hào ông chủ, Jacob nói khi xin phép ông chủ cáo lui. Lễ shabbat bắt đầu đến nơi rồi. Tôi sẽ hoàn tất bức vẽ vào sáng chủ nhật.
Ông chủ Vladislav nhìn mảng tường ngay dưới trần nhà. Màu xanh da trời mà Jacob vừa vẽ dường như phả ra hơi ẩm của buổi sáng tinh sương. Đôi chỗ, anh đã thêm vào một ít màu hồng ánh vàng. Sắc màu ấy chính ông chủ đã thấy vào lúc rạng đông trên bầu trời bên trên dòng sông. Không, cái Jacob vừa vẽ còn đẹp hơn.
Nếu Jacob không phải là người Do Thái, anh sẽ trở thành một họa sĩ nổi danh. Nhưng, ở thời đó, người Do Thái không có quyền vẽ mặt người. Tôn giáo của họ cấm kỵ điều đó. Khi họ cầm bút trên tay thì duy nhất là để trang trí các bức tường lâu đài.
Trong thực tế điều đó lại hoàn toàn hợp ý ông chủ Vladislav. Các họa sĩ Do Thái thường có tài, nhưng họ không bao giờ muốn ký tên dưới tranh. Họ vẫn vô danh và vinh quang thuộc về những ai thuê mướn họ làm việc như ông chủ Vladislav đây.
Dù đã mất hàng giờ, hàng ngày xem Jacob vẽ, pha màu, và phết chúng lên tường, Vladislav biết rõ rằng ông không bao giờ có thể làm được như thế. Ông không hiểu được làm thế nào mà anh chàng Do Thái này có thể sáng tạo được một khoảng trời trong vắt và những trang phục với màu sắc rực rỡ huy hoàng đến thế... Vải nhung trong trang phục của đức vua trông như thật, đến mức muốn sờ tay vào.
Chính Vladislav đã từng vẽ dung mạo của vua. Bất hạnh thay, bức họa chẳng đạt. Đường nét cứng đơ, không một chút tinh thần, đôi mắt thì lờ đờ.
- Hôm nay anh làm chẳng được bao nhiêu, ông chủ trách Jacob. Ông ta không bao giờ khen anh.
- Giá mà anh có thể vẽ mặt các thiên thần, Vladislav nói, nửa nài nỉ, nửa ra lệnh.
- Không, thưa ông chủ. Tôi đã nói ngay từ đầu rồi, tôi không thể vẽ mặt các thiên thần, cũng như mặt các thánh.
- Vậy thì ít nhất cũng vẽ cánh họ vậy.
- Đồng ý, tôi sẽ vẽ cánh, rốt cục Jacob nhận lời. Nhưng như thế tôi đã phạm vào các giới luật của chúng tôi. Tôi không được phép vẽ ngay cả các con vật.
- Ngay cả sư tử nữa sao? Tôi đã thấy hình những con sư tử trong sách của các anh, ông chủ nhận xét.
- Đúng, chúng tôi có thể vẽ sư tử. Jacob bất đắc dĩ thừa nhận.
Anh không thích tranh luận về những gì anh có thể và không thể vẽ. Anh đã bắt đầu vẽ từ khi còn bé tí. Trước tiên là nhà cửa, rồi cây cối.
Một bữa, khi còn là một cậu bé, anh vẽ một con mèo ngồi trên hàng giậu. Anh chạy vào khoe cha.
- Ném cái này đi. Con không biết chúng ta không được quyền vẽ những sinh vật sống hay sao?
- Điều đó có được ghi ở đâu đó không? Jacob hỏi.
- Chắc chắn là có! Nếu không, tại sao lại bị cấm? Người cha nói, ngạc nhiên vì câu hỏi của con.
- Con sẽ hỏi thầy giáo của con xem sao, Jacob quyết định.
Thấy mặt cha sầm lại, anh lại nói thêm:
- Thầy vẫn thường khuyến khích chúng con đặt ra những câu hỏi.
Hôm sau anh hỏi thầy giáo tại sao anh không được vẽ con mèo.
- Vì việc đó làm mất thì giờ lẽ ra có thể dành cho việc đọc sách của các bậc thánh hiền.
Jacob không thỏa mãn với câu trả lời ấy.
- Nhưng nếu con vẽ con mèo, ngồi trên hàng giậu, đang rình chim chóc?
- Vì sao con muốn vẽ nó?
Jacob suy nghĩ, rồi trả lời:
- Để làm cho giây phút ấy hóa thành vĩnh cửu.
- Chỉ có Đấng Tối cao là vĩnh cửu. Người đã tạo ra thế giới này, nơi tất cả đều là phù du.
- Trừ lời nói, Efraêm, bạn đồng môn của Jacob nói. Lời nói cũng vĩnh cửu.
- Phải, đúng thế, thầy giáo vội vã thừa nhận.
Thật ra, thầy sợ Efraêm. Đó là cháu của Shabataê ben Meir, đại giáo trưởng một thành phố của xứ Morave. Ông thầy nghĩ cậu ta được thừa hưởng sự khôn ngoan của bác mình.
Một cậu học trò khác, Joseph, quay về phía Jacob.
- Cậu cần gì phải vẽ con mèo, cậu có thể mô tả nó.
"Nhưng làm sao thể hiện được bộ lông con mèo đang lấp loáng dưới ánh mặt trời, cặp mắt lim dim như ngái ngủ, bóng cây trên hàng giậu...," Jacob tự nhủ.
- Nếu cậu vẽ con mèo, nó sẽ trở về trong giấc mơ của cậu, nó sẽ cào cậu, Efraêm tuyên bố. Với tư cách là cháu của vị giáo trưởng thông thái, cậu ta luôn luôn tin rằng mình biết nhiều hơn tất cả những người khác.
Ý tưởng ấy thu hút sự chú ý của Jacob. Phải chăng điều đó có nghĩa là: Nếu anh vẽ các thiên thần thì họ sẽ trở về trong những giấc mơ của anh? Khuôn mặt họ thế nào? Có lẽ giống gương mặt mẹ anh chăng?
Anh thôi không vẽ cây với súc vật nữa mà bí mật vẽ người.
Một bận, Jacob vẽ mẹ, đang bế trên đầu gối em gái nhỏ của anh. Chính anh cũng ngạc nhiên là mình đã nắm bắt được vẻ đẹp của khuôn mặt mẹ, nét mặt nhân từ, đang âu yếm nhìn cô con gái nhỏ bụ bẫm trên đầu gối. Anh vội vã khoe với cha mẹ.
- Đẹp làm sao! Bà mẹ hào hứng kêu khẽ.
Trái lại, người cha sững sờ.
- Ôi, Chúa tôi! Chúa trừng người phạt con vì tội gì? Vì đâu con trai con lại vô tình đến nỗi đánh cắp cả linh hồn của mẹ nó và em nó?
- Nhưng, thưa cha, con chỉ muốn gương mặt đẹp đẽ của mẹ và em gái được trường tồn mãi mãi.
- Không có gì có thể còn mãi! Ông bố tuyệt vọng kêu lên.
- Thưa cha, con đã được trông thấy các bức tranh... Jacob chưa nói hết câu.
Anh không thể thú nhận với cha mẹ anh đã nhiều lần rời ghetto, tới thăm các nhà thờ của những người vô đạo. Những bức tranh trông thấy ở đấy đã khắc sâu vào tâm trí anh.
- Hãy vứt ngay bức vẽ này vào trong lò! Người cha ra lệnh.
- Khoan đã, bà mẹ ngăn lại. Trước tiên ta hãy xin lời khuyên của giáo trưởng.
Tim Jacob thắt lại vì một linh cảm u ám. Giáo trưởng không ưa gì anh. Jacob hay đặt cho ông những câu hỏi quá phức tạp.
Một giờ sau, người cha trở về.
- Giáo trưởng bảo không nên đốt bức vẽ để không làm tổn hại đến các linh hồn. Jacob phải chôn nó xuống đất, như thế linh hồn sẽ còn quay về với những người sống. Hãy chôn bức vẽ của con, ông ra lệnh cho Jacob.
Jacob cầm bức vẽ, đi ra vườn sau nhà. Anh đào một cái hố, nhìn tác phẩm của mình lần cuối trước khi chôn. Bỗng chốc, anh không thể tiếp tục được nữa. Bàn tay không tuân theo ý anh. Cổ họng thắt lại. Anh tự nhủ: Người đàn bà bị người ta chôn con mình chắc cũng cảm thấy như thế.
Anh đứng sững trên miệng hố. Dần dần, sức lực trở lại. Anh cúi xuống, đặt bức vẽ xuống hố. Bỗng, một trận cuồng phong giật lấy bức vẽ trên tay anh. Trong một lúc, bụi bịt chặt mồm, mũi, mắt, khiến anh không trông thấy gì hết.
Cuối cùng, sau khi dụi mắt, Jacob nhìn vào đáy hố, nhưng bức tranh không có ở đó. Khắp nơi trong vườn cũng không. Nhìn lên trời cũng không nốt. Bức tranh đã biến mất.
Jacob vào nhà, kể lại chuyện này với cha.
- Con kể cho ta nghe chuyện gì vậy? Người cha nổi cáu. Gió nào? Ta không thấy đến một chiếc lá động đậy trên cây cối trước nhà.
- Cha ơi, cha không tin con sao? Jacob hỏi, bối rối.
- Xung quanh lặng ngắt, không có gió. Con nói dối!
- Có lẽ con nó không nói dối đâu, bà mẹ bênh con. Có thể có một lúc nó bị chìm vào một giấc mơ và...
- Cái đó cũng không tha thứ được. Sách vở của các bậc hiền triết đã dạy: Mơ mộng lắm chỉ đem đến cho ta những ảo ảnh phù du và những lời nói trống rỗng.
Jacob mở miệng định giải thích: Chính vì lẽ đó mà anh vẽ, để thách thức cái phù du và những lời trống rỗng. Nhưng ánh mắt anh gặp cái nhìn van xin của mẹ. Vì thế anh đành cúi đầu, im lặng.
- Tốt nhất cho chúng ta là con hãy đi khỏi nhà, người cha chậm rãi nói, sau một lúc im lặng.
- Cha đuổi con sao?
- Không, ta không đuổi. Giáo trưởng đã khuyên ta như thế.
Jacob nhìn mẹ.
- Cả cha lẫn mẹ đều rất yêu con, bà mẹ nói, nuốt nước mắt. Nhưng con khác người quá. Chúa ban cho con tài năng để làm những việc mà luật của Người đã cấm. Trong ghetto, chẳng ai hiểu ra sao cả. Có thể ở nơi khác con sẽ khám phá ra tại sao lại như thế.
Jacob không thể hiểu được: Bà mẹ rất mực yêu quý của anh cũng muốn anh đi sao?
Như đọc được ý nghĩ của anh, bà mẹ nói:
- Bây giờ ai cũng sợ con. Thậm chí cả giáo trưởng.
- Giáo trưởng sợ con ư? Tại sao?
- Ông ấy sợ con vẽ ông. Ông tin rằng nếu sau đó con vứt bức vẽ đi thì ông sẽ gặp điều chẳng lành.
- Mẹ ơi, cha ơi, đó chỉ là những điều mê tí dị đoan cổ lỗ! Jacob kêu lên. Làm sao mà một người thông thái như giáo trưởng có thể...
- Đúng là giáo trưởng đã học trong trường dành cho các giáo trưởng, nhưng như thế không có nghĩa là ông thông thái, bà mẹ thở dài.
- Đó là giáo trưởng của chúng ta và chúng ta không có ai khác, người cha nói khô khan.
Jacob nhận thấy anh có thể trở thành nguồn cơn của những cãi cọ của cha mẹ. Anh không thể chịu nổi nếu cha mẹ vì anh mà buồn khổ.
- Được, cha ạ, con sẽ đi, anh nghiến răng nói.
Anh cảm thấy cô độc và bị ruồng bỏ, chỉ vì anh biết vẽ thứ mà Đấng Tối cao đã tạo ra.
Jacob không muốn mang theo gì cả. Anh vừa đến hàng rào thì người đầy tớ gái đuổi kịp.
- Cậu hãy cầm lấy cái này, của bà gửi cho cậu đấy. Cô ta đưa cho anh một gói nhỏ rồi chạy vào nhà.
Ra khỏi thành phố, Jacob ngồi xuống cỏ, mở cái gói ra. Trong gói là một quyển sách in những bổn kinh cầu nguyện trong các ngày lễ hội, gọi là Mahzor. Trang nào cũng đầy những hình minh họa màu sắc về cây cối, súc vật và cả những hình phụ nữ hở hang.
Làm thế nào mà quyển Mahzor này lại rơi vào tay mẹ. Tại sao bà không bao giờ đả động tới nó? Jacob hiểu sẽ chẳng bao giờ anh biết được điều đó.
Trong hai năm, anh đi dọc ngang từ thành phố này đến thành phố nọ. Anh thường phải giấu mình, phải nhịn đói đi ngủ. Anh sống bằng cách vẽ lặt vặt và sửa tranh.
Một hôm, trong một nhà thờ, anh có dịp hoàn tất bức tranh của một họa sĩ đã say xỉn đến nỗi không đứng được nữa. Nhà thờ này ở trong một thành phố Tiệp, nơi Vladislav có xưởng vẽ. Người họa sĩ kia làm công cho ông ta. Vladislav sợ rằng bức tranh không thể hoàn thành đúng thời hạn. Jacob đã giúp ông một việc quan trọng, thêm nữa, anh tỏ ra rất có năng khiếu. Vladislav đề nghị anh ở lại làm việc cho ông ta. Jacob nhận lời với điều kiện anh vẫn được tuân thủ những quy tắc và luật lệ Do Thái. Họ ký một thỏa ước. Chính xác là Jacob thảo ra bản hợp đồng vì Vladislav không biết đọc, biết viết. Ông ta chỉ biết độc có hai chữ cái đầu tên mình nhưng không bao giờ quên áp triện phía dưới những bức tranh do những người làm công vẽ.
- Tôi muốn nhắc anh là toàn bộ bức tường phải xong vào thứ hai, kể cả các thiên thần. Phải vẽ cả mặt các thiên thần... Vladislav nói nghiêm khắc.
- Nhưng thưa ông chủ, theo thỏa thuận của chúng ta... Jacob bắt đầu.
- Tôi biết. Nhưng, ngày thứ hai tôi có một cuộc hẹn quan trọng và tôi muốn mọi thứ phải xong.
- Ai sẽ đến?
- Những người lạ. Rất giàu.
- Nhưng, về mặt các thiên thần...
- Anh phải chọn: Hoặc thứ hai anh phải làm cho xong toàn bộ bức tường với các thiên thần cùng khuôn mặt họ, hoặc anh đừng quay lại nữa. Anh có thể mừng lễ shabbat của anh bất kể ngày nào, miễn là phải cách xa, rất xa nơi này. Nếu ta lại trông thấy anh, nếu ta phát hiện ra anh ở cái xó xỉnh nào đấy, ta sẽ tố cáo anh là Do Thái, hơn nữa còn thông đồng với những lực lượng thần bí. Mọi người sẽ tin ta: Anh không thể vẽ đẹp như thế nếu không được quỷ giúp.
- Ngày nay người ta không còn nhiều thành kiến như trước, không còn tin con người có thể liên kết với quỷ. Những giàn thiêu không còn nữa, Jacob nói.
- Với một tên Do Thái thì người ta luôn luôn tìm được một giàn thiêu, lão chủ trả lời lạnh tanh.
Trong suốt thời gian của lễ shabbat, Jacob suy nghĩ đến cái sẽ chờ anh vào ngày chủ nhật tiếp theo. Anh giở đi giở lại quyển Mahzor, ngắm nghía gương mặt những người đàn bà hở hang. Người nào vẽ minh họa cho quyển sách này? Một người Do Thái chăng? Làm sao anh ta dám vẽ những người đàn bà hở hang trong một cuốn sách kinh cầu nguyện?
Lễ shabbat gần kết thúc. Jacob càng lúc càng thấy sức nặng của quyết định: Anh sẽ vẽ mặt người hay không?
Jacob ra khỏi nhà trọ, nơi anh thuê phòng.
- Lạy Chúa, hãy giúp con. Con biết làm gì với cái tài mà người đã ban cho con? Anh nói với trời đêm.
Anh xin các vì sao cho anh một tín hiệu. Nếu một vì sao chợt tắt đi, anh biết sẽ phải ngừng vẽ. Nếu một vì sao bắt đầu lung linh, anh có thể vẽ mặt người.
Nhưng các vì sao lấp lánh trên bầu trời không một chút đổi thay. Chúng không muốn cho anh lời khuyên. Đấng Tạo hoá không muốn giải thoát cho anh trách nhiệm với quyết định của mình.
Jacob quay về phòng, nằm dài trên giường. Mệt mỏi, anh ngủ thiếp đi. Anh mơ có ai gõ cửa và đâm sợ: Có lẽ Vladislav đã tố giác và người ta đang đến tìm anh. Anh không có quyền sống ngoài ghetto, cũng như không có quyền làm việc nếu không được cho phép đặc biệt.
- Jacob, mở cửa ra! Ta đây! Tiếng Vladislav vang lên.
Anh ngồi dậy và vội vã ra mở cửa. Sau lưng Vladislav là hai người đàn ông Jacob chưa từng trông thấy.
- Xin chào. Cho phép tôi tự giới thiệu: Tôi là Franois Van Bijlert, một người nói. Đó là một người điển trai, có giọng nói lạ lùng. Tôi là bà con xa của ông chủ Rembrandt, anh ta nói thêm.
Jacob tròn mắt kinh ngạc.
- Anh biết Rembrandt ư? Vladislav hỏi.
Jacob đã nghe người Do Thái ở Amsterdam nói nhiều đến Rembrandt, nhưng anh chưa bao giờ được thấy tác phẩm của ông.
- Và đây là một người bạn và người hâm mộ Rembrandt, người kia giới thiệu bạn đồng hành, vốn nhiều tuổi hơn, dáng vẻ đĩnh đạc.
- Rembrandt đang ốm nặng, người nhiều tuổi tuyên bố. Cuộc sống của ông tính từng ngày. Nhưng, trước khi chết, ông muốn biết ai là tác giả bức họa gió đã mang đến phòng ông qua cửa sổ mở rộng. Ông nghĩ người họa sĩ nhút nhát đó vào một ngày nào đó đã ra hiệu cho ông và ông vui mừng được làm quen với anh ta. Nhưng không có ai từng tiếp xúc với anh ta và không ai biết tác giả của bức họa tuyệt đẹp đó. Tôi quyết định sẽ cố thỏa mãn nguyện vọng của ông.
Người ấy thận trọng lấy trong túi ra một bức tranh. Franois Van Bijlert cầm cây đèn nến trên bàn, soi lại gần. Đúng là bức tranh mà lẽ ra Jacob đã phải đem chôn trong vườn mấy năm trước.
- Đây là mẹ tôi... Jacob lắp bắp. Và em gái nhỏ của tôi.
- Anh đã ở Hà Lan à? Vladislav giật nảy người. Anh chẳng bao giờ nói với ta về chuyện này.
- Không, tôi chưa bao giờ đến đó. Gió đã mang bức vẽ đến.
Vladislav cười khẩy châm biếm. Hai người lạ nhìn nhau.
- Tôi đã nói với các ông rồi, đừng mất công đến đây. Anh ta không bao giờ vẽ mặt người. Hượm đã...
Ông ta nhìn lại bức tranh rồi vỗ trán:
- Phải rồi! Đúng rồi! Tôi nhớ ra rồi. Chính tôi đã vẽ bức họa ấy. Tôi quên khuấy đi mất. Lâu quá rồi...
- Được, người đứng tuổi ngắt lời ông ta. Chúng tôi sẽ còn ở lại đây một hai ngày nữa.
Ông quay về phía Jacob.
- Hãy cho chúng tôi xem những bức tranh của anh. Chúng tôi sẽ thấy ngay bức tranh kia có phải do chính tay anh vẽ không.
- Tôi không có gì ở đây cả, Jacob nói nhẹ nhàng. Chỉ có những tranh tường trong lâu đài.
- Nhưng các ông đã xem chúng rồi mà, Vladislav vội xen vào. Anh ta không biết vẽ ngay cả mặt thiên thần. Làm sao anh ta có thể vẽ được một người đàn bà đẹp đến thế, sinh động đến thế? Còn tôi...
- Chúng tôi đã xem tranh của ông rồi, người lạ mặt nói với Vladislav, hơi sốt ruột.
- Tôi có thể đưa các ông xem những bức khác. Tôi đã vẽ nhiều mặt người trên tường lâu đài...
- Đồng ý, chúng tôi sẽ xem lại tất cả, vào thứ hai, Franois Van Bijlert nói dàn hòa.
"Một giấc mơ lạ lùng," Jacob nghĩ, khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau.
Rồi anh tự nhủ, đó là tín hiệu từ Chúa mà anh đang chờ đợi. Anh đến lâu đài và làm việc suốt ngày, không có một lúc nào ngừng. Anh không nhìn gì cả, không thấy ai quanh mình, trừ gương mặt dễ thương của các thiên thần với đôi mắt ngây thơ và tinh nghịch mà anh đang vẽ trên tường.
Anh làm việc đến khuya, ngủ ngay tại chỗ và dậy rất sớm để sáng sớm hôm sau hoàn thành tác phẩm.
- Anh đã thuyết phục được chúng tôi, Jacob, một tiếng nói cất lên sau anh, vào lúc chập tối đúng lúc anh vừa vẽ xong những nét cuối cùng.
Anh ngoái lại, thấy hai người lạ trong giấc mộng.
- Các ông là người thực ư? Các ông không phải là sứ giả của Chúa trong giấc mơ của tôi sao? Các ông không phải đã đến để cho tôi biết tôi có thể vẽ mặt các thiên thần sao?
- Không, chúng tôi là người thực. Chúng tôi đến đây để hỏi xem anh có muốn trở thành học trò của thầy Rembrandt không.
Cho đến tận ngày nay, chúng ta vẫn có dịp trông thấy trong các bảo tàng và phòng tranh nghệ thuật các bức họa tuyệt đẹp, ký tên đơn giản: Vô danh, thuộc trường phái Rembrandt. Trong số đó có những bức họa do Jacob vẽ.
Đến nay, các chuyên gia về nghệ thuật tạo hình đã nghiên cứu bức tranh "Chân dung gia đình" của Rembrandt. Không ai có thể biết nguyên mẫu của người đàn bà tuyệt đẹp với đứa con gái nhỏ trên đầu gối. Và người ta còn kể lại một chuyện thật là khó tin: Hình như nguyên mẫu của tác phẩm này là một bức họa nhỏ, một hôm được gió mang đến qua cửa sổ để mở tại nhà một trong những danh họa vĩ đại nhất trong lịch sử.
Hết truyện 10. Mời các bạn đón đọc truyện 11!