Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 6

Chương 6
Nếu người bản địa không chịu làm theo lệnh, họ sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ đã được đặt dưới quyền của người Utopia.

Mỗi thành phố có hai trăm Phường; và các Trưởng phường trực tiếp bầu ra Thị trưởng. Họ bầu bằng phiếu kín, sau khi đã tuyên thệ chỉ bỏ phiếu cho người mà họ cho là xứng đáng nhất. Cả thành phố có bốn ứng cử viên cho chức Thị trưởng, do bốn khu vực đề cử lên cho Hội đồng các Trưởng quận. Thị trưởng sẽ đương nhiệm cho đến hết đời, trừ phi bị dân chúng nghi ngờ là có ý định chuyên chế. Các Trưởng quận thì được bầu ra hàng năm, nhưng thường là không có thay đổi gì. Còn thì tất cả những chức dịch của thành phố đều làm việc theo nhiệm kì một năm mà thôi.

Cứ ba ngày một lần, và khi cần thì thường xuyên hơn, các Trưởng quận họp với Thị trưởng để thảo luận các sự vụ công cộng, và nếu có tranh chấp gì trong dân chúng thì giải quyết ngay. Các cuộc họp này của Hội đồng Thành phố đều có hai Trưởng phường thay nhau tham dự hàng ngày, và thông lệ là bất cứ việc gì liên quan đến dân chúng nói chung cũng phải thảo luận trong ba ngày rồi mới được đi đến kết luận. Ai đem những việc này ra bàn thảo ở bên ngoài cuộc họp đều sẽ bị xử trọng tội. Quy định này là để tránh tình trạng Thị trưởng và các Trưởng quận có cơ hội âm mưu đi ngược lại nguyện vọng của dân và thay đổi hiến pháp. Cũng vì lí do ấy mà bất kì một vấn đề quan trọng nào cũng phải được đưa sang cho Hội đồng các Trưởng Phường để phổ biến cặn kẽ đến dân chúng, lấy ý kiến thống nhất của dân chúng và báo cáo lại với Hội đồng thành phố. Nếu cần thiết thì Hội đồng thành phố lại chuyển vấn đề lên Quốc hội để xin ý kiến giải quyết.

Hội đồng thành phố cũng còn có một quy định là không được thảo luận một nghị quyết nào ngay trong ngày mà nó được đề nghị, mà chỉ được thảo luận nó trong buổi họp đầy đủ của ngày hôm sau. Nếu không thì thể nào cũng có người hấp tấp phát biểu ngay những điều bột phát trong đầu mình, rồi bắt đầu chỉ tìm mọi cách để biện hộ cho ý kiến bột phát đó chứ không quan tâm gì đến quyền lợi của dân chúng nữa. Kiểu người ấy thường sẵn sàng hy sinh công ích để giữ đặc quyền của mình, mà lí do thì rất vớ vẩn, nghĩa là đã chót nói cái gì ra rồi thì không thể chấp nhận là mình có thể sai. Cho nên tốt nhất là hãy bắt mọi người ai cũng phải để thì giờ suy nghĩ cho chín trước khi thảo luận.

Thế còn điều kiện làm việc của họ thì sao? Phải nói rằng có một việc mà mọi người đều phải làm, bất kể là đàn ông hay đàn bà, và đó là việc đồng áng. Đứa trẻ nào cũng được học làm các việc đồng áng. Chúng học lý thuyết ở trường, và thường xuyên được đưa về các khu vực nông thôn quanh thành phố, không phải chỉ để quan sát, mà để thực tập các công việc cụ thể.

Ngoài nông nghiệp là công việc mà ai cũng phải làm, thì mỗi người còn được huấn luyện một nghề riêng của mình. Có thể đó là nghề chế biến len dạ, hoặc là nghề thợ xây, thợ rèn, thợ mộc. Đó là những nghề cần đến nhiều sức lao động. Họ không có ai làm thợ may hoặc cắt quần áo, vì mọi người trên đảo đều có cùng một kiểu trang phục - chỉ khác chút ít để phân biệt giới tính và tình trạng hôn nhân - còn kiểu dáng thì không bao giờ thay đổi. Những trang phục ấy trông cũng rất hay, rộng rãi thoải mái, và trời nóng hay trời lạnh cũng đều dễ chịu - và hay nhất là mọi người đều tự làm lấy chúng ở nhà. Vậy là mọi người đều được học một trong những nghề mà tôi vừa nói đến, và tôi nói mọi người có nghĩa là cả đàn ông lẫn đàn bà, mặc dù phái yếu thì làm những việc nhẹ nhàng hơn như là quay sợi và dệt vải, còn đàn ông thì làm những việc nặng nhọc hơn.

Hầu hết trẻ em được nuôi dưỡng để làm cùng nghề với cha mẹ, vì chúng thường quen thuộc tự nhiên với những nghề của gia đình mình. Nhưng nếu một đứa trẻ thích làm một nghề gì khác, nó sẽ được làm con nuôi ở một gia đình theo cái nghề ấy. Tất nhiên là người cha và cả chính quyền địa phương đều có trách nhiệm lựa chọn một người đàng hoàng đáng kính trọng làm cha nuôi của đứa trẻ. Một khi đã học thành thạo được một nghề, bạn cũng có thể xin phép học một nghề khác nữa - và khi đã thuần thục cả hai thì bạn có thể thích nghề nào làm nghề ấy nếu không được yêu cầu phải làm nghề mà xã hội đang cần đến nhiều hơn.

Công việc chính của Trưởng phường - mà thực ra họ chỉ có mỗi một việc ấy - là thu xếp sao cho không có ai ăn không ngồi rồi và tất cả mọi người đều làm tốt công việc của mình. Nhưng họ không ép dân phải làm từ sáng sớm đến tối mịt như trâu ngựa. Đó chỉ là cuộc sống nô lệ, ấy vậy mà nó chính là cuộc sống của mọi giai cấp cần lao ở hầu khắp thế giới này. Ở Utopia người ta làm việc sáu giờ một ngày - ba tiếng buổi sáng, rồi ăn trưa, rồi nghỉ hai tiếng, rồi đến ba tiếng làm việc buổi chiều, rồi vào bữa tối. Họ lên giường lúc tám giờ tối, và ngủ trong tám tiếng. Toàn bộ th i gian còn lại trong ngày họ được tự do làm những gì mình thích - nhưng không ai ngồi không hoặc ăn chơi vô lối, mà đều dùng thời gian ấy cho những hoạt động rất chính đáng. Hầu hết người ta tranh thủ thời gian ấy để học thêm, bởi ngày nào cũng có những lớp học cho công chúng ngay từ đầu giờ buổi sáng. Đây là những lớp học hoàn toàn tự nguyện, trừ một số bắt buộc phải dự vì được chọn để đào tạo thành trí thức, nhưng lớp nào cũng đông chật cả đàn ông và đàn bà - tôi muốn nói là họ đều theo học những lớp mà họ thích và lớp nào cũng đông cả. Tất nhiên, nếu bạn thích thì không ai ngăn cản bạn dùng thời gian rỗi trong ngày để làm nghề riêng của mình. Rất nhiều người như vậy vì họ biết mình không có khả năng chữ nghĩa, và họ cũng vẫn được xã hội trọng vọng như thường vì tinh thần lao động phục vụ của họ.

Sau bữa tối, mọi người có một giờ để giải trí, hoặc ở ngoài vườn, hoặc ở ngay trong các nhà ăn tập thể, tùy thời tiết từng mùa. Người thì đàn hát, người thì chuyện trò. Họ không hề biết đến những trò ngu ngốc và hư đốn như xúc xắc đỏ đen, nhưng họ có hai trò chơi hơi giống như đánh cờ của ta vậy. Một trò thì tương tự như một cuộc thi tài số học trong đó những con số này có thể “ăn” những con số khác. Còn trò kia là một cuộc giao tranh quyết liệt giữa đức hạnh và các thói hư tật xấu, minh họa rất tài tình khuynh hướng mâu thuẫn của các thói hư tật xấu ra làm sao và chúng biết co cụm lại với nhau để chống lại đức hạnh như thế nào. Trò này cũng cho thấy những tật xấu nào là đối nghịch với những đức hạnh nào, sức mạnh của chúng khi tấn công trực diện vào đức hạnh là đến đâu, những chiến thuật gián tiếp của chúng là gì, đức hạnh cần có những hỗ trợ gì để chống trả, phương pháp tốt nhất để tránh đụng độ là gì, và cái gì cuối cùng sẽ quyết định chiến thắng của phe này hoặc phe kia.

Nhưng ở đây ta phải đặc biệt lưu ý một điểm, nếu không sẽ rất dễ hiểu lầm. Vì họ chỉ làm việc có sáu tiếng một ngày, ta có thể nghĩ rằng nhất định họ phải thiếu thốn nhiều thứ nhu yếu phẩm. Nhưng ngược lại, sáu tiếng đồng hồ ấy là đủ và thừa đủ để làm ra đủ mọi thứ cần thiết cho một cuộc sống hoàn toàn dễ chịu. Và ta sẽ hiểu được điều này nếu để ý rằng một phần lớn dân số ở các nước khác là hoàn toàn thất nghiệp. Trước tiên, ta có hầu hết phụ nữ - vậy là đã có gần năm mươi phần trăm. Và ở những nước mà phụ nữ làm việc thì đàn ông lại có khuynh hướng ăn không ngồi rồi. Sau đó, ta có đám thầy tu và các thành viên của cái gọi là những giáo phái - bọn này thì làm ra được bao nhiêu? Rồi cộng thêm tất cả bọn trưởng giả, nhất là đám địa chủ, mà thiên hạ vẫn gọi là quý tộc và vương tôn công tử. Kể cả bọn tùy tòng của họ nữa - nghĩa là những băng đảng du côn có võ trang mà tôi đã có nhắc đến trước đây. Cuối cùng, phải thêm tất cả những đám ăn mày khỏe mạnh chỉ vờ ốm đau để lười biếng ăn xin. Khi đã cộng hết cả những loại người ấy, ta sẽ kinh ngạc thấy rằng hóa ra chỉ có rất ít người thực sự làm ra tất cả những gì mà cả nhân loại đang tiêu xài vậy.

Còn bây giờ hãy thử nghĩ xem có mấy người trong số rất ít người lao động ấy đang làm những công việc thực sự cần thiết - bởi lẽ khi đồng tiền là tiêu chuẩn giá trị duy nhất thì đương nhiên là phải có hàng chục những nghề nghiệp không cần thiết chuyên cung ứng những thứ xa hoa hoặc những trò giải trí. Tại sao vậy? Vì ngay cả khi cái lực lượng lao động ít ỏi hiện nay chỉ tập trung làm những cái cần thiết để phục vụ một cuộc sống dễ chịu hợp lý, sản phẩm xã hội cũng đã thừa mứa khiến cho giá cả bị hạ thấp đến mức lương bổng của người lao động sẽ không đủ nuôi sống họ nữa. Trong khi đó, nếu ta huy động tất cả những người đang làm những nghề không cần thiết kia, và tất cả những ai còn chưa chịu tham gia lao động - mà mỗi một người lười biếng này thường tiêu thụ gấp đôi thành quả lao động của chính người lao động - nếu ta đưa hết số người này vào làm những công việc có ích, ta sẽ thấy chỉ cần vài tiếng đồng hồ làm việc mỗi ngày là thừa đủ để chu cấp mọi thứ cần thiết cho một cuộc sống sung túc thoải mái - và thì giờ còn lại sẽ được dành cho những khoái lạc tự nhiên và đích thực của con người.

Nhưng ở Utopia thì những cái nếu mà ta vừa nói đã trở thành thực tế cuộc sống. Ở đó, trong số tất cả đàn ông đàn bà có khả năng lao động ở một thành phố và vùng nông thôn phụ cận, chỉ có nhiều nhất là năm trăm người không tham gia sản xuất. Đây là kể cả những Trưởng phường, mặc dù được miễn lao động, vẫn tự nguyện tham gia để nêu gương cho mọi người. Con số đó cũng bao gồm cả những người được miễn toàn bộ các nghĩa vụ khác để chỉ tập trung vào học tập. Đặc quyền này chỉ giành cho những ai được các giáo sỹ giới thiệu và được các Trưởng phường nhất trí bằng phiếu kín - mà nếu sinh viên nào có kết quả học tập không thỏa đáng đều sẽ phải trở lại với giai cấp lao động. Mặt khác, cũng không hiếm những trường hợp người lao động chịu khó tranh thủ học hỏi, có tiến bộ trong học tập và được miễn tham gia sản xuất để gia nhập hàng ngũ trí thức.

Các nhà ngoại giao, giáo sỹ, thành viên hội đồng thành phố và tất nhiên là các thị trưởng nữa, đều được tuyển lựa từ tầng lớp trí thức. Nhân đây cũng xin nói rằng ngày xưa người Utopia gọi các thị trưởng của họ là “Già làng”, nhưng bây giờ thì lại thường gọi là “Vô nhân”3. Khi hầu như không có ai thất nghiệp hoặc làm việc kém hiệu quả, ta có thể thấy ngay là khối lượng công việc mà họ có thể làm được trong vài giờ đồng hồ là lớn đến đâu. Vấn đề lao động của họ còn được giảm thiểu nữa bởi một thực tế là họ làm những công việc thiết yếu của họ mất ít công sức hơn chúng ta rất nhiều. Ví dụ, lý do tại sao nghề xây dựng thường thu hút nhiều lao động đến thế là vì người ta xây những ngôi nhà mà con cháu lại bỏ mặc cho hư hại đi. Và thế là thế hệ sau lại xây những ngôi nhà mới, tốn kém hơn rất nhiều so với việc bảo trì những ngôi nhà cũ. Thực tế diễn ra như sau: A xây một ngôi nhà rất đắt tiền, nhưng lại không thỏa mãn được thị hiếu của B. Vậy là B bỏ mặc cho ngôi nhà ấy tàn tạ dần, và tìm chỗ khác xây cho mình một ngôi nhà cũng đắt tiền không kém. Nhưng ở Utopia, nơi mà nhà nước quản lí tất cả mọi việc, rất ít khi người ta phải xây mới nhà cửa ở một địa điểm khác, mà tập trung vào công việc bảo trì nhà ngay khi cần thiết, thậm chí còn sớm hơn nữa. Như vậy, nhà cửa có độ bền tối đa mà lao động đòi hỏi lại là tối thiểu. Vậy là nhiều khi thợ xây dựng không có việc gì để làm. Trong trường hợp ấy, họ được giải tán về nhà làm những việc như cưa xẻ gỗ ván hoặc đẽo đá cho vuông vắn để có nguyên liệu sẵn sàng cho những công trình mới được thi công thật nhanh chóng.

Lại thử nghĩ xem họ còn tiết kiệm được bao nhiêu lao động về khoản trang phục nữa. Lúc làm việc họ chỉ mặc một loại áo liền quần bằng da rộng rãi có thể dùng trong bảy năm mới hỏng. Khi ra nơi công cộng, họ khoác thêm ra ngoài một kiểu áo choàng có cùng một màu tự nhiên của len. Vậy là không những mức tiêu thụ len dạ của họ là thấp nhất thế giới, mà giá sản xuất đồ len dạ của họ cũng vậy. Vải lanh còn dễ sản xuất hơn, và vì vậy còn được chuộng hơn - nhưng chỉ cần là lanh trắng và len sạch, còn thì sợi thô hay mịn đối với họ không quan trọng. Như vậy là trong khi ở các nước khác ta không thể tìm thấy ai thỏa mãn với năm sáu bộ quần áo cùng với sơ-mi lụa đi kèm, còn loại thích trưng diện thì phải có ít nhất hàng chục bộ, thì ở Utopia mọi người hoàn toàn bằng lòng với chỉ một bộ trang phục cứ hai năm mới phải thay một lần. Bởi vì họ có cần gì hơn thế? Quần áo có làm cho họ ấm áp hơn hoặc đẹp mắt hơn đâu cơ chứ!

Khi tất cả mọi người đều làm những việc có ích, và với khối lượng công việc đã được giảm đến mức tối thiểu, họ tích lũy được một khối lượng dự trữ khổng lồ từ tất cả mọi sản vật và thỉnh thoảng có thể huy động một lực lượng lao động lớn để tu sửa đường xá. Và nhiều khi, nếu không có việc gì đại loại như thế, chính quyền tuyên bố áp dụng ngày làm việc ít giờ hơn. Họ không bao giờ bắt dân làm việc một cách không cần thiết, vì mục tiêu chính của toàn bộ nền kinh tế của họ là giúp cho mỗi người có được càng nhiều thời gian không phải làm việc chân tay càng tốt, để ai cũng có thời giờ di dưỡng tinh thần - việc mà họ coi là bí quyết của một cuộc sống hạnh phúc.

Nào, bây giờ đến chuyện họ thu xếp cuộc sống chung của họ ra làm sao - xã hội được tổ chức thế nào, họ cư xử với nhau ra sao, hàng hóa được phân phối thế nào, và những chuyện khác nữa. Vậy là, đơn vị xã hội nhỏ nhất của họ là một hộ, tức cũng là một gia đình. Con gái lớn lên lấy chồng thì về nhà chồng, nhưng con trai cùng một thế hệ thì ở với gia đình mình và chịu quyền giáo dưỡng của người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà - khi người này già yếu thì người cao tuổi kế tiếp sẽ thay quyền làm gia trưởng.

Mỗi thành phố có sáu ngàn hộ, chưa kể số hộ ở nông thôn, và để duy trì mức dân số tương đối ổn định người ta có một luật quy định rằng không hộ nào được có dưới mười hoặc trên mười sáu người lớn - còn số lượng trẻ em thì họ không q ui định cụ thể là bao nhiêu. Để chấp hành luật này, người ta chỉ việc điều số người lớn quá tiêu chuẩn sang các hộ ít người hơn. Nếu cả thành phố đã quá đông, người ta điều bớt dân sang những thành phố còn vắng người. Nếu cả quốc đảo rơi vào tình trạng nhân mãn, mỗi thành phố sẽ lựa ra một số người để lập thành một đoàn đi xây dựng một thuộc địa ở một vùng đất nào đó còn rộng rãi và chưa có người khai khẩn trong đất liền, càng gần càng tốt. Những thuộc địa này sẽ do người Utopia cai quản, nhưng dân bản địa cũng được phép tham gia khai khẩn và canh tác nếu họ muốn. Trong trường hợp ấy, người Utopia và người bản địa sẽ nhanh chóng tạo thành một cộng đồng duy nhất có cùng một lối sống, và cả hai sẽ cùng có lợi ích như nhau - bởi lẽ dưới sự quản trị của người Utopia, mảnh đất mà trước đây tưởng chừng như không thể nuôi sống được một nhóm người nay đã có thể sinh lợi dồi dào cho cả hai.

Nếu người bản địa không chịu làm theo lệnh, họ sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ đã được đặt dưới quyền của người Utopia. Nếu họ định kháng cự, người Utopia sẽ tuyên chiến - bởi họ coi chiến tranh là hoàn toàn chính đáng khi có một nước không chịu để cho một nước khác thực hiện tự quyền của mình được khai khẩn một vùng đất đã bị chủ cũ bỏ hoang và chỉ giữ để đấy như một thứ tài sản vô giá trị.

Nếu có một thành phố lâm vào tình trạng thiếu hụt dân cư đến mức không thể điều hòa dân số bằng cách chuyển dân từ các thành phố khác đến đó - tình trạng này chỉ xảy ra có hai lần trong lịch sử và đều là hậu quả của dịch bệnh - người ta sẽ triệu hồi những người đi khai khẩn thuộc địa trở về, vì nguyên tắc của họ là thà bỏ đi một thuộc địa còn hơn để cho một bộ phận của Utopia bị suy yếu.

Nhưng ta hãy trở lại chuyện tổ chức xã hội của họ đã. Mỗi một hộ, như tôi đã nói, được đặt dưới quyền của người đàn ông cao tuổi nhất trong hộ. Vợ phải phục tòng chồng, con phải phục tòng cha mẹ, và nói chung là người trẻ phải nghe theo người lớn tuổi hơn mình. Mỗi thành phố được chia thành bốn quận bằng nhau, mỗi quận có một trung tâm sản vật riêng ở giữa quận. Sản phẩm của tất cả các hộ gia đình đều được thu về các nhà kho, rồi được phân về các cửa hàng tùy theo mẫu mã. Khi trưởng hộ cần thứ gì cho mình hoặc gia đình mình, ông ta chỉ việc đến lấy ở một trong những cửa hàng đó, không phải trả bất cứ một khoản nào kể cả bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Cũng chẳng có lí do gì để e ngại chuyện đó. Mọi thứ đều sẵn sàng thừa thãi cả, chẳng ai cần lấy nhiều hơn mức cần thiết. Chẳng ai muốn tích trữ một khi biết rằng sẽ không bao giờ thiếu thốn thứ gì. Thực ra, tham lam không phải là bản tính của muôn loài, mà chỉ là phản ứng của nỗi sợ hãi bị thiếu thốn. Nhưng với con người thì lòng tham lại còn bắt nguồn từ tính phù hoa, cái cảm giác rằng ta hơn người bởi vì ta có thể trưng diện nhiều thứ của cải dư thừa hơn người. Thế nhưng ở Utopia thì không có chỗ cho những thứ như thế.

Những trung tâm sản vật này bao gồm cả những điểm phân phối thực phẩm, nơi mọi người đến lấy thịt, cá, bánh mỳ, và rau quả. Thực phẩm đều đã được làm sạch sẽ ở những nơi qui định bên ngoài trước khi đưa vào thành phố. Giết mổ và pha thịt là việc của nô lệ. Họ không cho công dân làm những việc này vì nghĩ rằng nó sẽ làm hỏng những cảm giác tự nhiên về lòng nhân ái. Và không ai được phép mang những thứ bẩn thỉu hoặc mất vệ sinh vào trong thành phố, vì họ sợ bị ô nhiễm không khí và phát sinh dịch bệnh.

Khi đi ngoài phố, cứ mỗi chốc ta lại gặp một ngôi nhà lớn có tên riêng của nó. Đó là nơi ở của trưởng phường, và cũng là nơi mà ba mươi hộ dưới sự cai quản của ông ta - mười năm hộ ở bên này ngôi nhà và mười năm hộ ở bên kia - đến dùng bữa hàng ngày. Những người phục vụ trong các nhà ăn tập thể ấy hàng ngày ra các điểm phân phối thực phẩm báo cáo số xuất cơm đã đăng kí ở phường mình và nhận khẩu phần cho ngày hôm đó.

Nhưng bệnh nhân trong bệnh viện mới là những người được ưu tiên hàng đầu - thưa vâng, có bốn bệnh viện ở ngoại ô, ngay bên ngoài tường bao của thành phố. Mỗi bệnh viện lớn bằng khoảng một thành phố nhỏ. Ý tưởng là vừa tránh cho bệnh viện bị quá tải, vừa tạo điều kiện tốt cho việc cách li những chứng bệnh lây lan truyền nhiễm. Những bệnh viện này được quản lí rất chu đáo, luôn đầy đủ thuốc men và thiết bị, với những đội ngũ bác sỹ và hộ lí xứng đáng là "lương y kiêm từ mẫu", đến nỗi hễ ốm đau là ai cũng muốn vào bệnh viện chứ không muốn nằm nhà.

Vậy là, sau khi các bệnh viện đã nhận được đủ phần thực phẩm theo yêu cầu của các bác sỹ, tất cả những thực phẩm ngon lành nhất sẽ được phân phối đều về các nhà ăn tập thể ở phường - tất nhiên là theo số lượng đăng kí của từng phường. Chỉ có một số người được quyền đăng kí thực phẩm theo ý riêng của mình, như Thị trưởng, Giám mục, những người trong Hội đồng thành phố, và những nhà ngoại giao. Người ngoại quốc cũng có quyền ấy. Mặc dù không phải lúc nào cũng có người ngoại quốc tá túc ở Utopia, nhưng hễ có thì họ được chu cấp thực phẩm theo tiêu chuẩn đặc biệt.

Đến giờ ăn trưa cũng như ăn tối, người ta thổi kèn báo hiệu, và toàn bộ dân trong địa bàn phường kéo nhau đến nhà ăn của mình, chỉ trừ những người ốm đang ở bệnh viện hoặc ở nhà. Tuy nhiên, bạn có thể hoàn toàn tự ra chợ lấy thực phẩm về nhà ăn riêng sau khi các nhà ăn đã nhận xong phần thực phẩm trong ngày của mình. 

Hết chương 6. Mời các bạn đón đọc chương 7 !

Nguồn: truyen8.mobi/t34694-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-6.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận