bay lượn trên không, dường như là niềm an ủi của thành phố này. Thành phố như biển cạn, nhà cửa như bãi đá ngầm và những con tàu mắc cạn, biết bao nhiêu sinh linh đang chịu đựng khổ đau. Chúng làm sao mà bỏ đi được! Bồ câu như linh vật của thành phố vô thần luận này, là những vị thần linh không ai tin, chỉ có chúng biết thần tích của chúng, mọi người chỉ biết chúng dù bay xa đến mấy đi nữa cũng biết đường trở về. Con người vui mừng khi trông thấy chúng. Nhất là những người ở trên tầng thượng, khi đàn chim trở về đều bay qua cửa sổ tò vò của họ, chính đó là phút giây thân thiết nhất của họ. Thành phố này có đủ loại vũ trụ và giáo đường, nhưng vũ trụ là vũ trụ, giáo đường là giáo đường, con người thì vẫn ở trong các ngõ hẻm. Con người sống trong không gian nhỏ hẹp của các ngõ hẻm như những con sóng triền miên xô bờ thì tiếng chim bồ câu như những hồi chuông thức tỉnh dịu dàng ngân nga mỗi sáng, mỗi chiều.
Vào lúc này, mặt trời đang dần toả sáng trên mái nhà, trải ánh vàng khắp nơi. Bồ câu đã ra khỏi chuồng, cánh trắng loang loáng, loang loáng. Những toà cao ốc như phao tiêu trên biển. Rất nhiều chuyển động hình thành tiếng trầm hùng của biển. Bụi tung lên, khói mù cuồn cuộn. Biết bao nhiêu xao động, biết bao nhiêu chuyện rắc rối đang hình thành nguyên nhân và hệ quả, mang tinh thần mãnh liệt xuyên suốt. Cửa ngõ đều mở toang, đúng là đông đúc dày đặc, không khí xưa cũ ở nhà bên tràn ra, cùng hội tụ, ánh sáng trở nên vẩn đục, trời tối lại, bụi bay chậm hơn. Trong không khí có gì đó vướng bận không rõ ràng, nó ức chế tình cảm, cái mới mẻ của buổi sáng trở nên trầm uất, nỗi xúc động trong lòng lắng lại, những chuyện rắc rối tiếp tục tích luỹ nguyên nhân, trồng dưa hái dưa, trồng đậu hái đậu. Nắng đi qua con đường hàng ngày vẫn đi, nắng và bóng di động, mọi động tĩnh và bụi bặm trở lại trạng thái bình thường, ngày lại ngày, năm lại năm. Mọi lãng mạn đều lắng xuống, trời cao mây mỏng, không còn thấy bóng bồ câu đâu nữa.
5 Vương Kỳ Dao
Vương Kỳ Dao là điển hình cho những người con gái trong các ngõ nhỏ Thượng Hải. Mỗi buổi sáng, cửa các nhà trong ngõ kẹt mở, người cắp cặp bước ra, đó là Vương Kỳ Dao; buổi chiều, khe khẽ hát theo điệu Bốn mùa phát ra từ máy hát nhà bên, đó là Vương Kỳ Dao; rủ bạn ra rạp xem phim Cuốn theo chiều gió do Vivien Leigh sắm vai chính, đó là những Vương Kỳ Dao; cùng ra hiệu ảnh chụp ảnh, thì đó là hai Vương Kỳ Dao đặc biệt thân thiết. Trong mỗi phòng xép hoặc gác xép cơ hồ đều có một Vương Kỳ Dao ngồi. Phòng khách trước nhà Vương Kỳ Dao, phần lớn đều có bộ bàn ghế làm bằng gỗ hồng sắc. Trong nhà có phần tối, ánh nắng vẽ những vòng tròn trên cửa sổ mà không thể lọt vào nhà được. Bàn phấn ba gương, phấn trong lọ tưởng chừng đã bị ẩm, có phần bết vào nhau, lọ kem chải tóc thì cạn đến đáy. Khoá đồng trên hòm gỗ long não sáng bóng có vẻ như mở ra đậy vào luôn luôn. Máy thu thanh chỉ để nghe hát dân ca, nghe Việt kịch, nghe tình hình cổ phiếu, rất khó bắt sóng, tiếng kêu lẹt xẹt. Chị vú nuôi của Vương Kỳ Dao có lúc ngủ trong gian phòng chéo hình tam giác chỉ kê vừa cái giường ngay dưới chân cầu thang. Chị vú nuôi phải đi đổ từ chậu nước rửa chân của chủ nhà, chủ nhà sai bảo chị tưởng như để tận dụng hết đồng tiền công. Chị bận suốt từ sáng đến tối, vậy mà vẫn còn có thì giờ đưa chuyện xấu trong nhà, bắt nhân tình với anh phu xe nhà bên. Ông bố của Kỳ Dao có phần sợ vợ, rất thuận phục, muốn nêu gương sáng cho con gái. Cứ mỗi buổi sáng ông bố đều ngồi tàu điện đi làm, buổi chiều mẹ Vương Kỳ Dao ngồi xích lô lên phố tìm vải may áo dài cho con gái. Dưới sàn nhà Vương Kỳ Dao tối tối đàn chuột lại rúc rích, để đuổi chuột nhà phải nuôi một con mèo, thành ra trong nhà lúc nào cũng chua nồng. Vương Kỳ Dao là con gái lớn trong nhà, nên từ nhỏ đã là tri kỷ của mẹ, cùng mẹ đi may áo quần, thăm nom họ hàng bạn hữu, nghe mẹ ca thán tính tình đàn ông và lấy bố ra làm bài học sống.
Vương Kỳ Dao là điển hình của người con gái chưa chồng, những anh chàng thực tập sinh của sở Tây ánh mắt đưa đẩy liếc nhìn Kỳ Dao. Những ngày hè nắng ráo phơi phóng áo quần, Vương Kỳ Dao nhìn hòm đồ của mẹ lại nghĩ đến đồ cưới của mình. Những tấm áo cưới dài lết đất bày trong các tủ kính hiệu ảnh là tấm áo cưới cuối cùng của Vương Kỳ Dao. Vương Kỳ Dao là cô gái “hoa ghen thua thắm”, mặc áo dài màu xanh lam, dáng điệu thướt tha, mái tóc đen nhánh che phủ đôi mắt như biết nói. Vương Kỳ Dao theo sát trào lưu, không chịu lạc hậu cũng không vượt trội, theo mốt cùng với chị em bạn bè. Các cô chạy theo trào lưu đấy nhưng vẫn lệ thuộc sách vở, không phát biểu quan niệm riêng, không tìm lý do, tin tưởng gửi gắm tất cả. Làn sóng thời trang của Thượng Hải đều phải dựa vào những cô gái như Vương Kỳ Dao để thể hiện. Nhưng các cô thì không có cách nào thúc đẩy trào lưu, thúc đẩy không phải là công việc của các cô. Các cô không có tài phát minh sáng tạo, cũng không có cá tính độc lập tự do, nhưng lại rất thành khẩn, thật thà, một lòng trung thành. Các cô không có gì phải oán trách khi khoác lên mình tinh thần thời đại, có thể nói đó là tuyên ngôn của thành phố. ở thành phố này, nếu có một minh tinh xuất hiện, bất kể thuộc tầng lớp nào, sẽ được các cô tôn sùng tìm kiếm; các cô là những người đọc chăm chú nhất những tiểu thuyết tình ái trên phụ trương báo chí, thể nào trong số các cô cũng có người gửi thư cho minh tinh hoặc tác giả và chỉ mong xin được chữ ký. Các cô là cơ sở của xã hội thời thượng. Vương Kỳ Dao còn là người của chủ nghĩa thương cảm, chủ nghĩa thương cảm cũng đã được trào lưu hoá, cách thức cũng là học người. Một ngọn lá rụng cũng được kẹp vào trang sách, một cánh bướm chết cũng được cất giữ trong hộp phấn, các cô nhỏ nước mắt cho chính mình, những giọt nước mắt chảy ướt đẫm. Chủ nghĩa thương cảm làm trước đến sau, đến tay rồi mới đến lòng, không thể nói nó là giả dối hoàn toàn, có điều tuần tự trước sau bị đảo ngược, là cái thật sự được làm ra. ở đây cái gì cũng đều phỏng theo sách, đều có người dẫn đường. Mí mắt Vương Kỳ Dao thâm quầng như có bóng đen che phủ, bóng đen của chủ nghĩa thương cảm. Trông các cô có vẻ đáng thương, càng ngày càng tỏ ra thương cảm. Các cô ăn uống như mèo, bước đi cũng như mèo. Da dẻ các cô trắng tưởng như trong suốt, có thể thấy từng đường gân xanh. Về mùa hè, hầu như cô nào cũng bị sốt thời tiết, về mùa đông nhất loạt ngủ không ấm chăn, rất cần uống vài thang bổ âm ích khí, mùi thuốc thơm sực. Đó là những chuyện thời thượng do các bậc phong lưu tài tử đẻ ra trên mặt báo và các trò văn minh rất hợp với tâm tình Vương Kỳ Dao. Cần nói thêm, thời thượng cũng biết nóng biết lạnh.
Vương Kỳ Dao và Vương Kỳ Dao có tình cảm chị em, tình cảm này theo nhau suốt đời. Bất cứ lúc nào họ đến với nhau thì cuộc sống phòng khuê cũng đến theo. Họ như có dấu ấn, bia kỷ niệm về những năm tháng phòng khuê, hoặc là bằng chứng có thể kéo lùi thời gian. Trong đời họ có nhiều thứ có thể thay thế duy tình cảm chị em thì trước sau như một. Tình cảm chị em cũng thật là lạ, họ không phải là người cùng chung hoạn nạn, mà cũng không đến nỗi bát cơm sẻ nửa, không ơn không oán, không vướng bận, không gia đình, không nghề nghiệp, không có gì trói buộc và bảo đảm. Nói là hiểu lòng nhau, con gái thì có biết bao nhiêu điều riêng tư? Nhiều lắm cũng chỉ là bạn bè, mà bạn bè thì có gì cần lắm đâu, chẳng qua chỉ là đi học cùng đường. Các cô chải cùng một kiểu tóc, giày tất giống nhau, khoác tay nhau như đôi tình nhân vậy. Nếu gặp hai người con gái như thế ở phố xin đừng nghĩ rằng đó là hai chị em sinh đôi mà chỉ là bạn hữu, bạn hữu kiểu Vương Kỳ Dao. Các cô dựa vào nhau như thế chẳng qua chỉ là chuyện nhỏ, làm ra vẻ quan trọng đó thôi, thế nhưng vẻ mặt họ rất chân thật, khiến bạn cũng nghĩ là chân thật. Các cô làm bạn với nhau kỳ thực là buồn tẻ gia tăng buồn tẻ, không còn gì khác cộng thêm không còn gì khác, chẳng ai giúp được ai việc gì, bởi thế chẳng có gì vụ lợi mà trở nên thuần túy. Mỗi Vương Kỳ Dao lại có một Vương Kỳ Dao khác làm bạn, có khi là bạn học, có khi là láng giềng, cũng có lúc là chị em họ với nhau. Đó cũng là một cách xã giao trong cuộc sống phòng khuê bình thường của các cô, hoạt động xã giao của các cô rất ít, bởi thế không khỏi dốc toàn bộ công sức và kết quả biến xã giao thành tình cảm bạn bè. Các cô Vương Kỳ Dao là người của tình cảm bạn bè đó, cởi mở chân thành với nhau dưới vẻ bề ngoài đua đòi thời thượng. Tình cảm bạn bè là chân tình đối với chân tình, tuy chỉ là chân tình bình thường. Một Vương Kỳ Dao đi lấy chồng sẽ có một Vương Kỳ Dao khác đến phù dâu, vừa là đến mừng vừa là tiễn đưa. Đến phù dâu với tinh thần tự nguyện, trang phục phải sẫm hơn, kiểu cách cũng già hơn một chút, phấn son cũng nhạt nhờ, chìm lặng về mọi phương diện, tự hy sinh, đó là tình cảm bạn bè.
Trong mỗi ngõ nhỏ, trong mỗi ô cửa của Thượng Hải đều có một Vương Kỳ Dao ngồi đọc sách, thêu thùa, cùng bạn bè nhỏ to tâm sự, rơi nước mắt vì bực tức với bố mẹ. Trong mỗi ngõ nhỏ Thượng Hải đều có sắc thái con gái, tên gọi của sắc thái đó là Vương Kỳ Dao. Sắc thái đó thật đẹp đẽ, không cao xa mà rất bình dị gần gũi, thân tình, đáng yêu. Nó tương đối khiêm nhường, tương đối ấm áp, tuy có gì đó như tạo dựng, rất dụng tâm, có thể tiếp nhận. Nó không cởi mở và cao thượng lắm, nhưng không có ý định viết sử thi, những điệu thức nhỏ bé lại được lòng, là sắc thái hàng ngày. Mọi người có thể đến nhưng không thể tuỳ tiện cợt nhả. Chúng có gì đó thiếu kiến thức nhưng thấu tình đạt lý. Bụng dạ chúng có phần nhỏ bé, bụng dạ nhỏ bé còn lý thú hơn đạo lý lớn. Nó còn có chút gì đùa giỡn, cũng rất lý thú, là trạng thái thông thường của nhân gian được tô vẽ thêm một chút. Nó không khỏi có chút gì đó quê mùa, nhưng đã được văn minh gột rửa. Nó phù phiếm đấy nhưng cũng thực dụng. Bóng trăng trên vách ngõ nhỏ viết tên Vương Kỳ Dao; cánh hoa trúc đào viết tên Vương Kỳ Dao; thi thoảng vang lên điệu thức Tô Châu bằng tiếng Thượng Hải mềm mại, người hát có tên Vương Kỳ Dao; tiếng mõ của người bán cháo đêm tưởng như đang cầm canh cho Vương Kỳ Dao; những chàng trai no cơm, sính văn chương sống trên tầng ba đang viết cho Vương Kỳ Dao bài thơ mới; sương đêm trên ngọn lá ngô đồng là nước mắt của Vương Kỳ Dao; lúc chị vú em đi chơi về len lén vào cửa sau, chẳng biết Vương Kỳ Dao đang mơ gì. Ngõ nhỏ Thượng Hải bởi có Vương Kỳ Dao mới thêm ý vị, ý vị tưởng như vào ra từ những kẽ hở sinh kế thường ngày; như cỏ nở hoa vàng trong kẽ tường tưởng chừng ai đó vô tình cắm cành liễu, vô tình bỏ 3e4 quên. ý vị ấy giống như vết loang và hoá giải, như loài rong bám tường sinh trưởng, ăn sương ăn gió nhưng vẫn xanh, tựa như đốm lửa nhỏ thiêu cháy đồng cỏ. Giữa giành giật và bất khuất là nỗi đau không gì xóa nổi. Bởi các ngõ nhỏ Thượng Hải hàm chứa nỗi đau, tên gọi nỗi đau ấy là Vương Kỳ Dao. Trong ngõ nhỏ Thượng Hải thi thoảng lại có một bức tường leo đầy dây thường xuân, dây thường xuân buông rủ hàm ý trường thọ. Trường thọ của chúng là đau khổ không dứt, trên đó ghi đầy thời gian, những dòng thời gian, tàn tích thời gian được ngày tháng tích lũy, ép chặt đến ngạt thở. Đó là Vương Kỳ Dao triền miên đau khổ.
Hết chương 1. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.