Bây giờ lại nói đến những người thích tích trữ của nả chỉ để nhìn cho sướng mắt chứ chẳng vì mục đích gì tốt đẹp hơn. Cái khoái lạc của họ có đích thực không, hay đó chỉ là một ảo giác? Loại cực đoan trong số họ lại còn chôn giấu hết vàng bạc của mình để không bao giờ phải dùng đến chúng, thậm chí có thể không bao giờ nhìn thấy chúng nữa. Quả thực, họ đã cố tình để mất chúng để khỏi phải lo sẽ có thể bị mất chúng - bởi đó chính là mất chứ còn gì nữa, khi đem chôn hết chúng xuống đất, nơi mà chúng chẳng còn có ích lợi gì cho họ nữa, và có thể sẽ chẳng bao giờ có ích lợi gì cho ai khác. Ấy vậy mà họ thấy cực kì hạnh phúc khi đem vàng bạc đi chôn giấu như vậy. Xong xuôi rồi họ mới hết lo lắng, có vẻ thế. Nhưng thử nghĩ xem nếu chỗ vàng bạc ấy bị lấy trộm và mười năm sau người chủ cũng qua đời mà vẫn không biết chúng đã không còn ở đó nữa - chẳng phải là ông ta đã mất chúng trong suốt mười năm ấy hay không? Có hay không có trong suốt thời gian ấy thì có khác gì với ông ta?6
Những khoái lạc mà người Utopia coi là ngu xuẩn bao gồm trò cờ bạc - một thứ ngớ ngẩn mà họ có nghe nhưng không bao giờ chơi - và trò săn bắn dùng chó hoặc chim ưng. Họ không hiểu nổi thú vui ném con xúc xắc trên mặt bàn cờ của chúng ta; và tại sao lại có thể chơi mãi cái trò ấy mà không chán? Còn đi săn, tại sao người ta lại có thể thấy vui khi nghe tiếng chó sủa và rú rít man rợ như vậy? Và tại sao người ta lại có thể thích nhìn chó rượt theo một con thỏ chứ không thích nhìn chó đuổi chó? Vì nếu ta thích xem chạy đuổi thì cả hai đều như nhau cả! Còn nếu như ta nhìn cảnh ấy để nghĩ đến cái chết, thì nhẽ ra ta phải thấy thương cảm và đau buồn chứ tại sao lại thấy khoái lạc khi nhìn một con vật vô hại, nhút nhát và nhỏ yếu như con thỏ bị cắn xé bởi một con vật khác to khỏe và hung dữ hơn?
Cho nên người Utopia coi săn bắn là không xứng đáng với một công dân tự do, và để việc đó cho những người đồ tể làm, là những người mà tôi đã nói trước đây, có thân phận nô lệ trong xã hội. Theo quan niệm của họ thì săn bắn là phần việc hạ cấp nhất trong nghề đồ tể. Một người đồ tể bình thường chỉ giết mổ gia súc khi cần thiết, còn kẻ đi săn thì giết và hành hạ những con vật nhỏ bé tội nghiệp chỉ để mua vui cho chính mình. Họ nói các giống vật cũng không có tính khát máu như vậy, trừ phi chúng có bản chất đặc biệt man dã, hoặc đã bị nuôi dùng để đi săn mãi cho đến khi biến thành man dã.
Có hàng trăm những thứ như thế mà chúng ta vẫn thường coi là khoái lạc, nhưng mọi người ở Utopia thì lại tin chắc rằng chúng chẳng có liên quan tí gì đến khoái lạc đích thực, bởi lẽ chúng đều không khoái lạc “một cách tự nhiên”. Xác tín ấy của họ cũng không hề bị lung lay khi ta biện hộ rằng những thứ đó chắc chắn là khoái lạc thật vì nếu không thì tại sao lại có nhiều người theo đuổi chúng đến thế. Họ nói đó chỉ là phản ứng chủ quan thuần túy có nguyên nhân từ những thói quen xấu vốn vẫn làm cho con người thích những thứ khó chịu hơn những thứ dễ chịu, hệt như tình trạng các bà chửa đôi khi bị mất khẩu vị và thấy đất thó với dầu hỏa ngon lành hơn cả mật ong vậy. Nhưng cho dù cảm giác của người ta có bị thói quen và sức khỏe làm méo mó đến đâu đi nữa, bản chất của khoái lạc, cũng như của mọi thứ khác, vẫn không thay đổi.
Họ phân biệt khoái lạc đích thực thành hai chủng loại: tinh thần và vật chất. Khoái lạc tinh thần bao gồm cảm giác mãn nguyện nhờ thấu hiểu được điều gì đó, hoặc nhờ những suy ngẫm về chân lý. Nó cũng bao gồm cả những ký ức về một cuộc đời đã được sống một cách đúng đắn, và lòng tin vào những sự tốt lành sắp đến. Khoái lạc vật chất lại được chia làm hai loại. Thứ nhất là những cái khiến cho toàn bộ cơ thể ta tràn đầy một cảm giác sung sướng. Đây có thể là kết quả của việc thay thế những vật chất đã bị thân nhiệt tiêu hủy hết, như khi ta ăn hoặc uống. Và cũng có thể là kết quả của việc tống khứ hết những ứ thừa trong cơ thể, như khi bài tiết, giao hợp, hoặc cảm giác hết ngứa ngáy bồn chồn khi được xoa bóp hoặc gãi ngứa. Tuy nhiên, cũng có những khoái lạc không do thỏa mãn bất kì một nhu cầu cơ thể nào hoặc giải tỏa một khó chịu nào. Chúng tác động, một cách huyền bí nhưng không thể nhầm lẫn được, trực tiếp vào các giác quan của ta, và điều khiển toàn bộ những phản ứng của chúng. Ví dụ như khoái lạc âm nhạc.
Loại khoái lạc vật chất thứ hai của họ bắt nguồn từ những hoạt động thường xuyên và êm ả của các chức phận cơ thể - tức là từ trạng thái sức khỏe không bị bất kì một trục trặc nhỏ nào quấy nhiễu. Không bị khó chịu gì về tinh thần, tình trạng cơ thể như thế cũng đã đủ cho ta một cảm giác khoan khoái mà không cần phải có những khoái lạc gì từ bên ngoài. Tất nhiên, thứ khoái lạc này ít lộ liễu và không gây được sự chú ý m ạnh mẽ như những thú vui thô thiển hơn như ăn và uống, nhưng người ta vẫn thường coi nó là niềm khoái lạc lớn lao nhất trên đời. Tất cả người dân Utopia đều đồng ý với nhau rằng đó là khoái lạc rất quan trọng, vì nó là cơ sở cho tất cả mọi khoái lạc khác. Chỉ nguyên một mình nó thôi cũng đủ làm cho ta vui sống, và nếu thiếu nó thì không thể có được khoái lạc gì khác. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là không bị đau đớn chứ vẫn chưa phải là có sức khỏe tích cực thì họ chỉ gọi đó là êm ả chứ chưa phải khoái lạc.
Có những triết gia thường lập luận rằng một trạng thái sức khỏe an nhiên đều đặn không thể được gọi là khoái lạc vì sự tồn tại của nó chỉ được phát hiện khi có tình trạng ngược lại xảy ra - thưa vâng, họ đã đi rất sâu vào toàn bộ vấn đề này. Nhưng cái lý thuyết đó đã bị đổ bể từ lâu rồi, và ngày nay hầu hết mọi người đều đã theo quan niệm cho rằng sức khỏe dứt khoát là một khoái lạc. Quan niệm này lập luận như sau: bệnh tật dính líu đến đau đớn, vốn là đối cực của khoái lạc, và bệnh tật là đối cực của sức khỏe, vậy thì sức khỏe phải có dính líu đến khoái lạc. Họ nghĩ dù ta có nói bệnh tật dính líu đến hay bệnh tật là đau đớn thì cũng thế thôi. Đằng nào thì cũng đi đến cùng một thứ. Tương tự như thế, dù nói sức khỏe là khoái lạc hay sẽ sinh ra khoái lạc, dứt khoát như lửa sinh ra nhiệt, thì vẫn cứ hoàn toàn hợp logich khi cho rằng nếu ta thường xuyên khỏe mạnh thì nhất định ta sẽ có khoái lạc vậy.
Ngoài ra, họ còn nói rằng khi ta ăn uống, điều thực sự sẽ diễn ra là như sau: sức khỏe đang yếu đi của ta sẽ sử dụng đồ ăn uống ấy như một đồng minh để đánh lui những đợt tấn công của cái đói. Nó dần dần thắng thế, và chính là trong quá trình giành lại được sức mạnh thường có của mình mà nó trải nghiệm được một cảm thức vui sướng khiến chúng ta thấy rất khoan khoái. Vậy thì, nếu sức khỏe thấy khoái lạc khi chiến đấu như thế, thì tại sao nó lại không thấy khoái lạc khi đã giành chiến thắng? Chẳng nhẽ ta lại giả định rằng khi nó đã giành lại được sức mạnh vốn có của mình - là thứ duy nhất mà nó đã phải chiến đấu giành giật trong suốt thời gian ấy - sức khỏe lại lập tức rơi vào tình trạng hôn mê, và không còn nhận thấy hoặc tận dụng hết thành quả của chính mình? Còn đối với ý tưởng cho rằng người ta chỉ ý thức được sức khỏe của mình một khi đã mất nó, họ nói rằng đó là hoàn toàn sai. Ai cũng hoàn toàn có thể nhận thức được là mình đang cảm thấy khỏe mạnh, trừ khi đang trong giấc ngủ hoặc đang ốm đau mệt mỏi. Ngay cả người ít nhạy cảm nhất và vô tình nhất cũng công nhận rằng khỏe mạnh là sung sướng - mà sung sướng là gì nếu không phải là một triệu chứng của khoái lạc?
Họ đặc biệt thích những khoái lạc tinh thần mà họ coi là quan trọng bậc nhất, và chủ yếu tìm kiếm chúng trong những hành vi chí thiện và một lương tâm trong sạch. Khoái lạc vật chất ưa thích nhất của họ là sức khỏe. Tất nhiên, họ vẫn thấy vui thú trong ăn uống và nhiều thứ khác, nhưng tuyệt đối chỉ vì quyền lợi của sức khỏe, vì họ không coi những vui thú kia là những khoái lạc tự thân, mà chỉ là những phương pháp chống lại sự thâm nhập của bệnh tật mà thôi. Họ nói rằng một người nhạy cảm và có lí luôn coi trọng việc giữ gìn sức khỏe hơn là uống thuốc, và thích tự thân vui vẻ hơn là được người khác an ủi. Theo nguyên lý này, người ta thà không cần một thứ khoái lạc này chứ không để mình bị nghiện nó. Bởi vì nếu ta nghĩ rằng cái thứ đó sẽ làm ta hạnh phúc, ta sẽ phải công nhận rằng niềm hoan lạc hoàn hảo của ta sẽ là suốt đời phải thấy đói, khát, ngứa ngáy, để rồi có cơ hội ăn, uống, xoa, gãi - và rõ ràng là một cuộc đời như vậy sẽ vừa khó chịu nhất mà cũng đáng kinh tởm nhất. Hiển nhiên là những khoái lạc này được liệt vào cuối bảng, bởi chúng thật sự không tinh khiết. Ví dụ như khoái lạc ăn uống bao giờ cũng bị pha tạp với cảm giác đau đớn của cái đói, và lại không đồng đều nhau - vì đau đớn của cái đói vừa mạnh mẽ hơn vừa dai dẳng hơn. Nó bắt đầu trước khoái lạc, và chỉ kết thúc khi khoái lạc đã kết thúc.
Như vậy là họ không coi trọng lắm những khoái lạc như thế, trừ phi chúng trở thành cần thiết. Nhưng họ vẫn ân hưởng chúng như thường, và cảm thấy một lòng biết ơn sâu sắc đối với Mẹ Thiên nhiên vì đã khích lệ con cái mẹ phải làm những thứ cần phải làm thường xuyên như thế bằng cách khiến cho chúng hấp dẫn như thế. Hãy cứ thử tưởng tượng xem cuộc sống sẽ buồn thảm biết bao nếu những chứng bệnh kinh niên kia, những đói khát kia, sẽ có thể được chữa trị chỉ bằng những liều thuốc đắng như đối với những chứng bệnh hiểm nghèo khác!
Họ gán những giá trị lớn lao cho các món quà tặng của thiên nhiên cho con người như sắc đẹp, sức mạnh và sự nhanh trí. Họ cũng rất nhạy bén với các khoái lạc của nhãn giác, thính giác và khứu giác, vốn chỉ con người mới có - bởi không có một giống loài nào khác biết thưởng thức và khâm phục vẻ đẹp của thế giới, ân hưởng một mùi hương, trừ khi chỉ biết đến chúng như một phương tiện để tìm kiếm thức ăn, hoặc biết phân biệt giữa hòa âm và nghịch âm. Họ nói những cái đó làm cho cuộc sống giàu có sang trọng hơn.
Tuy nhiên, trong tất cả những lĩnh vực ấy, họ luôn luôn tuân thủ một qui tắc rằng những khoái lạc nhỏ không được can thiệp vào những khoái lạc lớn, và rằng khoái lạc không được gây ra đau đớn - điều mà họ tin là nhất định sẽ xảy ra nếu khoái lạc ấy là vô đạo đức. Nhưng họ không bao giờ tưởng đến chuyện khinh miệt vẻ đẹp của chính mình, lạm dụng sức mạnh của mình, biến sự nhanh trí của mình thành sức ỳ quán tính, làm tàn tạ cơ thể mình bằng cách nhịn ăn, phá hoại sức khỏe mình, hoặc chối bỏ bất kì một món quà nào khác của Thiên nhiên với hy vọng sẽ nhận được những khoái lạc lớn lao hơn từ Thượng đế. Bởi lẽ họ thấy thật hoàn toàn vô nghĩa khi phải tự hành hạ mình nhân danh một phẩm hạnh nào đó không có thật và cũng chẳng có ích gì cho ai, hoặc chỉ để gồng mình chống lại những hiểm họa có thể chẳng bao giờ xảy đến.
Tóm lại, đó là lý thuyết đạo đức của họ, và mặc dù chẳng có một khải huyền linh thiêng n o trong lý thuyết ấy, họ vẫn cho rằng trí tuệ loài người vẫn chưa nghĩ ra được một cái gì hay hơn thế. Chúng ta không có thời gian để bàn xem liệu nó đúng sai phải trái thế nào - mà cũng không cần làm việc ấy, vì ở đây tôi chỉ muốn mô tả lại lối sống của họ chứ không bênh vực gì cho họ cả.
Nhưng có một điều tôi hoàn toàn có thể nói chắc. Cho dù bạn có thể nghĩ thế nào về các học thuyết của họ, bạn sẽ không thể tìm thấy một đất nước nào thịnh vượng hơn hoặc một nhóm người nào xuất sắc hơn họ khắp dưới gầm trời này. Về thể chất, họ rất năng động, hăng hái, và khỏe mạnh hơn nhiều so với cảm giác của ta về chiều cao của họ - mặc dù cũng không thể gọi họ là thấp bé. Đất đai của họ không phải lúc nào cũng màu mỡ, và khí hậu cũng không phải là hoàn toàn thuận lợi, nhưng nhờ một chế độ dinh dưỡng cân bằng mà họ xây dựng được sức đề kháng của mình chống lại những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, và bằng công việc canh tác rất chu đáo, họ đã chỉnh đốn được những khiếm khuyết của đất đai. Kết quả là họ đã phá vỡ mọi kỷ lục về sản xuất ngô và chăn nuôi gia súc, tuổi thọ trung bình của họ là cao nhất thế giới, và tỉ lệ mắc bệnh là thấp nhất. Như vậy là với những phương pháp khoa học, họ đã làm nên những điều thần kì ở một vùng thiên nhiên vốn nghèo nàn cạn kiệt. Mà không phải họ chỉ giỏi về nông nghiệp đơn thuần. Họ đã từng nhổ hết cả những cánh rừng lớn và trồng lại chúng ở địa điểm khác, không phải để tăng năng suất, mà để việc chuyên chở gỗ cây được thuận tiện hơn bằng cách mang rừng ra gần biển, gần sông hoặc gần thành phố - vì vận tải gỗ không dễ dàng như vận tải ngô. Bản thân con người họ thì vừa thân thiện vừa thông minh, và đều có tính hài hước rất thú vị. Mặc dù rất thích thư giãn an nhàn, họ vẫn có khả năng làm những việc nặng nhọc khi cần thiết. Còn không thì họ cũng chẳng mấy thiết tha gì việc chân tay. Nhưng hoạt động trí óc thì họ không bao giờ biết mệt.
Khi tôi kể cho họ nghe về văn học và triết học Hy Lạp - vì tôi nghĩ cũng chẳng có gì có thể làm cho họ quan tâm bằng tiếng Latin - lập tức họ nôn nóng muốn được nghiên cứu các văn bản gốc dưới sự hướng dẫn của tôi. Thế là tôi bắt đầu lên lớp cho họ, lúc đầu là chỉ vì không muốn từ chối chứ cũng chẳng phải là tôi nghĩ việc ấy sẽ đi đến đâu. Nhưng chẳng mấy chốc tôi nhận ngay ra rằng nỗ lực của mình sẽ không uổng tí nào với những học trò chăm chỉ đến như vậy. Họ học chữ cái và phát âm rất dễ dàng, thuộc mọi thứ rất nhanh và nhắc lại rất chính xác đến nỗi tôi tưởng như có phép lạ. Sau tôi mới vỡ nhẽ rằng những người xin học và được phép đến lớp của tôi đều là những học giả chín chắn và xuất sắc cả. Cho nên chưa đến ba năm họ đã biết tiếng Hy Lạp một cách hoàn hảo, và có thể đọc thành thạo bất kì một tác giả nào từ đầu đến cuối, chỉ trừ những trang nào bị thất lạc mới đành chịu.
Suy đoán của tôi là tiếng Hy Lạp có lẽ có liên hệ gì đó tự nhiên với họ cho nên họ mới học dễ dàng như thế. Bạn thấy đấy, tôi không thể không nghĩ rằng họ phải có quan hệ huyết thống gì đó với người Hy Lạp, vì ngôn ngữ của họ, mặc dù giống tiếng Ba Tư hơn, vẫn chứa đựng nhiều dấu vết của tiếng Hy Lạp trong các địa danh và chức danh. Tôi đưa cho họ rất nhiều văn bản Hy Lạp - bởi vì khi bắt đầu chuyến du hành thứ tư ấy tôi đã dự định sẽ đi thật lâu và cũng chưa chắc đã trở về, cho nên đáng nhẽ phải đem theo nhiều thứ để bán thì tôi lại mang lên thuyền một thùng lớn chứa đầy sách. Tôi cho họ đọc hầu hết các tác phẩm của Plato, của Aristotle7 còn nhiều hơn, và sách về thực vật học của Theophrastus8 - nhưng cuốn này, thật đáng buồn, lại bị trong tình trạng khá tồi tệ, vì khi còn ở trên tầu tôi đã vô ý để nó vạ vật ở ngoài và một con khỉ đã vớ được nó9. Con khỉ ấy đã đùa nghịch bằng cách giật trang này trang kia ra và xé chúng thành từng mảnh. Cuốn ngữ pháp duy nhất tôi có và đưa cho họ đọc là cuốn của Lascaris10, vì tôi quên không đem theo cuốn của Theodorus11, còn từ điển thì họ chỉ có hai cuốn của Hesychius12 và Dioscorides13. Họ cũng được đọc Plutarch14, là tác giả mà họ ưa thích nhất, và Lucian15, mà họ coi là rất thú vị và sảng khoái. Các nhà thơ thì họ được đọc Aristophanes, Homer, và Euripides - à vâng, cả Sophocles16 nữa - trong một ấn bản khổ nhỏ của nhà sách Aldine, và các sử gia thì họ được đọc Thucydides và Herodotus17, đó là chưa kể đến Herodianus18.
Anh bạn Tommy Rot của tôi cũng mang theo một số sách giáo khoa y học, một vài tác phẩm ngắn của Hippocrates19, và cuốn Cẩm nang của Galen20. Người Utopia đánh giá rất cao những sách này, vì mặc dù không có ai trên thế giới này ít cần đến y học như họ, nhưng cũng không có ai coi trọng y học bằng họ. Họ coi y học là một trong những bộ môn khoa học quan trọng và thú vị bậc nhất - và như họ quan niệm, việc nghiên cứu thiên nhiên một cách khoa học không những là một quá trình thú vị nhất, mà còn là cách hay nhất để làm hài lòng Đấng Sáng tạo. Bởi họ nghĩ Ngài có những phản ứng bình thường của một nhà nghệ sỹ. Sau khi đã làm ra cả hệ thống vũ trụ tuyệt vời này và bày chúng cho con người chiêm ngưỡng - vì chẳng có giống loài nào khác có khả năng ấy - chắc hẳn là Ngài phải thích loại người biết xem xét nó một cách tường tận và thực sự khâm phục tác phẩm của Ngài hơn là loại không hề để ý gì đến nó, và giống như những loài vật hạ đẳng khác, chẳng có tí ấn tượng gì trước toàn bộ cảnh trí hoành tráng và đầy kinh ngạc đến thế.
Bằng cách áp dụng trí thông minh được huấn luyện của họ vào các nghiên cứu khoa học, người Utopia trở nên rất giỏi trong việc phát minh những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Tuy thế, có hai phát minh họ phải nợ chúng ta, cho dù trong việc này họ cũng vẫn đáng được ghi nhận có nhiều đóng góp. Ngay khi chúng tôi cho họ xem mấy cuốn sách do Aldus21 ấn hành, và nói chút ít về nghề in và nghề làm giấy - chúng tôi không thể giải thích chi tiết cho họ vì chẳng có ai biết nhiều về hai nghề này - họ lập tức có những đoán định rất sắc bén về quá trình kĩ thuật của hai việ c đó. Cho đến lúc ấy, họ chỉ làm ra những văn bản viết trên da thuộc, vỏ cây hoặc mo papyrus22, nhưng nay thì họ bắt đầu sản xuất giấy, và dùng con chữ để in. Lúc đầu họ cũng chưa thành công ngay, nhưng sau nhiều thí điểm, chẳng mấy chốc họ đã làm chủ được cả hai qui trình kỹ thuật một cách thấu đáo đến nỗi nếu không vì thiếu văn bản gốc thì có lẽ họ đã cho in hết sách vở Hy Lạp rồi. Như tôi đã nói, họ chỉ có những sách tôi đem theo, nhưng tất cả những sách này đã được họ in lại với nhiều nghìn ấn bản.
Họ tiếp đãi khách ngoại quốc rất nhiệt tình nếu những người này giới thiệu được cho họ những tài khéo đặc biệt, hoặc đã đi nhiều và biết nhiều về các xứ sở khác nhau. Đó là lí do tại sao họ rất mừng được gặp chúng tôi, vì họ rất thích được nghe về những gì đang diễn ra ở các nơi khác trên thế giới. Nhưng các thương gia thường ít bén mảng đến Utopia, vì ngoài vàng và bạc là những thứ họ rất thích kiếm được ở đó, thì người Utopia chỉ nhập khẩu có sắt mà thôi. Còn về xuất khẩu thì họ thích tự mình mang hàng đi chứ không để người khác đến mua, vì như thế họ mới có cơ hội tìm hiểu thế giới bên ngoài và thêm thuần thục nghề đi biển.
Nhân tiện cũng xin nói rằng những nô lệ ở Utopia mà tôi có đôi khi nhắc đến, và chắc bạn cũng có thể đoán thế, đều không phải là tù binh chiến tranh, đẻ ra đã là nô lệ, hoặc được mua về từ các chợ nô lệ ngoại quốc. Họ đều là các tội đồ người Utopia, hoặc nhiều hơn nữa là các tội nhân đã bị kết án ở các nước khác được đưa về Utopia từng đợt rất đông, có khi là mua về với giá rất rẻ, nhưng thường là nhận về không mất đồng nào. Cả hai loại nô lệ này đều phải làm việc nặng và xích thành từng toán, nhưng là người Utopia thì bị đối xử khắc nghiệt hơn là người ngoại quốc. Cái lí ở đây là nếu anh đã được sinh ra và lớn lên với những điều kiện học hành tốt nhất và một môi trường giáo dưỡng đạo đức chu đáo nhất mà vẫn còn cố tình phạm tội thì hình phạt nhất định là phải nghiêm khắc hơn.
Còn một loại nô lệ khác nữa là những người lao động ngoại quốc tình nguyện sang Utopia làm nô lệ chứ không muốn sống khốn khổ ở quê nhà. Những người này được đối xử tử tế và được tôn trọng chẳng khác mấy so với các công dân Utopia, nhưng họ phải làm việc nhiều và nặng nhọc hơn, cũng bởi vì họ đã quen như vậy. Nếu những nô lệ này muốn trở về quê quán - việc này ít khi có - họ được hoàn toàn tự do làm theo ý nguyện, và còn được nhận một món tiền nhỏ làm quà tặng nữa.
Hết chương 9. Mời các bạn đón đọc chương 10 !