Khi đã thấy rằng tình trạng vô vọng ấy không thể để kéo dài mãi, người dân Nolandia bèn quyết định phải hành động, và họ lên tiếng hỏi nhà vua của mình bằng một lời lẽ rất phải phép rằng ‘Bệ hạ muốn giữ vương quốc nào?’
‘Bệ hạ không thể giữ cả hai,’ họ nói toạc ra như vậy, ‘bởi vì chúng tôi đông lắm và không thể cai trị bằng một nửa ông vua được. Tại sao ư, vì ngay cả nếu chúng tôi là một bầy lừa thì việc chăn dắt chúng tôi cũng đã là một công việc đòi hỏi toàn bộ thời gian của nhà vua rồi.’
Và thế là vị vua gương mẫu nọ đành phải trao cái vương quốc mới chiếm được kia cho một người bạn của mình. Nhưng ông vua này chẳng mấy chốc cũng bị đánh đuổi về cố quốc và phải bằng lòng với lãnh thổ cũ của mình thôi.
Tôi cũng nhắc nhở vua nước Pháp rằng ngay cả nếu ông ta có phát động hết mọi cuộc chiến tranh ấy và tạo nên tình trạng hỗn loạn ở tất cả những mảnh đất ấy như ý muốn, nhất định cuối cùng ông ta cũng thấy rằng mình đã tự hủy hoại mình và hủy hoại thần dân mình một cách vô ích mà thôi. Cho nên tôi khuyên ông ta hãy tập trung vào mảnh đất mà cha ông đã trao lại cho ông ta, và hãy làm cho nó giàu đẹp bằng hết sức của mình, hãy yêu mến thần dân của mình và xứng đáng với tình yêu của họ, hãy sống với họ và cai trị họ với tấm lòng từ ái, và từ bỏ mọi ý đồ bành trướng lãnh thổ, bởi lẽ những cái ông ta có đã quá đủ rồi.
Đấy, ông bạn More thân mến của tôi, ông thử nghĩ xem nhà vua sẽ phản ứng thế nào với lời khuyên ấy của tôi?
MORE: Chắc hẳn là không được hoan nghênh lắm, phải công nhận thế.
RAPHAEL: Bây giờ ta lại hình dung một hoàn cảnh khác nhé. Giả dụ như các cận thần tài chính của nhà vua đang thảo luận xem làm thế nào để gia tăng vốn liếng của ngài lên. Một người gợi ý nên tăng giá đồng tiền khi Bệ hạ phải chi trả, và đánh hạ giá nó một cách bất thường khi mọi người khác phải thanh toán tiền cho Bệ hạ. Như thế thì tăng được thu mà giảm được chi cho Bệ hạ. Người thứ hai khuyên nhà vua nên giả đò phát động chiến tranh. Bệ hạ sẽ có cớ để đánh thêm nhiều thứ thuế. Rồi lúc nào thích thì Bệ hạ lại trịnh trọng tuyên bố hòa bình trong tư thế của một đấng minh quân luôn hết sức tránh cho quần thần và dân chúng không phải đổ máu. Người thứ ba nhắc đến một thứ luật cũ rích đã bị mối xông từ lâu và cũng đã lỗi thời từ lâu đến nỗi bây giờ mọi người ai cũng đang vi phạm nó cả mà không hề biết, rồi khuyên nhà vua nên tiến hành phạt tiền những vi phạm này. Việc này rất lợi cho nhà vua cả về tài chính lẫn phương diện đạo đức, vì chiến dịch phạt này sẽ tiến hành dưới chiêu bài công lí. Người thứ tư khuyên nhà vua ban hành một đạo luật cho phép phạt rất nặng một số vi phạm nào đấy, nhất là những hành vi lập dị khác đời. Sau đó thì Bệ hạ lại có thể bán một thứ quyền miễn trừ đối với đạo luật này cho những ai vẫn muốn sống theo ý riêng của họ. Việc này vừa đảm bảo uy tín và danh tiếng của Bệ hạ nói chung, lại vừa tạo cho Bệ hạ một nguồn thu nhập kép - vì Bệ hạ vừa có tiền phạt của những kẻ rơi vào bẫy của đạo luật này, vừa có tiền thu được do bán quyền miễn trừ cho những ai không rơi vào bẫy đó. Và tất nhiên là giá bán những quyền miễn trừ này sẽ có tỷ lệ tương xứng với phẩm chất đạo đức của nhà vua. Nguyên tắc đạo đức của Bệ hạ càng cao thì Người càng không muốn để ai có những hành vi khác đời phản xã hội, và do vậy mà quyền miễn trừ sẽ phải được bán với giá rất cao.
Người thứ năm khuyến cáo phải làm sao sai khiến được các quan tòa để họ phải nhớ luôn luôn nghị án theo ý của nhà vua. Bệ hạ cũng nên vời họ vào hoàng cung và tham vấn họ về quan điểm luật pháp của chính mình. Quan điểm của Bệ hạ có thể rõ ràng là hoàn toàn sai, nhưng thể nào cũng có một vị thẩm phán tìm ra được một kẽ hở trong luật pháp để lật ngược công lí. Mà dù Bệ hạ muốn làm việc ấy vì lí do gì đi nữa - hoặc chỉ vì thích ngông ngạo ngược đời, ghét những cái đã hiển nhiên, hoặc đơn thuần chỉ là một ý muốn được cảm thấy mình muốn làm gì thì làm - kết quả sẽ cũng như nhau mà thôi. Chẳng mấy chốc, vấn đề sẽ được các thẩm phán nhìn nhận mỗi người một khác, và trường hợp rõ ràng hiển nhiên ấy sẽ trở thành rắc rối phức tạp, rồi ngay cả những dữ kiện rạch ròi nhất cũng bị nghi ngờ. Tình hình ấy sẽ cho Bệ hạ một cơ hội tuyệt vời để diễn giải luật pháp theo hướng có lợi cho riêng mình. Vì sợ hãi hoặc vì muốn giữ lễ với Bệ hạ, tất cả mọi người sẽ thuận theo hướng đó, và cuối cùng thì quan chánh án sẽ tuyên án đúng như vậy. Mà thực ra thì thiếu gì cách biện hộ cho một bản án có lợi cho ngai vàng. Nào là viện đến lẽ công bằng, đến câu chữ trong luật, đến những ý nghĩa lạ đời của chính những câu chữ đó, và nếu cùng đường thì sẽ viện đến một nguyên tắc có sức nặng hơn bất kì một luật định nào trong thiên hạ - đó là “đặc quyền không ai có thể chối cãi được của nhà vua.”
Tất cả đều nhất trí với giáo điều của Crassus19 rằng ta không bao giờ có đủ tiền nếu ta phải duy trì một lực lượng quân đội. Và thiên hạ cũng nhất trí rằng nhà vua không thể sai lầm trong bất cứ chuyện gì, mà cho dù Người có muốn phạm sai lầm cũng chẳng được, bởi lẽ cái gì mà chẳng phải là của nhà vua, kể cả từng mạng người trong vương quốc, và cũng làm gì có tài sản cá nhân, trừ phi nhà vua rủ lòng nhân từ chưa nỡ lấy của ai. Nhà vua phải luôn hạn chế những tài sản cá nhân này ở mức tối thiểu, vì sự an khang của Người phụ thuộc vào việc ngăn không cho thần dân của mình có quá nhiều của cải hoặc tự do. Giàu có và tự do sẽ khiến cho dân chúng có tinh thần phản kháng lại những điều bất công và áp bức, còn nghèo đói và khốn khổ sẽ khiến họ ù lì nhẫn nhục và bóp nghẹt tinh thần chống đối cao thượng của họ.
Đến lúc ấy, tôi lại đứng dậy và lên tiếng rằng tất cả những việc đó đều là vô luân và dại dột đối với một nhà vua, bởi lẽ uy tín và ngai vàng của vua có vững chắc hay không là nhờ vào sự thịnh vượng của muôn dân chứ không phải vào kho báu của triều đình.
‘Hãy nghĩ lại xem tại sao dân chúng lại đưa Bệ hạ lên ngai vàng cái đã,’ tôi nói. ‘Không phải là vì quyền lợi của Bệ hạ đâu, mà là vì quyền lợi của chính họ. Họ muốn Bệ hạ cống hiến sức lực để làm cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, và bảo vệ họ khỏi những điều bất công ngang trái. Cho nên công việc của Bệ hạ là làm sao để cho muôn dân được sung sướng chứ không phải là bản thân Bệ hạ được sung sướng. Cũng hệt như công việc của người chăn chiên là phải nuôi nấng chăm bẵm đàn chiên chứ đâu phải chăm bẵm bản thân mình. Còn cái lý thuyết cho rằng dân có nghèo thì nước mới yên là hoàn toàn phản thực tế. Thử xem có bộ phận dân chúng nào bất an và lủng củng như đám cùng đinh? Ai sẽ sẵn sàng làm cách mạng bằng những kẻ đang bất mãn với cuộc sống của chính mình? Ai có thể hăng hái lật nhào mọi thứ để tìm lợi ích cho bản thân bằng những kẻ chẳng còn có gì để mất?
‘Không đâu, nếu một ông vua bị thần dân oán ghét và khinh bỉ đến mức độ chỉ có thể cai trị thông qua bần cùng hóa bằng võ lực, áp chế và tịch biên gia sản, thì tốt nhất là ông vua ấy hãy thoái vị ngay đi. Cách cai trị ấy chỉ duy trì được cái danh hão của ngai vàng, nhưng hủy hoại mọi oai phong thực chất của một đấng quân vương vậy. Có oai gì khi cai trị một lũ ăn mày? Dân có giàu có thịnh vượng thì vua mới oai phong. Đó chính là điều mà nhân vật Fabricius20 đáng khâm phục muốn nói khi ông ta tuyên bố rằng thà cai trị những người giàu còn hơn làm đồng bọn với họ. Hiển nhiên là một kẻ mải mê sống xa hoa trong khi mọi người khác rên xiết quanh mình thì không thể được gọi là vua - hắn chỉ đáng được gọi là một tên cai tù mà thôi.
‘Tóm lại, bác sỹ dốt thì chữa được bệnh này lại gây ra bệnh khác, còn vua mà cai trị bằng hạn chế, cấm đoán, và bần cùng hóa thì không đáng làm vua của những người tự do. Hắn nên tự hạn chế cấm đoán những thói hư tật xấu của bản thân trước đã - lòng ngạo mạn hoặc tính lười biếng chẳng hạn, vì đây là những khuyết tật dễ làm cho một ông vua bị oán ghét nhất. Hắn nên sống bằng nguồn sống riêng của mình và đừng quấy nhiễu người khác. Hắn phải biết liệu cơm gắp mắm trong chi tiêu. Hắn phải biết ngăn chặn tội ác bằng cách cai trị một cách lành mạnh chứ không phải nuôi dưỡng tội ác rồi lại trừng trị chúng. Hắn đừng nên ban hành luật lệ gì đã bị bỏ đi rồi và không còn tác dụng gì nữa. Và hắn chớ bao giờ gây ra một tội ác để lấy cớ phạt tiền người ta - chẳng có một người lương thiện nào có thể cho phép mình làm như vậy.’
Sau đó tôi kể cho họ nghe về một chế độ đang thịnh hành tại Happiland21, một nước không xa Utopia là mấy. Ở đó, khi tuyên thệ đăng quang, nhà vua phải thề sẽ không bao giờ có hơn một ngàn lượng vàng hoặc bạc trong ngân khố. Chế độ này được một vị vua rất anh minh của họ đặt ra, là một người chỉ biết chăm lo cho sự thịnh vượng của dân chúng. Ông này tin rằng hạn chế của cải của triều đình đến mức ấy sẽ không làm nghèo dân chúng, và chọn con số một ngàn lượng vàng là vì ông biết rằng như vậy là đủ để trấn áp một cuộc nội loạn hoặc đẩy lui một cuộc ngoại xâm, nhưng không đủ để nhà vua sinh lòng muốn đi chinh phạt ở hải ngoại. Đó chỉ là một trong rất nhiều các ý tưởng hay của ông ta. Ông ta cũng hy vọng rằng luật định ấy sẽ bảo đảm luôn có đủ tiền lưu thông vì những mục đích trao đổi, và nhà vua sẽ không có lí do để gây quĩ một cách bất chính bởi vì ông ta cũng không thể có nhiều tiền hơn số lượng qui định ấy. Vậy là ở đó ta thấy một kiểu vua mà người xấu phải sợ và người tốt phải yêu. Nhưng nếu tôi nói những chuyện này với một bọn người đã khăng khăng với những quan điểm đối nghịch của họ, thì ông nghĩ họ có chịu nghe tôi không chứ?
MORE: Lẽ dĩ nhiên là họ sẽ không nghe, mà tôi cũng chẳng dám trách họ. Quả thực là nói những chuyện như thế, hoặc khuyên những điều mà mình biết là sẽ chẳng có ai chịu nghe thì chỉ vô ích mà thôi. Làm sao có ích được kia chứ? Làm sao có thể mong họ chấp nhận một đường lối tư tưởng hoàn toàn xa lạ và trái ngược với những xác tín sâu sắc của họ? Lối nói kiểu ấy có thể là rất hay trong một cuộc trò chuyện bạn bè, nhưng ở một cuộc họp nội các, nơi phải quyết định những chính sách quan trọng, thì kiểu triết lý ấy hoàn toàn lạc lõng.
RAPHAEL: Đó chính là điều mà tôi muốn nói - sự minh triết không có chỗ ở chốn công đường.
MORE: Mà nó cũng chẳng có chỗ cho trí tuệ và học vấn vốn chỉ biết nghĩ sao nói vậy bất luận trong hoàn cảnh nào. Nhưng cũng có một hình thức minh triết khác thuần hóa hơn, biết rõ hoàn cảnh, có ý thức nhập cuộc và biết thủ một vai trò thích hợp trong màn diễn hiện tại. Đó là thứ minh triết mà tiên sinh nên theo. Nếu không thì chẳng khác gì đang trong một màn hài kịch toàn những nô lệ ba lăng nhăng tự nhiên lại có một nhà hiền triết nhảy vào lên tiếng về những điều đại loại như những lời của Seneca khuyên nhủ Nero phải sống như một đấng minh quân chứ không nên làm bạo chúa vậy. Hiển nhiên là ta thà im lặng còn hơn là sắm vai nhầm vở kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia như thế. Bởi vì ngay cả nếu vai diễn bi hài ấy của ta có làm cho màn kịch ấy xôm trò được một lúc thì nó cũng vẫn lạc lõng và chắc chắn sẽ làm hỏng hết cả buổi diễn. Không nên thế. Hãy cố hết sức đóng góp cho vở kịch được thành công. Chớ nên làm hỏng nó chỉ vì ta tình cờ nhớ đến một vở khác mà ta thích hơn vậy.
Cái qui luật ấy đúng cho cả chính trị và chốn công đường. Nếu ta không thể xóa bỏ hết những tư tưởng sai trái, hoặc không thể giải quyết những tệ nạn mãn tính một cách hữu hiệu như mong muốn, thì đó cũng vẫn không phải là lí do chính đáng để ta treo ấn từ quan. Ta không nên bỏ mặc con tàu của mình trong bão tố chỉ vì không thể hô mưa gọi gió theo ý mình. Mặt khác, cũng không nên cố truyền bá những tư tưởng mới lạ hiển nhiên sẽ chẳng có chút thuyết phục nào đối với những người vốn đã có thành kiến chống lại chúng. Ta phải tìm cách tác động một cách gián tiếp. Ta phải đối nhân xử thế hết sức tế nhị, và cái gì mà ta không thể chấn chỉnh được thì hãy cố hạn chế tối đa những tác hại của nó mà thôi. Bởi lẽ đã nhân vô thập toàn thì sao có thể mong muốn sự hoàn thiện được. Và biết đến khi nào con người chúng ta mới có thể được hoàn thiện!
RAPHAEL: Có lẽ ưu điểm duy nhất của phương pháp ấy là tôi sẽ không hoàn toàn phát điên khi gắng sức chữa trị chứng loạn óc của người khác mà thôi. Nhưng nếu cho phép tôi nói thật, thì tôi sẽ đành phải nói những điều mà bạn nhất định sẽ phản đối đấy. Tôi không biết liệu một con người minh triết có được phép nói dối hay chăng, nhưng tôi thì chắc chắn là không. Hơn nữa, cho dù những điều tôi nói có thể làm họ khó chịu, nhưng chẳng có lí do gì để họ có thể coi đó là những điều bất thường đến mức độ khủng khiếp như thế. Nào tôi đã dám khuyên họ phải áp dụng những chế độ như trong nhà nước cộng hòa tưởng tượng của Plato, hoặc như của nước Utopia bây giờ đâu. Những chế độ ấy, trong khi rõ ràng là tốt đẹp hơn những chế độ của chúng ta, còn có thể làm họ thấy lạ lùng hơn nữa bởi chúng đều dựa trên công hữu chứ không phải tư hữu.
Tất nhiên là họ sẽ không thích các đề nghị của tôi rồi. Sau khi đã đắm đuối vào một dự án nào đó, hiển nhiên là họ rất ghét ai chỉ cho họ thấy những hiểm họa trước mắt và bảo họ hãy từ bỏ tất cả những cái đó đi. Nhưng ngoài chuyện ấy ra, có cái gì trong những điều tôi nói là không thể hoặc không nên đâu kia chứ? Nếu chúng ta không bao giờ nên nói bất kì điều gì có thể bị coi là bất thường vì sợ sẽ trở thành lố bịch, thì tốt hơn cả là hãy im thin thít, đừng nhắc lại cả những lời dạy của đấng Christ nữa, ngay cả khi đang ở giữa một nước cơ đốc giáo. Mà đó chính là điều mà Ngài ghét nhất. Chẳng phải Ngài đã bảo các tông đồ rằng những điều mà Ngài thì thầm vào tai họ sẽ phải được lớn tiếng rao giảng từ trên nóc nhà22 đó sao? Và hầu hết những lời dạy của Ngài còn trái với lệ thường hơn bất kì những gì mà tôi đề nghị, chỉ có điều là những tư tưởng ấy của Ngài đã được những nhà giảng đạo biến báo đi một cách thiên tài - mà chắc là ông bạn More đây cũng có dự phần vào việc đó!
‘Ta sẽ không bao giờ khiến được con người hành xử theo đúng với giáo lí Cơ đốc,’ chắc là những nhà giảng đạo ấy đã bảo nhau thế, ‘cho nên ta hãy tìm cách làm cho giáo lí Cơ đốc thích ứng với cách hành xử của con người vậy. Như vậy thì chí ít cũng còn có một liên hệ nào đó giữa hai bên.’
Nhưng tôi không thấy có tí ích lợi gì trong việc làm ấy của họ. Họ chỉ khiến cho người ta có khả năng phạm tội với một lương tâm thanh thản - và đó là tất cả những gì mà tôi có thể làm tại một cuộc họp nội các. Bởi lẽ tôi sẽ chỉ có thể hoặc là bỏ phiếu chống, tức là ngang với việc không bỏ phiếu, hoặc là bỏ phiếu thuận, tức là trở thành đồng lõa và a dua với một lũ mất trí vậy.
Còn về cái mà bạn gọi là tác động một cách gián tiếp, và khi sự việc không thể chấn chỉnh được thì phải có giải pháp tế nhị để hạn chế tối đa tác hại của tình hình, quả thật tôi không hiểu như vậy là thế nào. Tại công đường, đã không thể giữ chính kiến của mình thì chỉ còn cách để mặc cho mọi người làm theo ý họ, cũng như là đồng lõa mà thôi. Mà còn phải công khai ủng hộ những chính sách xấu xa, và phải chấp thuận cả những nghị quyết ma quỉ nhất. Nếu không tỏ rõ thái độ nhiệt tình ủng hộ những thứ đó, bạn sẽ bị coi là gián điệp hoặc thậm chí là một tên phản quốc. Bên cạnh đó, với một đám đồng sự như thế thì liệu bạn có cơ hội gì để làm được việc thiện cơ chứ! Bạn sẽ không bao giờ cải tạo được họ - mà họ thì hoàn toàn có khả năng tha hóa con người bạn, cho dù phẩm chất của bạn có tốt đẹp đến mấy chăng nữa. Đã cùng hội cùng thuyền với họ, bạn sẽ hoặc là mất hết nhân cách của mình, hoặc là sẽ dùng nhân cách ấy ra để che đậy cho những hành vi điên cuồng và xấu xa của họ mà thôi. Đấy, kết quả của cái phương pháp tác động gián tiếp ấy của bạn là như vậy đấy!
Plato đại nhân có một hình ảnh rất hay có thể lí giải tại sao một con người có lí trí và nhạy cảm nên tránh xa khỏi chính trường. Ông ta thấy mọi người đều đổ xô ra đường giữa lúc trời mưa và ai cũng ướt như chuột lội. Ông ta không thể thuyết phục họ trở vào nhà để được khô ráo. Ông ta biết nếu mình ra theo họ thì mình cũng bị ướt như vậy. Và thế là ông ta cứ ở trong nhà, và, vì không thể làm gì được trước sự điên rồ của mọi người, ông ta bèn tự an ủi mình rằng ‘Dù sao thì ta cũng không điên rồ như họ.’
Dù sao, cũng phải nói chân tình với ông bạn More thân mến đây rằng bản thân tôi chẳng thấy có phương cách gì để có thể có được công lí và thịnh vượng đích thực một khi vẫn còn có tư hữu, và mọi thứ đều được đánh giá bằng tiền, trừ phi ta chấp nhận coi việc kẻ xấu ác nhất lại được sung sướng nhất là công bằng, hoặc chấp nhận coi một quốc gia là thịnh vượng trong khi chỉ có một nhúm người chiếm hữu hết của cải t ài sản của cả nước - mà vẫn chẳng thấy sung sướng, còn tất cả mọi người khác đều vẫn khốn khổ như thường.
Sự thực là khi tôi nghĩ đến những cách thu xếp công bằng và hợp lí ở Utopia, nơi mà mọi việc đều chạy hiệu quả đến thế mà với ít luật lệ đến thế, còn việc công nhận giá trị cá nhân thì gắn chặt với sự thịnh vượng chung của toàn xã hội - khi tôi so sánh Utopia với vô số các nước tư bản vẫn luôn không ngừng ban hành luật lệ mới mà không bao giờ có qui củ thực sự, nơi mỗi ngày người ta thông qua hàng tá những luật lệ mà vẫn không đủ để đảm bảo cho người dân hoặc kiếm được, hoặc giữ được, hoặc định dạng được một cách an toàn cái gọi là tài sản tư hữu của mình - hoặc như việc tại sao những vụ kiện cáo lại liên miên không dứt như thế? - khi tôi xem xét tất cả những cái đó, tôi cảm thấy thông cảm hơn nhiều với Plato đại nhân, và không còn thấy ngạc nhiên khi đại nhân từ chối xây dựng luật pháp cho một thành bang23 không chịu chấp nhận các nguyên tắc bình đẳng. Hiển nhiên là với một trí huệ thâm hậu như của Plato đại nhân, điều kiện thiết yếu nhất của một xã hội lành mạnh là việc phân phối công bằng mọi của cải của xã hội ấy - điều mà tôi cho là không thể có được trong chế độ tư bản. Bởi lẽ khi ai cũng có quyền thả sức kiếm lợi cho bản thân thì tất cả tài sản xã hội, cho dù có dồi dào đến mấy đi nữa, cũng sẽ rơi vào tay một thiểu số nhỏ bé, có nghĩa là những người khác sẽ chẳng có gì cả. Và tài sản sẽ có khuynh hướng biến đổi theo tỷ lệ nghịch với nhân phẩm. Người giàu sẽ trở thành những nhân vật tham lam, liều lĩnh và hoàn toàn vô dụng, còn người nghèo sẽ là những người khiêm nhường và giản dị có những công việc thường ngày mang lại ích lợi cho cộng đồng nhiều hơn là cho chính bản thân họ.
Nói cách khác, tôi hoàn toàn tin rằng sẽ không bao giờ có phân phối xã hội công bằng hoặc một cách tổ chức đời sống nhân sinh thỏa đáng nếu không xóa bỏ hoàn toàn tư hữu. Khi nào còn tồn tại tư hữu thì đại đa số nhân loại, và là đại đa số ưu tú, sẽ còn phải lầm than dưới gánh nặng nghèo đói và lo âu. Tôi không nói rằng không thể giảm nhẹ gánh nặng đó, nhưng sẽ không bao giờ cất hẳn nó đi được. Tất nhiên là ta có thể hạn chế số tiền và đất đai của từng cá nhân. Ta cũng có thể dùng luật pháp để duy trì quân bình quyền lực giữa nhà vua và thần dân. Ta cũng có thể dùng luật pháp để ngăn chặn việc mua quan bán tước hoặc thậm chí việc xin xỏ một chức phận chính quyền, và khiến cho quan chức nhà nước không cần phải tiêu gì đến tiền của mình nữa - nếu không họ sẽ tìm cách bù lại bằng cách biển thủ hoặc ăn hối lộ, và thế là đồng tiền chứ không phải tài năng sẽ trở thành tiêu chuẩn cho các chức vụ chính quyền. Những luật pháp như vậy chắc sẽ giảm nhẹ được các hội chứng, cũng hệt như một người tàn phế kinh niên có thể thấy dễ chịu khi liên tục uống thuốc vậy. Nhưng không thể có hy vọng bình phục một khi tư hữu vẫn còn đó. Cố ngăn chặn một cơn bệnh phát ra ở chỗ này trong cơ thể chính trị thì những triệu chứng ấy lại bùng lên ở chỗ khác mà thôi. Cái có thể là thuốc tiên cho người này thì lại là độc dược cho người khác - bởi vì lúc nào thì ta cũng chỉ có thể giật gấu vá vai mà thôi24.
MORE: Tôi không đồng ý. Tôi không tin là ta có thể có được một mức sống hợp lí dưới chế độ mà tất cả tài sản là của chung. Lúc nào cũng sẽ có những thiếu thốn này nọ, vì chẳng ai còn làm việc hết sức mình. Không có động cơ lợi nhuận thì ai cũng sẽ lười biếng, và đều dựa dẫm vào người khác trong công việc. Thế rồi khi mọi thứ đều khan hiếm thì kết quả tất yếu là người ta sẽ làm loạn và giết lẫn nhau, bởi vì không ai có một biện pháp hợp lệ nào để bảo vệ thành quả lao động của chính mình - nhất là khi xã hội không còn có tinh thần tôn trọng chính quyền, hoặc giả là tôi vẫn chưa thấy có cách nào để một xã hội phi giai cấp có thể có được cái đó.
RAPHAEL: Bạn có quan điểm như vậy chẳng qua là vì bạn vẫn chưa thể hình dung ra một xã hội như thế sẽ ra làm sao, hoặc là chưa thể hình dung chính xác được. Nhưng nếu bạn được ở cùng với tôi ở Utopia và tận mắt chứng kiến mọi chuyện như tôi - tôi đã sống ở đó hơn năm năm, bạn biết đấy, và lí do duy nhất mà tôi trở về là vì muốn kể cho mọi người biết về thế giới mới mẻ ấy - thì chắc bạn sẽ là người đầu tiên công nhận rằng chưa có một nước nào được tổ chức hay đến thế.
PETER: Tôi phải mạo muội nói rằng tôi thấy rất khó tin vào chuyện Tân Thế giới lại được tổ chức tốt hơn là Cựu Thế giới này của chúng ta. Tôi nghĩ chúng ta cũng thông minh như họ, mà nền văn minh của chúng ta lại lâu đời hơn. Vì thế mà chúng ta có nhiều thành quả của kinh nghiệm hơn, có nghĩa là tất cả những phương án và nỗ lực mà chúng ta đã từng thử nghiệm nhằm làm cho cuộc sống tốt đẹp và dễ chịu hơn - ấy là chưa nói đến những phát kiến ngẫu nhiên hoàn toàn không phải do dự định mà có.
RAPHAEL: Có lẽ bạn sẽ đủ điều kiện đánh giá về tuổi tác của nền văn minh ấy nếu bạn được đọc các sách lịch sử của họ. Nếu tin vào những sách ấy thì Tân Thế giới đã có những thành bang phát đạt từ lúc Cựu Thế giới này của chúng ta còn chưa có con người. Còn về những cái mà bạn nói liên quan đến đến trí thông minh và những phát kiến ngẫu nhiên, tôi thấy ta chẳng có lí do gì để giả định rằng chỉ có chúng ta mới có những yếu tố ấy. Chúng ta có thể thông minh hơn hoặc không thông minh bằng họ, nhưng tôi dám chắc một điều là họ hơn hẳn chúng ta về khả năng tập trung và sức làm việc. Theo những ghi nhận của họ thì trước khi chúng ta đến đó, họ chưa hề có quan hệ gì với thế giới của chúng ta mà họ gọi là khu vực Liên Xích đạo, chỉ trừ một trường hợp duy nhất, cách đây đã một nghìn hai trăm năm, khi một con tàu bị bão đánh dạt vào đến bờ biển Utopia. Một vài người sống sót đã bơi được lên bờ, trong đó có cả người La Mã và người Ai Cập, và họ đã định cư tại đó mãi mãi.
Chuyện ấy cho ta thấy phần nào về khả năng tận dụng cơ hội của họ. Này nhé, thông qua những người La Mã ấy, họ đã học được tất cả những kĩ thuật hữu dụng của đế quốc La Mã, hoặc nh những người này dạy lại, hoặc chỉ cần nghe kể rồi tự họ sáng kiến ra. Họ đã có được tất cả những kĩ thuật đó chỉ nhờ một lần tiếp xúc với thế giới của chúng ta. Nhưng thử tưởng tượng nếu cũng vì một tai nạn tương tự mà có một người Utopia đến được với chúng ta ở đây, có lẽ chúng ta sẽ nhanh chóng quên anh ta ngay, cũng hệt như người ta nhanh chóng quên rằng tôi đã từng ở đó. Chỉ cần có một lần tiếp xúc mà họ đã lập tức tìm hiểu và chấp nhận mọi tư tưởng tốt đẹp nhất của châu Âu. Nhưng tôi nghĩ chắc gì chúng ta sẽ khẩn trương học hỏi và chấp nhận bất kì một lề lối nào của họ vốn dĩ đều ưu việt hơn cách làm ăn sinh sống của chúng ta. Và đó là lí do chính để tôi tin rằng mặc dù có thể không thông minh gì hơn và cũng chẳng có tài nguyên thiên nhiên gì hơn chúng ta, họ vẫn là những người đi trước chúng ta về mặt chính trị và kinh tế.
MORE: Nếu vậy, thưa Raphael tiên sinh, xin tiên sinh hãy vì cái thiện mà chịu khó kể cho chúng tôi nghe thêm về đảo quốc ấy. Tiên sinh không cần phải quá chính xác, hãy cứ cho chúng tôi một câu chuyện chi tiết về mọi mặt địa lý, xã hội, chính trị, luật pháp - nghĩa là hãy kể cho chúng tôi tất cả những gì mà tiên sinh nghĩ là chúng tôi nên biết, nghĩa là tất cả những gì mà chúng tôi còn chưa biết vậy thưa tiên sinh.
RAPHAEL: Tôi xin rất vui lòng được làm việc đó, bởi tất cả vẫn còn nóng hổi trong kí ức của tôi đây. Nhưng câu chuyện sẽ dài đấy các bạn ạ.
MORE: Không sao cả, thưa tiên sinh. Xin hãy cùng dùng bữa trưa với chúng tôi ngay bây giờ, rồi chúng ta sẽ có cả buổi chiều nay để nghe câu chuyện của tiên sinh.
RAPHAEL: Xin lĩnh ý.
Thế là chúng tôi cùng vào nhà và ăn bữa trưa. Sau bữa ăn, chúng tôi trở lại chỗ cũ, ngồi lại trên chiếc ghế băng có trải nệm cỏ và bảo đám gia nhân không được cho ai vào quấy rầy. Rồi cả Peter Gilles và tôi lên tiếng xin Raphael tiên sinh cho nghe chuyện. Thấy chúng tôi thực lòng, tiên sinh bèn để một lúc để sắp xếp câu chuyện trong đầu, rồi bắt đầu kể như sau:
Hết chương 4. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.