Trong văn phòng thư ký, tôi chỉ thấy một mình Kim, cô phụ tá mới. Tôi làm hiệu khẩn cấp cho cô bỏ đôi che tai nghe nhạc ra, và dẫn cô ra cửa. Cô nhìn tôi với vẻ kinh ngạc khi tôi hỏi về mảnh giấy dán vào cánh cửa. Đúng, cô có nhìn thấy nó khi đến đây, nhưng không để ý gì nhiều. Cô nghĩ nó nói về một hoạt động từ thiện ở Radcliffe - một đợt[1] thi đấu bài bridge, hay cuộc thi câu cá gì đấy. Cô đang định bảo bà dọn dẹp chuyển nó vào bảng thông báo.
Kurt, người gác đêm, đi ra từ phòng anh ta dưới cầu thang, chuẩn bị ra về. Anh lại gần chúng tôi, lo lắng không biết có vấn đề gì. Mảnh giấy đã có đó từ hôm trước, lúc tới đây anh ta đã thấy nó rồi. Anh ta không bóc nó đi vì nghĩ là ai đó trong Viện đã cho phép dán như vậy trước khi đến phiên làm việc của mình. Tôi nói rằng cần phải gọi cảnh sát, và một người phải ở đấy canh không cho ai đụng vào khung kính của cánh cửa, hay bóc mảnh giấy đi vì nó có thể liên quan đến vụ án của bà Eagleton.
Tôi chạy lên văn phòng mình trên lầu và gọi đồn cảnh sát, xin nói chuyện với thanh tra Petersen hay thượng sĩ thám tử Sacks. Tôi bị hỏi tên và số điện thoại mình đang dùng, rồi dặn đợi máy. Vài phút sau Petersen lên tiếng trả lời. Ông ta để tôi nói không ngắt ngang một lần, đến cuối cùng chỉ yêu cầu tôi nhắc lại lời người gác đêm. Tôi nhận ra rằng, cũng như tôi, ông ta nghĩ một vụ án mạng khác đã xảy ra. Ông ta nói sẽ cho ngay một cảnh sát viên và người lấy dấu tay đến Viện. Còn chính ông ta trong khi đó sẽ đến Radcliffe hỏi xem có ai đã chết hôm trước. Sau đó, ông ta muốn nói chuyện lại với tôi, và nếu có thể, cả với giáo sư Seldom. Ông hỏi xem cả hai chúng tôi sẽ có mặt ở Viện không. Tôi trả lời, theo chỗ tôi biết, Seldom chắc cũng phải sắp tới Viện: trong tiền sảnh có một thông báo về buổi lên lớp vào mười giờ sáng của một trong những nghiên cứu sinh của ông. Bỗng nhiên tôi nghĩ ngay đến việc mảnh giấy đã được dán ở đấy cho Seldom nhìn thấy lúc ông đi vào. Có thể, Petersen nói, cho ông ta và một trăm nhà toán học khác. Lời lẽ của ông ta bỗng nhiên có vẻ không thoải mái. “Chúng ta có thể nói lại chuyện này sau,” ông ta nói, nhanh chóng chấm dứt cuộc nói chuyện.
Khi tôi trở xuống lại tiền sảnh, Seldom đang đứng cạnh cánh cửa quay. Ông nhìn chăm chăm vào mảnh giấy với hình vẽ con cá hệt như ông không thể rời mắt ra khỏi đấy được.
“Anh cũng nghĩ chuyện tôi đang nghĩ chứ?” Seldom hỏi khi nhìn thấy tôi. “Tôi rất lo sợ không muốn gọi bệnh viện hỏi thăm về Frank. Mặc dù thời gian không trùng khớp rồi,” ông tiếp, có vẻ hy vọng hơn. “Khi tôi đến bệnh viện chiều hôm qua lúc bốn giờ, Frank vẫn còn sống.”
“Chúng ta có thể gọi Lorna từ văn phòng tôi,” tôi nói. “Cô ấy còn trực cho đến giữa trưa; giờ thế nào cô ấy cũng còn ở đó. Chuyện này cô ấy tìm hiểu dễ thôi.”
Seldom đồng ý và chúng tôi lên lầu. Tôi để cho ông gọi và nói chuyện. Sau khi bị chuyển từ bộ phận này sang bộ phận kia, cuối cùng ông được nối với Lorna. Ông hỏi nàng rất thận trọng xem nàng có tiện đi xuống tầng hai coi thử Frank Kalman có bình yên không. Tôi nhận thấy Lorna đang hỏi nhiều câu; không rõ lời nhưng tôi nghe được giọng nói háo hức của nàng ở đầu kia. Seldom chỉ nói là một lời nhắn tin đã xuất hiện ở Viện và nó làm ông khá lo lắng. Và đúng vậy, có khả năng lời nhắn có chỗ liên quan đến cái chết của bà Eagleton. Họ nói chuyện thêm một lúc nữa. Seldom cho cô biết ông sẽ ở trong văn phòng tôi, và cô có thể gọi ông sau khi đã xuống coi tình hình Frank.
Ông gác máy và chúng tôi cùng đợi trong yên lặng. Seldom vấn một điếu thuốc rồi đứng ra cửa sổ để hút. Sau một lúc, ông quay lại, đến trước bảng đen và, chìm sâu trong suy nghĩ, chậm rãi vẽ ra hai ký hiệu: vòng tròn, rồi đến con cá bằng hai nét vẽ cong. Ông đứng lặng, tay cầm phấn, đầu cúi xuống, thỉnh thoảng lại vạch những dấu mờ nhạt ngoài mép bảng.
Gần nửa tiếng sau điện thoại mới đổ chuông. Seldom yên lặng nghe Lorna nói, nét mặt kín đáo không biểu hiện điều gì, thỉnh thoảng lại buông từng tiếng một trả lời.
“Phải,” cuối cùng ông nói, “đó là giờ chính xác ghi trên lời nhắn.”
Khi ông đã gác máy và quay sang tôi, trong một chốc nhìn ông như vừa trút xong gánh nặng.
“Không phải Frank,” ông nói, “đó là bệnh nhân giường kế bên. Thanh tra Petersen vừa đến nhà xác bệnh viện để kiểm lại những ca tử vong vào Chủ nhật. Người chết này cao tuổi lắm rồi, ngoài chín mươi. Ông ta được báo cáo là đã chết lúc 2:15, vì nguyên do tự nhiên. Hóa ra, cả y tá lẫn bác sĩ trực tầng đó đều không nhìn ra một dấu chấm nhỏ trên cánh tay, như kiểu dấu kim chích. Họ sẽ làm xét nghiệm tử thi để tìm xem đó là gì. Nhưng tôi nghĩ chúng ta đã đúng. Một vụ giết người không ai coi là giết người lúc đầu. Một cái chết được tin là có nguyên do tự nhiên, với một dấu chấm trên cánh tay, thế thôi. Một dấu chấm gần như không nhận ra được. Hung thủ thế nào cũng đã chọn một hóa chất không để lại dấu vết gì. Tôi dám nói là họ sẽ không xét nghiệm ra cái gì đâu. Dấu chấm là tất cả những gì phân biệt cái chết này với những cái có nguyên do tự nhiên. Một dấu chấm,” - Seldom nhắc lại, như thể đây là khởi điểm cho vô vàn ngụ ý vẫn còn vô hình chưa thấy được.
Điện thoại lại reo. Đó là Kim, từ dưới nhà, báo cho tôi là một thanh tra cảnh sát đang trên đường lên văn phòng tôi. Tôi mở cửa cùng lúc dáng người cao, gầy của Petersen xuất hiện trên đầu cầu thang. Ông ta đi một mình và có vẻ bực bội ra mặt. Ông ta bước vào phòng và nhìn thấy hai ký hiệu trên bảng trong khi đang chào chúng tôi, rồi đột ngột ngồi xuống.
“Có cả một đám đông toán học gia dưới kia,” ông ta nói, vẻ gần như kết tội, làm như chúng tôi có lỗi gì trong chuyện này. “Giới báo chí sẽ đến đây bất cứ lúc nào. Chúng ta sẽ phải kể cho họ một phần câu chuyện, nhưng tôi sẽ yêu cầu họ giấu không nhắc đến ký hiệu đầu tiên. Khi nào có thể, chúng tôi đều tránh công bố những chi tiết của các án mạng hàng loạt, nhất là các yếu tố lặp lại. Thế đấy,” ông lắc đầu, nói, “tôi vừa đến Radcliffe. Lần này là một ông già cao tuổi tên là Ernest Clarck. Ông ấy hôn mê, phải đặt máy thở, đã nhiều năm rồi. Xem ra thì không có gia đình gì cả. Liên hệ duy nhất với bà Eagleton chúng tôi tìm được là Clarck cũng đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng trong thời chiến. Nhưng dĩ nhiên người nào tuổi ấy cũng vậy: đó là một thế hệ có chung những năm chiến tranh. Y tá phát hiện ông ta chết khi đi kiểm một vòng vào lúc 2:15, và cô ta ghi lại giờ giấc đó như thời điểm chết trên vòng tay ông ta, trước khi dời ông khỏi buồng. Mọi sự đều có vẻ hoàn toàn bình thường - không có dấu vết bạo lực, không gì khác lạ cả. Cô ta nghe mạch của ông già, rồi viết xuống “chết vì nguyên do tự nhiên”, vì nghĩ rằng đây chỉ là một ca thông thường. Cô ta nói mình không thể đoán ra bằng cách nào có người lọt được vào buồng, vì giờ thăm bệnh mới vừa bắt đầu.
“Bác sĩ phụ trách tầng hai thừa nhận là ông ta không khám toàn bộ thi thể. Ông ta đến bệnh viện muộn, hôm ấy là Chủ nhật và ông ta muốn được về nhà càng sớm càng tốt. Nhưng trên hết mọi chuyện, họ đã dự trù Clarck chết được vài tháng rồi, thậm chí còn ngạc nhiên thấy sao ông vẫn còn sống. Cho nên ông ta đã tin tưởng ghi nhận của cô y tá, viết lại giờ giấc và nguyên do chết trên nhãn dán kèm vào giấy chứng tử, và duyệt cho chuyển thi thể xuống nhà xác. Bây giờ tôi đang đợi kết quả khám nghiệm. Tôi vừa thấy mẩu tin nhắn ở cửa dưới nhà. Đến giờ này thì tôi nghĩ đòi hỏi hắn dùng nét chữ viết tay hẳn là hơi quá, vì hắn thừa biết đang bị chúng ta tìm kiếm. Nhưng dứt khoát là vì như thế chuyện sẽ lại càng thêm khó khăn. Xét theo mặt chữ thì tôi nghĩ những chữ cái này đã được cắt ra từ tờ Thời báo Oxford, không chừng chính từ bài báo về vụ án bà Eagleton. Còn con cá thì lại vẽ bằng tay.” Petersen quay sang Seldom. “Ông có linh cảm gì đầu tiên khi nhìn thấy mẩu thư? Ông có cho rằng nó cũng từ tay cùng một người mà ra?”
“Khó nói đây,” Seldom trả lời. “Nhìn thì cũng cùng một loại giấy, và kích thước của ký hiệu với lại vị trí của nó trên giấy đều giống. Cả hai trường hợp đều bằng mực đen. Ừ, trên nguyên tắc, tôi có thể cho là cùng một người viết. Gần như mỗi ngày tôi đều đến Radcliffe vào buổi chiều để thăm một bệnh nhân trên tầng hai, Frank Kalman. Ernest Clarck nằm ngay giường bên cạnh Frank. Ngoài ra, tôi không thường xuyên đến đây lắm, nhưng sáng nay thì quả là có chuyện phải vào Viện. Tôi nghĩ đây là một kẻ theo dõi sự di chuyển của tôi rất kỹ, và biết tương đối rõ về tôi.”
“Thực sự ra,” Petersen nói, lấy ra một cuốn sổ, “chúng tôi đã biết về việc ông đến thăm Radcliffe. Ông biết đấy,” ông ta nói, vẻ hối lỗi, “chúng tôi phải tìm hiểu về cả hai ông. Xem nào. Thường thường thì ông đến Radcliffe vào khoảng hai giờ, nhưng hôm Chủ nhật thì lại đến lúc bốn giờ. Tại sao thế?”
“Tôi được mời đi ăn trưa ở Abingdon,” Seldom đáp. “Khi về thì tôi đã lỡ chuyến xe bus một giờ ba mươi. Buổi chiều Chủ nhật chỉ có hai chuyến, nên tôi phải đợi ở trạm đến ba giờ,” Seldom lục trong túi moi ra một chiếc vé xe, lạnh lùng đưa cho Petersen.
“À, không, không cần thiết đâu,” viên thanh tra nói, hơi ngượng ngùng. “Tôi chỉ thắc mắc không biết...”
“Phải, tôi cũng đã nghĩ hệt như vậy.” Seldom nói. “Thông thường tôi là người đầu tiên và duy nhất vào buồng đó trong giờ thăm bệnh. Nếu mà tôi đến vào giờ bình thường hôm ấy, thì tôi đã ngồi ngay bên cạnh thi hài của ông Clarck suốt buổi. Tôi đoán đó chính là chủ ý của hung thủ - muốn tôi có ở đó khi y tá phát hiện ra có người chết khi đi kiểm tra. Nhưng một lần nữa, sự việc không xảy ra đúng như hắn muốn. Trên một phương diện, hắn đã hành động tinh tế quá mức; y tá không hề nhìn thấy vết kim châm trên tay Clarck, cô ta nghĩ ông đã chết vì nguyên do tự nhiên. Còn tôi thì đến muộn hơn thường lệ, và thậm chí không nhận ra có một bệnh nhân khác trên giường bên. Với tôi thì chuyến viếng thăm hôm ấy hoàn toàn bình thường.”
“Nhưng có thể hắn muốn cái chết lúc đầu nhìn vào như một chuyện tự nhiên,” tôi nói. “Có thể hắn chuẩn bị hiện trường sao cho thi hài được dời đi trước mắt ông như với một cái chết hàng ngày. Nói cách khác, vụ giết người mà ngay cả ông cũng không nhận ra được. Tôi nghĩ ông nên thuật lại với ông thanh tra ý nghĩ của mình,” tôi nói với Seldom. “Ý mà ông đã nói với tôi hôm trước.”
“Nhưng chúng ta đã chắc chắn đâu,” Seldom nói, với sự phản đối thuần túy trí thức. “Chúng ta không thể quy nạp được khi mới chỉ có hai trường hợp.”
“Dù sao tôi cũng muốn nghe thử quan điểm của ông,” Petersen nói.
Seldom vẫn giữ vẻ ngập ngừng.
“Trong cả hai trường hợp,” cuối cùng ông lên tiếng, thận trọng, lo lắng cố giữ lập luận bám sát với dữ kiện, “án mạng đều xảy ra nhẹ nhàng hết mức có thể, nếu được phép dùng từ này. Tôi không nghĩ tự những cái chết lại quan trọng gì với hắn ta. Những án mạng này gần như đều có tính tượng trưng. Tôi không tin hung thủ ưa thích chuyện giết người, mà là muốn ra dấu về một chuyện gì đó. Một chuyện không thể nghi ngờ có liên quan đến chuỗi ký hiệu hắn vẽ trên giấy, bắt đầu với hình tròn và con cá. Những vụ giết người đơn thuần là một cách hướng sự chú ý đến liên chuỗi, và hắn đã lựa chọn nạn nhân gần gũi với tôi đủ để tôi phải vào cuộc. Tôi nghĩ thực sự nó là một thách đố thuần túy trí tuệ, và hắn sẽ chỉ ngừng tay khi chúng ta tìm được cách chứng minh cho hắn rằng chúng ta đã xác định được ý nghĩa của liên chuỗi; hay nói khác đi, đã đoán ra được ký hiệu nào, hay vụ giết người nào, sẽ nối tiếp.”
“Chiều nay tôi sẽ cho vẽ phỏng một giản đồ tâm lý của hắn, mặc dù tôi không nghĩ trong tay chúng ta đã có gì nhiều. Nhưng có lẽ giờ ông đã có thể trả lời câu hỏi trước kia của tôi: hắn có phải là một nhà toán học không?”
“Tôi thiên về câu trả lời là không,” Seldom trả lời chậm rãi. “Ít nhất, không phải một nhà toán học chuyên nghiệp. Tôi nghĩ hắn là một người tưởng tượng ra các nhà toán học như đỉnh cao của trí tuệ, và vì thế hắn muốn thách đố họ trực tiếp. Hắn là một thứ bệnh nhân hoang tưởng trí thức. Tôi không nghĩ là tình cờ mà hắn chọn cánh cửa Viện để dán mẩu thư thứ hai. Theo tôi đoán, có một thông điệp ngầm giấu trong đó: nếu tôi không chấp nhận lời thách thức, thì sẽ có một nhà toán học khác. Và nếu chúng ta thử ước đoán, tôi nói đó không chừng là một người đã bị đánh rớt oan uổng trong một kỳ thi toán, hay đã lỡ một cơ hội quan trọng trong đời vì một trắc nghiệm IQ giống như loại mà Frank Kalman soạn ra. Một người bị loại ra khỏi nơi mà hắn cho là thế giới của trí tuệ, một người vừa khâm phục lại vừa thù ghét các nhà toán học. Có lẽ hắn đã thai nghén liên chuỗi này như một sự báo thù người trắc nghiệm hắn. Trên một phương diện, giờ đây chính hắn là người trắc nghiệm.”
“Có khi nào là một sinh viên bị ông đánh hỏng?” Petersen hỏi.
Seldom mỉm cười.
“Đã lâu rồi tôi không đánh hỏng ai cả,” ông đáp. “Bây giờ tôi chỉ có các nghiên cứu sinh, và họ đều xuất sắc. Tôi thiên về ý nghĩ đây không phải một người đã học toán chính quy, nhưng đã đọc chương nói về án mạng hàng loạt trong sách của tôi, và nghĩ rằng tôi chính là người hắn muốn thách thức.”
“Phải,” Petersen nói. “Bước đầu thì tôi có thể làm một danh sách những người đã mua sách của ông bằng thẻ tín dụng từ các hiệu sách trong phố.”
“Tôi không nghĩ làm vậy sẽ có lợi gì nhiều,” Seldom đáp. “Khi cuốn sách mới tung ra, nhà xuất bản của tôi đã tìm được cách đăng nguyên chương về án mạng hàng loạt trên tờ Thời báo Oxford. Rất nhiều người coi đó như một loại trinh thám mới. Chính vì thế mà ấn bản đầu tiên được bán hết nhanh như vậy.”
Petersen đứng lên, hơi có vẻ nản lòng, và xem xét kỹ hai hình vẽ trên bảng.
“Đến giờ ông có thể nói thêm điều gì về cái này không?”
“Ký hiệu thứ hai của một liên chuỗi thường thường cung cấp một gợi ý về cách đọc phần còn lại: như một biểu tượng cho sự vật hay sự kiện từ thế giới ngoài thật - nói cách khác, như những ký hiệu theo nghĩa thường gặp - hay, không có một nghĩa rộng gì, hiểu tuyệt đối trên mức độ ký hiệu học, như những vật thể hình học. Sự lựa chọn hình vẽ thứ hai, một lần nữa, rất khôn khéo vì con cá được vẽ bằng một cách giản dị hóa khiến cho đọc cả hai đường đều có thể được. Chiều thẳng đứng của hình rất là thú vị. Có thể đây là một liên chuỗi những hình thể đối xứng qua trục thẳng đứng. Nếu chúng ta thực sự phải diễn dịch nó như một con cá, dĩ nhiên, còn có vô số khả năng khác.”
“Bể cá,” tôi nói, và Petersen quay sang nhìn tôi, hơi ngạc nhiên. Seldom gật đầu.
“Phải, lúc đầu tôi cũng nghĩ thế. Người ta gọi tầng nhà mà Ernest Clarck nằm ở Radcliffe như vậy. Nhưng cái đó sẽ dẫn trực tiếp tới một người ở bên trong bệnh viện, và tôi không tin hắn lại chọn một ký hiệu chỉ chứng minh trực tiếp như vậy. Với lại, nói như thế thì hình tròn liên quan gì đến bà Eagleton?” Seldom đi tới đi lui một lát, đầu cúi xuống. “Còn một điểm lý thú khác, ngầm ý trong mẩu thư, là hắn đã dự trù rằng các nhà toán học có thể tìm được giải đáp. Nói khác đi, trong các ký hiệu phải có cái gì đó trùng với những loại vấn đề, hay trực giác, liên hệ với cách suy nghĩ của nhà toán học.”
“Ông có thể phỏng đoán đại khái ký hiệu thứ ba là gì hay không?” Petersen hỏi.
“Tôi có một ý tưởng sơ khởi,” Petersen nói. “Nhưng tôi thấy có dăm ba cách liên chuỗi có thể tiếp tục mà vẫn, ta tạm gọi, hợp lý. Đấy là lý do trong những trắc nghiệm, ta được cho ít nhất ba ký hiệu trước khi hỏi kế tiếp sẽ là cái gì. Hai ký hiệu vẫn để lại quá nhiều nghĩa trùng hợp. Tôi cần có thêm thời gian để suy nghĩ. Tôi không muốn phạm sai lầm. Hắn đang là người ra đề, và một vụ giết người nữa sẽ là cách hắn phê điểm xấu cho chúng ta.”
“Ông có thực sự cho rằng hắn sẽ ngừng tay nếu chúng ta tìm được lời giải đó không?” Petersen hỏi, vẻ hoài nghi.
Nhưng không cách nào tìm thấy lời giải đó, tôi nghĩ. Đấy mới là điều đáng bực nhất. Bỗng nhiên tôi hiểu ra tại sao Seldom muốn giới thiệu tôi với Frank Kalman và chiều kích thứ hai cho vấn đề vẫn làm bận trí ông. Tôi tự hỏi không biết ông sẽ làm sao giải thích chuyện đầu óc nhảy những bước vọt xa, Wittgenstein, nghịch lý về tuân thủ quy tắc và những chuyển dịch của phân bố chuẩn đường cong chuông cho Petersen. Nhưng Seldom chỉ cần một câu nói:
“Hắn sẽ ngừng,” - ông nói chậm rãi, “nếu đúng đấy là lời giải chính hắn có trong đầu.”
[1] Trong tiếng Anh, “đợt” hay “chuỗi” cũng đều là một từ (series).
Hết chương 11. Mời các bạn đón đọc chương 12!