Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 8

Chương 8
Nói đến trọng vọng, chẳng phải cũng ngu xuẩn không kém khi gán ý nghĩa trọng thị cho những cử chỉ trống rỗng chẳng có tí ích lợi gì cho ai hay sao?

Khi phái bộ đó đến nơi, thì hóa ra họ chỉ có ba người, nhưng lại được tháp tùng bởi hàng trăm thuộc hạ, tất cả đều mặc quần áo nhiều màu lòe loẹt, chủ yếu may bằng lụa. Còn bản thân ba yếu nhân - vì họ đều là yếu nhân tại quốc gia của mình - thì đều mặc vải dệt sợi vàng, với đầy những xuyến vàng leng keng trên cổ, vòng vàng lủng lẳng trên tai, nhẫn vàng lấp lánh trên các ngón tay. Mũ họ được trang trí với đầy những dải trân châu và các thứ ngọc khác. Tóm lại là họ tự trang bị cho mình với tất cả những thứ mà ở Utopia người ta chỉ dùng để trừng phạt nô lệ, làm nhục tội đồ, hoặc mua vui cho trẻ nhỏ.

Nói thực là không gì có thể làm tôi quên được cảnh ấy. Ba vị yếu nhân nọ với vẻ cực kì tự mãn khi so sánh bộ dạng của mình với người dân bản địa - vì lẽ nhiên là đường phố lúc ấy đông nghẹt người ra xem. Cái hiệu quả mà họ mang lại lúc bấy giờ là hoàn toàn bất ngờ và thất vọng cho họ. Vì bạn thấy đấy, theo quan niệm của người Utopia - chỉ trừ một số ít đã có dịp ra nước ngoài - tất cả những hào nhoáng ấy chỉ là biểu hiện của suy đồi mà thôi. Thế là họ chỉ dành những lời chào hỏi trọng thị cho những thành viên ít lòe loẹt nhất trong đoàn, còn thì hoàn toàn phớt lờ mấy vị quan chức ngoại giao, cho rằng mấy người phải đeo vòng vàng ấy nhất định chỉ là mấy nô lệ mà thôi.

Ôi chao, bạn phải được nhìn thấy vẻ mặt của bọn thiếu niên đã qua thời đeo đồ trang sức khi chúng thấy những châu báu trên mũ của mấy vị đặc sứ kia mới hay. Chúng không ngừng huých mẹ chúng và nói thầm:

“Con bảo này, mẹ nhìn thằng cu lớn xác kia mà xem! Lớn thế mà còn đeo trang sức!”

Còn bà mẹ thì trả lời con bằng giọng nghiêm nghị:

“Suỵt, khẽ mồm chứ con. Có lẽ ông ta là anh hề trong sứ bộ của họ đấy.”

Những chiếc vòng vàng cũng bị người ta chỉ trích rất nhiều.

“Xích gì mà thế kia,” người ta bảo nhau, “mỏng mảnh thế thì nô lệ bẻ được ngay. Lại còn rộng quá thế nữa, hắn lại chả sổng ra mất bây giờ!”

Một vài ngày sau thì những người Huênh Hoang kia mới bắt đầu vỡ nhẽ. Họ thấy rằng có rất nhiều vàng ở Utopia, mà lại rất rẻ mạt, thậm chí ở nhà họ quí vàng bao nhiêu thì ở đây nó bị người ta khinh rẻ bấy nhiêu. Họ cũng thấy rằng một nô lệ bỏ trốn còn mang trên người nhiều vàng bạc hơn cả ba người họ cộng lại. Và cuối cùng họ không còn muốn khoe khoang nữa, cảm thấy hổ thẹn, và vứt bỏ mọi thứ trang sức mà họ vẫn thường tự hào được đeo trên người - nhất là sau khi họ đã có những cuộc chuyện trò thân mật với chủ nhà và đã phần nào hiểu được thái độ và nếp sống địa phương. Ví dụ như người Utopia không thể hiểu được tại sao lại có người mê mẩn được vẻ óng ánh buồn thảm của một hòn đá bé xíu trong khi họ có toàn bộ sao sáng trên trời để chiêm ngưỡng - hoặc làm sao lại có người ngu ngốc đến nỗi tưởng mình hơn người khác chỉ vì mặc quần áo dệt bằng sợi len mịn và nhỏ hơn người ta. Nói cho cùng thì len là quần áo của cừu và không thể làm cho ai thành cái gì hơn cừu được4.

Họ cũng không thể hiểu được tại sao một thứ hoàn toàn vô dụng như vàng mà lại được cả thế giới ngày nay coi là quan trọng hơn cả con người, là kẻ đã gán chính cái giá trị đó cho nó để nó thành tiện dụng cho mình. Kết quả là một kẻ có đầu óc chỉ như một cục chì hoặc một khúc gỗ, một kẻ mà sự ngu xuẩn của hắn chỉ có thể sánh với sự suy đồi của chính hắn, lại có thể sai khiến được rất nhiều những người thông minh và hiền thảo chỉ vì tự nhiên hắn có được một đống tiền vàng. Và nếu chỉ vì một trớ trêu của số phận hoặc một thủ thuật luật pháp - hai phương pháp hiệu nghiệm như nhau để đổi trắng thay đen - những đồng tiền ấy lại tự nhiên được chuyển vào tay một kẻ vô dụng nhất trong đám gia nhân của chính kẻ đó, ta sẽ lập tức thấy ông chủ cũ này lon ton chạy theo đống tiền ấy, như một đồng xu thừa, và biến mình thành đầy tớ cho chính đầy tớ của mình. Nhưng cái làm cho người Utopia khó hiểu và khó chịu hơn nữa là cái cung cách ngu xuẩn của một số người có thói thờ phụng kẻ giàu có, chẳng phải vì họ nợ tiền hoặc phải ở dưới quyền của kẻ ấy, mà chỉ đơn giản là vì kẻ ấy giàu có - mặc dù vẫn biết rõ rằng hắn bủn xỉn đến mức không thể bao giờ đánh rơi một xu nhỏ mà lại không lấy hết sức bình sinh để nhặt lại nó, không thể để ai nhặt mất.

Họ tập nhiễm những tư tưởng ấy một phần nhờ lớn lên trong một chế độ xã hội trái ngược hoàn toàn với những thứ vô nghĩa kia, và một phần cũng nhờ đọc sách và học hỏi. Phải công nhận rằng không ai được phép trở thành một học giả chuyên nghiệp, trừ một số rất ít ở từng thành phố đã từ nhỏ bộc lộ những năng khiếu khác thường, trí thông minh nổi bật, và một năng lực đặc biệt trong nghiên cứu và học thuật. Nhưng đứa trẻ nào cũng được học hết cấp một, và hầu hết đàn ông đàn bà đều tiếp tục dành thời gian rỗi của mình để tiếp tục học cho đến hết đời như tôi đã nói ở đoạn trước. Tất cả các môn học đều được dạy bằng tiếng Utopia, vì từ vựng của nó rất phong phú. Mà thứ tiếng ấy nghe cũng rất hay, rất biểu cảm. Các dân tộc khác trong khu vực ấy của thế giới cũng đang bắt đầu nói thứ tiếng này - mặc dù nó cũng bị biến dạng đi chút ít.

Trước khi chúng ta đến đó, họ chưa hề nghe danh một nhà triết học châu Âu nổi tiếng nào. Ấy vậy nhưng họ cũng đã tự khám phá rất nhiều những nguyên tắc giống như của tiền nhân chúng ta trong âm nhạc, lôgich, số học và hình học. Nhưng cho dù họ có ngang ngửa với thế hệ cổ đại của chúng ta trong hầu hết mọi lĩnh vực, họ vẫn không thể sánh với thế hệ mới của chúng ta trong môn lôgich học. Tỉ như họ vẫn chưa hề biết tới một qui tắc nào về những vấn đề Hạn chế, Dư thừa, và Giả định mà chúng ta đã trình bày rất rành rẽ trong sách Nhập môn Lôgich học, mà học trò của chúng ta đứa nào cũng đã thuộc nằm lòng. Và ngoài chuyện chưa hề biết đến những cái như là Khái niệm Thứ cấp, họ còn mù tịt về cuộc tranh cãi nổi tiếng về vấn đề liệu vũ trụ này là có thật hay chỉ tồn tại bằng tên gọi mà thôi5.

Nhưng trong khi đó họ lại là những chuyên gia vĩ đại về thiên văn học, đã sáng chế ra rất nhiều công cụ thiên tài để xác định chính xác vị trí và đường đi của mặt trời và mặt trăng, cũng như của tất cả các thiên thể khác nhìn thấy được trên bán cầu của họ. Nhưng về môn chiêm tinh - tức là chuyện thân tình hay cãi cọ giữa các hành tinh, bói toán bằng sao này sao kia, và tất cả những thứ linh tinh ấy - thì họ không hề biết đến và cũng không hề tơ tưởng là có thể có những thứ như thế.

Họ đã học từ kinh nghiệm lâu đời cách nhận biết những dấu hiệu của mưa, gió, và những biến động thời tiết khác. Nhưng nếu hỏi họ về lý thuyết của những hiện tượng ấy, hoặc bảo họ giải thích tại sao nước biển lại mặn, cái gì gây ra thủy triều, hoặc vũ trụ này được hình thành ra sao và có bản chất như thế nào, thì họ sẽ trả lời mỗi người một khác. Một số sẽ có những quan điểm giống như của các nhà triết học cổ đại của chúng ta. Tuy nhiên, vì những quan điểm này không bao giờ thống nhất với nhau, ta cũng chẳng nên ngạc nhiên khi biết rằng người Utopia đã đưa ra những lí thuyết hoàn toàn mới của chính họ, và chúng cũng không hoàn toàn nhất quán với nhau.

Về đạo đức thì họ cũng thảo luận những vấn đề giống như của chúng ta. Sau khi đã phân biệt ba loại tính “thiện” là thiện tâm, thiện xác, và thiện cảnh, họ lại thắc mắc liệu khái niệm “thiện” ấy có tồn tại thành ba thứ như thế không, hay thật ra chỉ ở tâm. Họ cũng tranh cãi về những thứ như đức hạnh và khoái lạc. Nhưng chủ đề chính mà họ thường thảo luận là bản chất của hạnh phúc con người - nó phụ thuộc vào yếu tố gì hoặc những yếu tố gì? Trong vấn đề này, họ có vẻ thiên quá nhiều về quan điểm hưởng lạc, vì theo họ thì hạnh phúc của con người phần lớn hoặc hoàn toàn là khoái lạc. Một điều ngạc nhiên là họ lại bảo vệ cái thuyết hưởng lạc ấy bằng những lí lẽ rút ra từ tôn giáo - một thứ thường gắn liền với một quan niệm nghiêm túc hơn về cuộc sống, nếu không muốn nói là tư tưởng khổ hạnh buồn thảm. Trong tất cả những cuộc thảo luận về hạnh phúc, họ đều lấy những nguyên lý tôn giáo cụ thể để bổ sung cho lý lẽ của họ, và cho rằng nếu không thế thì không thể nhận dạng được hạnh phúc đích thực.

Cái nguyên lý thứ nhất là mọi linh hồn đều bất tử, và đều do một Thượng đế lòng lành tạo tác nên, và Ngài chỉ muốn cho linh hồn đó được hạnh phúc. Nguyên lý thứ hai là ta sẽ được ban thưởng hoặc trừng phạt khi sang thế giới bên kia vì những điều thiện hoặc điều ác mà ta gây ra ở thế giới này. Mặc dù đây là những nguyên lý tôn giáo, người Utopia vẫn thấy có những cơ sở duy lý để chấp nhận chúng, thì cứ thử giả dụ là ta không chấp nhận chúng mà xem. Nếu thế, họ nói, bất kì thằng ngốc nào cũng có thể bảo ta phải làm gì. Hãy cứ xả láng theo đuổi khoái lạc bất kể đúng sai. Chỉ cần làm sao cho những khoái lạc nhỏ không làm hỏng những khoái lạc lớn, và tránh những khoái lạc có hậu họa đau đớn mà thôi. Bởi có nghĩa gì đâu trong việc đấu tranh để giữ tiết hạnh, không dám vui thú, cố tình làm khổ bản thân, nếu chẳng hy vọng chúng sẽ đem lại cái gì? Và còn có thể hy vọng gì kia chứ, ngoài những phần thưởng sẽ đến trong thế giới bên kia để đền bù cho cuộc sống thậm khốn khổ này?

Cũng không phải là họ coi mọi thứ khoái lạc đều là hạnh phúc - mà chỉ những khoái lạc thanh cao mà thôi. Mà họ cũng không đánh đồng hạnh phúc với phẩm hạnh - trừ khi họ theo một trường phái tư tưởng hoàn toàn khác biệt. Theo quan niệm bình thường của họ thì hạnh phúc là một phần-thưởng-lớn mà ai cũng thích và chỉ có thể có được nhờ phẩm hạnh. Mà phẩm hạnh thì họ định nghĩa là làm theo những thôi thúc tự nhiên như chính Thượng đế muốn ta làm như vậy. Nó bao gồm cả việc nghe theo cái bản năng hợp lý trong những cái thích và không thích của chúng ta. Và lý lẽ cũng dạy chúng ta trước hết phải biết kính yêu Thượng đế toàn năng, người đã cho chúng ta cuộc sống và khả năng được hưởng hạnh phúc, và thứ nữa là phải biết vui hưởng cuộc sống này và giúp đồng loại cũng được như vậy.

Thực tế là ngay cả một người khổ hạnh nghiêm khắc nhất cũng thường không nhất quán cho lắm khi lên án khoái lạc. Người đó có thể kết án bạn khổ sai chung thân, không cho ngủ yên, phải hàng ngày gian khổ, nhưng cũng sẽ khuyên bạn phải hết sức giảm nhẹ những đau khổ của người khác. Ông ta sẽ coi mọi ý định muốn cải thiện hoàn cảnh nhân sinh là những hành động nhân đạo đáng được hoan nghênh - bởi rõ ràng không có gì nhân đạo hoặc tự nhiên hơn đối với một con người bằng việc xoa dịu những nỗi đau của người khác, kết thúc nỗi khốn khổ của họ, khiến họ lại biết vui sống, nghĩa là trả lại cho họ cái khả năng khoái lạc. Vậy thì tạ i sao ta lại không làm tất cả những cái đó cho chính bản thân mình? Chẳng phải như thế cũng là nhân đạo và tự nhiên đó sao?

Nói cách khác, nếu vui hưởng cuộc sống, nghĩa là được trải nghiệm khoái lạc, mà là xấu, thì ta không nên giúp ai làm chuyện đó, mà phải tìm cách cứu cả nhân loại khỏi vòng khoái lạc. Còn nếu đã là cái gì đó tốt cho người, và không những ta có quyền được hưởng, mà lại còn phải có trách nhiệm giúp người khác được hưởng, thì việc phúc đức nào cũng phải bắt đầu ngay từ trong nhà mới phải. Nói cho cùng, ta có nghĩa vụ với chính mình cũng như với người lân cận, và nếu Trời đã bảo ta phải tốt với người, thì không lẽ nào Trời lại quay ngoắt lại để nói rằng ta phải ác với bản thân ta được. Do vậy mà người Utopia coi việc vui hưởng cuộc sống - nghĩa là khoái lạc - là mục đích tự nhiên của tất cả mọi gắng gỏi của con người, và phẩm hạnh chính là cái thiên tính tự nhiên vậy. Tuy nhiên, ông Trời cũng muốn chúng ta giúp nhau cùng vui hưởng cuộc sống, bởi một lẽ rất chí thiện rằng chẳng có một cá nhân nào có thể độc chiếm lòng từ ái của Ngài. Ngài chăm lo hạnh phúc cho từng cá thể của muôn loài. Chính vì thế mà Ngài dạy chúng ta phải làm sao đừng chỉ vì quyền lợi của riêng mình mà tổn hại đến quyền lợi của người khác.

Theo nguyên lý ấy họ tin rằng con người ta ở nhà thì cần tín nghĩa đối với nhau, mà ra ngoài xã hội thì cần chấp hành công pháp trong việc phân chia “sản phẩm” - nghĩa là những nguyên liệu của khoái lạc - với điều kiện những công pháp ấy phải do một thủ lãnh thông sáng đặt ra một cách chính đáng, hoặc do toàn thể dân chúng đồng tình thông qua không có bất kì một hình thức ép buộc hoặc lừa bịp nào. Họ nói trong vòng những hạn định ấy, mỗi người được phép nghĩ đến quyền lợi của riêng mình, đồng thời cũng có nghĩa vụ đạo đức phải nghĩ đến quyền lợi của cả cộng đồng. Làm mất khoái lạc của người khác để có được khoái lạc cho riêng mình là sai, nhưng hy sinh một khoái lạc của mình để cho ai đó khác được khoái lạc lại là một hành động nhân ái sẽ mang lại cho ta được nhiều hơn là mất. Một mặt, những hy sinh ấy thường được đền bù bằng vật chất. Mặt khác, nguyên cái cảm giác là mình vừa làm được một việc tốt lành cho ai đó và nhờ vậy mà có được tình cảm và thiện chí của họ sẽ cho ta một cảm giác mãn nguyện về tinh thần to lớn hơn nhiều so với cái mà ta đã hy sinh. Và cuối cùng - một niềm tin rất dễ hiểu đối với những ai có tinh thần tôn giáo - là Thượng đế sẽ ban thưởng cho cái mất mát của những khoái lạc nho nhỏ nhất thời ấy bằng một niềm vui toàn hảo vĩnh hằng. Như vậy, họ biện luận rằng xét cho đến cùng thì khoái lạc là niềm hạnh phúc tối hậu mà tất cả loài người đều theo đuổi, ngay cả khi họ hành động theo những phẩm hạnh khắt khe nhất.

Họ định nghĩa khoái lạc là bất cứ trạng thái hoặc hoạt động nào, thể xác hoặc tinh thần, khiến cho ta vui sướng một cách tự nhiên. Quan trọng ở đây là trạng từ “một cách tự nhiên”. Theo họ, chúng ta được thôi thúc bởi lý trí cũng như bản năng để vui sướng một cách tự nhiên mà không làm h ại đến ai, không cản trở những khoái lạc lớn lao hơn, hoặc gây di hại gì. Nhưng loài người lại bảo nhau cùng tham gia một âm mưu ngu xuẩn gọi nhiều thứ là khoái lạc mà thực ra chúng hoàn toàn không phải như thế "một cách tự nhiên". Đây là một cuộc khủng hoảng về bản chất và tên gọi. Người Utopia tin rằng điều này đã không giúp gì cho việc mưu tìm hạnh phúc, mà còn làm cho hạnh phúc trở thành bất khả, bởi lẽ khi đã quen ngộ nhận như vậy, ta sẽ mất hết khả năng khoái lạc thực sự mà chỉ còn biết bị ám ảnh với những ảo dạng của khoái lạc. Những ảo dạng này tự chúng không có gì là vui thú - mà thực sự hầu hết chúng là hoàn toàn khó chịu. Nhưng chúng có sức hấp dẫn những thị hiếu bệnh hoạn mạnh đến nỗi người ta không những đã coi chúng là những khoái lạc chính của cuộc sống, mà còn là những lý do quan trọng nhất của cuộc sinh tồn vậy.

Trong số những kẻ mắc nghiện những ảo dạng khoái lạc ấy có loại mà tôi đã nhắc đến trước đây, thường coi mình là hơn người bởi vì áo quần của mình đẹp hơn. Họ nghĩ sai hết cả về quần áo cũng như bản thân họ. Thực tế mà xét, tại sao mặc đồ len mịn lại hơn đồ len thô? Nhưng đầu óc họ đã bị ám ảnh rằng len mịn tất nhiên là phải tốt hơn, và mặc nó thể nào cũng làm cho con người họ có giá trị hơn. Và thế là họ cảm thấy có quyền được trọng vọng nhiều hơn trong bộ đồ len mịn, và sẽ rất bất bình khi không được mặc loại đồ ấy.

Nói đến trọng vọng, chẳng phải cũng ngu xuẩn không kém khi gán ý nghĩa trọng thị cho những cử chỉ trống rỗng chẳng có tí ích lợi gì cho ai hay sao? Như lối ngả mũ và quì gối khụỵu chân chẳng hạn. Có khoái lạc gì khi nhìn một mái đầu trần hoặc một cái gối khụỵu như thế? Nó có chữa được chứng phong thấp ở đầu gối của chính ta hoặc làm cho đầu óc ta tỉnh táo hơn được chăng? Đương nhiên là những kẻ sùng tín lối khoái lạc giả tạo ấy đều tự hào vì tính cách "quý tộc" của họ, mặc dù bây giờ thì nó chỉ có hàm ý rằng họ đã ngẫu nhiên sinh trưởng trong một gia đình nhiều đời giàu có, nhất là về điền sản. Nhưng ngay cả khi họ không được thừa hưởng những điền sản ấy hoặc đã được rồi lại phá tán hết, họ vẫn tự cảm thấy mình là quý tộc từ đầu đến chân.

Thế rồi còn một loại người nữa tôi cũng đã nhắc đến trước đây, là loại say mê đồ châu báu ngọc ngà. Họ thực sự cảm thấy mình là siêu nhân nếu có thể sở hữu được một viên ngọc hiếm hoi, nhất là nếu nó thuộc loại đặc biệt quý hiếm ở bản quốc của họ lúc bấy giờ - bởi lẽ giá trị của những thứ ấy là mỗi nơi và mỗi lúc một khác. Nhưng chỉ nhìn bên ngoài thôi thì họ rất sợ bị nhầm, cho nên trước khi mua bất kì một viên ngọc nào họ cũng đòi phải gỡ nó hẳn ra khỏi mọi thứ vòng cẩn vàng bạc để kiểm tra nó trong tình trạng trần trụi. Mà thế cũng vẫn chưa yên tâm, họ sẽ đồng ý mua khi người bán phải viết giấy trịnh trọng cam đoan rằng hòn đá đó là ngọc thật. Nhưng tôi xin hỏi quý ngài thân mến, nếu ngài không thể nào phân biệt được thật giả như vậy thì tại sao ngọc giả lại không làm cho ngài thấy khoái lạc? Với ngài thì cũng như với một người mù, nó có khác gì ngọc thật đâu!

Hết chương 8. Mời các bạn đón đọc chương 9 !

Nguồn: truyen8.mobi/t34697-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận