Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 5

Chương 5
Không Thành được xây dựng trên một triền đồi thoải, và được quy hoạch gần như vuông vắn.

Trên đảo có tất cả năm mươi tư thành bang sầm uất, đều có cùng một ngôn ngữ, hệ thống luật pháp, phong tục tập quán, và các thiết chế xã hội. Tất cả đều được xây dựng theo cùng một quy hoạch, và nếu có cùng một địa hình thì chúng rất giống nhau. Khoảng cách tối thiểu giữa các thành bang là hai mươi tư dặm, và tối đa là không đến một ngày đường đi bộ.

Mỗi thành bang cử ba công dân lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm đến dự cuộc họp hàng năm tại Không Thành1 để bàn thảo những công việc chung trên đảo. Không Thành được coi là thủ đô, vì nó ở vị trí trung tâm đảo, thuận tiện để các thành bang khác về hội tụ. Đất đai được quy hoạch sao cho mỗi thành bang có lãnh thổ rộng ít nhất là 20 dặm theo mọi hướng, và nếu ở phía nào khoảng cách đến thành bang khác vượt quá mức tối đa thì được kéo dài thêm. Chẳng có thành bang nào có ý định mở rộng lãnh thổ, vì họ không coi đất đai là tài sản, mà là đất phải canh tác.

Trong khắp các vùng nông thôn, người ta dựng nhà tại những địa điểm có khoảng cách đều nhau trong đó có đầy đủ nông cụ, và người dân thành phố thay phiên nhau về sống tại những ngôi nhà đó. Mỗi ngôi nhà có thể chứa ít nhất là bốn mươi người lớn và hai nô lệ được điều về ở đó thường xuyên, và được đặt dưới quyền quản lí của một cặp vợ chồng lớn tuổi, có sự giám sát của quận trưởng, là người phải chịu trách nhiệm về hoạt động của ba mươi người ngôi nhà trong khu vực của mình. Mỗi năm có hai mươi người trong một nhà như vậy được trở về thành phố sau khi đã làm việc đồng áng trong hai năm liền, và có hai mươi người khác đến thay. Những người mới này học làm các công việc đồng áng từ những người đã làm việc ở đó được một năm và đã thành thạo hơn họ. Mười hai tháng sau, những người học việc này lại trở thành người hướng dẫn, và cứ vậy tiếp diễn. Chế độ này giảm thiểu nguy cơ bị khan hiếm thực phẩm có thể xảy ra nếu toàn bộ dân cư nông nghiệp đều thiếu kinh nghiệm như nhau.

Hai năm là thời gian vừa phải cho công việc đồng áng và không ai bị cưỡng bức phải làm lâu hơn thế. Nhưng ai thấy ưa thích đời sống thôn dã - mà cũng có nhiều người như vậy - thì có thể xin phép ở lại lâu hơn. Những người làm nông nghiệp có trách nhiệm cày cấy ruộng đất, chăn nuôi gia súc, khai thác gỗ và chở chúng về thành phố bằng đường bộ hoặc đường thủy tùy theo địa hình. Họ nuôi rất nhiều gà bằng một phương pháp rất khác thường. Đáng nhẽ phải để gà mái ấp trứng thì họ lại dùng nhiệt để ấp hàng tá trứng một lúc - kết quả là lứa gà nở ra lại coi người ấp nó như mẹ và cứ chạy theo người đó khắp nơi!

Họ chỉ có vài con ngựa, mà cũng không thuần hóa chúng hoàn toàn, chỉ dùng để tập cưỡi mà thôi. Cày bừa và kéo xe thì dùng bò. Phải công nhận là bò không thể đi nhanh hơn ngựa, nhưng người Utopia nói là chúng khỏe mạnh hơn và ít bệnh tật hơn. Nuôi bò cũng ít vấn đề hơn và đỡ tốn kém hơn, còn khi chúng không làm việc được nữa thì lại được mổ lấy thịt.

Người ta chỉ dùng ngô để làm bánh, vì không ai uống bia. Họ chỉ uống rượu vang, nước táo, nước dâu, hoặc nước trắng - đôi khi uống thẳng nước lã, nhưng thường là có pha thêm mật ong hoặc men gạo, là hai thứ rất sẵn. Chính quyền của mỗi thành bang tính toán rất kĩ mức tiêu thụ thực phẩm hàng năm của toàn bộ lãnh thổ mình, nhưng họ luôn cho trồng thêm nhiều ngô và chăn nuôi thêm nhiều gia súc để có dự trữ cho mình cũng như cho các thành bang láng giềng.

Nông cụ và các thiết bị cần thiết ở nông thôn đều do thành phố cung cấp. Có một ngày nghỉ hàng tháng để mọi người đều về thành phố của mình. Hôm ấy, nếu ai thiếu thứ thiết bị gì thì chỉ cần hỏi một công chức trông coi về việc đó và sẽ lập tức được cấp phát ngay, không phải trả bất cứ một thứ tiền gì.

Ngay trước khi vào mùa gặt, trưởng quận thông báo cho chính quyền thành phố biết số lượng lao động sẽ cần phải bổ sung cho nông thôn. Và đúng ngày thu hoạch thì số người phải bổ sung ấy cũng có mặt đầy đủ. Nếu thời tiết tốt thì họ chỉ gặt hái trong khoảng hai tư giờ là xong xuôi.

Nhưng tôi phải kể cho các bạn thêm về các thành phố. Thật ra, khi đã thấy một thì cũng coi như các bạn đã thấy tất cả các thành phố khác, bởi nếu địa hình tương tự thì chúng hoàn toàn giống nhau. Cho nên tôi chỉ cần kể một ví dụ là đủ. Tuy vậy, có lẽ tôi nên chọn Không Thành, vì thực sự việc Nghị viện họp ở đó đã khiến nó trở thành quan trọng, và tôi cũng biết thành phố ấy rõ nhất bởi đã có năm năm sống ở đó.

Không Thành được xây dựng trên một triền đồi thoải, và được quy hoạch gần như vuông vắn. Nó chạy từ ngay dưới đỉnh đồi xuống đến bờ con sông Vô Thủy2 cách chừng hai dặm, và chạy dọc theo bờ sông chừng hai dặm.

Nguồn của Vô Thủy là một ngọn suối nhỏ cách đó khoảng tám mươi dặm về phía nội địa, nhưng nó hội tụ nhiều chi nhánh, và có hai chi nhánh khá to, nên khi chảy về đến Không Thành thì nó đã thành một con sông rộng chừng 50 thước. Nó cứ rộng dần ra nữa cho đến khi đổ ra biển, cách thành phố 60 dặm. Những con nước triều mạnh mẽ cứ sáu tiếng lại đổi dòng và lan đến tận thành phố và nhiều dặm nữa về phía thượng nguồn. Khi thủy triều lên, biển lấn sông vào phía đất liền tới ba mươi dặm, khiến sông trở thành nước lợ cả một khúc dài lên thượng nguồn. Nhưng sau đó, vị mặn lại mất dần đi và khi chảy về qua Không Thành thì nước sông đã tươi mát trở lại. Khi triều xuống, sông lại dồn biển ra ngoài và tiếp tục dòng chảy tinh khiết của nó ra đến tận bờ biển.

Thành phố được nối với bờ kia của con sông bằng một cây cầu uốn cong tuyệt đẹp có những trụ xây bằng đá chứ không phải chỉ có trụ gỗ. Cầu được xây ở biên giới phía nội địa, nên thuyền bè từ biển vào vẫn cập bến dọc thành phố không bị ngăn trở gì. Còn có một con sông nữa, không to lắm, nhưng rất êm đềm. Nó bắt đầu bằng một ngọn suối phun lên ngay trên đỉnh đồi và chảy xuống qua giữa lòng thành phố để hợp vào với sông Vô Thủy. Nguồn suối phun ở ngay ngoài thành phố, nhưng người ta xây tường thành chạy bao lấy nó vào trong, phòng khi có chiến tranh thì quân địch không thể bịt hoặc đầu độc nguồn nước ấy của họ. Từ chỗ ấy, nước sông chảy qua các quận trong thành phố được dẫn vào một hệ thống ống xây bằng gạch để sử dụng. Những chỗ không làm được như thế thì họ xây những bể chứa nước mưa rất lớn để dự trữ nước sinh hoạt, cũng hiệu quả không kém.

Thành phố được bao bọc bởi một bức tường dày và cao, có những tháp canh và lô cốt ở từng chặng. Ba phía tường thành còn có một con hào cạn rất rộng và sâu có trồng dày đặc các bụi gai. Mặt còn lại thì có sông làm thành một con hào phòng thủ tự nhiên. Phố xá được thiết kế rất tốt cho xe cộ đi lại cũng như có tác dụng chắn gió bão. Nhà cửa cũng rất ấn tượng, vì chúng đều có dạng mái bằng dùng làm sân trời nằm đối diện nhau và chạy dọc theo hai bên đường phố. Mặt tiền các ngôi nhà được phân cách nhau bởi một lối đi rộng sáu thước cho xe ngựa ra vào. Đằng sau nhà là một khu vườn rộng nối nhau dọc suốt phố, và hoàn toàn được che chắn bởi phía sau của các dãy phố khác. Mỗi ngôi nhà có một cửa trước ra phố và một cửa sau ra vườn. Cả hai đều là loại cửa xoay hai cánh chỉ cần chạm tay vào là mở ra rồi lại tự động khép lại sau lưng ta. Ai cũng có thể ra vào tự do, vì không có gì gọi là tài sản riêng tư cả. Bản thân các ngôi nhà được phân phối theo lối rút thăm, và cứ mười năm lại chuyển đổi một lần.

Họ cực kì yêu thích những mảnh vườn ấy, và trồng ở đó các thứ cây ăn quả, kể cả nho, cũng như những thảm cỏ và các loại hoa. Họ chăm sóc chúng tuyệt vời đến nỗi quả tình tôi chưa từng thấy vườn tược ở đâu có thể tươi tốt đẹp đẽ hơn. Dân chúng ở Không Thành giỏi vườn tược như vậy không phải chỉ vì họ thích làm vườn, mà còn vì những cuộc thi vườn đẹp tổ chức giữa các phố với nhau. Hoạt động ấy vừa rất thú vị lại vừa rất có ích cho cộng đồng, quả thực khó có một hoạt động nào ở thành phố ấy được trù tính khéo như vậy, đến nỗi tôi cho rằng làm vườn chắc hẳn phải là một niềm say mê đặc biệt của người đã sáng lập ra đảo quốc ấy.

Là tôi muốn nói đến Utopos, tương truyền chính là người đã thiết kế quy hoạch toàn bộ thành phố ấy ngay từ đầu. Tuy nhiên, ông ta cũng để cho hậu thế làm cho nó đẹp thêm với những chi tiết hoàn chỉnh, một công việc mà ông biết rằng sẽ phải làm trong nhiều thế hệ. Theo những tài liệu lịch sử của họ, ghi chép những sự kiện trong suốt 1.760 năm kể từ ngày lập quốc và vẫn thường xuyên được bổ sung cẩn thận, thì những ngôi nhà đầu tiên chỉ giống như những túp lều hoặc những căn nhà nhỏ dựng vội bằng cây, vách trát bùn và mái dốc lợp cỏ tranh đơn giản. Nhưng bây giờ thì nhà nào cũng là một cấu trúc ba tầng đường bệ. Tường đều có ốp đá đen hoặc một loại đá cứng khác, nếu không thì là tường gạch trát vữa bê tông sỏi. Mái dốc đã được thay thế bằng mái bằng, và được láng bằng một loại bê tông rất rẻ mà lại có tác dụng chống mưa nắng tốt hơn cả chì, đồng thời lại không bắt lửa. Họ ngăn gió bằng cách lắp kính vào cửa sổ - đúng vậy, họ dùng rất nhiều kính - hoặc lắp những mành che làm bằng vải lanh mịn có xử lí bằng dầu hoặc nhựa thông để vừa có độ trong suốt vừa thêm kín gió.

Bây giờ đến chuyện hệ thống chính quyền địa phương của họ. Dân chúng được chia thành từng cụm ba mươi hộ gia đình. Mỗi cụm bầu ra một Cụm trưởng làm việc theo nhiệm kỳ một năm. Cụm và Cụm trưởng là tên ngày xưa, còn bây giờ thì họ gọi là Phường và Trưởng phường. Cứ mười phường thì thành một quận, và có một Trưởng quận phụ trách. 

Hết chương 5. Mời các bạn đón đọc chương 6 !

Nguồn: truyen8.mobi/t34691-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-5.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận