Tôi làm quen với ông ta trong rừng… các bác sĩ khuyên tôi thay đổi khí hậu, mà phải thay đổi một thời gian lâu, vì thế tôi đến đây. Tôi thuê một ngôi nhà trong làng và một hai tuần liền tôi lang thang trong rừng hoặc thuê xe đi chơi xa, – trong một cuộc đi chơi như thế chúng tôi hội ngộ.
Ở bìa rừng có một ngôi nhà khang trang một tầng trông rất đáng yêu, bà con nông dân đang tíu tít xung quanh, nào đàn ông, nào đàn bà, nhiều người mang theo con nhỏ.
Ngôi nhà dựng trên một bãi cỏ xanh, gần một con suối róc rách, mạch nước ngầm từ lòng đất theo dòng chảy xiết chui qua một thân cây để rồi tỏa ra thành một giải nước ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, xung quanh là rừng cây rậm rạp – quang cảnh đó làm tôi nhớ đến tấm bưu ảnh có in lại một bức phong cảnh tuyệt vời.
Xe ô tô đưa tôi đi chơi khắp cả khu rừng, đến lúc kết thúc tôi chui ra thì chú lái xe bỗng hết sức đột ngột tung ra một câu:
- Chào hỏi cái lão đê tiện ấy thì thật là sỉ nhục!…
- Chú nói ai vậy! – Tôi không hiểu gì bèn hỏi lại.
- Cái lão kỹ sư lâm nghiệp chứ còn ai nữa.
- Làm sao biết được lão ấy?
- Cầu cho lão ấy chết đi mất tăm, mất luôn cả tên cả họ đi cho rồi!… Chúng tôi đây không thèm biết đến tên lão, vì không thể kính trọng được. Chúng tôi cứ độc gọi là kỹ sư thế thôi…
Tôi được biết rằng chú lái đưa tôi đến đây là người tử tế, không hiềm khích, vì vậy chú ấy chẳng hơi đâu mà vu oan giá họa cho một người xa lạ. Còn nếu như chú ấy thóa mạ cái ông kỹ sư lâm nghiệp này thì có nghĩa là ông ta xứng đáng như vậy, ở chốn bồng lai thế này mà gặp phải một tên đê tiện thế kia thì thật khó chịu! Tôi thấy mất hết hứng thú vào chơi trong khu nhà đó. Những vẻ đẹp của nó cứ đeo lấy tôi, cuốn hút tôi, thế rồi tôi không chống đỡ nổi, tôi rảo bước đến nhà người trưởng hạt lâm nghiệp.
Tôi để ý đến những người dân làm tập trung ở bậu cửa nhà ông: đó là những con người đau ốm, có người rên rỉ, có người đi xiêu vẹo, có người đứng không vững, cứ phải bò lết, nhiều người băng bó chân tay… Quang cảnh đó các bạn thường chỉ thấy ở trong bệnh viện.
Bước hết ba bậc thềm gỗ dầy dặn, tôi mở hai cánh cửa lắp kính và bước vào tiền sảnh rộng rãi, trong đó có đặt một chiếc giường thấp thường dùng cho các phòng khám của bác sĩ. Ngay lập tức, một cảnh tượng bất thường đập vào mắt tôi: nằm trên giường úp mặt xuống gối là một người quần bị kéo xuống, máu ở chân chảy ra đầm đìa. Ở gần bệnh nhân là một người đàn ông đang tất bật là việc, có lẽ ông ta là nhà phẫu thuật, và một người phụ nữ, chắc là y tá. Ông bác sĩ đặt tấm gạc lên vết thương, ra sức ấn xuống cho ra hết mủ. Bệnh nhân kêu hộc lên, ngóc đầu khỏi gối, rồi lại rền rĩ gục đầu xuống. Tôi cảm thấy choáng váng…
Không ai chú ý đến sự hiện diện của tôi: mọi người đều bận công việc của mình. Ông bác sĩ thôi không ấn nữa, rồi dùng bông lau vết thương. Bà y tá rửa vết thương bằng nước ôxy già rồi băng lại. Bây giờ ông bác sĩ ngẩng đầu lên, ông ta nhìn thấy tôi là trên gương mặt ông nở một nụ cười chào đón rạng rỡ, nụ cười của cả gương mặt, cả đôi mắt và thậm chí của cả đôi kính. Ông ta chìa tay cho tôi, tựa hồ chúng tôi quen nhau đã lâu.
- Chào ông.
Tôi nắm tay ông ta và tự nhiên cũng đáp lời ông bằng một nụ cười hồ hởi như thế, nhưng bỗng nhớ rằng chú lái xe đã nguyền rủa ông, tôi đành cố gắng tạo cho khuôn mặt mình một vẻ lạnh nhạt.
Lúc này người nông dân đã đứng dạy, ông ta xốc quần rồi khóa thắt lưng.
- Thưa ông kỹ sư, cầu mong ông được trăm tuổi, thưa bà y tá xin được mang ơn bà.
- Hai ngày nữa ông nhớ đến thay băng đấy nhé, – bà y tá nhắc nhở.
- Hai ngày thì được rồi, nhưng ban ngày tôi không đến được vì bận lắm, bà cho phép chiều tối tôi đến.
- Vâng, thế cũng được.
- Đến lượt ai, xin mời vào, – ông kỹ sư gọi to, khi người bệnh lúc nãy mở cửa đi ra.
Một cô nông dân ẵm một em nhỏ bước vào và bắt đầu kể chi tiết cho ông kỹ sư nghe rằng con cô cứ khóc ngằn ngặt suốt ngày đêm không ngớt.
- Tôi xin lỗi, tôi có việc khẩn, các ông bà cũng thấy….
Tôi tự giới thiệu với ông kỹ sư rằng tôi đến vùng này theo lời khuyên của bác sĩ, và trong lúc dạo chơi tôi đã để ý đến ngôi nhà của ông và quyết định vào thăm.
- Ông đến thăm, chúng tôi rất được hân hạnh. Để tôi giải toả hết số bệnh nhân rồi chúng ta cùng uống trà, nói chuyện, – sau đó, ông chỉ bà y tá đang thay tã cho cháu bé khóc nhè, và bảo: Còn đây là vợ tôi.
Tôi cúi chào và cảm thấy mình có lỗi vì đã bước vào đột ngột quấy rầy mọi người làm việc, nhưng đồng thời cũng không hiểu sao ông kỹ sư lâm nghiệp, người quản lý ngành rừng ở đây mà lại làm cái việc chẳng đúng ngành nghề tí nào.
Bà vợ ông ta bắt đầu khám cho cháu nhỏ, bà ta kéo rộng chân đứa bé rồi hốt hoảng kêu:
- Trời ơi! Làm sao thế này! Sao có thể làm thế này được! Thối hết cả ra rồi, vết thương thì dày đặc,.. Thế mà chị còn đòi cháu nó không khóc. Ngay lập tức phải rửa sạch, phải bôi phấn rôm… Để thế này thì đến đất sét khô cũng không rắc được…
Lúc này ông kỹ sư gọi tiếp người bệnh khác, ông chăm chú nghe kể bệnh rồi khuyên ông ta đến bác sĩ ở khu công nhân. Ông nông dân nói rằng ông ta đã đến bác sĩ đó, đã trẻ rất nhiều tiền mà chẳng ăn thua gì, thuốc men chẳng khỏi.
- Ông này nói xạo rồi, – ông kỹ sư quay sang tôi, ông ta chưa hề đến bác sĩ nào… Không phải thế sao? – Ông hỏi người nông dân.
Ông này lặng lẽ gật đầu. Ông kỹ sư rút trong ví ra một tờ trăm lia đưa cho người nông dân.
- Ông cầm lấy đi! Bao giờ khỏi lại về làm ở chòi canh. Sáng mai đến bác sĩ mà chữa. Thôi, chào ông, chúc ông khỏe. – Rồi ông nói với theo:
- Ngày mai tôi vào làm kiểm tra hết mọi việc!… Sau đó ông giải thích cho tôi: – Làm sao một người nghèo có thể đến được bác sĩ, cái gì cũng phải trả tiền tiền khám, tiền thuốc…
Suốt hơn một tiếng đồng hồ tôi quan sát thấy vợ chồng ông kỹ sư luôn tiếp đón bệnh nhân chữa bệnh thay băng, khuyên bảo họ. Có bệnh nhân ông kỹ sư còn viết thư chuyển cho bác sĩ yêu cầu khẩn cho mà không lấy tiền.
Bà chủ đã pha xong trà. Hai ông bà mời cả chú lái đang ngồi chờ tôi trong xe ngoài cửa sổ. Chú lái vừa nãy còn nguyền rủa ông kỹ sư, giờ vội vã bước vào nhà, trân trọng chào hai người bằng những lời tốt đẹp nhất.
Chúng tôi ngồi trò chuyện và uống trà.
Qua câu chuyện dần dần tôi được biết rằng ông kỹ sư đã được quyền về hưu từ lâu, nhưng ông không về vì thấy quanh ông còn bao nhiêu người đau khổ, những người ấy hiểu rằng ông vẫn còn có thể giúp đỡ họ được. Không, không được phép nghỉ ngơi, khi ông vẫn cần cho mọi người và vẫn còn sức lực. Các con của họ, hai gái một trai, hiện đã ở riêng. Những chuyện ấy ông kể cho tôi nghe một cách thư thái, gương mặt ông lộ rõ vẻ thiện tâm khiến tôi kinh ngạc. Cuối cùng ông kỹ sư đứng lên nói:
- Bây giờ chúng tôi đang xây dựng một chòi canh. Tôi phải đi xem công việc thế nào, ông có muốn đi cùng với tôi không?
Nhưng tôi hiểu rằng, tôi đang bứt mọi người ra khỏi công việc, đang quấy rầy họ, làm mất thì giờ, vì thế tôi vội vàng xin rút.
Lúc chia tay, bà chủ còn hồ hởi mời tôi ghé thăm khi nào tôi quay lại chốn này.
- Xin mời ông đến tầm trưa quay lại đây chúng tôi sẽ rất hân hạnh…
Trên đường quay về tôi bảo chú lái:
- Chú bảo rằng ông kỹ sư là một tên đê tiện, nhưng những người ấy quả là thiên thần… Vậy ông ta tồi tệ ở chỗ nào?
Chú lái xì một tiếng:
- Chà… nếu ông biết được cái bọn đê tiện…
- Vì sao vậy?
- Tôi bảo đê tiện là đê tiện… Cứ nói đến là thấy lợm giọng…
Tôi không gặng hỏi thêm nữa.
Chiều tối hôm sau tôi vào một quán cà phê trong làng, ngồi xuống chiếc ghế mây thâm thấp và nói chuyện với ông chủ quán, người vẫn thường trò chuyện với tôi. Tất nhiên, tôi rất muốn biết về ông trưởng hạt lâm nghiệp, vì thế tôi hỏi ông về con người đó.
- Bao giờ chúng tôi cũng gặp phải đủ các loại quan chức xấu bụng, – tôi nghe ông trả lời, – nhưng cái loại đê tiện đến như lão ấy thì chúng tôi mới gặp lần đầu tiên, không còn có kẻ nào tồi tệ hơn được.
- Xin ông bỏ quá cho, ông đừng bắt tôi phải nói lại những chuyện vớ vẩn… – .Nói đoạn ông quay ra, đi vào nhà trong.
Theo như chỗ tôi biết, thì các ông trưởng hạt lâm nghiệp thì ít khi để mắt đến đất đai, rừng núi. Họ thường sống trong những ngôi nhà sang trọng trong thành phố hoặc khu công nghiệp. Còn con người này thì lại ở trong xó rừng hẻo lánh. Tôi đã hỏi ông trưởng thôn về ông kỹ sư, ông trưởng thôn là người có nhà cho tôi thuê.
- Ông cứ hình dung mà xem, lương tâm con người đê tiện ấy toàn những chuyện bẩn thỉu, nếu như lão ta náu mình trong rừng, – ông trưởng thôn đáp.
- Nhưng ông ta tồi tệ cái gì?- Tôi không chịu yên.
Ông đi mà hỏi người khác, đừng có hỏi tôi…
- Chỉ cần nghe đến tên lão là ai cũng rùng mình, sởn gáy… Ông cứ đi mà hỏi rồi sẽ biết…
Quả vậy, tôi đi hỏi ai người ta cũng bảo rằng lão kỹ sư là một kẻ đê tiện, nhưng không giải thích gì cả!
Trong làng chỗ tôi ở cũng có một ông lâm nghiệp. Cũng như mọi người khác, ông ta khẳng định rằng ông kỹ sư kia là một kẻ đê tiện. Tuy nhiên, cũng như mọi người, ông không thể giải thích vì sao. Tôi quyết định đào bới đến tận ngọn nguồn sự ghê tởm chung của mọi người đối với ông ta.
- Có thể là ông ta cố tình gây các vụ cháy rừng chăng? – Tôi hỏi ông lâm nghiệp. – Rồi sau đó đem bán những chỗ đất cháy cho nông dân với giá gấp ba lần?
Ông lâm nghiệp cười khà khà:
- Ông nhặt tin ở đâu thế? Trước kia rừng chúng tôi năm nào cũng cháy ba – bốn lần. Từ ngày cái lão ấy xuất hiện, đã bốn năm nay chưa cháy vụ nào.
- Làm sao trước thì cháy, bây giờ thì không?
- Là vì cái lão kỹ sư ấy suốt ngày đêm không chui ra khỏi rừng, không rời khỏi các chòi canh, lúc nào cũng làm việc, hình như lão ấy không nằm ngủ bao giờ… Không phải là người, mà là một thứ lật đật gì đó. Trước kia rừng chúng tôi có bốn cái chòi canh, không chòi nào có điện thoại cả. Còn cái lão này vừa mới về đã cho xây không biết bao nhiêu chòi, dễ có đến bảy chục cái, đa số chòi có điện thoại. Tất cả điện thoại đều nối với điện thoại nhà lão. Sau đó lão ấy lại cho làm đường nhỏ để dễ chạy vào chữa cháy, nếu chẳng may xảy ra.
- Thế tại sao trước đây mọi việc lại khác?
- Trước kia không có tiền để làm.
- Thế ông này thì sao, người ta cho ông ta nhiều tiền à?
- Không đâu, ông bạn, ông ta cũng chỉ nhận được một khoản như trước đây thôi, nhưng ông ta quản lý không biết thế nào mà lại làm được…
- Như vậy thì ông ta đê tiện ở đâu?
Ông lâm nghiệp thở dài nặng nề, lấy tay đấm ngực thốt lên:
- Chúng tôi mới có thể biết được… Đồ súc sinh!
Chắc hẳn lão kỹ sư ăn cắp gỗ. Vẫn có những người thành đạt, chăm chỉ, làm được nhiều việc có ích… nhưng mà ăn cắp.
Tôi có quen một ông hương sư một làng nhỏ cách chỗ tôi đi xe mất chừng một tiếng. Ông này sắp về hưu. Ông không phải người thành phố, mà là xuất thân nông thôn. Đôi khi chúng tôi gặp nhau, nói đủ mọi chuyện. Tôi quyết định đến chỗ ông, mục đích chính là tìm hiểu đôi chút về ông kỹ sư.
Ông biết không, tôi có quen với ông trưởng hạt lâm nghiệp vùng này, – tôi bắt đầu nói rất vô tư. – Tôi nghĩ rằng ông ta là một tên đại bợm, đã ăn cắp rất nhiều gỗ…
- Ai bảo ông thế? – Ông giáo già ngạc nhiên, thậm chí nhảy cả người trên ghế.
- Chẳng ai bảo, tôi đoán thế thôi…
- Sao ông lại nghĩ vậy?
- Tôi nghe nói rằng ông ta đã chu cấp tiền cho một người nông dân ở làm trên để thuê luật sư. Người nông dân này có vướng mắc với Bộ lâm nghiệp. Vì sao lại như vậy? Chính trưởng hạt cho tiền người lông dân kiện cáo với chính chủ quản của mình… Vậy ông ta phải được món lợi gì chứ?…
- Không hề… Người nông dân có lý đúng, vì thế ông kỹ sư mới cho tiền. Làm thế nào được? Nông dân thì lấy đâu ra tiền thuê luật sư bào chữa….
- Nhưng ông kỹ sư cũng là một viên chức thường. Ông ấy lấy đâu ra tiền? Ông ấy là nhà giàu à?
- Phải, nhà giầu… vợ ông ấy giầu… Phần lớn tiền lương ông ấy đem cho dân nghèo… Năm ngoái ông ấy còn cho tôi tiền chúng tôi sửa sang trường sở.
- Lại còn thế nữa!
- Có gì mà ông ngạc nhiên?
- À, là vì mọi người đều bảo ông ta là tên đê tiện…
- Ông hiểu không… Tất nhiên, chính ông ta là một tên đê tiện. Quân đốn mạt như thế trên đời này chưa thấy bao giờ…
- Không ăn cắp, việc gì cũng trôi chảy, làm việc hết mình, giúp đỡ mọi người… Thế sạo gọi là đê tiện?
- Ông muốn mọi chuyện bí mật của tôi hay sao?
- Ấy chết… Chỉ là tôi muốn biết thôi.
- Tôi đã bảo ông: hắn là tên đê tiện – thế thôi. Còn tại sao như thế thì không quan trọng. Cứ biết là đê tiện – thế là hết chuyện.
Mọi người đều biết rằng ông kỹ sư là tên đê tiện hiển nhiên, nhưng không ai nói những điều đê tiện sau lưng ông ta. Đây quả thật là một nét kỳ lạ thật sự của những người dân địa phương.
Một lần tôi lại đến nhà ông kỹ sư. Trên đường tôi gặng hỏi chú lái.
- Chắc hẳn là ông ta nhận hối lộ? – Tôi hỏi.
- Lạy trời ban phước lành cho ông. Không dưng mình lại đi bôi nhọ người khác sao được. Tất nhiên, ông ta là kẻ vô lại, nhưng ông ta ăn hối lộ thì không ai thấy bao giờ…
- Vậy ông ấy lừa bịp?
- Không đâu, làm gì có chuyện ấy.
Khi chúng tôi đến ngôi nhà xinh xắn của ông kỹ sư thì ông chủ lại đi vắng. Bà vợ mời rất niềm nở:
- Xin mời các ông vào, nhà tôi sắp về rồi… Ông ấy gặp được các ông là mừng lắm đấy. Ông ấy đi đã hai ngày rồi, đi kiểm tra những cây sắp đốn. Những người coi rừng thường hay lừa nông dân, toàn chọn những cây không đúng quy cách, vì thế ông ấy phải thân chinh đi, dự định là sáng nay về. Chỉ chút xíu nữa là tới đây thôi. Mời các ông vào nhà nghỉ ngơi một lát…
- Xin cám ơn, để tôi vào rừng chơi, lát nữa quay lại.
Tôi đi vào rừng. Một ít phút sau đã nghe thấy tiếng còi huýt, tiếng chân chạy, tiếng còi xe. Trèo lên đỉnh đồi tôi thấy một con đường. Trên đó có một chiếc xe dzíp phóng bạt mạng. Đi chơi thêm một lát rồi tôi quay lại. Ông kỹ sư đã về. Ông đứng trước nhà. Ngay lập tức có ba người gác rừng và hai người nông dân đã tới, một già, một trẻ.
- Xin chào ông, – ông kỹ sư chào tôi, – tôi sắp xong việc rồi đây…
Qua câu chuyện của người coi rừng với ông kỹ sư tôi được biết: những người nông dân đã chặt trái phép một cây, khi họ đưa lên xe định chở đi thì bị bắt quả tang. Lúc này bà vợ ông kỹ sư mời tôi vào nhà, nên khúc cuối câu chuyện tôi không nghe được.
Mấy phút sau ông kỹ sư vào:
- Ông đến thăm, chúng tôi được hân hạnh quá. Tôi rất mừng… Bây giờ vừa kịp bữa.
Chúng tôi từ chối không được. Hơn nữa tôi có ý định tìm hiểu ông kỹ sư sâu sắc hơn. Bà vợ ông dọn bàn ăn. Tôi và chú lái ngồi vào chỗ. Ông kỹ sư kể về những tên ăn trộm vừa bị bắt:
- Những người nghèo khổ ấy biết làm gì được. Ruộng đất không có, nếu có thì cũng chỉ tí tẹo, không đủ nuôi thân. Công việc không, xí nghiệp không. Việc mà chúng tôi giao cho họ trong rừng không đủ nuôi gia đình. Đất nương rẫy tôi không cho phép. Vậy thì họ làm gì – chịu ngồi chết đói hay sao? Thế là họ đi chặt cây, bán ra thành phố làm củi… Chúng tôi tóm cổ họ. Tôi ra lệnh cho anh em gác rừng là nếu không có lệnh của tôi thì không được nộp bất kỳ ai cho cảnh sát. Nhà giam thành phố đã chật ních loại ”tội phạm” này. Không phạt họ thì mình không hoàn thành nhiệm vụ, mà phạt họ thì lương tâm mình không yên… Thật là cực!…
Trí tò mò của tôi bị nung đốt: các bạn làm ơn nói cho tôi nghe, một người xứng đáng được gọi là tốt bụng như thế mà làm sao ai cũng nguyền rủa?
Không sao thỏa mãn được, tôi đành lên ô tô sang thành phố bên cạnh. Bên cạnh tôi có một người nông dân. Tôi tìm hiểu ông ta. Đó chính là người được vợ chồng ông kỹ sư băng bó cho vào cái hôm đầu tiên tôi đến. Tôi nói chuyện và tỏ lời khen ngợi ông kỹ sư.
- Cái nhà ông kỹ sư ấy có gì là tốt? – Người nông dân bỗng nổi giận – một tên đểu cáng và đê tiện!
Tôi nhắc đến chuyện ông kỹ sư đã giúp đỡ cho ông này khỏi đau.
- Đấy là một chuyện, còn ông ta đê tiện lại là chuyện khác hoàn toàn, – ông đáp.
Suốt dọc đường tôi làm cho ông nông dân chán ngấy vì những câu hỏi rắc rối, thế nhưng ngoài chuyện nhắc đi nhắc lại rằng ông kỹ sư là tên đê tiện hiếm có thì ông nông dân chẳng nói được gì hơn.
Ở thành phố này tôi có quen một ông chủ cửa hàng. Chính ông này giúp tôi thuê nhà trong làng. Cửa hàng của ông bán đủ mọi thứ, từ máy thu thành, ti vi đến thuốc nhuộm tóc, từ giày dép đến sách vở và động cơ. Tôi hỏi thẳng ông ta rằng vì sao mọi người lại ghét bỏ ông kỹ sư và lại gọi ông là tên đê tiện.
- Nếu mọi người cùng nói thì có nghĩa là đúng!
- Nhưng có gì chứng minh là như vậy?
- Là vì ông ấy tồi tệ…
Tôi bị chế ngự bởi mọi giả thuyết. Hay là ông kỹ sư máu mê đàn bà, cũng có thể ông là người chồng bất chính?…
Ông chủ quán lập tức phản đối.
-Theo như chúng tôi biết thì ông là người chồng tuyệt vời. Như tôi đã nói, trong người tôi cứ sôi lên những giả thuyết bất kỳ. Ông ta cũng không còn trẻ trung gì nhưng biết đâu vẫn là một tên đồi bại?
- Ông đừng có nói quàng nói xiên, – ông chủ quán phản đối. – Ai mà dám nói như thế?
Bất kỳ tôi gán cho ông ta một tội danh gì, lập tức ông chủ quán bênh ông kỹ sư.
Tôi không thể chịu được nữa.
- Nếu như các ông coi người đó là kẻ đê tiện và đồi bại, thì vì sao các ông không làm đơn tố giác lên Bộ?
- Sao lại không có đơn? Mời ông theo tôi!
Chúng tôi bước ra. Ông chủ quán dẫn tôi đến văn phòng luật sư.
- Ông bạn tôi muốn biết vì sao chúng ta lại không làm đơn tố cáo ông kỹ sư lâm nghiệp đê tiện. Xin cho ông ấy xem những đơn đề nghị, khiếu tố…
Ông luật sư lấy ra một cặp dầy cộp.
- Xin mời ông xem…
Tôi bắt đầu đọc. Đấy là những đơn từ của cá nhân, thậm chí của các tổ chức, các văn phòng, cá cơ quan. Nội dung các đơn đều có yêu cầu chuyển ông trưởng hạt lâm nghiệp đi chỗ khác. Các đơn đều gửi về Bộ lâm nghiệp, thậm chí gửi thẳng lên Thủ tướng… có cả bản sao các bức điện gửi đi nữa.
Tôi kinh ngạc:
- Làm sao với từng này đơn thư khiếu tố mà người ta không chuyển ông đi chỗ khác?
- Ông thấy đấy, người ta không chuyển, – ông luật sư đáp.
- Vậy ông ấy làm điều gì tồi tệ? – Tôi lại hỏi luật sư.
- Ông ta là người dày đặc tội lỗi! – Ông luật sư thốt lên. – Thậm chí khó có thể kể ra đây được một tội nào…
Cuối cùng, tôi mất hết hy vọng tìm hiểu vấn đề. Chỉ biết rằng ông kỹ sư là một tên đê tiện đầu bảng, nhưng vì sao thì chịu: trí tò mò của tôi không được thoả mãn. Tôi vẫn thường đến ông kỹ sư. Càng quen nhau, tôi càng quý mến ông. Trong nhà ông đầy những sách vở. Ông đọc nhiều, nói chuyện với ông rất thích thú và bổ ích. Ông giúp đỡ mọi người, nếu có thể, và không hề chờ một lời cám ơn đáp lại.
Cứ nghĩ mãi những lời người ta nguyền rủa ông, tôi đi đến kết luận; ở đời quả là làm ơn nên oán.
Một hôm, không chịu được nữa, tôi bảo ông kỹ sư:
Mọi người đều bảo ông là kẻ xấu. Ở đây không có một người nào khen ngợi ông cả. Thế mà ông đã làm bao nhiêu việc tốt.
Ông mỉm cười:
- Vâng, tôi cũng có nghe người ta nguyền rủa tôi.
- Sao lại như thế?
- Ông đi mà hỏi người ta…
- Thật là cứu nhân, nhân hại, – tôi nói, – họ thật là bội bạc…
- Không, không, ông đừng nói thế, không phải vậy đâu, ông phản đối.
Đã đến ngày tôi phải rời làng. Lúc chia tay tôi gửi lại ông trưởng thôn, chủ nhà, một số quà tặng. Rồi không kìm được mình, tôi hỏi:
- Ông trưởng thôn ơi, ông nghe tôi nói đây. Bây giờ tôi ra đi rồi. Tôi chỉ yêu cầu một điều: ông cho tôi biết, ông kỹ sư ở đây có điều gì tồi tệ?
Ông trưởng thôn đáp:
- Ông ấy chẳng làm gì xấu hổ đối với riêng tôi, nhưng mọi người đều nhất trí bảo rằng ông ấy tồi tệ, làm sao tôi có thể không tin nhân dân?…
Thế là ông trưởng thôn cũng đánh trống lảng. Bây giờ tôi sang thăm ông bạn giáo viên, nhưng tôi cũng không moi được gì từ miệng ông ta.
Tôi rời làng đi tới thị trấn. Còn hai tiếng nữa mới có ôtô Xtambun. Không biết làm gì, tôi bèn tìm tới văn phòng ông luật sư già:
- Tôi đến chia tay ông để về nhà đây…
Ông luật mừng lắm, còn tôi tiếp tục:
- Ông ơi, tôi đến chết vì tò mò thôi… Sáng danh thánh Ala, ông làm ơn cho tôi biết, vì sao ông kỹ sư lại là con người tồi tệ? Ông tin tôi đi, tôi không hở miệng với ai đâu.
Ông luật nói với tôi, giọng đầy tin tưởng:
- Thôi được, tôi tin ông, ông không phải là người buôn chuyện chỗ tôi cũng như những chỗ khác, quan chức đưa về cũng có người xấu, người tốt…
- Lẽ dĩ nhiên, – tôi tán thành.
- Khi có quan chức mà dân không chịu nổi thì bắt đầu có đơn t d85 khiếu tố.
- Hẳn là thế, tôi thêm vào.
- Nhưng dân càng kêu nhiều bao nhiêu, thì người ta càng giữ quan chức ở lại lâu bấy nhiêu. Chính phủ chẳng vội gì mà thuyên chuyển. Quan tồi thì nói chung là nhiều hơn quan tốt. May ra có một ông quan tốt được mọi người hài lòng thì khắp nơi người ta nhắc tên khen ngợi. Ngay lập tức người đó bị chuyển đi nơi khác. Quan tốt thường lại không được giữ ở địa phương. Dân có kêu mấy, xin mấy cũng bằng không. Chúng tôi đã thấm thía qua kinh nghiệm của bản thân rồi. Bấy giờ hễ có được một ông quan tốt là chúng tôi bắt đầu nguyền rủa hết lời. Chẳng hạn như ông kỹ sư lâm nghiệp, mọi người từ trẻ đến già đều rủa ông ta. Đôi khi chúng tôi còn gửi đơn thư đòi tống khứ cái tên đê tiện ấy đi. Chúng tôi thu thập được hàng trăm, có khi hàng nghìn chữ ký. Bằng cách đó chúng tôi đã giữ được ông ta suốt bốn năm liền. Mong sao giữ được ông ta thêm bốn năm nữa. Còn về ông tỉnh trưởng thì ông cứ thử hỏi mọi người xem.
Đến bây giờ tôi hiểu. Nhưng vì sao Chính phủ lại để quan tồi ở lại, quan tốt lôi đi?
Ông luật sư giải thích:
- Trong cuộc bầu cử vừa rồi ở đây Đảng cầm quyền thu được rất ít phiếu, vì thế Chính phủ tìm cách trừng phạt.
- Ông kỹ sư thì ai làm ăn không lười thảy đều nguyền rủa, nhưng chẳng lẽ các ông không có ai ủng hộ Đảng cầm quyền sao?
- Có chứ. Chính tôi đây là đảng viên của Đảng cầm quyền. Nhưng trong những chuyện này chúng tôi nhất trí lắm: Chúng tôi muốn có những quan chức tốt, vì thế mọi người đồng lòng nguyền rủa ông ấy thậm tệ.
Lúc chia tay, ông luật sư dặn:
- Thế nào ông cũng phải hỏi mọi người về ông tỉnh trưởng đấy.
Ở bến ô tô (ô tô đến chậm) tôi đã hỏi thử ít nhất là hai mươi người. Họ tranh nhau tâng bốc công ơn của ông này đến tận mây xanh.
Chỉ riêng có ông khách ngồi cạnh tôi trên xe, là viên chức trong văn phòng tỉnh trưởng, trả lời tôi một cách dứt khoát, khiến tôi vô cùng kinh ngạc:
- Tỉnh trưởng à? Thằng đê tiện nhất trong những thằng đê tiện.
- Không có lẽ! Ngoại trừ ông ra, mọi người khác đều rất khen ngợi.
- Hẳn là thế rồi… Đơn giản thôi, họ chưa biết rằng hắn ta đã bị chuyển đi nơi khác… Quyết định thuyên chuyển vừa mới về đây sáng nay. Ông chờ mọi người đọc báo, biết chuyện, rồi hỏi người ta mà xem…