Truyện Ngắn Đặc Sắc Các Tác Giả Nữ Truyện ngắn 11


Truyện ngắn 11
Quà tặng trước lúc giao thừa

Khi gã về đến nhà thì trời đã sầm sập tối. Tiết nồm làm không khí ẩm thấp len lỏi vào tận trong cuống họng. Gã cảm thấy chân tay mình nhớp nháp và mùi cá khô cũng nhớp nháp theo. Con ngõ nằm cạnh chợ cá, vì thế, mùi khô mực, cá lóc, cá nục, cá thu, cá trích, cá cơm, cá đuối bốc quện vào nhau ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác. Chúng bủa vây như một thứ cực hình, như réo gã nhớ tới hiện tại. Gã kéo cao cổ áo để lớp nỉ sờn rách bên trong gại ra mùi nước hoa Armani Mania nồng nàn. Mùi thơm quen thuộc không át được sự ghê tởm và nỗi tuyệt vọng vẫn ứ đầy lên cổ. Gã ghê tởm mùi cá khô, mỗi lúc đi qua cổng chợ thường rảo bước thật nhanh. Gã điên cuồng giật mạnh cánh cổng sắt gỉ ngoét của khu chung cư. Nước thải buổi chiều dập dềnh trên nắp cống, bọt xà phòng sùi lên lẫn với váng mỡ và nước cống đen ngòm. Nước bẩn vấy lên đôi giày da bóng lộn sau mỗi nhịp bước. Gã lên tầng hai, ủn cả người vào cánh cửa gỗ nâu nhám. Một mụ hàng xóm đi qua nhăn mặt.

- Chưa cơm tối đã uống rượu.

"Mặc kệ tao" - Gã muốn nói thế nhưng một vài thói quen còn sót lại khiến gã cười nhệch mép một cách


khó khăn.

- Cơm tối rồi mà.

Thằng nhóc ra mở cửa tròn mắt nhìn gã.

- Ba ăn tối rồi ạ?

Gã trút đôi giày tây vào góc nhà, quẳng áo khoác lên mặt bàn nước cáu bẩn, đóng cửa xong xuôi kỹ lưỡng rồi mới quắc mắt nhìn thằng bé.

- Tao nuôi lớn mày để mày hỏi những câu ngu đần thế à? Mày không thấy tao đang đói lả ra đây hay sao.

Thằng bé sợ hãi chạy vụt vào góc bếp. Nó loay hoay với đám nồi niêu xoong chảo cũ mèm. Thân hình của đứa trẻ 12 tuổi lọt thỏm trong chiếc áo pull bạc màu.
Đôi mắt gã chợt chạm vào màn hình Sony trên nóc tủ búyp phê và ngay tức thì cảm thấy cái thứ vẫn đang ứ trong cổ ngày này qua ngày khác nhuốm dần lên óc.
Cơn giận khiến gã thấy mình chỉ vài giây sau đã cầm trong tay chiếc đĩa VCD nát vụn. Gã gầm lên như con thú bị thương:

- Ai cho phép mày xem những thứ này? Mày để cha mày đói lả và mày thì giải trí với cái chết tiệt này.

 

Đĩa trứng rán trên tay thằng nhỏ rung lên từng chập. Chưa hả giận, gã tiện tay gạt phăng chồng đĩa được xếp ngăn nắp trên mặt tủ.

- Tao đốt hết. Tao đốt cả cái nhà này. Tao thiêu trụi luôn cả cha mày nữa.

Lúc này thì chính gã cũng cảm thấy hơi rượu từ miệng mình đang bay lên tận mũi. Cơn say làm gã la đà. Mỗi lần nổi cơn điên, gã thường dọa thiêu trụi cha thằng bé là gã. Gã rõ điều thằng bé sợ nhất là mất gã, vì thế men rượu làm gã khoái chí khi nhìn thấy khuôn mặt khổ sở, sợ sệt của nó. Gã ngã chúi vào ghế sô pha, vừa khóc nức nở vừa lẩm bẩm.

- Sao mày dám xem những thứ ấy? Sao mày dám làm thế với tao?

Gã ít khi đánh thằng con trai, nhưng những cơn say hung bạo triền miên và sự lạnh lẽo khiến nó lúc nào cũng nhìn gã bằng ánh mắt van lơn của kẻ nô lệ đối với chủ nuôi. Suốt 12 năm nay, gã xem nó là nguồn cơn của mọi nỗi khốn khổ mà gã phải gánh chịu, là nguồn cơn của sự nhục nhã lúc chiều nay ở hãng phim, là nguồn cơn của cái dạ dày đang sôi réo, vậy mà nó còn dám xem những bộ phim ấy để trêu tức gã.

Lúc tỉnh, gã nhận ra rằng thằng bé rất sung sướng và hãnh diện khi xem những bộ phim có gã đóng, đã từng đóng. Có lần gã bắt gặp thằng bé rước mấy đứa bạn cùng lớp đến ngồi chễm chệ trên đi văng, mắt chúng dán vào màn hình, nơi có những hình ảnh của gã đang lái ô tô đến gặp đối tác nước ngoài, gã tung đòn quyền vào một tên trùm xã hội đen, gã đang ôm siết một cô gái có mái tóc dài như mây dưới ánh hoàng hôn trên bãi biển. Trong phim, gã là anh hùng, là kẻ hào hoa đa tình, là nhà khoa học kiệt xuất, là doanh nhân thành đạt. Càng nhìn khuôn mặt hoàn hảo trên màn hình, gã càng thấy cơn điên bốc lên tận đỉnh óc. Thằng bé thấy gã về, run giọng bảo lũ bạn:

- Bọn ấy về đi.

- Sao thế? - Lũ trẻ nhao lên ngạc nhiên trong khi ánh mắt lén liếc nhìn gã tò mò.

Gã thấy mình trần ra như nhộng trước những đôi mắt soi mói của bọn trẻ. Mấy đứa nhỏ dường như sợ hãi trước ánh mắt của người chủ nhà, lặng lẽ đi ra cửa, không quên lén nhìn gã một lần nữa rồi lại liếc vào màn hình.

Sau khi cánh cửa được đóng chặt và cài then cẩn thận, gã mới dang thẳng cánh tay vào mặt thằng con trai.

- Mày bêu riếu cha mày. Thực sự mày muốn bêu riếu cha mày. Mày muốn bạn bè mày nhìn thấy tao tàn tạ
thế nào.

- Con xin… lỗi… ba. - Thằng bé nấc lên, giọng lí nhí không thành tiếng.

- Mày ghét tao. Mày muốn tất cả thiên hạ nhìn thấy cha mày nghèo nàn, tồi tệ đến thế nào.

 

- Không phải thế. - Những âm thanh tắc nghẹn buột trào ra thành một tiếng gào thét thê thảm. - Con yêu ba. Con muốn tất cả chúng nó không được chê con không có ba nữa. Con đã bảo bọn nó rằng Ba tao là một diễn viên điện ảnh lừng danh.

Rồi chừng như sợ gã cho thêm một cái tát trời giáng nữa, nó cuống lên lao thẳng vào lòng gã ôm chặt lấy, một bên má còn hằn những vết đỏ dúi vào lớp áo vest trộn lẫn mùi rượu mạnh và nước hoa ngàn ngạt. Người gã bất thần xụi lơ như bị quỷ dữ rút mất phần hồn. Gã thõng hai tay, từ từ lùi lại chiếc đi văng có lớp bọc rách nát, lôi theo cả thằng bé nằm vật xuống đấy. Gã cứ nằm im hệt thế này. Dường như gã vừa ngủ lịm đi mất một lúc. Cơn đói bụng giờ đã biến mất nhưng người gã lả đi như không còn sinh khí, chỉ khứu giác là nhúc nhích. Thằng Thiên con trai gã đang xào một món gì đó rất thơm, nó vẫn có thói quen chế biến cầu kỳ những thứ thực phẩm rẻ tiền mua ở cổng chợ cá trước cửa nhà. Gã thấy chân mình thì lạnh nhưng thân mình ấm áp. Có vẻ như thằng Thiên đã đắp cho gã một chiếc chăn mỏng lên vai. Nhìn thấy gã mở mắt, nó sợ sệt bê thêm một đĩa rau đặt lên bàn. Trừ ánh mắt lúc nào cũng lo âu còn thì gương mặt nó giống gã như được định mệnh đúc ra từ một khuôn. Nước da ram rám, đôi mày rậm, sống mũi thẳng và cái cằm lẹm sâu. Phần lớn thời gian gã tránh nhìn vào hình ảnh ấy. Khuôn mặt của thằng con trai khiến đầu óc gã đảo lộn trăm ngàn cảm xúc. Thà rằng nó mang một khuôn mặt khác chắc gã sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Gã định nói "Cảm ơn con trai của ba, ngồi xuống đây ăn cùng ba đi", nhưng sau chợt nhớ ra gã chưa nói những câu tương tự thế bao giờ, gã đành buột miệng càu nhàu:

- Ngồi xuống ăn luôn đi, còn đứng đấy làm gì nữa.

Thằng bé cố gắng ăn rất nhanh, vì nó biết rằng sau đấy sẽ có nhiều khách đến. Họ là bạn chơi bài tây của cha nó. Ngày nào cũng thế, họ đến từ tối muộn và rời đi lúc tang tảng sáng. Những người khách mang khuôn mặt khác nhau mỗi ngày, chỉ có ba nó đêm nào cũng im lìm bên những quân bài, khuôn mặt vô cảm hơi ánh lên và sầm đi mỗi khi ván bài kết thúc, để rồi hôm sau sẽ ngủ vùi đến tận quá trưa. Thằng bé hít một hơi dài như định nói điều gì đó rồi sau rốt lại thở mạnh ra và và một miếng cơm suông. Quãng chừng dăm sáu bận như thế rồi nó ngập ngừng.

- Việc… chiều nay của ba thế nào?

Nó hỏi mà mặt cúi gằm xuống cái bát con để trên lòng. Gã trợn mắt nhìn nó, kinh ngạc. Gã vừa kinh ngạc vì thằng bé biết việc chiều nay gã đi đâu, vừa kinh ngạc vì nó dám hỏi một câu như thế. Thằng Thiên trước nay chưa dám hỏi gã điều gì bao giờ, cho dù là cái câu đơn giản nhất "Hôm nay ba có ăn tối không?". Gã đoán nó đã nghe thấy cuộc điện thoại gọi lúc trước khi đi. Nếu vào một lúc khác, rất có thể cả đám bát đũa đã bay vèo vào góc nhà. Thằng bé đã đụng đến nỗi đau, đến nỗi nhục nhã của gã. Nhưng giờ, khi hơi men đã bay biến, người gã rũ ra như tàu lá úa. Gã ngạc nhiên khi thấy mình cất lời:

- Cũng ổn, ăn nốt đi.

Thằng bé có vẻ phấn chấn, nó ăn còn nhanh hơn. Nó vui không phải vì công việc của gã ổn, mà vì gã đã trả lời nó. Gã uể oải gác đũa lên mặt bàn. Gã nhớ lại khuôn mặt người đã từng là bạn thân. Gã đọc tin trên báo, thấy nói đạo diễn Danny Bùi đã trở về Việt Nam và vừa thành lập một hãng phim. Hãng phim của Danny Bùi có cả trường quay riêng và ông chủ hãng đang đầu tư vào một bộ phim có giá trị độc tôn để vinh danh tên tuổi ông sau khi về nước. Danny Bùi từng là cặp bài trùng trong nhiều trường đoạn làm khuynh đảo màn bạc. Nhưng 12 năm trước, Danny Bùi sang Mỹ tu nghiệp và gã bặt tin từ đó.

Lúc đầu giờ chiều, gã gọi điện cho người bạn cũ. Gã cố gắng ra giọng thản nhiên hỏi thăm "Công việc của cậu có bận không?". Danny Bùi không nhận ra giọng gã, và âm điệu "A lô" khi nhấc máy là vẻ quen thuộc của một người bận rộn, một người mà việc nói chuyện vài phút qua điện thoại cũng đã là một thứ xa xỉ. Gã giới thiệu và đầu dây bên kia à lên, hồ hởi mời đến chơi ngay lập tức. Gã cũng hồ hởi mặc quần áo, hồ hởi nhờ thằng Thiên đánh bóng hộ đôi giày không mấy khi xỏ. Gã lấy bộ comple đắt tiền nhất trong tủ. Trong nẹp áo có vài vết sờn nhưng gã hy vọng lúc ngồi nói chuyện, tư thế khoanh tay sẽ không bận mắt người đối diện phải chú ý. Bộ quần áo hơi chật so với cái bụng đang ngày càng phát triển song gã cũng sẽ chịu đựng được, chỉ mong nó đừng đứt khuy giữa chừng là xong. Gã cạo đám râu lam nham trên mặt, chải ép tóc lên trên như hơn chục năm về trước, bôi chút dầu bóng và ngắm nhanh mình trong gương. Gã hơi thất vọng vì quầng mắt nằng nặng của hàng trăm đêm thức bên những quân bài, gò má đọng nước vì những can rượu đổ vào cơ thể ngày này qua ngày khác đã khiến khuôn mặt hầu như không còn nét gì của người đàn ông gợi cảm trên màn bạc. Cuối cùng, gã lấy chai Armani xịt lên cổ áo. Mùi tuyết tùng và cỏ Vetiver phảng phất làm gã thoáng gợn lại những giây phút quay cuồng trong bồn tắm cùng các người tình mà giờ gã không nhớ nổi mặt. Tuy nhiên gã vẫn nhớ họ đã đờ đẫn dưới cơ thể cuồn cuộn của gã như thế nào. Họ có những đường cong khó kìm nén, những đôi môi ẩm ướt và ánh mắt long lanh trong bóng tối. Họ mang nhiều khuôn mặt, một cô bạn diễn cặp, một người mẫu ảnh mới vào nghề, một nữ doanh gia giàu có và gợi tình hay một fan hâm mộ nóng bỏng. Gã cố gợi lại khuôn mặt của mẹ đứa con trai mà đầu óc trống rỗng như một cuộn băng trắng. Gã chỉ nhớ đôi tay móng hồng thò qua cửa phòng khách sạn với đứa bé cuộn tròn ở trên và giọng nói lạnh lùng: "Anh nhận nó, hoặc tôi sẽ hủy hoại sự nghiệp của anh". Cuối cùng là tiếng giày cao gót lộp cộp lạnh tanh trên hành lang lát đá đen.

 

Hãng phim của Danny Bùi nằm trên tầng 12 của một tòa cao ốc ở trung tâm thành phố. Gã hơi ngần ngừ trước tấm biển đồng có khảm hàng chữ đen: V-Pictures. Gã đưa tay lên, rồi lại hạ tay xuống. Sau rốt, hít một hơi thật mạnh, gã mạnh dạn gõ cồm cộp vào cánh cửa cách âm. Một cô gái mặc đồng phục xuất hiện nhanh chóng dẫn gã vào phòng riêng của chủ hãng. Căn phòng có hai mặt tường ốp kính trông xuống dòng sông chảy ven thành phố. Những cành cọ được sắp xếp rất nghệ thuật cạnh bộ sô pha bọc dạ màu be. Trên tường là các tấm ảnh khổ lớn lồng khung kính mà trong đó Danny Bùi đang đứng khoanh tay trước tấm biển Liên hoan phim Cannes, Danny Bùi đứng cạnh Steven Spielberg, Danny Bùi đang chỉ đạo nhóm làm phim với vài cô diễn viên tóc nâu mắt nâu gợi cảm. Và giờ Danny Bùi đang ở ngay trước mặt gã, bộ comple có nẹp viền bằng lụa xám được cắt may hoàn hảo ôm lấy thân hình không còn vẻ chắc nịch của 15 năm về trước. Hai tay dang rộng, Danny Bùi cười ha hả:

- Chào người hùng của màn bạc. Chào người đàn ông gợi tình nhất Việt Nam.

Mặc dù đứng thẳng người bằng dáng vẻ tự tin, nhưng gã vẫn không giấu được nụ cười ngượng nghịu.

- Tôi đâu còn như thế nữa.

Danny Bùi ôm chầm lấy gã. Hai bàn tay vỗ bồm bộp lên lưng.

 

- Chúng ta đều như thế cả. Tôi và cậu đều đã già nua, cơ thể đầy mỡ thừa, nhưng dù sao cậu cũng đã làm nên kỳ tích.

- Cậu cũng thế mà. - Gã ngồi lên mép bộ sa lông
bọc dạ, lưng ưỡn thẳng như đang trong một cảnh quay quan trọng.

- Không, ngàn lần không. Còn nhớ khi chúng ta diễn cùng nhau, lúc nào tôi cũng tự ti trước cậu.

- Vì cậu toàn được đóng vai phản diện. - Gã cũng cười ha hả, bất chợt quên mất mình đang là ai, quên mất cả mục đích trèo lên tầng cao chót vót này. - Tôi thì lúc nào cũng mơ ước được đạo diễn giao cho một vai tướng cướp mà không được.

- Cả vai bị đàn bà phản bội nữa chứ. - Người bạn cũ của gã cười sảng khoái. - Còn cậu thì luôn được đóng vai phản bội đàn bà.

Nụ cười trên mặt gã tắt ngấm. Một thứ gì đó lại kéo dâng lên tận cổ.

- Cũng không sung sướng gì đâu. Thế… công việc của cậu dạo này thế nào? - Gã đánh lảng sang
chuyện khác.

- Tốt, rất tốt. Cậu thấy đấy. Mọi thứ rất trôi chảy vì tôi có trường quay riêng. Thu nhập chính đến từ cái trường quay ấy. Ai cũng cần thuê nó cả.

- Thế còn bộ phim sắp tới?

 

- Tốt, rất tốt. Đấy sẽ là bộ phim hoành tráng nhất trong điện ảnh Việt Nam từ trước đến giờ. Tôi còn đang đầu tư vào một hệ thống rạp chiếu phim hiện đại bậc nhất ngay trong tòa nhà này.

Câu chuyện xoay quanh những ngày tháng Danny Bùi sống trên đất Mỹ. Ông ta không nói về nguồn gốc của số tiền đầu tư vào các hạng mục khổng lồ mà chỉ nhắc đến những nhân vật nổi tiếng của Hollywood đã từng ăn tiệc tối cùng. Danny Bùi nói rằng điện ảnh Mỹ hiện đại như trong một giấc mơ, rằng ông ta phải có sứ mệnh cải tổ cái cỗ máy chậm rì của các nhà sản xuất phim trong nước, rằng nếu ông ta không làm việc đó thì chẳng ai làm nổi. Gã tán thưởng đúng thế, đúng thế. Ngay từ ngày xưa tôi cũng đã biết cậu có năng lực rất lớn trong công việc đạo diễn và sản xuất. Danny Bùi lắc đầu nguầy nguậy. Không phải thế đâu, chỉ vì tôi quá kém cỏi trong diễn xuất, ít ra là kém cỏi so với cậu nên mới phải chuyển hướng. Chẳng giấu điều này, hồi ấy lúc nào tôi cũng thèm muốn và đố kỵ một cách âm ỉ với các thành công của cậu. Danny Bùi hỏi cuộc sống của gã thế nào. Gã khoanh kín hai tay trên nẹp áo vest. Cái bụng cứa vào cạp quần đến tức thở. Thay vì kể về căn nhà tồi tàn luôn tắc ống nước thải trên tầng năm khu chung cư cạnh chợ cá, về tình trạng không việc làm khốn khổ khi gã không biết làm gì khác ngoài việc nhập vai những người xa lạ trước ống kính, về những tháng ngày tuyệt vọng chìm trong men rượu và những quân bài, gã lại ưỡn thẳng
lưng lên.

- Tôi ổn. Đang có vài đạo diễn mời tôi mấy vai và một công ty phim nhờ tôi làm biên kịch. Nhưng tôi cũng khá bận nên còn cân nhắc. Tôi có mấy căn nhà cho thuê, thu nhập chính từ đấy mà ra, đâm cũng ngại đi đóng phim. Mà mình cũng già rồi, không nên phô phang mặt mũi trên màn ảnh nữa.

- Tốt, rất tốt. - Danny Bùi hồ hởi nâng ly Hennessy lên ngang mặt. - Chúc mừng sự thành công của cậu, chúc mừng cuộc hội ngộ này. Giờ cậu đã là diễn viên gạo cội rồi, cũng nên có sự lựa chọn, không phải vai gì cũng có thể nhận.

Gã thấy giận điên lên, gã nguyền rủa chính mình, gã muốn nói rằng gã cần tiền, giờ gã không mơ đến những vai diễn như những vai đã từng đưa gã lên đỉnh cao danh vọng nữa, gã chỉ cầu xin một vài vai hạng bét trong một bộ phim mì ăn liền với số cát sê đủ để gã trả tiền thực phẩm, tiền điện nước hàng tháng, tiền học cho thằng Thiên - cái nợ đời của gã - và nếu may mắn ra thì dư cho gã mấy đồng để giải trí bên các quân bài tây trong những đêm trắng mắt. Điện thoại của Danny Bùi réo liên tục. Ông ta bận, rất bận. Gã biết ý không nên ngồi thêm nữa. Gã uống cạn ly rượu, hít mạnh một hơi rồi cố gắng nhấc cái quai hàm đang cứng ngắc.

 

- Dù sao… thì… thỉnh thoảng đóng phim cũng vui. Coi như một cách nhớ lại… hồi ức. Nếu bộ phim sắp tới của cậu mà có vai diễn nào…

- Ấy chết, phim của tôi hoành tráng thật nhưng dù sao cũng chỉ là phim thị trường. Cậu chỉ thích hợp với những vai diễn nghệ thuật vĩ đại. Ai dám mời cậu những vai như thế, không xứng với cậu tí nào.

- Thực sự thì tôi rất muốn cộng tác với một người năng động như cậu, biết đâu học hỏi được cách làm phim hiện đại…

- Chết chết. Tuổi của cậu nên giải trí bằng những cách khác. Cậu nên nghỉ ngơi ở các resort, đi du lịch năm châu bốn bể và thư giãn ở các sân golf. Tội gì phải hứng nắng mưa trước máy quay làm gì cho khổ thân. Khi nào tôi có một tác phẩm để đời đi dự liên hoan phim Venice nhất định sẽ phải năn nỉ nhờ cậy cậu.

Điện thoại của Danny Bùi lại réo vang. Ông ta trao đổi vài câu trên máy rồi quay sang gã:

- Vợ tôi cũng sắp đến đây, chúng tôi hân hạnh mời cậu đi ăn tối với gia đình. Cô ấy có một nhà hàng nho nhỏ ngay gần đây thôi.

Gã đứng dậy, rệu rã.

- Thôi, xin phép cậu để khi khác. Chiều nay tôi cũng có một cái hẹn nữa.

Danny Bùi nài gã ở lại ăn tối. Gã cười méo mó. Cái gã cần không phải là một bữa tối. Tất cả các đạo diễn mà gã tìm đến đều giống hệt Danny Bùi, luôn luôn mời gã ăn tối, luôn luôn ca ngợi gã là diễn viên số một, nhưng đều không ai dám giao những vai diễn không xứng cho gã. Gã biết đó là một cách từ chối khéo. Những bộ phim hút khách cần những nam diễn viên có cơ thể cường tráng, khuôn mặt trẻ trung khơi gợi lòng ham muốn của các fan hâm mộ nữ, có sẵn một vị trí từ làng catwalk hay âm nhạc. Cho dù chỉ là một vai phụ thì cũng cần đến một vài yếu tố ăn khách. Còn gã như một con chim cú ám quẻ những bộ phim bạc tỷ của họ. Gã xuất hiện trên phim người ta sẽ xì xào về quá khứ của gã, sẽ không muốn nhìn thấy mặt gã ở những vị trí trang trọng như trên màn bạc. Gã hiểu hết, nhưng vẫn muốn gặp Danny Bùi với một hy vọng mỏng manh rằng người bạn cũ sẽ nể tình mà giao cho một vai diễn nào đó.

Thốt nhiên, gã thấy lạnh gáy khi một âm thanh lóc cóc ngoài hành lang loáng thoáng lọt qua cánh cửa cách âm dày cộp. Liền sau đó, cửa bật mở và một bàn tay móng hồng thò vào để đẩy cửa rộng ra thêm nữa.

- Vợ tôi. - Danny Bùi đưa tay giới thiệu. - Mỹ Lan, trước cũng từng theo học khóa diễn xuất bên trường Sân khấu - Điện ảnh. Còn người này chắc em biết rồi, bạn thân nhất của anh, diễn viên Phi Bảo, người đàn ông lý tưởng của màn bạc.

Gã thấy tấm thảm màu tro bên dưới bỗng chốc biến thành một miếng nam châm khổng lồ. Danny Bùi nói vài câu gì đó, cười hồ hởi và lại liên tục trả lời điện thoại. Sau ông ta chìa cánh tay ra:

- Tôi có việc phải đi gấp. Nếu cậu có nhã ý muốn tham quan các phòng chiếu phim đang xây dựng của chúng tôi thì Mỹ Lan sẽ dẫn cậu đi. Hẹn gặp lại.

Danny Bùi nháy mắt rồi biến mất sau cánh cửa gỗ dày. Không khí trong phòng nén lại đặc quánh đến mức gã thấy những nút, những khuy, những đai, những móc trên người đang sắp đứt tung. Vợ người bạn cũ cười khẽ:

- Anh vẫn thế nhỉ.

Gã thở gấp gáp.

- Thế sao được. Đã 12 năm và tôi héo rũ như một kẻ sắp được thần chết rước đi. Chắc cô hài lòng.

- Ý tôi nói rằng anh vẫn ngạo mạn như thế dù bây giờ anh chẳng còn thứ gì để có thể phô bày sự sĩ diện
được nữa.

- Phải, tôi đã mất hết tất cả. - Gã cười cay đắng. - Cô đã hài lòng chưa? Mà cô làm cái quái gì với thằng Danny Bùi thế?

- Làm gì à? Dựa dẫm vào một thằng đàn ông khốn kiếp giống hệt anh trong lúc khốn quẫn. Thực ra là lão dựa dẫm vào tôi, tiền của lão là tiền của tôi. Tôi cày cục trên xứ người và lão ngồi yên hưởng thụ. Nhưng tôi chán sự hận thù rồi. Chúng tôi dựa dẫm vào nhau như lũ tầm gửi bám ngoắc ngoéo vào hàng rào.

 

Gã im lặng, gã không biết nên nói gì tiếp theo, gã chỉ muốn mặt sàn nứt ra và gã rơi thẳng xuống tầng trệt.

- Thằng nhỏ thế nào? - Bất chợt Mỹ Lan hạ giọng.

- Nó ổn. - Gã nhếch mép. - Tôi sẽ chuyển lời hỏi thăm của cô cho nó.

- Anh đối xử với nó tử tế không?

- Tử tế hơn kẻ đã mang nó vứt vào tay tôi.

Mỹ Lan nhích từng bước về phía gã. Tiếng cười của cô ta lành lạnh.

- Armani Mania. Anh vẫn tự huyễn hoặc mình bằng cách bao bọc trong thứ mùi nhân tạo ấy à. Ôi chao, tôi đã từng điên rồ vì khuôn mặt, vì cơ thể, vì mùi hương của anh đến thế nào. - Nói rồi bàn tay móng hồng thò vào trong túi xách. - Tôi có một món quà từ Mỹ gửi cho anh. Caron’s Poivre, mùi hương đắt giá nhất thế giới. Biết đâu, anh vẫn cứ quyến rũ được vài con đàn bà nào đó hâm mộ anh.

Gã cầm chiếc hộp vuông trên tay, nhìn nó như cách gã nhìn cái bọc trên tay 12 năm về trước. Chỉ có điều, lần này, sau vài giây chiếc hộp đã bay vèo ra góc nhà, và sém trúng cửa kính. Gã đi như chạy ra cầu thang máy và không biết bằng cách nào, chỉ 15 phút sau đã có mặt trong khu vườn tĩnh lặng ở ngoại ô thành phố.

Người chủ nhà đặt bộ trà tàu lên chiếc bàn mây trước mặt gã.

 

- Không... Rượu... Loại mạnh. - Gã ngước mắt,
van xin.

- Cậu đến đây, nghĩa là đi tìm sự yên tĩnh.

- Không. Rượu. - Gã gần như phát khóc.

- Được rồi. - Người chủ nhà thở dài, đi khuất vào ngôi nhà gỗ ở góc vườn và quay lại với một bình rượu trên tay. - Rượu quý, chưng cất từ các loại rễ cây trên đỉnh núi, từ từ thôi nhé, không uống hàm hồ được đâu.

Nhưng gã không chờ đợi được. Gã tu ừng ực bình rượu thể đang trong cơn khát cháy cổ. Gã nấc lên.

- Thầy thử nói xem, bản chất con người là thiện
hay ác?

Người thầy của gã, người 25 năm trước đã tìm thấy gã trong một nhà máy sản xuất thuốc lá sợi. Ông tình cờ ngồi dưới ghế giám khảo trong cuộc thi sân khấu cuối năm của nhà máy. Gã đóng một tiểu phẩm nho nhỏ và ông đã thay đổi cuộc đời gã khi biến tay thợ đứng máy quèn thành một ngôi sao màn bạc sáng giá nhất thời bấy giờ. Ông đã chìa tay ra giản dị lúc cuối buổi diễn gã ôm hoa lủng liểng ra khỏi hội trường.

- Tôi là đạo diễn Hồ Phúc. Tôi rất ấn tượng khuôn mặt biểu cảm của cậu. Cậu có muốn cống hiến hết mình cho nghệ thuật không?

Gã đi học lớp diễn xuất, được đặt nghệ danh và được người thầy giao cho những vai diễn đã đưa gã lên đỉnh cao. Hồ Phúc là một con người khắc nghiệt. Ông luôn nhắc lại với gã một câu duy nhất.

Trong nghệ thuật chỉ có số 1 hoặc số 0. Hoặc cậu là số 1 hoặc cậu không là gì cả. Nghệ thuật không chấp nhận những thứ hạng trung bình khá.

- Vậy sau đỉnh cao sẽ là gì thưa thầy? - Gã nở nụ cười thậm chí còn có thể làm xiêu lòng cả những người
cùng giới.

Hồ Phúc im lặng. Mãi sau mới khẽ khàng:

- Cậu trèo lên một quả núi rồi sẽ phải đi xuống sườn dốc bên kia. Nhưng nhất thiết phải lên tới đỉnh, không được ở lưng chừng.

Gã đã trèo lên đỉnh núi. Nhưng những đỉnh nhọn thường chật hẹp, quá nhiều người chen chúc và cố gắng duy trì một chỗ sát trời mây. Rồi cũng đến thời hạn Hồ Phúc rời đỉnh núi để nhường chỗ đứng cho những người khác. Tuy nhiên, ông lặng lẽ từ bỏ vị trí trong lúc đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp. Còn gã ngã lộn cổ từ trên cao xuống vì những tai nạn thê thảm. Những ngày gã trượt xuống từ con dốc, cô đơn và tuyệt vọng, Hồ Phúc đã
lắc đầu.

- Không ai ở trên đỉnh cao mãi mãi. Nghề này khắc nghiệt lắm. Nếu cậu may mắn, sau khi cậu rời chỗ, người ta thỉnh thoảng sẽ còn nhắc đến tên cậu. Tất cả chúng ta đều phải chấp nhận quy luật nghiệt ngã ấy. Nhưng ta tiếc cho cậu, lẽ ra cậu không phải rời chỗ đứng theo cách này.

 

Sau khi uống gần hết bình rượu, Hồ Phúc giật bắn mình khi nghe gã nhắc đến Danny Bùi.

- Đừng qua lại với thằng Bùi nữa.

- Tại sao?

Lần đầu tiên sau 25 năm, gã nhìn thấy người thầy trở nên lúng túng khó xử.

- Ta đã định đến khi nhắm mắt cũng không cho cậu biết điều này, nhưng ta đã nghĩ kỹ, không nên giấu cậu thêm nữa. - Hồ Phúc uống đến cạn bình. - Chính Danny Bùi là kẻ đã làm điều đó. Trước khi sang Mỹ, nó đến đây uống say mèm và tiết lộ sự thật như sám hối. Chắc lúc ấy nó nghĩ sẽ không bao giờ quay trở về nước nữa.

Đất dưới chân gã nứt toác thêm một lần. Gã đứng bật dậy định đi ra cửa. Hồ Phúc chặn trước mặt, cánh tay nhăn nheo vẫn còn rắn chắc đặt lên vai gã như một
gọng kìm.

- Đừng, con trai. Con phải biết con sẽ luôn an toàn khi đứng trên mặt đất, nhưng khi ở trên đỉnh, con sẽ đầy rẫy kẻ thù. Đó là sự thật mà bất cứ ai cũng phải biết trước. Lỗi là ở ta, ta đã sai lầm khi đưa con lên quá nhanh mà không cho con thời gian để chuẩn bị tâm thế.

 

- Ba ăn xong chưa? - Thằng nhỏ chạm khẽ vào tay
ba nó.

- Ăn xong rồi. Dọn đi.

 

Gã uể oải đứng dậy và leo lên chiếc giường kê ngay cạnh đấy. Gã nhắm mắt lại, khuôn mặt điển trai của Danny Bùi loang loáng trước mặt như dường có con mắt thứ ba trên trán không thể khép lại. Danny Bùi vận bộ đồ thêu kim tuyến của công tử Hàm, đang run rẩy dưới lưỡi gươm của gã. Đấy là cảnh quay được khán giả trong rạp hò reo vang dậy khi người anh hùng Rừng Lam là gã trả thù được mối oán hận với công tử Hàm. Chiếc áo nâu hầu bó sát lồng ngực với mái tóc dài rũ xuống vai xuất hiện trên những áp phích khổng lồ sơn vẽ trước cổng rạp. Sau vai diễn người anh hùng Rừng Lam, mỗi ngày gã nhận được một chồng thư cao bằng gang tay của người hâm mộ, những bức thư mà gã chưa khi nào có thời gian để đọc. Khuôn mặt Danny Bùi thoắt biến mất rồi lại hiện ra trước bể bơi trong căn biệt thự của gã. Cơ thể hắn bóng nhẫy mồ hôi và loang loáng những bóng đen phản chiếu xuống mặt nước qua ánh lửa bập bùng. Nến thắp trong những giò hoa lan chập chờn trước gió. Người gã cũng ướt đầm, gã thấy mình lúc ở dưới nước, lúc ở trên bờ, quấn quện vào những đường cong hừng hực sức sống và mơ hồ trong những ánh mắt hoang dã, điên dại. Những thân hình người, những da thịt xoắn vào nhau như đám trăn rừng rú rít giữa mùa giao phối trên thảm lá mục ẩm ướt. Danny Bùi ẩn hiện giữa khối loang đen trắng không màu rồi dường như tan biến vào làn nước đen thẫm. Gã chỉ kịp nhận ra những quầng sáng chói gắt chĩa thẳng vào người, những tiếng hô mạch lạc và màu sắc tẻ nhạt của loại sắc phục quen thuộc mà gã từng mặc nhiều lần khi đứng trước ống kính máy quay.

Những chuỗi ngày sau đó báo hiệu cho gã biết rằng đấy mới chính là cuộc đời thực của gã, rằng thực ra đó là quãng thời gian nối tiếp của những trưa hè nóng nực đứng trước guồng máy phun sợi thuốc ngây ngất đến váng đầu, còn 10 năm lấp lánh hào quang trên màn bạc chỉ là ảo mộng, chỉ là cơn mơ kỳ vĩ sau một giấc ngủ dài. Những người có mặt ở bể bơi đêm hôm ấy xuất hiện trên trang nhất của tất cả các tờ báo đang uể oải chờ tin. Riêng gã bị buộc tội danh tổ chức nhóm họp tà giáo và hoan lạc tập thể. Gã và tất cả những người liên quan không thể tiếp tục vòng hào quang của mình được nữa, trừ Danny Bùi, kẻ phút cuối không có mặt ở hiện trường. Sau Danny Bùi kể lại rằng đúng lúc đó hắn may mắn bị đau bụng dữ dội và phải chạy ra ngoài kiếm vài viên thuốc. Còn gã hoài công đi tìm lý do bí mật bị bại lộ. Gã tin Danny Bùi, như đã từng tin tưởng rằng định mệnh sẽ giữ mãi cho gã những khoảnh khắc tuyệt vời trên đỉnh núi. Liền sau đó, giống một thứ họa vô đơn chí đổ dồn lên kẻ ngã ngựa. Khuôn mặt từng vùi trong chăn ấm lúc bàn tay móng hồng thò qua cửa phòng khách sạn đặt thằng Thiên vào tay gã đã tố cáo gã lạm dụng cô ta trong lúc bị men rượu chi phối. Luật sư biện hộ rằng cô ta lợi dụng thân chủ của ông ta để gây xì căng đan và kiếm chút tiền bồi thường danh dự. Nhưng vào phút cuối cùng trước tòa, thêm một người nữa làm chứng cho nguyên đơn. Người làm chứng đã xòe bàn tay phết móng hồng mà tuyên thệ trước tòa rằng toàn bộ những gì cô ta nói là sự thật. Đôi lúc, gã lại nghĩ rằng cuộc sống lấp lánh trên màn bạc mới là thực còn những gì gã đang phải chịu đựng đây mới chính là một cơn ác mộng. Gã luẩn quẩn giữa thực và mộng, chen giữa những cơn say triền miên không hồi kết.

Đôi bàn tay móng hồng và khuôn mặt đã hùm hụp nước của Danny Bùi lại lù lù trước mặt khiến gã bật
dậy kêu gào thảm thiết. Thằng Thiên ôm chặt lấy ba nó sợ hãi.

- Ba… ba sao thế?

- Ra đằng kia, cút ra đằng kia.

- Ba, ba đừng uống rượu nữa. Con sợ lắm.

Thằng Thiên không còn vẻ run rẩy nữa, đôi mắt nó ánh lên nỗi đau đớn tuyệt vọng, sao giống ánh mắt của gã nhìn mình trong gương thế. Gã kinh hoàng đẩy nó
ra xa.

- Cút ra đằng kia, mày đúng là cái nợ đời của tao.

Thằng bé lặng lẽ lùi vào bếp, để yên cho gã quằn quại trong vết thương không bao giờ liền. Nó rót một cốc nước to đùng rồi uống ừng ực giống như cha nó dốc cạn chai rượu mạnh. Thằng Thiên vẫn có cách uống nước kỳ quặc như thế, uống vì thói quen chứ không phải vì khát, uống là một cách để giải tỏa cảm xúc giống như người ta uống rượu. Nó thích uống nước từ lúc mới lọt lòng thì phải. Gã lại thấy nó khóc dữ dội trong tấm tã bọc màu xanh da trời. Gã kinh hoàng và ngơ ngác nhìn sinh vật kỳ lạ đang cất tiếng trên tay. Gã không thích trẻ con, đặc biệt lại là một đứa trẻ hình thành sau một cơn say với người đàn bà mà gã chỉ nhớ được cảm giác khi đôi bàn tay móng hồng miết chặt trên lưng. Căn phòng khách sạn ấm áp làm gã vã mồ hôi. Trên người gã cũng không một mảnh vải che thân giống hệt đứa trẻ đang nằm trong bọc tã kia. Một thân hình trần trụi khác nhô lên từ lớp chăn trên nệm.

- Chúc mừng anh được làm bố. - Giọng nói lạnh lẽo tiến sát lại đứa trẻ. - Nhưng mà nếu anh không biết cách nào làm cho nó im miệng đi thì cứ bịt miệng nó lại.

Gã vẫn im lặng một cách ngơ ngẩn như đứa trẻ bị nhồi vào tay một thứ đồ chơi lạ. Phải đến mấy ngày sau gã mới định hình được chuyện gì đang diễn ra và mọi xúc cảm hình thành dồn vào một nỗi duy nhất là lòng căm ghét. Gã coi thằng bé bị thả vào tay là cái nợ đời, nhất là khi mọi tai họa giáng lên đầu gã hầu như một lúc kể từ sau khi nó xuất hiện. Trong đầu óc u mê như bị bóng đè xuất hiện một niềm tin cuồng tín rằng chính thằng bé là nguồn gốc của mọi nỗi cực nhục mà gã phải gánh chịu. Nó khóc suốt ngày khiến gã gần như phát điên. Gã không thể đẩy nó đi đâu được vì lời đe dọa của người đàn bà đã bị gã bỏ rơi. Tuy nhiên, càng ngày thằng bé càng ít khóc, rồi dần dà không còn khóc nữa trong khi trẻ con ở tuổi ấy vẫn khóc rỉ rả. Tựa như nó biết thân biết phận không muốn làm phiền cái người mà nó đang nương tựa. Thay vì khóc, nó uống nước liên tục. Không phải lúc nào người ta cũng nhớ ra để đặt núm sữa vào miệng nó, và nó tự cầm bình nước có lắp vú cao su để sẵn trong nôi lên tu ừng ực. Lúc uống nước trong bình, đôi mắt đen láy lo âu mở to về khoảng không phía trước. Có một lần duy nhất gã tự cầm bình sữa cho thằng bé thay vì bà vú già đã lẩm cẩm. Hai đồng tử màu đen hướng về phía gã, lấp lánh và hàm ơn. Những ngón tay vụng về túm lấy ngón út của người đang cho nó ăn. Gã kinh hãi đặt thằng bé xuống giường. Gã không muốn phải yêu quý nó, gã không muốn đeo đẳng cái cảm giác mang tội với nó và nhất là không muốn một phần máu thịt của người đàn bà mà gã căm ghét trở thành một phần máu thịt của gã. Chiếc bình lăn tròn trên nệm và núm vú cao su thản nhiên rời khỏi miệng thằng bé với tia sữa túa lên tự do như gã thản nhiên rời khỏi đôi đồng tử đang ngơ ngác nhìn theo.

Thằng Thiên đã uống hết ba cốc nước. Nó ngồi lù lù trên ghế mà mặt quay đi chỗ khác. Gã thấy cục nghẹn vẫn ứ đầy trên cổ. Cả Danny Bùi, cả người đàn bà kia và nó đều biết rõ tấn bi hài kịch của gã. Tất cả lũ chúng nó đang cười mũi gã. Cả thiên hạ này biết rõ gã thảm hại như thế nào và giờ chúng khinh thường gã ra mặt. Chúng giẫm đạp lên đầu lên cổ gã.

- Ra đầu ngõ xem người ta đến chưa mà còn mở cửa. Ngồi lù lù ra đấy làm gì? - Gã gào lên và thằng bé giật bắn mình mở cửa chạy ra ngoài.

Chừng mươi phút sau, những bước chân đã rầm rập trước cửa phòng. Hội chơi bài tây của gã. Họ là những kẻ không bao giờ ngó ngàng đến màn bạc. Họ thích những quân bài cáu tay người, hũ rượu gạo rẻ tiền và miếng chăn ấm lúc tang tảng sáng hơn là nghệ thuật hay đỉnh cao. Vì thế gã yên tâm phô bày lũ quần đùi nhăn nheo rách nát và cái bụng phệ bên những con bài thâu đêm suốt sáng. Thằng Thiên đã quen việc. Nó lấy sẵn bộ bài đặt lên bàn, pha ấm trà nóng và đặt chiếc gối vuông ra sau ghế cho ba nó khỏi mỏi lưng. Xong đâu đấy nó rút lui lên căn gác xép. Trên ấy là một thế giới riêng mà dễ đến hàng năm trời ba nó chẳng thấy có việc gì phải ló mặt lên. Âm thanh rì rầm quen thuộc của những quân bài hạ xuống mặt bàn, những lời bình luận tiếc rẻ và tiếng trà xì xụp khiến gã tạm quên đi câu chuyện cay đắng của lúc buổi chiều.

Trà bắt đầu nhạt. Gã mò vào chạn bếp thay cốt mới. Tủ chạn được thằng Thiên xếp rất ngăn nắp. Trong đó có cả chồng thư cao ngất của người hâm mộ gửi cho gã. Những bì thư đã ố vàng nhưng vẫn còn dán kín. Khi còn đang trên đỉnh phù hoa, gã có tất cả mọi thứ trên đời trừ thời gian để đọc những thứ nhàm chán tương tự, còn sau đó, lúc thời gian của gã rẻ mạt bằng mẹt cá khô ngoài cổng chợ, gã thấy sợ khi phải nhìn những bức thư đó. Sau khi gã ngã ngựa, những bức thư vẫn lác đác được gửi đến để cổ vũ, động viên rồi lần hồi mất hẳn. Chỉ duy nhất một phong bì có vẻ như là thiệp Tết luôn được gửi đến vào trước lúc giao thừa. 15 năm nay, giao thừa nào gã cũng nhận được một phong bì màu xanh nhạt giống nhau đến độ cứ nhìn thấy là gã biết chủ nhân của tấm thiệp - người hâm mộ trung thành số 1 của gã, một cô bé, một thiếu nữ, hay một người đàn bà đổ vỡ hôn nhân nào đó cứ ôm mãi những hình ảnh lãng tử trên phim. Nhưng ngay cả những tấm thiệp đó gã cũng chưa bao giờ mở ra. Giao thừa là một chiếc đồng hồ mà mỗi khấc đủ cứa vào gã đau nhói. Chiếc phong bì trên cùng còn đọng mùi giấy. Lúc chiều thằng Thiên đưa cho gã, nói rằng mới nhận được song gã cũng không thèm mở. Chiếc phong bì màu xanh quen thuộc, nhưng không có gợn cứng bên trong của một tấm thiệp. Hình như nó có năn nỉ gã bóc ra nhưng gã càu nhàu từ chối. Hình như gã nói rằng cái gã cần là một bát canh nóng chứ không phải thư với thẩn. Hình như nó đã thất vọng khi gã vứt toẹt phong thư xuống đất như vứt bất kỳ thứ vô dụng nào không phải là những quân bài.

- Hết trà rồi. - Gã hét lên thất thanh như thể mái nhà đang bốc khói. Thằng Thiên dám quên nhiệm vụ. Gã lại gào lên. - Thiên, hết trà rồi sao mày không mua? Càng ngày mày càng mải chơi như thằng ma cà bông thế hả?

Thằng Thiên cất giọng ngái ngủ, nhưng trong cơn lơ mơ nửa mê nửa tỉnh, nó vẫn không quên nỗi sợ hãi vẫn thường trực thậm chí cả ở cõi mộng:

- Trà con để ở tủ dưới. - Nó vọt xuống như tên bắn, tay lục lọi tủ bếp.

- Thiên. - Gã chợt gầm lên, giọng run rẩy trong một cơn điên giận khó kiểm soát. - Áo ở đâu ra?

Gã túm ngực áo thằng bé. Lớp nỉ có hình Người Nhện thơm mùi vải mới. Người Nhện rúm tròn trong lòng bàn tay khổng lồ. Da mặt thằng Thiên trắng bệch. Nó có một chiếc áo mới không rõ nguồn gốc và chắc nó chỉ dám mặc lúc đi ngủ, yên tâm rằng trong giấc mơ ông cha hung tợn không bao giờ hé mắt lên căn gác xép. Sáng mai nó sẽ thay lại chiếc áo gió màu đen ba nó đã mua trong một quầy thanh lý phế phẩm mà đi học. Vừa rồi cơn sợ hãi làm nó lú lẫn đến nỗi cứ thế lao thẳng xuống bếp mà chưa kịp thay áo.

- Áo ở đâu? - Ba nó gằn từng tiếng.

- Con… được cho. - Thằng bé ú ớ.

- Ai-Cho-Mày?

Thằng bé lắc đầu. Miệng méo xệch.

- Mẹ mày cho? - Giọng gã mềm mỏng, sự mềm mỏng chất chứa nỗi đe dọa của bầu không khí ngột ngạt trước cơn áp thấp nhiệt đới.

 

- Không. Con có biết mẹ đâu. - Nó bắt đầu nức nở. Cơn thổn thức dâng lên như một đứa trẻ nhỏ đang
tủi thân.

Thái độ của thằng bé làm gã điên tiết.

- Ai? Đứa nào cho? - Gã gào lên như hóa dại.

- Có một cô…

Tức thì bịch trà trong tay thằng bé văng tung tóe những vụn đen lên tóc, lên áo, lên mặt sàn và tóe cả vào mặt đám bạc đang ngẩn ra nhìn. Gò má trắng xanh đỏ lừ năm đầu ngón tay.

- Cút. Mày cút trước khi tao đốt trụi cái nhà này. Tao sẽ đốt luôn cả tao lẫn mày cho đỡ khổ.

- Ba… - Thằng bé lặp lại đòn tự vệ quen thuộc, nó nhào vào lòng ba nó túm chặt lấy nhưng ngay tức thì bị giằng ra rồi lăng đi một góc.

- Cút… Cút theo mẹ mày. Mày sẽ được nhiều thứ. - Gã cười gằn, tay túm cổ áo thằng bé đẩy ra ngoài cửa. - Được nhiều thứ, không chỉ là một tủ quần áo bẩn thỉu thôi đâu. Được nhiều thứ. Được nhiều thứ.

Một giọng nói cằn nhằn từ trong góc phòng:

- Đang chơi vui lại phá đám. Nó chỉ là một đứa trẻ con, ai cho gì mặc chẳng tốt. Cái áo đẹp như thế…

- Cút hết. - Gã gầm lên như con thú bị thương. Những quân bài trên bàn bay lả tả.

Đám khách nháo nhác rút lui. Họ đã quen với những cơn điên của gã nên chỉ thấy hơi tiếc cho canh bạc dở dang. Rồi thế nào tối mai gã cũng lại kéo theo chai rượu sang từng nhà mời "tiếp tục ván dở hôm qua".

Gã đóng sầm cửa lại, rút chai rượu trên chạn rồi ngồi phệt xuống đám quân bài trộn vụn chè và uống thốc tháo như thằng Thiên uống nước. Vừa uống gã vừa nức nở.

- Cút đi… cút đi… Tao chỉ nuôi mày được đến thế. Tao chỉ là thằng bố tồi đến thế. Cút đi… cút đi!

Gã uống đến cạn đáy rồi lơ mơ thấy bàn tay móng hồng lôi xềnh xệch cái áo Người Nhện. Cô ta cúi xuống và trên hai gò má thằng Thiên chi chít vết son. Danny Bùi ngồi chễm chệ trên sa lông cười ha hả. Hình như bọn họ đang đóng phim, đang trong một cảnh quay với dây dợ, đèn hắt sáng và máy quay lằng nhằng. Rồi thoắt cái cả ba hiện lên màn hình. Họ đang ăn tối trong một nhà hàng trên tầng thượng của tòa nhà. Bàn ăn có bộ dao dĩa bằng bạc và bồi bàn diện áo trắng cổ cồn có thắt nơ lụa màu mận chín. Một con gà tây tráng kem được bày lên mặt bàn trắng muốt. Gã thấy bụng đói cồn cào. Gã ngó vào màn hình để nhìn cho rõ con gà tây nhưng ngay tức thì thằng Thiên quay mặt ra cười chế nhạo. Gã tê tái nhắm mắt lại. Màn hình phụt tối đen như những bộ quần áo sầm sì của chủ tọa phiên tòa. Gã lại thấy mình đang bị tuyên án. Rồi tiếng khóc của gã nghẹt lại, chân tay chặn cứng như bị bóng đè.

- Thiên! - Gã ú ớ. - Thiên, mày đâu rồi?

 

 

Gã choàng mắt. Trong bóng tối mù mờ, gã dần nhận thức được mọi sự xung quanh, trước hết là thân mình lạnh cóng và cổ họng đau như cào xé. Gã bị cảm lạnh mất rồi. Đêm qua gã ngủ quên trong cơn say, quên đắp chăn và giờ phát ốm lên. Gã cựa mình và thấy đỉnh đầu nhói buốt. Đồng hồ dạ quang trên tường lấp lánh số 5.

- Thiên, dậy đi. Nấu cho tao bát cháo. Tao ốm rồi.

Thằng Thiên vẻ vẫn chưa muốn đụng đậy.

- Thiên. - Gã cố cất to giọng. Cổ họng gang ra. - Tao không leo lên gác để lôi cổ mày xuống được đâu.

Thằng Thiên còn đang nằm mơ chắc. Gã chống tay bò dậy. Bầu trời mùa đông 5 giờ vẫn đen đặc như lúc nửa đêm. Tiếng nước lách tách nhỏ trên mái hiên rồi rơi lốp bốp xuống ô cửa kính giờ chắc muốn đóng băng lại. Mưa và rét. Hèn chi gã thấy thân mình nhức mỏi đến từng tế bào. Mắt gã đập vào cánh cửa khép kín như nhà tù. Những quân bài trăng trắng và vết chè đen loang lổ trên mặt sàn. Chai rượu rỗng không lăn lốc. Gã lờ mờ thấy đầu óc mình sáng dần. Một tia chớp rẹt qua cửa kính soi rõ đám hỗn độn và khoảnh khắc, tia chớp trong đầu gã cũng lóe lên rồi chạy xuống ngực. Gã thấy lạnh cả gáy.

- Ôi, Thiên. Mày đâu rồi con ơi?

Gã dò dẫm tìm công tắc điện nhưng vô ích. Chắc đêm qua đường điện cũ nát đã bị cơn mưa phá sập rồi. Gã mở cửa, cơn gió lạnh buốt mang những tia nước hắt tạt vào bên trong. Ánh đèn pin lia ra dãy hành lang vắng lặng. Gã lập cập vác ô xuống mảnh sân ngập đầy nước và rác thải. Đúng như gã hình dung, cửa ra vào khu chung cư đã bị khóa bên trong. Đây là khu dân cư lao động, đạo tặc nhan nhản như ranh nên người ta đã thống nhất cứ đến chập tối là cửa đóng then cài để "ngoại bất nhập". Người trong muốn ra, người ngoài muốn vào phải có chìa khóa riêng. Để thêm phần cẩn thận, có ông già tầng ba còn hiến kế lắp thêm một hàng rào dây kẽm ở phần lửng phía trên. Gã rút chiếc chìa khóa từ trong túi áo.
Ổ khóa tanh mùi sắt gỉ gặp nước cứ trượt khỏi bàn tay run bắn.

- Thiên. Thiên ơi.

Gã chạy ngược chạy xuôi trước cổng chợ giờ trơ trọi trong cơn mưa lâm thâm ủ dột. Gã lộn lại khu nhà. Tồng tộc lên cầu thang gõ cửa từng nhà một. Người ta cằn nhằn. Người ta chửi kẻ vô duyên phá vỡ khoảnh khắc vàng ngon giấc trong một sáng mùa đông giá rét. Tiếng gõ cửa điên cuồng chuyển thành những âm thanh lộc cộc thảng thốt. Gã không hy vọng nhiều lắm vào việc thằng Thiên gõ cửa nhà nào đó xin ngủ nhờ. Nó không bao giờ làm thế, nó không dám làm thế cho dù có chết đói chết rét để bảo vệ danh dự cho gã. Gã không cho phép thằng Thiên nhận bất kỳ sự giúp đỡ của ai. Gã vẫn giữ gìn sự kiêu hãnh một cách cay nghiệt và mù quáng như thế. Gã lộn trở ra đường cái. Chiếc ô không biết rơi ở nẻo nào khiến người gã đẫm nước mưa. Hình ảnh thằng Thiên bị đẩy ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm hiện lên u ám. Gã cố nhớ lại. Nó ra khỏi nhà cùng những người khách chơi bạc. Biết đâu người ta thương nó mà mời tá túc cho qua độ sáng. Nhưng gã biết điều đó là không thể. Thằng Thiên sẽ sợ cha nó đốt trụi nhà nếu nó làm như thế. Điều hiển nhiên duy nhất mà gã nhìn thấy là nó sợ quá đến nỗi tạm lánh ra ngoài và bị một người hàng xóm về muộn khóa trái cánh cổng bên trong. Thằng Thiên bị nhốt ở ngoài cả đêm, trong cái thời tiết ghê rợn này. Gã kinh hoàng gào lạc cả giọng, chân rảo đi rảo lại trên hè đường bẩn thỉu.

- Thiên! Con ơi!

- Ba!

Người gã rủn đi khi nhìn thấy một lùm con con động đậy phía bên kia cổng chợ. Khu chợ này cũng được cửa đóng then cài cả đêm đề phòng những thùng cá khô được quấn xích sắt bị thất thoát, nhưng trước cổng có một mái hiên nhô ra. Gã nhào sang đường, nhìn rõ thằng bé đang rúm lại sau miếng bìa các tông ướt mủn. Chiếc áo nỉ Người Nhện cũng sũng nước, chân tay thằng bé lạnh toát như cục băng nhưng trán thì nóng hầm hập. Nước trên gò má gã chỗ nóng chỗ lạnh. Nó run lên cầm cập và gã cũng run không kém. Giọng gã nghẹn lại:

- Ba xin lỗi. Ba xin lỗi. Ôi con trai của ba, ba xin
lỗi con.

 

 

Cả ngày hôm sau thằng Thiên nằm bệt trên chiếc giường kê góc nhà. Nó sốt sình sịch và chỉ tỉnh đôi chốc, lúc tỉnh cũng lơ mơ ngơ ngác. Gã loay hoay nấu một nồi cháo loãng và tự pha chế mấy thứ thuốc nam một cách vụng về. Ngoài những lúc đó ra, gã ngồi im lìm trên ghế, ánh mắt thảng lén liếc nhìn thân hình nhỏ thó bất động trong chăn. Gã không biết phải làm gì. Mới nhớ ra từ lúc cái bọc tã được quẳng vào tay gã, hình như nó chưa ốm bao giờ. Như thể định mệnh biết trước số phận của nó nên không nỡ bắt tội nó thêm lần nữa. Cũng có thể nó đã ốm vài lần mà không dám nói. Thi thoảng gã thấy động tác của nó chậm chạp, khuôn mặt thì đờ đẫn, rồi nó tự uống vài viên thuốc gì đó. Không biết có phải lúc ấy nó ốm không. Tuy nhiên nó vẫn chuẩn bị đồ ăn cho gã, giặt giũ, dọn dẹp và học bài như một cái đồng hồ. Nó chưa dám phản kháng lại gã bao giờ, trừ một lần duy nhất, cô giáo chủ nhiệm của thằng Thiên gọi điện đến nhà. Gã bị mời lên trường về vấn đề học tập của thằng con trai. Trong lúc nghe điện thoại, gã thấy ánh mắt nó lén liếc nhìn gã đắc thắng. Đầu dây bên kia mềm mỏng, đại ý rằng thằng Thiên học rất khá, nhưng một tháng trở lại đây nó không thể tập trung, "Thiên bị các bạn học chế giễu rằng em không có cha". Gã thản nhiên.

- Tôi rất bận, không thể đến trường, nhưng tôi hứa sẽ chỉnh đốn lại thằng nhỏ.

 

Ánh mắt từ góc bếp thoắt biến thành vẻ tuyệt vọng. Gã cúp máy điện thoại, đi qua người nó, nhún vai.

- Mày đi học, hoặc nghỉ ở nhà. Đừng bắt tao phải mất thời gian thêm nữa.

Sau bận đó, nó không dám tự gây ấn tượng với gã thêm lần nào. Nó cun cút đi học và làm việc lặt vặt trong nhà một cách câm lặng như một ông lão đã đến hồi
xế bóng.

Lúc tìm thấy nó dưới mái hiên cổng chợ, dưới ánh đèn đường loáng nước mờ tối, gã lặng đi trước nụ cười sáng rỡ của nó. Nó hài lòng vì lần đầu tiên gã gọi nó là "con trai", xưng "ba".

8000

 

*

*      *

 

Gã đi tới đi lui trong sảnh lớn, hai tay bắt vào nhau. Được một lát, đôi giày chật ních khiến gã phải ngồi xuống chiếc ghế bành xế quầy lễ tân, nhưng cũng chỉ năm phút sau lại đứng bật dậy như đang dư thừa năng lượng. Thằng Thiên bình phục nhanh tựa một thứ cây dại bị phạt ngọn nhưng chỉ chờ một cơn mưa đã mọc lại tua tủa, còn gã đâm ra đổ ốm. Thực ra gã đã thấy ngấy người từ chập sáng tỉnh giấc đi tìm thằng Thiên, nhưng mấy ngày sau gã cố gượng dậy loay hoay cháo thuốc cho nó. Giờ nó đã tỉnh táo đi lại, gã mới yên tâm nằm cù rù trong chăn mà tiếp tục sốt sình sịch. Gã nằm ngót một tuần. Lúc tỉnh dậy ngơ ngác sợ rượu, sợ những âm thanh ồn ào, sợ cả tiếng quát mắng của chính mình.

Từ cái đêm bị bỏ quên ngoài đường, thằng Thiên sung sướng thấy ba nó thay đổi hẳn. Đến khi ba nó ngồi được dậy, nó mới mang ra chiếc phong bì màu xanh bị bỏ quên như hàng ngàn bức thư khác của những người hâm mộ.

- Người ta nhờ con đưa cho ba.

Lúc ấy gã mới nhận ra chiếc phong bì không có dấu bưu điện như mọi khi mà là một bức thư tay. Gã xé bao ngoài, bên trong có mảnh giấy với vỏn vẹn hai dòng chữ và một số điện thoại. Gã quẳng toẹt xuống đất, nhăn mặt. Một trò đùa vớ vẩn. Gã không còn hơi sức đâu mà cáu giận và hận thù nữa. Gã chui lại vào chăn nằm thở dốc. Lúc cơm trưa, thằng Thiên rón rén ngước nhìn
ba nó.

- Sao ba không gọi điện cho người ta?

Gã trệu trạo nhai vài thứ trong miệng, im lặng không nói năng gì.

- Ba…

- Chuyện đùa con nít. Tao ngần này tuổi đầu…

- Không phải đùa đâu ba, là thật.

- Ai đưa cái thư đấy cho mày?

- Cô ấy cho con cái áo Người Nhện. - Thằng Thiên cụp mắt xuống.

 

Gã trợn mắt.

- Là…

- Không phải mẹ đâu, con biết mà. - Thằng nhỏ khẳng định.

Gã băn khoăn bỏ bát đũa khỏi đôi tay nặng trĩu.

- Thế là ai?

- Có số điện thoại mà, ba gọi cho người ta là
khắc biết.

- Số điện thoại đâu? - Gã đâm ra tò mò.

Thằng Thiên cuống lên chạy đi lấy chiếc phong bì màu xanh trong có ghi một số điện thoại. Nó tự động lấy điện thoại của ba nó nhấn số, nghe máy rồi chuyển lại.

- Người ta nhấc máy rồi, ba a lô đi.

Gã a lô như một cái máy. Đầu dây bên kia im lặng chừng một giây rồi một giọng phụ nữ trẻ cất lên.

- Tôi đang nghe?

 

Cái lý do khiến gã đi tới lui trong sảnh này để chờ đợi một người hoàn toàn xa lạ không phải do nội dung câu chuyện mà vì giọng nói vô ảnh trong máy điện thoại khiến gã tin rằng đấy không phải một trò đùa.

Tiếng chào sau lưng làm gã giật mình.

Người phụ nữ xuất hiện. Cô ta trạc 30 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt cũng nhỏ nhắn nhưng quyết đoán và thông minh. Không khí trong sảnh không quá lạnh nên cô chỉ mặc một chiếc áo mông-tơ-ghi cổ tròn xám và thắt chiếc khăn san to màu rượu bordeaux. Gã lúng túng chìa tay ra.

Cô Kỳ Lâm?

Kỳ Lâm mỉm cười xã giao. Cô là đạo diễn kiêm phó giám đốc một hãng phim mới tinh chưa hề có thương hiệu trên thị trường và cô muốn mời gã vào vai chính trong bộ phim mở hàng cho hãng. Gã thấy câu chuyện này hết sức kỳ khôi. Bộ phim đầu tay là sự sống còn của một hãng phim, chỉ riêng chuyện mời một diễn viên già cỗi, thất thế vào vai diễn đã là cả một sự nực cười. Kỳ Lâm hâm mộ hình ảnh người hùng màn bạc Phi Bảo từ những bộ phim của hai thập niên trước, và 15 năm nay cô là chủ nhân của những tấm thiệp Tết trong chiếc phong bì màu xanh gửi đến vào trước lúc giao thừa, những tấm thiệp mà gã chưa bao giờ mở ra. Cô say mê điện ảnh và dồn hết tình cảm cho nghề nghiệp, người đầu tiên cô muốn mời vào bộ phim đầu tay cũng chính là thần tượng thuở niên thiếu. Đấy là điều bình thường đối với bất kỳ người nào nhưng bất bình thường với cuộc đua tranh gắt gao trên thương trường của cả một doanh nghiệp.

- Tôi đã đọc kịch bản. - Gã chậm rãi. - Tôi không muốn làm cô thất vọng nhưng cần phải nhìn vào thực tế, đây là một kịch bản không đặc sắc, chí ít thì cũng không đủ đặc sắc để lôi chân khán giả đến rạp trong thời đại đầy rẫy những bộ phim kỹ xảo hoành tráng, diễn viên long lanh những áo những quần, cốt truyện hoặc ly kỳ rùng rợn hoặc lâm ly thê thảm hoặc giúp người ta cười đến nổ bụng.

Gã nói một thôi vừa như phân tích vừa như đay nghiến, nỗi đay nghiến mơ hồ mà không có đối tượng. Dừng lại một lúc, gã khẽ khàng:

- Và thêm tôi nữa… là thêm một yếu tố hoàn hảo giúp bộ phim… thất bại hoàn toàn.

Lại dừng một lúc.

- Số cát sê cô trả cho tôi cũng là một sự nực cười. Gấp năm lần một diễn viên hạng sao, bằng một đạo diễn nước ngoài lấy đẳng cấp quốc tế để áp dụng tiền cát sê cho toàn cầu. Cô Kỳ Lâm, tôi đang khốn khổ thực, nhưng không cầu xin sự thương hại. Tôi không muốn dư âm những hình ảnh vang bóng của tôi làm tổn hại đến công việc của cô.

Bất giác, gã đưa hai tay khoanh lên trước, thoáng nghĩ kích thước vòng bụng dường như đã nhỉnh hơn một chút so với hôm đến gặp Danny Bùi.

- Cô Kỳ Lâm, tôi vô cùng cảm ơn cô đã nhớ đến tên tôi. Nhưng cô hiểu cho, tôi vẫn còn lòng kiêu hãnh và sự tự trọng của mình.

Gã đã nói hết. Gã không còn gì để trình bày nữa. Hôm nay gã hoàn toàn tỉnh táo. Suốt hai tuần nay, một tuần nằm trên giường bệnh và một tuần đọc kịch bản, gã không chạm đến một giọt rượu nào, cũng không u u mê mê bên những quân bài có hình đầu người xuôi ngược, cũng không còn sân si thù hận. Trận ốm khủng khiếp đầu tiên sau vài chục năm trời khiến gã chợt nhận ra một vài điều vô nghĩa. Đấy là lúc gã chìm vào những cơn ác mộng mê sảng trong khi nhiệt độ cơ thể vọt lên không dừng. Gã thấy mình chết trong giấc mơ không màu, trong một lỗ huyệt đen ngòm đất cát và ô trời hình chữ nhật phía trên cũng xám xịt như chì. Xung quanh dồn một nỗi yên ắng đáng sợ của cõi chết. Không có ai ở bên trên, nhưng lại có những bàn tay vô hình ném đất rào rào xuống lỗ huyệt. Tỉnh dậy, gã thấy chân tay mình vô cảm không trọng lượng, song gã hạnh phúc khi thấy mình không phải đang nằm trong huyệt, gã mừng rỡ thấy mình vẫn được ở trên giường, trong chiếc chăn bạc phếch nhưng luôn thơm phức mùi xà bông vì thằng Thiên có lịch giặt giũ hàng tuần, cho dù giá trời hay mưa dầm ủ rũ.

Kỳ Lâm quấn lại chiếc khăn màu rượu một cách thong thả, cô ngồi thẳng lưng trên chiếc ghế dành cho khách ở sảnh khách sạn.

- Ông nói đúng, nhưng cũng giống như trong một trận đánh, nếu không đủ lực để bài binh bố trận với người ngựa xe làm kinh hãi đối phương thì người ta đành phải chọn một kế sách khôn ngoan hơn. Đánh tỉa chẳng hạn, và với phương án cổ xưa này thì đôi khi chỉ cần một mũi tên tinh nhuệ cũng đã đủ giành chiến thắng. Công ty tôi không đủ sức để đầu tư một bộ phim như của Danny Bùi, không có kinh phí để tổng động viên những diễn viên ăn khách nhất hay thuê chuyên viên kỹ xảo từ các trường quay nước ngoài. Thay vì dốc lực cho các màn hoành tráng kia, tôi chọn yếu tố để tạo thành công, đấy là năng lực diễn xuất. Chúng tôi chủ trương cắt giảm hầu hết các khoản chi phí khác để dồn cho hạng mục này. Vì thế, số cát sê mà hãng phim trả cho ông, tưởng là quá nhiều nhưng trên thực tế chẳng là gì so với khoản đầu tư khổng lồ của những người như Danny Bùi. Như vậy, thực ra là chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Như vậy, thực ra là chúng tôi khôn ngoan hơn ông tưởng rất nhiều.

- Cô cũng nói đúng. - Gã cười méo xệch. - Nhưng diễn xuất của tôi không đủ sức để cứu vãn cả một bộ phim. Không ai muốn một gã diễn viên già cỗi như tôi cứ xuất hiện từ đầu đến cuối trên màn bạc cả.

- Ông đã đọc kịch bản, ông không định gợi ý tôi mời siêu mẫu Bình Minh hay Johnny Trí Nguyễn vào vai đấy chứ? Không ai thay thế vai diễn này tốt hơn ông cả.

Kịch bản mà Kỳ Lâm gửi cho gã qua đường chuyển phát nhanh chỉ loanh quanh có hai nhân vật cha và con, cứ như thể cô ta biết rõ cuộc sống của gã mà tạo ra một bộ phim dành riêng cho cha con nhà gã. Gã đọc mà phát lộn ruột. Thà cô ta cho gã làm tướng cướp hết thời về vá xe đầu ngõ chợ cũng còn hấp dẫn hơn cái vai diễn tẻ nhạt này. Quả thật ngoài khoản cát sê cho diễn viên chính thì toàn bộ chi phí còn lại rất thấp. Ngay cả cảnh quay cũng không phải tốn thời gian lên rừng xuống bể gì nhiều.

- Chỉ mới nhìn mặt tôi trên poster phim người ta đã không muốn xem rồi. - Gã lắc đầu nguầy nguậy.

- Ông nhầm rồi, ngôi sao màn bạc của hai thập niên về trước quay trở lại màn ảnh trong vai diễn chính, của một bộ phim mà đạo diễn có tham vọng đi dự giải ở Liên hoan phim Châu Á là một yếu tố dễ thu hút sự chú ý của khán giả nhiều nhất.

- Cô chiếu phim cho dịp năm mới mà dùng những màn bi kịch tẻ nhạt trong kịch bản thế này. - Gã nhún vai, khủng khỉnh như 15 năm về trước từ chối những kịch bản của một đạo diễn không mấy tên tuổi.

Cô gái gỡ chiếc khăn choàng trên cổ, gã hơi ngỡ ngàng trước những gì mà tấm vải màu bordeaux che đậy từ đầu.

- Ông có biết vì sao 15 năm nay tôi đã gửi cho ông 15 tấm thiệp? Cho dù tôi đoán ông cũng chẳng bao giờ mở nó ra.

Gã ngồi im như trót quên mất lời thoại trong một cảnh quay vội.

Ông còn nhớ 15 năm trước ông đã gửi thiệp chúc Tết cho một đứa bé gái?

Ngoài tấm thiệp còn kèm theo một chiếc áo len màu lam nhạt pha sọc trắng.

 

Riêng điều này thì gã lờ mờ nhớ. Đó là lần hồi đáp fan hâm mộ duy nhất trong suốt hơn một thập niên sống trên đỉnh phù hoa. Hình như đêm hôm ấy gã vừa ăn mừng sau khi giành được một thứ giải thưởng gì đó. Hình như đêm hôm ấy gã cũng đồng thời vừa ký được hợp đồng với một nhà sản xuất nước ngoài. Hình như đêm hôm ấy gã đã rất hài lòng với cô nàng thơm nức ở trên giường. Cô ta có nước da nâu óng như được sơn phết một lớp mật ngọt lên những đường cong căng cứng. Và cô ta lục chồng thư người hâm mộ của gã ra, vừa gác bắp chân mềm mại vào giữa hai đùi gã vừa đọc to những lá thư giống một cách tiêu khiển cho hết đêm dài. Hình như cô ta nói:

- Anh chưa bao giờ trả lời thư của người hâm mộ?

- Chưa bao giờ.

- Anh nên trả lời lấy một lần.

Hình như trong lúc đang rất vui vẻ, gã nhặt bừa một lá thư nhét vào túi áo vest và hứa rằng ngày mai sẽ trả lời lá thư này. Hình như đó là một bức thư dài khá bi kịch và hình như gã đã viết lại chừng chục dòng: "… Dù sao mong con hãy bình yên, con gái của ta". Gã viết xong
hồi âm là quên luôn, không hề hay biết chính cô bé ấy
là chủ nhân của những tấm thiệp trong chiếc phong bì màu xanh.

- Khi gửi bức thư đầu tiên cho ông, tôi đang trong tuyệt vọng. Ở tuổi ấy, tôi cũng hiểu rằng gửi một bức thư cho người nổi tiếng nhất nước này cũng giống như thả một chiếc đèn trời. Thả xong đèn đủ sáng cho người ta mơ mộng chừng dăm chục phút. Vì thế tôi không hề có ý định làm việc đó, nhưng trước khi viết bức thư, tôi đã xem một bộ phim của ông.

Cô gái đang cố gắng sắp xếp lại câu chữ, giọng nói chùng xuống không còn vẻ quyết đoán và mạnh mẽ như lúc ban đầu.

- Tôi đã từng là một đứa trẻ bị ngược đãi, bị cha tôi ngược đãi, chứ không phải vì tôi mồ côi mà phải sống với những người xa lạ. Tôi không thiếu thốn vật chất, trái lại, cha tôi rất giàu có, ông ấy là một bậc thượng lưu được nhiều người tôn trọng.

- Khoan đã, thế lúc ấy mẹ cô đâu? - Gã hỏi vì đã hoàn toàn quên mất câu chuyện được kể trong bức thư cách đây 15 năm.

- Tôi chỉ nhớ lần cuối cùng bà đưa tôi đến nhà trẻ, bà đã ôm tôi vào lòng, người bà đầy mùi bánh thơm phức hay làm cho tôi ăn vào buổi sáng. Chỉ có vậy thôi, tôi chẳng nhớ được gì hơn.

Suốt cả tuổi thơ, tôi sống với người duy nhất là cha tôi, và cũng suốt quãng thời gian ấy tôi bị ông đánh đập như muốn trút hết những ẩn ức, thù hận mà tôi không hiểu nổi. Ông ấy đủ tiền để mua cho tôi cả ngàn món quà tặng, nhưng tôi chưa được nhận một lần nào. Khi 14 tuổi, tôi đã muốn chết.

Cô gái không khóc, nhưng đôi môi mím chặt lại thành một đường nhỏ xíu màu hồng nhạt.

- Vào một ngày mùa đông rất lạnh, tôi đã xem bộ phim mà ông đóng, đấy là suất xem phim của nhà trường. Ông đóng vai người cha có hai đứa con nhỏ trong một gia đình hạnh phúc. Lúc ấy tôi ước mình có một người cha như nhân vật trên phim. Đấy là một ý nghĩ ngớ ngẩn, không phù hợp với một đứa trẻ vị thành niên đã 14 tuổi. Nhưng trong cơn tuyệt vọng, tôi muốn tìm cho mình một điểm tựa, giống như người ta lập ra một thứ tôn giáo để gieo niềm tin. Và tôi đã gửi đi bức thư đó… cho dù không hy vọng nhận được hồi âm.

- Và sau đó? Tôi có giúp được gì cho cô không? Cái bức thư ấy?

- Không có gì cụ thể, nhưng lần đầu tiên tôi nhận được một món quà và thiệp Tết vào đêm giao thừa, và cũng lần đầu tiên tôi có được niềm tin để… để có thể đứng trước mặt ông như bây giờ.

Ông đã nhận được bức thư ấy 15 năm trước, nhưng giá như ông nhìn thấy những gì mà tôi phải trải qua.

Kỳ Lâm đứng thẳng dậy, và trong tiền sảnh với những cây cọ nhiệt đới lấp loáng khách nước ngoài vội vã qua lại, cô điềm nhiên kéo mạnh hai tay áo len lên tận quá khuỷu. Gã choáng váng nhìn những gì đã thấy trên cổ cô gái như đang lan xuống hai cẳng tay trắng xanh xao, những vết sẹo lồi lõm nhằng nhịt chỉ có thể tìm thấy trong các vai diễn cần đến chuyên viên hóa trang.

- Ôi… - Gã thấy chiếc áo nịt vào ngực đến tức thở. - Tôi xin lỗi… xin lỗi.

 

Định mệnh, đôi khi vô tình hay cố ý dễ dàng thay đổi cuộc đời của một con người chỉ trong vài khoảnh khắc. Nếu đêm hôm đó gã không nhặt trúng lá thư của Kỳ Lâm mà của một người hâm mộ khác thì có thể cô ấy đã tự kết thúc chuỗi ngày tuyệt vọng của mình vào đêm giao thừa. Nếu ngày hôm đó không phải gã ký được một hợp đồng đáng tự thưởng thì có thể đêm ấy gã sẽ chui vào một quán rượu nào đó giết thời gian thay vì vui vẻ trên giường với một cô gái không nhớ mặt, và cô ta sẽ không bới tung đống thư của người hâm mộ lên như thế. Nếu bộ phim mà Kỳ Lâm xem vào tối mùa đông giá rét ấy không phải là bộ phim do gã đóng. Nếu người chấm giải ở nhà máy năm xưa không phải là Hồ Phúc. Nếu trong cái đêm cuồng loạn trên bể bơi, gã tình cờ bị trúng gió thực sự như vai diễn ghê tởm của Danny Bùi. Nếu bàn tay móng hồng mang bọc tã xanh vào khách sạn đúng lúc kẻ ra mở cửa không phải là gã. Gã đặt ra hàng trăm chữ "Nếu" để xem sự việc sẽ dẫn đến kết cục nào nhưng cuối cùng chính gã tự rối tung lên như một kẻ nghiện chơi rubic. Định mệnh cũng là một khối vuông rubic. Mỗi vòng quay lại cho ra một kết hợp màu sắc khác nhau, người chơi phát rồ lên vì nó, xoay chuyển theo nó, nhưng rubic có quy luật, rồi nó sẽ quay trở lại điểm khởi đầu để tạo nên sáu mặt thuần nhất. Người ta không thể chi phối định mệnh nhưng có thể nắm được quy luật giản đơn của số phận.

Gã nhận kịch bản. Hồ Phúc lẳng lặng tưới cây và rắc hạt cám vào những lồng chim treo san sát trong vườn. Ánh mặt trời mùa đông lấp lánh trên mớ tóc trắng cước. Chào mào, khướu bạc má, chích chòe, khuyên mộc, vẹt đầu xám, sáo sậu, sơn ca cuống cuồng chí choét.

- Tiếng hót cuối cùng của chim sơn ca bao giờ cũng là tiếng hót tuyệt diệu nhất. - Người chủ nhà rẩy những tia nước sáng bạc lên một chậu Bonsai, đôi mắt không nhìn khách.

- Tiếng hót cuối cùng giữa bầu trời xanh trước khi chui vào lồng của Hồ Phúc hay tiếng hót trước khi chết? - Lần đầu tiên sau 12 năm gã cất tiếng cười thực sự.

Hồ Phúc buông bình nước, quay lại đối diện với hắn.

- Những gì của Caesar sẽ quay trở lại với Caesar. Đấy là quy luật của định mệnh.

 

Kỳ Lâm muốn mở máy quay ngay khi nào gã sẵn sàng. Gã luôn sẵn sàng, gã đã sẵn sàng từ 12 năm nay, chỉ cần chờ một vai diễn, cảm giác khao khát còn khủng khiếp hơn cả những đêm trăng suông mà không có một giọt rượu. Kỳ Lâm chỉ đạo ở trường quay, nhưng để cho gã quyết định phần lớn những trường đoạn chính. Cô
chỉ nhắc:

- Hai nhân vật này thu mình trong nỗi cô đơn của hai sinh linh, hai thế hệ, hai nỗi ẩn ức tưởng như mâu thuẫn. Đặc biệt trong những cảnh quay chậm, sự ám ảnh của thời đại sẽ ào ạt như thác lũ tương phản với nội tâm nhân vật.

Những cảnh quay đầu chạy ro ro. Ba tháng trôi qua với sự hài lòng của cả ê kíp làm phim. Nhưng gã bắt đầu thất bại ở trường đoạn cuối.

Nỗi đau đớn, tuyệt vọng chưa đi tới tận cùng. Người xem chưa nhìn thấy điều ấy ở nhân vật. Đây là trường đoạn quyết định và với những gì mà một diễn viên bậc thầy đã làm trong cảnh quay vừa rồi, đủ để hài lòng khán giả, nhưng không đủ hài lòng chính gã và Kỳ Lâm. Gã bắt đầu tuyệt vọng vì nỗi tuyệt vọng không thể thể hiện. Cảm xúc truyền cho nhân vật vẫn là một thứ đồ giả màu mè mà gã cứ diễu đi diễu lại trước máy quay trong suốt cả tuần lễ. Những giọt nước mắt trên phim là những giọt nước mắt của sự thất vọng và chán chường chứ không phải của nỗi đau đớn đến tuyệt vọng. Khi máy quay đay lại đến lần thứ năm, gã giơ hai tay.

- Tôi không làm được đâu, tôi… xin lỗi.

 

Mưa phùn rơi lâm thâm xuống chiếc khăn san màu rượu. Gã biết đằng sau chiếc khăn là những gì. Gã thấy câu nói của mình mất trọng lượng như đám lá rụng đang bay tạt vào thinh không. Gã quay trở lại, đi dọc con phố, thất thểu trong vai diễn. Lần quay thứ sáu, gã thấy mình thất bại thêm lần nữa. Lúc máy cắt, gã nhận ra Danny Bùi đã xuất hiện ở trường quay, cùng với một người mà tiếng cười lành lạnh của cô ta khiến gã sởn gai hơn cả lúc nhập vai mình trần dưới tiết trời giá lạnh.

- Trời, sao anh không giải trí trong phòng cho ấm áp mà lại hành tội mình trước máy quay thế. Đấy là trò chỉ dành cho bọn trẻ. Mà ngay cả bọn trẻ cũng đâu cần phải quay lại đến lần thứ sáu. - Cô ta cười phá lên giòn giã, như thể đêm và ngày chỉ để chuẩn bị cho một tiếng cười như thế.

Gã quay sang Kỳ Lâm, lớp cơ dưới quai hàm hơi
gợn lên.

- Tôi cần phải nghỉ ngơi một tuần.

Mưa dầm dề ngót cả tháng trời. Hơi thở vừa rời khỏi miệng bốc khói tan lảng vào bóng chiều u ám. Lá rụng thành lớp kết dính vào nhau trên vỉa hè đầy nước mưa bẩn thỉu. Gã bước đi thẳng người, như bao năm nay vẫn thế, cho dù những cơn gió buốt đang thốc vào khách bộ hành. Giờ phút này, gã chỉ muốn nằm thẳng xuống trên vỉa hè dưới chân, cho những đám lá rụng từng lớp ken kín người rồi đùn dày lên như một ngôi mộ vô chủ.

 

Gã nằm bẹp trên giường. Đã một tuần lễ trôi qua và gã thấy mình lặn xuống tận cùng nỗi tuyệt vọng. Hơi ẩm thấp, lạnh lẽo đang tỏa ra từ những mảng tường tróc lở khiến không khí trở nên tù bức. Thằng Thiên loay hoay với mùi xào nấu. Nó gọi khẽ:

- Ba… ba dậy ăn tối.

- Không ăn.

Tuy nhiên gã cũng ngồi dậy, tay với lên chiếc giá sắt.

Thằng Thiên chạy nhào đến giữ ba nó lại.

- Ba, cô Kỳ Lâm dặn con nhắc ba trong thời gian quay phim ba không được uống rượu.

Gã trợn mắt.

- Giờ thì cả mày cũng ra lệnh cho tao? - Hình ảnh bàn tay móng hồng đưa lên che miệng và tiếng cười lành lạnh âm ỉ trong đầu gã. - Tại sao lúc nào mày cũng đeo đẳng lấy tao như một thứ nợ đời thế? Mày đúng là một thứ nợ đời của tao… một thứ nợ đời…

Thằng Thiên sững người. Đôi mắt nó ánh nước. Lúc còn lọt lòng nó không khóc, sao bây giờ nó lại khóc. Gã điên tiết quát ầm lên, nhưng đôi mắt không dám nhìn nó.

- Mày mời tao ăn cơm thì cơm đâu? Cơm đâu nào?

Nó bày vội vài đĩa thức ăn lên mặt bàn. Tuy nhiên gã không đụng đũa, còn nó ăn rất ít. Ăn lặng lẽ. Lặng lẽ dọn bàn ăn, im lìm như lúc dọn ra. Rồi chừng tiếng sau, lặng lẽ biến mất trước mắt gã như một ngọn cỏ ngơ ngác bị người giẫm bẹp. Cũng phải thêm một tiếng nữa, gã mới nhận ra sự vắng mặt của nó. Rất nhanh chóng cơn bực tức chuyển thành nỗi lo lắng. Đầu tháng chạp, tiết trời lạnh tê đến độ người ta nuối tiếc cả hơi thở ấm áp vừa rời môi. Cho đến tận nửa đêm, gã đã tìm đến tất cả các địa chỉ có thể nhớ ra được, không nhiều, vì gã và nó đâu còn ai thân thích, nhưng người ta đáp lại bằng những cái lắc đầu thông cảm. Thằng Thiên đã chủ định biến mất ngay trước mặt gã. Gã bàng hoàng với cảm giác chưa bao giờ từng trải qua. Gã nhìn thấy thằng Thiên hàng ngày, trong lúc ăn và lúc không ăn, lúc vừa mở mắt và trước khi nhắm mắt, trong những cơn say ồ ạt giữa lần thức ngủ và những lúc tỉnh táo để nhận biết gã đang ở đâu giữa cõi sống này, trong những cơn điên giận, oán hờn và đôi giây hiếm hoi bình thản. Gã nhìn thấy nó quen thuộc như cái bát ăn cơm, cái cốc uống nước và tay vặn nắm cửa thường ngày, quen thuộc đến nỗi một ngày nào đó những thứ hiển nhiên ấy biến mất thì chủ nhân của chúng mới chợt nhớ ra và tự hỏi chúng biến đi đâu, và tại sao lại biến đi. Gã cứ ngồi im như vậy trong bóng tối. Và khi ánh bình minh nhợt nhạt nhấm dần trên những nóc nhà lúp xúp, những người hàng xóm già nua thức giấc sớm nhìn thấy một bóng ngồi bất động trên chiếc ghế đẩu không có lưng dựa. Gã đã ở trong tư thế ấy suốt cả đêm, cho đến khi điện thoại đổ liên hồi không dứt.

- Anh Phi Bảo, hôm nay có lịch quay. - Thư ký của Kỳ Lâm gọi để nhắc gã. Dường như vừa mở mắt ra với cái mặt chưa rửa hắn ta đã vội làm việc này.

- Hôm nay tôi không đến được. - Gã nói không phải bằng giọng của mình.

- Anh Phi Bảo, những cảnh quay cuối cùng, anh biết là rất quan trọng và chúng ta không còn nhiều thời
gian nữa.

Điều duy nhất gã nghĩ được lúc này là muốn nhét cả chiếc điện thoại đang úp trên tai vào miệng tay thư ký. Phim với ảnh. Gã có thể vứt hết tất cả những bộ phim gã đóng từ trước đến giờ để đi tìm thằng Thiên. Ý nghĩ sau cùng này khiến gã thấy vô cùng kỳ lạ. Đó là ý nghĩ lần đầu tiên xuất hiện, vào khoảnh khắc mà gã nhận ra rằng mọi sự lựa chọn đều phải trả giá, và không phải mọi nỗi mất mát đều đau đớn như nhau, có những nỗi mất mát đi đến quá ngưỡng của sự đau đớn và tuyệt vọng. Nó bất ngờ và từ tốn gặm nhấm bào mòn từng tế bào thể xác cho đến khi nhận ra nó thì người ta đã chết đi từ phần hồn.

Khi nhấn số của Hồ Phúc, gã cảm thấy năm đầu ngón tay mỏi dừ trên bàn phím, và dường như năng lượng chỉ còn đủ để bấm mười con số. Tiếng nước tưới cây rào rào bên tai.

- Cậu hãy nhớ, thứ gì là của cậu, nó sẽ quay trở lại với cậu. Còn nếu không phải thế, cậu có chộp giật, níu kéo, giữ chặt lại nó cũng không bao giờ thuộc về cậu.

 

- Con đã báo cảnh sát, đó là điều duy nhất con có thể làm. - Gã nói lập bập, cổ họng khô khốc.

- Thằng Thiên sẽ về với cậu. Đơn giản là vì nó yêu cậu hơn cậu yêu nó. Vì thế, cậu phải biết chờ đợi. Đôi khi chờ đợi cũng là điều hạnh phúc.

- Không phải. - Gã nghẹn lại. - Con yêu nó. Nó là con trai con.

- Ta mừng khi nghe cậu nói thế. Mà giờ này tưởng cậu phải có mặt ở trường quay chứ?

- Không muốn quay nữa, phim với ảnh.

Đầu dây bên kia có tiếng cười.

- Anh cũng nhiều tuổi rồi mà vẫn còn như trẻ nít thế nhỉ. Anh làm bố khi tuổi không còn trẻ nữa, nhưng có lẽ ngay đến lúc này anh mới kịp chuẩn bị tinh thần để làm điều đó.

Gã tưởng đâu cha gã đang đứng trước mặt mà cằn nhằn khi gã còn chưa vỡ giọng. Nhưng Hồ Phúc đã chuyển trạng thái rất nhanh như vẫn thế.

- Bảo à, cậu phải đến đó…. Vì không phải cậu làm việc ấy cho cậu.

Gã cúp máy, chỉ 15 phút sau đã có mặt ở trường quay. Gã thấy lòng bàn tay đẫm mồ hôi như chuẩn bị trải qua đúp quay đầu tiên trong đời. Gã thấy mình đang tiến đến gần vạch cuối của sự thất bại.

Gã thấy mình trong vai người cha đi tìm con. Ông ta bước dọc con phố bằng dáng đi cố giữ cho thẳng, bước chân cố giữ cho kiên định nhưng sự run rẩy trong lòng ám cả vào những viên gạch lát đường lạnh lẽo. Ông ta đi mải miết với một niềm tin còn đang cháy. Đứa trẻ chạy đằng trước mặt, thấp thoáng sau những vệt đá xám ủ rêu của tòa thành cổ. Người đàn ông rảo bước, dáng hình thêm vững chãi và đôi mắt ánh lên những tia sáng. Đứa trẻ chạy nhanh hơn và người đi sau cũng guồng tốc độ. Máy quay chuyển từ trung cảnh sang đại cảnh. Tòa thành lặng lẽ một màu xám ảm đạm. Những bụi cây xanh lục khiến cảnh đông thêm phần u tịch. Chỉ có hai bóng người chuyển động, một già một trẻ ẩn hiện sau hai sắc màu.

Thằng bé quay lại và người đàn ông cũng đứng khựng. Nụ cười vừa nhóm trên khuôn mặt vụt biến thành nỗi thất vọng kinh hoàng. Hình như ông ta có sự nhầm lẫn. Hình như ông ta gặp ảo giác sau chuỗi ngày dài lo âu mòn mỏi. Đứa bé thản nhiên quay đi trên những bước chân sáo vui vẻ. Thân hình vững chãi sụm xuống như dường bầu trời u ám đang đè quá nặng lên vai. Những nếp nhăn nhúm lại không ép nổi một giọt nước từ hốc mắt khô khốc. Gã vụt nhìn thấy thằng Thiên biến mất từ sau khuôn mặt con trẻ xa lạ. Một nỗi ân hận và nuối tiếc, mất mát và đau đớn giày vò thành cơn tuyệt vọng không che giấu trên những sợi tóc nhuốm màu.

Kỳ Lâm thu vạt áo về phía trước che cơn gió đông đang thốc tháo. Chiếc khăn san màu rượu quấn kín tận cằm. Cô kéo nó lên miệng, lên má, rồi cả khóe mắt.

 

Đúp quay cuối cùng, gã cần phải thể hiện niềm hạnh phúc và vui sướng tột cùng của một người cha. Gã méo mó trước thằng bé diễn viên có khuôn mặt xa lạ trong suốt ba tháng trời. Có thứ gì đó đang cứa ở trong lòng. Thằng bé này cũng có chiếc áo nỉ Người Nhện. Người ta tìm nó với đôi mày rậm, sống mũi thẳng và một cái cằm lẹm rất khéo chọn cho giống gã. Đôi mắt nó sáng, chỉ thiếu sự ủ ê và lo lắng của thằng Thiên. Nhìn thấy gã, nó reo "Ba". Sau phút thất thần chết lịm, gã kéo mảng da bên má lên thành một nụ cười. "Con trai của ba", gã nhào ôm lấy thằng bé. Nó có mùi xà bông nơi cổ áo, mùi mồ hôi trẻ con trên tóc đen, mùi sương đêm ngai ngái nhưng không có thứ mùi xào nấu quen thuộc như thằng Thiên. Ruột gan gã cồn cào, gã không cười được nữa. Không cười thì khóc cũng được, khóc cũng là một biểu lộ của niềm hạnh phúc. Nhưng gã thấy nhộn nhạo như đang lên cơn say sóng. Đã 11 giờ đêm. Thằng Thiên ở đâu trong cái thành phố hơn 6 triệu con người này?

Cắt máy.

Thằng bé nhào vào gã lần thứ hai "Ba ơi."

- Con!

Gã cười thành tiếng, âm thanh hòa vào không khí lạnh lẽo đang tỏa lên từ mặt hồ nước. Trời lạnh quá. Lúc đi ra ngoài, thằng Thiên thậm chí còn không kịp lấy chiếc áo gió đen độc nhất nó mặc trong suốt mùa đông. Trên người nó vận thứ gì, gã không kịp nhớ, một chiếc áo len hoặc một chiếc áo nỉ đã cũ. Đầu trần và chân không tất hoặc có tất.

- Cắt máy.

Thằng bé nhào vào gã lần thứ ba.

- Xin lỗi. - Gã giơ tay lên, miệng thì thầm trong hơi gió. - Tôi không thể làm được vào lúc này.

Gã tiến lại chỗ Kỳ Lâm.

- Tôi không thể làm được. Tôi không cười được khi mà trong lòng đang rối lên. Khi nào có con, cô sẽ hiểu. Thằng Thiên… thằng bé nhà tôi… - Gã nghẹn lại.

- Ba ơi!

Gã giật nảy mình. Âm thanh này vẫn gọi gã ăn bữa cơm tối, đánh thức gã dậy lúc buổi trưa và kiểm tra xem gã còn tỉnh hay đã rơi vào cơn mê sảng. Không phải thằng bé diễn viên đang gọi nhân vật cha của nó. Là thằng Thiên đang đứng sau lưng Kỳ Lâm, ánh mắt hối lỗi và lo lắng.

- Mở máy. - Kỳ Lâm nói gọn. Dường như cô không còn nhớ gì đến hình ảnh của đứa trẻ cô độc trong căn phòng giữa mùa đông, chỉ sợ một tiếng gõ cửa sẽ mang đến những lằn roi da và tiếng cười gằn riết róng "Mày giống mẹ mày. Sao mày không biến đi như mẹ của mày".

Thằng bé diễn viên gào to hơn. Nó đã có vẻ buồn ngủ, lạnh cóng cả người và muốn về nhà chui vào chăn ấm với mẹ.

- Ba ơi! Con đây ba.

 

Gã ôm choàng lấy nó siết chặt. Mùi xà bông trên cổ áo thoắt biến thành mùi xào nấu ấm áp trong một buổi chiều tà giá lạnh. Gã thấy quanh mình có mùi tường vôi ẩm thấp, mùi chợ cá sồng sộc nhưng không đủ át đi mùi hương của những loài hoa mùa đông còn đang ngây ngát. Gã vùi đầu vào tóc vào cổ nó. Qua vai nó gã nhìn thấy thằng Thiên đang chảy nước mắt, nước mắt óng ánh dưới ngọn đèn đường vàng vọt. Gã làm sao nhìn thấy nó chảy nước mắt từ khoảng cách hai mươi mét trong một đêm đông hạ tuần thế này. Thứ nhòa mờ ken thành màng phía trước là nước mắt của gã.

 

Nước mắt làm nhòa cả khung màn ảnh rộng, khiến hình ảnh người đàn ông cao lớn đang quỳ gối xuống nền đất lạnh để ôm trọn đứa con trai vào lòng mờ ảo như trong một thước phim ba chiều. Nước mắt chảy ngược vào trong, dồn nén suốt quãng thời gian đi tìm đứa trẻ chợt buột trào trên những quầng mắt của lớp lớp khán giả đang có mặt sau lưng gã. Đầu dãy ghế danh dự bên kia, những hình ảnh lẩn quyện vào nhau trong ánh tranh tối tranh sáng rồi chia nhỏ thành cặp má Danny Bùi hùm hụp, đôi bàn tay móng hồng, mái tóc trắng cước của Hồ Phúc, chiếc khăn san màu rượu bordeaux. Cuối cùng chúng nhòa mờ chập lại làm một thành đôi mắt lóng lánh nước của đứa trẻ trên màn ảnh. Nền trời đen sẫm phía sau chợt òa vỡ trong những vụn pháo li ti ánh sao. Gã quay sang chạm vào bàn tay thò ra khỏi chiếc áo nỉ Người Nhện.

Đôi mắt ngước lên se sẽ. Những nét nghi ngại còn lại trong đôi mắt thằng Thiên, gã sẽ xóa nốt trong những ngày dài vững vàng trên mặt đất. Một lần nữa gã lại trèo lên đỉnh núi. Đôi mắt Kỳ Lâm mỉm cười trong một màu đen loáng. Cô vừa đưa cho gã một kịch bản mới thứ hai, song gã trịnh trọng lắc đầu. Trong bóng tối kỳ bí của rạp chiếu bóng, những hình ảnh huyền ảo trên màn hình đang lướt qua bằng đoạn phim nhựa 36mm. Gã quay sang thì thầm với gương mặt đã hầu hết nỗi âu lo:

- Tiếng hót cuối cùng của chim sơn ca bao giờ cũng là tiếng hót tuyệt diệu nhất, con trai ạ.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/85913


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận