Tuổi Thơ Dữ Dội Chương 10

Chương 10
Để sửa sang lại thật nhanh thành phố Huế vừa chiếm được, bọn Pháp cần rất nhiều nhân lực.

Nhà lao Thừa Phủ đã cung cấp một nguồn nhân lực khá lớn cho hàng trăm công sở mọc lên ngày một nhiều trong khắp thành phố. Chỉ riêng việc phục hồi xây dựng lại nhà máy điện bị ta đánh sập hoàn toàn trong thời kỳ mặt trận Huế, mỗi ngày bọn giặc đã lấy gần hai trăm tù đến làm việc - gọi chung là làm cỏ-vê nhiều công sở khác cũng lấy tù làm cỏ-vê. Nhiều không kém: Kho đạn, kho quân nhu, nhà máy xe lửa, nhà máy Hải quân v.v… Để đáp ứng được đòi hỏi nhân lực ngày càng tăng, quân giặc ra sức càn quét bắt bớ dân chúng khắp các làng mạc chúng chiếm đóng, không chỉ riêng Thừa Thiên mà cả Quảng Trị, Quảng Bình. Tất cả, chúng đều gọi là Việt Minh, bất kể ông già, con nít. Những tháng đầu năm 1947, số tù bị bắt đưa về lao Thừa Phủ đã lên tới gần hai ngàn. Bởi vậy nhà lao đã biến thành một trại tập trung khổng lồ, ô hợp hỗn độn hết chỗ nói.

Sáng sớm từ sáu giờ, ô tô các công sở có lính mang súng đi áp tải, từ khắp các ngả đường trong thành phố rùng rùng chạy đến, đỗ thành dãy dài trước cổng lao, nhận tù đi làm. Bốn đến năm giờ chiều, ô tô lại chở tù về trả nhà lao.

Làm cỏ-vê phần lớn hết sức nặng nhọc, anh em tù nhân phải lao động dưới những trận mưa roi và báng súng của bọn lính gác. Phần lớn bọn này là lính Âu Phi. Tất cả vốn liếng tiếng Việt của chúng chỉ gồm có mất tiếng “Việt Min - mao lên”. Những tiếng không biết chúng thay bằng roi cặc bò và báng súng.

Tuy vậy tất cả tù đều thích đi làm cỏ-vê. Tuy phải lao động nặng nhọc, bị đánh đập, nhưng suốt ngày họ được ở nơi thoáng đãng, khỏi phải ngửi mùi cứt đái, được tắm táp, và may mắn hơn, có thể có dịp trốn tù.

Một số công sở, thỉnh thoảng bọn giặc cho tù bánh mì, cơm, thức ăn thừa, đồ hộp hỏng… Những người tù nào may mắn rơi vào các công sở này được coi như vớ bở.

Khổ nhất vẫn là người tù già yếu, tù con nít, những người bị giam xà lim, ca-sô. Họ không bao giờ được đi ra ngoài. Ngày ngày, họ phải làm công việc dọn vệ sinh cứt đái trong các ba-ti-măng. Bọn lính ngục, nhất là tên chúa lao. Một Điếu đánh đập họ suốt lượt - Bởi vậy, họ nhìn những người tù sáng sáng bước ra khỏi cánh cửa sắt, lên xe đi làm cỏ-vê, bằng ánh mắ thèm thuồng ghen tị.

Đến chiều, họ chen chúc trước cửa sắt, đón các toán tù đi làm về, xin nước, xin thức ăn thừa. Cũng có một số ít người cho, nhưng phẩn đông họ đều ngoảnh mặt làm ngơ, thu giấu những lon nước, lon đồ ăn thừa dưới vạt áo… Thằng Thúi, với sự tháo vát của con nhà kẻ khó thích nghi rất nhanh với hoàn cảnh. Nó kiếm được hai ống bơ, đục lỗ, buộc quai, luồn lách qua chân những người lớn, nhoi ra đứng phía trước. Toán tù nào đi qua nó cũng chìa hai ống bơ ra, hỏi xin với giọng vật nài, thật tội nghiệp:

- Cho con xin hớp nước lạnh chú! Tội con lắm chú nờ.

Giọng kêu xin và dáng còm nhom của Thúi làm cho cả những người sắt đá cũng phải động lòng. Bởi vậy mà chiều nào nó cũng xin được đầy hai ống bơ nước, có khi đồ ăn, đem vào ba-ti-măng cho Lượm và thằng Ngạnh. Một mình nó bây giờ phải nuôi hai người ốm, không khôn ngoan, tháo vát sao được! Có lần nó xin được cả một miếng thịt bò hộp bằng nắm tay. Nó xách lon đựng thịt bò chạy như bay vào ba-ti-măng đặt xuống cạnh Lượm và Ngạnh, mắt sáng long lanh vì vui thích và đắc chí trước kỳ công vừa lập được.

- Thấy chưa, thịt bò hộp chính hiệu đó nghe! - Nó moi miếng thịt bò trong lon, đưa ra trước mặt hai bạn, giọng khoe khoang, hứng chí. Nó bẻ cục thịt làm hai, đút cho Lượm một miếng và Ngạnh một miếng. Còn nó thì mút mười đầu ngón tay. Mút khá cẩn thận.

Thúi kết thân thêm được một đứa bạn mới trong cái buổi chiều đầu tiên ra xếp hàng lĩnh vắt cơm. Bốn giờ rưỡi chiều. Tù đi làm cỏ-vê các công sở về gần đông đủ. Từ trên chòi canh một hồi kẻng dóng dả vang lên. Khắp sân lao, hàng ngàng cái miệng tù nhại lại tiếng kẻng:

- Cơm! Cơm! Cơm!

Vừa reo nhại, vừa túa ra sân lao đằng trước, tự động xếp thành hàng năm, dọc theo bờ tường suốt từ đầu sân đến cuối sân. Tất cả ngồi trệt xuống đất, mắt hau háu nhìn ra cổng lao. Hai tên lính ngục cầm hai cây gậy tre dài như hai cây sào, trèo lên ngồi lắt lẻo trên cành cây cơm nguội, như hai con vượn. Hai tên này có nhiệm vụ kiểm soát tù lĩnh cơm, đề phòng những tù nhân lợi dụng lúc lộn xộn lĩnh hai vắt, hoặc chạy vòng ra phía cuối xếp hàng lĩnh thêm vắt nữa.

Bọn cai thầu bếp nhà lao khiêng từ bên ngoài vào bốn chiếc băng ca chất đầy cơm vắt. Mỗi vắt cơm khoảng hai bát cơm lưng úp lại. Một cái chảo lớn han rỉ, đựng muối mỏ mà thoạt nhìn Thúi tưởng phèn chua. Nó lo lắng nghĩ bụng: “Ăn cơm với phèn chua thì ăn rằng được hè?”

Phần đông những người tù già yếu và bọn tù con nít xếp gần cuối hàng. Trong số này có mất đứa trong bắng Lép-sẹo. Thúi nhận ra chúng vì lưng, mặt, cổ đứa nào cũng vắt ngang vắt dọc những làn roi. Chúng vừa nhìn thấy Thúi từ xa, đã chỉ trỏ, xì xào.

- Hắn đó. Chính thằng nớ!

- Không có hắn la tiếp cứu chuyển lao thì thằng tê bữa ni coi như rồi đời!

- Tổ cha hắn! Răng mà miệng hắn nhỏ như cái khu gà mà la to đến rứa không biết! - Một thằng chửi, tay sờ lên vành tai rớm máu vì bị roi quất - Hắn làm tau chút nữa sứt mất tai. Tau sẽ xẻo tai hắn cho bay coi!

- Lãnh cơm xong tụi ta xúm lại dần nhừ xương hắn ra nghe.

- Nhưng tau khiếp cái miệng hắn lắm bay nờ…

Những câu bàn tán ấy lọt tai Thúi. Chân nó tự nhiên khựng lại. Nó muốn quay lại, co giò chạy vô ba-ti-măng với Lượm. “Tụi hắn đập mình chết mất! Chẳng thà nhịn đói còn hơn!”. Nó nghĩ vậy. Chưa kịp bỏ chạy, Thúi bỗng nghe có tiếng gọi:

- Ê! Thằng to miệng. Xếp vô đây mi! Đây còn chỗ, - Một đứa trạc tuổi nó, mặt mũi liến láu, mắt tròn xoe, gọi Thúi, chỉ một chỗ trống bên cạnh.

Thúi nhìn nó, ngần ngừ một lúc, rồi bước tới ngồi xuống. Hàng của hai đứa cách hàng tụi băng Lép-sẹo hai hàng.

- Anh nớ mô rồi?

- Đang nằm trong tê.

- Anh nớ ghê thật! Đập Lép-sẹo dập cả sống mũi, đầu sưng như trái bưởi, lại gãy cái răng cấm. - Giọng thằng bé trầm trồ thán phục.

- Đồ Lép-sẹo đã thấm béo chi! - Thúi nói to cốt cho tụi ngồi sau nghe tiếng. - Hồi đánh nhau ở Huế, anh ấy còn lấy đá ghè vỡ tan đầu một thằng Tây đen to như cột đình.

- Chắc anh nớ có võ?

- Không có võ mà đập chết được lính Tây đen?

- Rứa mi?

- Cũng biết ít miếng nhưng giỏi răng bằng được anh nớ,

- Rứa mi với anh nớ làm chi mà bị bắt?

- Giật bom đồn Hộ Thành. Mi chưa nghe nói à? Rứa mi làm chi?

- Tau là Lanh, liên lạc của du kích huyện Phong Điền. Tau chưa được giật bom, nhưng súng mút-cơ-tông được bắn hơn chục phát nghe!

- Đồ súng mút-cơ-tông ăn thua chi! Giật bom mới khiếp!

Ở với Lượm mới ít lâu mà giọng thằng Thúi bán kẹo gừng đã ra vẻ là một Vệ Quốc Đoàn kỳ cựu, xông pha trận mạc đã nhiều.

Từng hàng năm người một đi lĩnh cơm. Vắt cơm tù vừa nhỏ, vừa sống, vừa khê. Cũng khối anh tù định giở trò xập xí xập ngầu cuỗm thêm vắt nữa. Nhưng Bốp! Bốp! Bốp! Những cú gậy sấm sét từ trên cây cơm nguội phang tới tấp xuống đầu xuống cổ, làm họ phải thả vội vắt cơm định cuỗm xuống đống cơm. Tuy chúng kiểm soát gắt gao như vậy nhưng vẫn khối anh vớ được hai vắt. Đặc biệt tài tình là tụi băng Lép-sẹo. Chúng nhanh, liều mạng và dạn đòn không thể tưởng tượng được! Chúng làm cho hai thằng lính ngục trên cây cơm nguội phải hoa cả mắt. Chúng múa gậy quất tứ tung, la hét:

- Tụi bay định ăn cướp hả? Định ăn cướp hả?

Thằng Thúi nhìn cảnh tượng đó, rụt cổ, lè lưỡi nói:

- Tham chi thêm vắt cơm, bị bể đầu như chơi!

- May nhờ, rủi chịu, sợ cóc chi! - Thằng Lanh nói giọng cườ i cợt, - Không may, bể đầu chảy máu. May được thêm vắt cơm nữa thì no. Đến lượt tau, tau cũng liều cú chơi…

- Bốp! Bốp! Bỏ xuống! Bỏ vắt cơm xuống ngay. Cố tổ bay! - Tiếng gậy phang, tiếng hai tên lính ngục thét lác oang oang. - Muốn no răng không chịu ở nhà làm ăn, lại đi làm cộng sản!

Thúi co rúm người như chính nó đang bị đánh:

- Ui chao! Họ đập hơn đập chó! Tề, tề!… Mi coi anh nớ bị đập sứt tai, máu chảy đỏ cả mặt! - Thúi giật giật tay thằng Lanh chỉ một anh tù đang lau máu trên mặt. Nhưng thằng Lanh còn mải nhìn chỗ khác. Nó hoác miệng cười, reo lên:

- Ơ hơ! Anh tù điên! Anh tù điên!

Nhìn theo tay Lanh chỉ, Thúi thấy trong hàng người bước đến lĩnh cơm, có một người bộ dạng và ăn mặc rất kỳ cục, tức cười. Đầu anh ta đội cái mũ chằm bằng bìa cứng, cuộn thành hình phễu, giống như cái mo dài úp trên vại tương. Mũ có quai cẩn thận, bằng dây thép, vòng qua cằm. Cái áo vét-tông đũi xé bỏ cổ và hai ống tay áo, cái quần “soóc” còn mới nhưng rách trước rách sau như tự ý xé ra. Anh ta trạc bốn mươi tuổi, râu ria lởm chởm, mặt mũi lem luốc như bôi nhọ nồi. Ngực anh ưỡn ra đằng trước, giơ cao hai chân, vừa bước vừa hô ắc ê; bước đến lĩnh cơm như lính đi diễu binh.

Nhiều người vỗ tay:

- Hoan hô điên! Hoan hô điên!

Anh tù điên hô to:

- Gác-đơ-bu! Pờ-rê-dăng-tê! Ừ! - Anh đứng nghiêm trước mặt tên đầu bếp phát cơm, gõ hai gót chân đánh bộp, đưa tay lên vành mũ các-tông, chào theo lối nhà binh:

- Bông-dua mông li-ơ-tơ-năng! Moa đói cái bụng! Don-nê moa hai vắt!

- Vắt vắt cái con c…! - Thằng phát cơm chửi và đưa cho anh ta một vắt cơm - A lê cút!

Anh điên vẫn đứng nghiêm, một tay cầm vắt cơm, tay kia vỗ bụng bồm bộp:

- Moa đói bụng! Don-nê thêm một vắt tí ti!

Bộ điệu anh làm thằng phát cơm phải phì cười.

Hắn đưa cho anh thêm một vắt bị mẻ mất một miếng, rồi co chân đá bốp vào đít anh:

- Phút-lăng-căng mẹ mày đi!

Anh điên cầm vắt cơm đưa lên miệng, tưởng sắp cắn ăn. Nhưng không. Anh giơ cao chân bước đi theo nhịp ắc-ê và dùng vắt cơm làm cái kèn thổi:

Tìn tìn tin tin tèn tèn tọn

Tèn tèn tin tin tọn tọn tèn

Thằng Thúi há hốc mồm nhìn anh tù điên không chớp mắt, ngạc nhiên thích thú giống như lúc nó nhìn các ống điếu trên miệng Một Điếu nói mà không rớt. Nó bật cười lên:

- Hơ, hơ!…

Thằng Lanh phải giật tay nó, kêu:

- Lĩnh cơm đi mi!

Hai đứa cùng hối hả chạy lên, đuổi theo những người cùng hàng.

Lanh chạy vội quá, vấp vào cái cáng băng-ca, ngã chúi mặt xuống đống cơm. Thằng phát cơm quát:

- Tổ cha mi! Chạy đi mô mà như chạy đi ăn cướp rứa hả?

Lanh gượng đứng dậy, rụt đầu, rụt cổ, một tay luồn vào vạt áo rộng thùng thình, ôm bụng, miệng la bai bải:

- Tui lỡ! Tui lỡ! Các bác đừng đập tui mà tội! - Lanh chìa bàn tay không ôm bụng ra nhận vắt cơm, mặt nhăn nhó, mếu máo. Nhìn điệu bộ nó, ai cũng tưởng nó đang bị cái que nhọn thọc vào giữa ruột.

Thúi đứng cạnh Lanh, chìa tay ra nhận vắt cơm, nhưng mắt vẫn ngớp ngó theo anh tù điên - Lanh phải huých cùi tay vào sườn nó ra hiệu. Hai đứa cầm hai vắt cơm chạy ra một góc sân lao, cố ý tránh xa bọn trong băng Lép-sẹo đang ngồi túm tụm dưới chân tường đá dãy câ-sô. Thúi lo lắng hỏi bạn:

- Cậu bổ rứa có đau không?

- Cậu tưởng tớ bổ thiệt à? - Lanh hỏi lại, cặp mắt lé hấp háy ánh lên vẻ tinh nghịch. Nó rút bàn tay đang ôm bụng ra khỏi vạt áo. - Coi đây này!

Té ra trong bàn tay nó là một vắt cơm nữa. Nó nhìn Thúi, cười hề hề:

- Tớ giả đò bổ đó chứ! Vừa chúi xuống đống cơm là tớ đớp luôn một vắt đút vào trong áo, rồi giả đò như đang ôm bụng, đứng lên, làm cho tụi hắn mờ mắt không đập. Nó chắp chắp miệng, giọng tiếng rẻ, nói thêm: “Cơ chi bàn tay tớ to bằng bàn tay người lớn thì tớ đã cầm thêm được một vắt nữa”.

Thúi trầm trồ:

- Cậu tài thiệt! Còn tài hơn cả mấy ông làm xiếc bán dầu cù-là ở chợ Đông Ba! Nì, ta chạy ra chỗ tê coi anh điên đi!

- Điên thì có chi lạ mà coi! Anh điên nớ bị bắt vô tù mấy tháng ni, chiều mô phát cơm anh cũng làm kiểu đó. Rứa cậu chưa khi mô thấy người điên à?

- Có chớ! Nhưng anh điên ni nhó tức cười ghê lắm!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t71781-tuoi-tho-du-doi-chuong-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận