Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 7

Chương 7
Nếu bạn bị bắt gặp ở bên ngoài quận của mình mà không có hộ chiếu, bạn sẽ bị giải về nhà và bị trừng phạt như một kẻ đào ngũ.

Mọi người đều hiểu rằng bạn chỉ làm thế khi bất đắc dĩ. Tôi muốn nói là chẳng ai thích ăn ở nhà cả, mặc dù không có qui định gì ngăn cản việc ấy. Thứ nhất là vì ai cũng nghĩ ăn riêng ở nhà mình là không hay. Thứ hai là chẳng ai muốn mất công đi chợ nấu cơm khi mà những món ngon lành nóng sốt đang dọn sẵn cho mình ở nhà ăn cách có mấy bước chân.

Trong các nhà ăn này, nô lệ làm hết những việc nặng nhọc và bẩn thỉu, còn việc nấu nướng và sắp đặt thực đơn thì do những phụ nữ của hộ trực nhật làm hết, vì mỗi ngày có một hộ gia đình chịu trách nhiệm đi chợ nấu cơm cho cả phường. Tất cả người lớn ngồi ăn ở ba hoặc nhiều bàn hơn, tùy theo số lượng. Đàn ông ngồi ở phía sát tường, còn đàn bà thì ngồi ở phía ngoài, phòng khi nhỡ có bà nào tự nhiên mệt nhọc - mà các bà đang có mang thường như vậy - thì có thể đứng dậy và đi vào nhà trẻ một cách dễ dàng.

Nhà trẻ là một phòng dành riêng cho các bà mẹ đang còn cho con bú, lúc nào cũng đầy đủ lửa sưởi và nước sạch. Trong phòng có nhiều nôi để các bà mẹ có thể đặt con ngủ. Họ cũng có thể cởi hết áo quần cho con và để chúng chơi đùa quanh lò sưởi. Trẻ con đều được bú mẹ. Nếu người mẹ bị ốm hoặc qua đời, bà vợ ông Trưởng phường lập tức có biện pháp tìm một vú nuôi cho đứa trẻ. Việc này không khó, vì người phụ nữ nào có thể làm vú cũng đều sẵn sàng xung phong làm việc đó. Bạn thấy đấy, cử chỉ hiền mẫu ấy ở đâu cũng được khâm phục và bản thân đứa trẻ cũng sẽ luôn luôn coi mẹ vú của nó như mẹ đẻ vậy.

Nhà trẻ cũng là nơi tụi nhỏ dưới năm tuổi ăn với nhau. Những đứa trẻ khác, nghĩa là tất cả bọn con trai con gái chưa đến tuổi thành hôn, đều phục vụ tại các bàn ăn, hoặc nếu chúng còn bé quá chưa làm được việc đó thì đều đứng ở đó và phải giữ tuyệt đối im lặng. Cả hai bọn trẻ ấy đều không có giờ ăn riêng, mà đều được người lớn cho ăn ngay tại chỗ lúc ấy.

Chỗ danh dự là ở giữa chiếc bàn ăn cao đặt trên một cái bục ở một đầu nhà, từ đó có thể nhìn bao quát toàn bộ nhà ăn. Ông Trưởng phường và bà vợ ngồi ở đó cùng với hai người cao tuổi nhất trong phường - vì ghế ngồi đều làm theo kiểu bốn chỗ một ghế. Nếu trong phường có nhà thờ thì vợ chồng ông mục sư sẽ ngồi cùng ghế với vợ chồng ông Trưởng phường. Ở hai bên cạnh họ sẽ là bốn người trẻ tuổi hơn, rồi đến bốn người cao tuổi hơn, cứ thế tiếp nối nhau chạy vòng quanh nhà ăn. Nói cách khác, bạn ngồi ăn với người cùng tuổi với mình, nhưng cũng kề với một nhóm người khác tuổi. Cái lí của lối xếp chỗ như thế, họ bảo tôi, là vì lòng kính trọng đối với người lớn tuổi sẽ khiến cho bọn trẻ biết kiềm chế những hành vi không hay của chúng, vì chúng biết rằng bên cạnh chúng lúc nào cũng có những bậc lão thành.

Khi chia đồ ăn cho mọi người, họ không đi lần lượt từ đầu bàn đến cuối bàn. Họ bắt đầu bằng cách chia các món ngon nhất cho những nhóm cao niên mà chỗ ngồi được đánh dấu rõ ràng, rồi mới chia đều phần còn lại cho các nhóm khác. Tuy nhiên, nếu có món đặc sản nào không đủ chia cho khắp thì người già cũng lập tức san sẻ phần của họ với những người bên cạnh. Như vậy là đảm bảo được việc tôn kính tuổi già - mà cuối cùng thì mọi người ai cũng có phần thích đáng của mình vậy.

Bữa trưa và bữa tối đều bắt đầu bằng việc đọc một đoạn văn răn dạy nào đó - nhưng họ chọn những đoạn rất ngắn để không ai thấy chán. Sau đó, người lớn tuổi bắt đầu bàn luận những vấn đề hệ trọng, nhưng không phải với giọng điệu khô khan hoặc buồn thảm. Mà họ cũng không cướp diễn đàn của bữa ăn. Ngược lại, họ rất thích nghe ý kiến của thanh niên, thường cố tình gợi ý cho bọn trẻ phát biểu để qua đó có thể thấy được tính cách và trí lực của từng người vốn thường dễ bộc lộ hơn trong không khí thân mật và thoải mái của bữa ăn.

Bữa trưa qua nhanh vì sau đó mọi người còn phải làm việc, nhưng họ thường thích kéo dài bữa tối mà sau đó chỉ là một đêm ngủ dài - được coi là rất tốt cho tiêu hóa. Trong bữa tối họ thường có âm nhạc, và luôn tráng miệng bằng rất nhiều loại quả và bánh kẹo. Họ cũng đốt trầm, và vẩy hương liệu thơm trong nhà ăn. Tóm lại là họ làm đủ thứ để cho mọi người đều được vui vẻ. Họ tin rằng tất cả những khoái lạc vô hại đều hoàn toàn chính đáng.

Đó, cuộc sống trong các thành phố là như vậy. Còn ở nông thôn thì vì dân chúng ở rải rác xa nhau nên mọi người đều ăn uống ở nhà mình. Đương nhiên là thức ăn của họ chẳng kém gì ở thành phố vì thực tế chính họ là người làm ra những đồ thực phẩm cho thành phố.

Bây giờ đến chuyện các phương tiện đi lại. Nếu bạn muốn đi thăm bạn bè ở thành phố khác, hoặc giả chỉ muốn tham quan thành phố đó, bạn có thể dễ dàng lấy giấy phép đi đến đó nếu như bạn đang không bị nhiệm vụ gì khẩn cấp của thành phố mình, bằng cách làm đơn lên Trưởng phường hoặc Hội đồng thành phố. Bạn sẽ được gia nhập một đoàn có một hộ chiếu chung do Thị trưởng kí trong đó có ghi rõ khi nào bạn phải trở về. Thành phố sẽ cấp cho đoàn một thứ xe gì đó có bò kéo và một nô lệ làm xà ích - nhưng trừ phi trong đoàn có phụ nữ, phần lớn đàn ông đều thấy đi kiểu ấy là phiền toái và thường không nhận đi bằng xe như vậy. Bạn không cần phải mang theo hành lí gì, vì đi đến đâu bạn cũng sẽ thấy hệt như ở nhà và được chu cấp đầy đủ mọi thứ. Nếu ở đâu quá hai tư tiếng, bạn sẽ có trách nhiệm phải tham gia công việc mà bạn vẫn làm ở nhà, và sẽ được đồng nghiệp địa phương nhiệt liệt hoan nghênh.

Nếu bạn bị bắt gặp ở bên ngoài quận của mình mà không có hộ chiếu, bạn sẽ bị giải về nhà và bị trừng phạt như một kẻ đào ngũ. Nếu bị lần thứ hai thì bạn sẽ bị giáng xuống làm nô lệ. Tuy nhiên, nếu bạn thấy thôi thúc muốn được đi lang thang trong vùng quê bên ngoài thành phố, bạn có thể tự do thực hiện điều đó nếu cha bạn cho phép và vợ bạn không phản đối. Tất nhiên, muốn được ăn uống trong chuyến đi đó, bạn phải tham gia lao động một buổi sáng hoặc một buổi chiều ở nơi bạn đến. Ngoài ra thì bạn được tự do đi bất cứ đâu trong lãnh thổ của thành phố mình, và ở đâu bạn cũng là một thành viên có ích cho xã hội.

Bạn thấy đấy, bất kì ở đâu, bạn cũng luôn luôn phải làm việc. Không có lí do gì để ăn không ngồi rồi. Cũng không có quán rượu, quán bia, nhà thổ, không có cơ hội sa ngã, không có hội kín hội hở. Mọi người đều để mắt đến bạn, cho nên thực tế là bạn bắt buộc phải làm công việc của mình, và sử dụng thời gian rảnh của mình cho chính đáng.

Dưới một chế độ như thế thì nhất định là mọi thứ đều thừa thãi, và vì ai cũng được phân phối như nhau, rõ ràng là không thể có người nghèo và ăn xin. Mỗi một thành phố, bạn nhớ không, được cử ba đại diện đến dự cuộc họp hàng năm mà họ gọi là hội nghị Nói Dối của Quốc hội tại Không Thành. Tại đó, họ thu thập chi tiết của tình hình sản xuất trong năm, và khi đã thấy rõ những sản phẩm nào thừa ở đâu và sản phẩm nào thiếu ở đâu, họ thu xếp ngay một loạt những chuyển đổi để thăng bằng lại toàn bộ hệ thống phân phối xã hội. Những chuyển đổi này thực ra là một chiều giữa hai thành phố - nhưng khi thành phố A chuyển cho thành phố B những sản phẩm theo kiểu viện trợ không hoàn lại thì nó lại nhận được những sản phẩm kiểu ấy từ thành phố C. Cho nên toàn bộ đảo quốc giống như một hộ gia đình lớn vậy.

Khi họ đã có đủ dự trữ cho tất cả mọi nhu cầu - và họ chỉ thấy là đủ khi những dự trữ đó có thể nuôi sống họ một năm cho dù có chuyện gì xảy ra trong mười hai tháng tới - thì họ cho xuất khẩu những phần sản phẩm còn lại. Chúng bao gồm những khối lượng rất lớn những thứ như ngô, mật ong, len, sợi, gỗ, vải điều và tím, da nguyên con, da thuộc, sáp, nhựa, và gia súc. Một phần bảy tổng số hàng xuất sang một nước nào đó được tính là hàng viện trợ cho người nghèo ở nước đó, số còn lại được tính với giá phải chăng. Hoạt động ngoại thương này không những đủ chi cho những thứ phải nhập - thường chỉ là sắt nguyên liệu - mà còn đem lại một khoản tiền rất lớn. Thực tế là sau một thời gian dài họ đã dự trữ được những kho vàng và bạc khổng lồ. Cho nên hiện nay họ không phải bận tâm nhiều về chuyện xuất khẩu lấy tiền mặt hay là tín dụng nữa, và hầu hết thương mại của họ là qua tín dụng. Tuy nhiên, khi lấy tín dụng, họ không lấy của tư nhân mà đòi hỏi phải có hợp đồng và dấu triện đảm bảo của chính quyền nước mua hàng của họ. Khi đến hạn thanh toán, chính quyền ấy sẽ thu tiền của các tư thương liên đới cho vào công quĩ và tha hồ sử dụng tiền đó cho đến khi nào người Utopia gọi đến - mà chuyện ấy thực ra không bao giờ có, vì người Utopia nghĩ rằng khi họ chưa cần mà người khác lại đang cần thì đòi của người ta là không công bằng.

Tuy nhiên, nếu họ thấy cần phải cho một nước nào khác vay một phần số vốn này thì họ sẽ đòi - và họ đã từng làm vậy khi có chiến tranh, là hoàn cảnh duy nhất khiến họ phải huy động đến số tiền khổng lồ ấy của mình. Bạn thấy không, số tiền được dùng để bảo vệ họ trong trường hợp xảy ra những biến động hoặc khủng hoảng bất thường. Chức năng chính của nó là trả lương rất cao cho các đội quân lê dương ngoại quốc - vì họ không muốn hy sinh tính mạng của dân chúng Utopia. Họ cũng thừa biết rằng ngay cả kẻ thù cũng rất dễ bị mua chuộc, nếu cho chúng những món lợi lớn, để chúng phản bội và đánh lẫn nhau. Và đó cũng là lí do duy nhất khiến họ duy trì những kho vàng bạc khổng lồ. Không phải vì họ coi vàng bạc là quí. Nói thực là tôi chưa dám kể cho bạn nghe về việc họ coi vàng bạc như thế nào vì sợ bạn sẽ không tin. Tôi sợ thế là hoàn toàn hợp lí thôi bởi chính tôi cũng không thể tin được chuyện này nếu đã không tận mắt chứng kiến. Quả thực, cái gì xa lạ với nếp nghĩ của mình đều rất khó tin. Tuy vậy, có lẽ cũng là phi lí khi ta ngạc nhiên về cách người ta dùng vàng bạc ở Utopia, vì phải thấy rằng mọi phong tục tập quán khác của họ cũng đều khác hẳn với chúng ta. Tôi đang đặc biệt nghĩ đến việc họ không dùng đến tiền, mà chỉ giữ tiền để dùng khi những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra mà cũng có thể không bao giờ xảy ra.

Vậy là vàng với bạc, những nguyên liệu để làm ra tiền, chẳng được ai coi trọng quá với giá trị hữu dụng của chúng - nghĩa là còn kém xa so với sắt. Không có sắt thì không thể có cuộc sống con người, cũng hệt như là không có lửa hoặc không có nước vậy. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể sống mà không cần gì đến vàng hoặc bạc, nếu vứt bỏ cái quan niệm ngu xuẩn về giá trị của những thứ hiếm hoi. Trong khi đó, Mẹ Thiên nhiên đã cố tình phô bày mọi phước lành vĩ đại nhất của mình như đất đai, không khí và nước ra ngay dưới mũi chúng ta, và giấu hết đi những thứ chẳng có ích gì cho chúng ta.

Nào, nếu họ cất những thứ kim loại ấy trong một nhà kho kiên cố, người dân có thể nghi ngờ rất ngớ ngẩn - bạn cũng thừa biết là dân chúng g iỏi nghi ngờ ra sao - rằng có thể ông Thị trưởng và các vị trong Hội đồng thành phố đang lừa dối dân chúng, đang kiếm lợi riêng bằng cách nào đó từ cái kho ấy. Tất nhiên họ có thể chuyển các kim loại ấy thành những bát đĩa trang trí hoặc những đồ nghệ thuật khác. Nhưng như vậy thì mọi người sẽ đem lòng ái mộ chúng đến nỗi sẽ rất đau khổ nếu phải đem nấu chảy hết những thứ đó để trả lương cho lính đánh thuê.

Để tránh những phiền toái này, họ đã nghĩ ra được một giải pháp hoàn toàn nhất quán với những nền nếp xã hội khác của họ nhưng lại trái ngược hẳn với chúng ta - nhất là với thái độ tôn quí của chúng ta đối với vàng. Cho nên có thể là bạn phải kỳ mục sở thị mới có thể tin được. Thế này nhé, tất cả đồ bát đĩa dùng trong ăn uống, dù được thiết kế đẹp đến đâu, cùng đều được làm bằng những vật liệu như thủy tinh hoặc gốm. Nhưng bạc và vàng thì lại dùng để làm những đồ gia dụng khiêm tốn nhất trong gia đình cũng như ở nhà ăn tập thể, tức là làm bô đi ỉa đi đái. Họ cũng dùng xiềng và xích làm bằng vàng khối để cùm giữ nô lệ, và bất kì ai phạm một tội gì đáng xấu hổ đều bị phạt phải công khai đeo vòng vàng ở tai, nhẫn vàng ở ngón tay, kiềng vàng ở cổ, và mũ miện vàng trên đầu. Sự thực là họ làm đủ cách để khiến cho những kim loại này bị khinh miệt. Có nghĩa là nếu họ bất thình lình phải chia tay với tất cả số vàng bạc mà họ có trong kho - một số phận mà ở các nước khác sẽ tương tự như bị moi gan mổ ruột - thì cũng chẳng có một ai ở Utopia thấy ngần ngại lấy một tích tắc.

Đối với các thứ châu báu cũng vậy. Họ có hạt trai ngoài biển, kim cương và hồng ngọc trên núi, nhưng chẳng bao giờ cất công đi tìm. Tuy nhiên, nếu tình cờ gặp phải, họ cũng nhặt chúng và đánh bóng lên cho con nít đeo. Bọn trẻ lúc đầu rất tự hào về những đồ châu báu ấy, cho đến khi chúng đủ lớn để nhận ra rằng chỉ có bọn nhóc ở nhà trẻ mới đeo những thứ đó. Lúc ấy, chẳng cần phải để cha mẹ chúng nhắc nhở, chúng cũng tự động bỏ những vật đó đi vì lòng tự trọng bản nhiên, hệt như trẻ lớn lên sẽ rời bỏ những đồ chơi thuở bé của chúng như búp bê, vỏ sò, hoặc bùa may vậy. Thói quen khác lạ này đã từng gây nên những phản ứng cũng khác lạ không kém, như tôi đã từng chứng kiến ở những nhà ngoại giao đến từ một nước gọi là nước Huênh Hoang.

Những nhà ngoại giao này đến viếng Không Thành khi tôi còn ở đó, và vì họ tới để thảo luận một vấn đề quan trọng nên mỗi thành phố đều cử ba đại diện là thành viên Quốc hội đến tiếp kiến họ. Phải nói rằng trước đó, tất cả những đoàn ngoại giao ngoại quốc từng đến Không Thành đều là từ những nước lân bang ngay bên kia eo biển, do đó đều quen thuộc với những tư tưởng và phong tục của Utopia. Họ đều biết đó là một nước mà quần áo đắt tiền không được ai nể phục, lụa là bị khinh rẻ, và vàng là một từ bẩn thỉu, cho nên họ đều ăn vận giản dị hết mức trong các cuộc hội kiến ngoại giao. Nhưng nước Huênh Hoang thì ở rất xa và chưa có tiếp xúc gì nhiều với Utopia. Họ chỉ biết rằng ở Utopia mọi người đều mặc cùng một kiểu trang phục, mà lại là thứ trang phục khá thô thiển, có thể là vì không có gì tốt hơn để mặc. Và thế là họ bảo nhau áp dụng một chính sách còn ngạo mạn hơn cả ngoại giao, tức là tất cả cùng ăn vận diêm dúa lòe loẹt như thánh thần để làm cho người Utopia phải choáng ngợp trước vẻ hoành tráng của họ. 

Hết chương 7. Mời các bạn đón đọc chương 8 !

Nguồn: truyen8.mobi/t34695-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-7.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận