Vụ Án Trường Oxford Chương 12


Chương 12
Cả anh ta lẫn nhà pháp y kia đều mù tịt

Petersen đứng dậy và rảo bước quanh phòng, tay chắp sau lưng. Ông ta nhặt áo khoác - trước đó đã vắt trên mép bàn - quay lại nhìn bảng đen một lúc, rồi dùng tay xóa đi hình tròn.

“Xin nhớ cho, chúng ta sẽ giữ ký hiệu thứ nhất giữa chúng ta càng lâu càng tốt. Tôi không muốn kích thích một tên giết người theo gót hắn. Ông có cho rằng có nhà toán học nào dưới kia đoán được ký hiệu kế tiếp, sau khi biết được cái thứ hai?”

“Không, tôi không nghĩ vậy,” Seldom đáp. “Và tôi không chắc họ sẽ hứng thú gì mà làm thử. Đối với một nhà toán học, vấn đề duy nhất quan trọng là cái ông ta đang bắt tay vào trong lúc này. Có lẽ cần cái gì đó lớn hơn là vài vụ án mạng để kéo họ ra khỏi công chuyện của mình.”

“Không phải ông cũng vậy sao?” Petersen lúc này đang nhìn thẳng vào Seldom, giọng nói của ông ta mang một sắc thái khiển trách lạnh lẽo. “Nói thật tình, tôi hơi bị... thất vọng,” ông ta nói, cẩn trọng chọn lựa từ ngữ. “Dĩ nhiên tôi không mong ông cho một câu trả lời dứt khoát, nhưng tôi đã hy vọng có được bốn hay năm giả thuyết, những ức thuyết chúng ta có thể bắt tay vào hay loại trừ dần. Không phải các nhà toán học cũng làm việc như vậy sao? Nhưng hình như một vài vụ giết người cũng không làm ông đủ quan tâm.”

“Tôi có một ý tưởng sơ khởi, như đã nói,” Seldom đáp, cặp mắt nhỏ nhạt màu chạm vào ánh mắt viên thanh tra. “Tôi hứa là sẽ tập trung chú ý vào việc này. Tôi chỉ muốn đảm bảo là mình không lầm lẫn.”

“Tôi mong ông sẽ không đợi đến vụ giết người kế tiếp để xác định mình đúng hay sai,” Petersen nói. Và, như thể đang do dự gắng sức sửa chữa sự sắc nhọn của mình vừa rồi, ông ta tiếp “Nhưng nếu ông thực sự muốn giúp, ngày mai xin đến văn phòng tôi sau sáu giờ. Đến lúc đó, chúng ta đã có một phác họa tâm lý. Tôi muốn ông đọc xem có nảy ra ý nghĩ đến người nào chăng. Xin mời cả ông nữa,” ông ta nói, và bắt tay vội với cả hai chúng tôi.”

Sau khi Petersen đi khỏi là cả một sự yên lặng khá lâu. Seldom lại bên cửa sổ và vấn một điếu thuốc.

“Tôi hỏi ông một câu này được không?” Cuối cùng tôi lên tiếng, đầy thận trọng. Tôi biết có thể ông cũng không muốn cho cả tôi biết điều gì, nhưng quyết định là thử hỏi cũng đáng công. “Ý tưởng của ông, cái ức thuyết của ông, nó là về ký hiệu kế tiếp, hay án mạng kế tiếp?”

“Tôi nghĩ là mình có một ý tưởng về cách liên chuỗi sẽ tiếp tục - về ký hiệu kế tiếp của liên chuỗi.” Seldom chậm rãi đáp. “Nhưng nó không giúp tôi khả năng suy diễn gì về án mạng kế tiếp cả.”

“Tuy là vậy, nhưng chẳng phải cả cái đó - cái ký hiệu - cũng giúp được thanh tra Petersen rất nhiều sao? Còn có lý do nào ông không muốn nói cho ông ta biết à?”

“Ra đây đi, chúng ta đi dạo trong công viên một chút,” Petersen nói. “Tôi còn vài phút trước buổi lên lớp của người sinh viên, và tôi cần một điếu thuốc.”

Vẫn còn mấy người cảnh sát ở cửa chính đang xử lý những dấu tay trên khung kính, nên chúng tôi ra khỏi bằng cửa sau. Trên đường đi, chúng tôi qua mặt Podorov. Anh ta chào tôi cách hờ hững và chằm chằm nhìn vào Seldom, như hy vọng Seldom sẽ nhận ra mình. Chúng tôi đi vòng quanh Phòng thí nghiệm Vật lý, và theo con đường rải sỏi dẫn vào Công viên Đại học. Seldom lặng lẽ hút thuốc, và có một phút tôi tưởng ông sẽ không nói gì thêm nữa.

“Tại sao anh lại trở thành nhà toán học?” ông đột ngột hỏi.

“Tôi không biết,” tôi đáp. “Có lẽ đó là một sai lầm. Trước kia tôi vẫn nghĩ mình sẽ lấy bằng cấp về nhân văn. Tôi đoán cái lôi cuốn tôi là loại sự thật chứa đựng trong các định lý: vượt qua thời gian, bất tử, tự chứa đựng, nhưng lại tuyệt đối dân chủ. Còn ông sao lại chọn toán học?”

“Vì nó không làm gì hại ai,” Seldom đáp. “Bởi vì đó là một thế giới không liên quan gì đến thực tế. Anh biết không, nhiều sự kinh khủng đã xảy ra cho tôi khi tôi còn rất trẻ, và đã đến với tôi suốt cuộc đời, như thể đấy là những báo hiệu. Tuy chúng đến thất thường, nhưng vẫn quá đều đặn và với tôi, quá kinh khủng không bỏ qua được.”

“Báo hiệu như thế nào?”

“Hãy nói thế này.. Tôi để ý một loạt những biến cố dấy lên vì bất cứ hành động nhỏ nào của tôi ở thế giới bên ngoài. Chúng có thể chỉ là những trùng hợp - những trùng hợp không may, thế thôi - nhưng chúng có sức tàn phá lớn đến nỗi chúng gần như đẩy tôi đến chỗ bế tắc. Báo hiệu cuối cùng chính là tai nạn trong đó vợ và hai người bạn tôi đã chết. Tôi không biết làm sao có thể nói được điều này một cách không khôi hài, nhưng, từ rất sớm, tôi đã nhận thấy những ức thuyết tôi đưa ra về thế giới thật luôn luôn xảy ra, nhưng theo những ngả đường kỳ quặc, và bằng những cách khủng khiếp nhất, như thể tôi đang bị cảnh cáo rằng mình nên tránh xa khỏi thế giới con người. Giữa tuổi mới lớn tôi đã từng hoảng sợ đến tột cùng. Lúc đó tôi mới phát hiện ra toán học. Lần đầu trong cuộc đời tôi cảm thấy mình đang có chỗ đặt chân an toàn. Lần đầu tiên tôi có thể theo đuổi một ức thuyết một cách kiên quyết hết mức mình muốn, và mỗi khi tôi lau tấm bảng đen, hay gạch bỏ một trang giấy sau khi đã phạm sai lầm, tôi lại có thể bắt đầu lại hoàn toàn, không có những hậu quả không lường trước. Giữa toán học và tội phạm học có một sự tương đồng: như thanh tra Petersen nói, chúng ta đều ước đoán. Nhưng khi anh định đưa ra một giả thuyết về thế giới thật, anh không tránh khỏi bày ra một yếu tố của hành động không thể đảo ngược lại, và luôn luôn có hậu quả. Khi anh nhìn vào một hướng, anh không nhìn các hướng khác. Khi anh theo đuổi một lối đi, anh đi trong bối cảnh thời gian thật, và có thể đã quá muộn để thử thêm một lối khác. Cái tôi sợ nhất không phải là sai lầm như tôi nói với thanh tra Petersen, mà là điều đã xảy ra suốt cuộc đời tôi: những cái tôi nghĩ đến luôn luôn xảy ra theo cách thức khủng khiếp nhất.”

“Nhưng không nói gì cả, từ chối không tiết lộ cái ký hiệu, tự thân việc đó lại không phải, bằng cách tránh né, cũng là một thứ hành động có thể có hậu quả không tính toán được?”

“Có lẽ thế, nhưng vào lúc này, tôi thà chấp nhận nguy cơ đấy. Tôi không hăm hở như anh trong trò chơi thám tử. Và nếu toán học dân chủ thật, ký hiệu kế tiếp của liên chuỗi đã phải rõ ràng với mọi người. Anh, cả Petersen nữa, các anh đều có những yếu tố cần thiết để tìm thấy nó.”

“Không, không,” tôi phản đối. “Ý tôi là trong toán học có một khoảnh khắc dân chủ, khi chứng minh được viết xuống từng dòng một. Ai cũng có thể đi theo lối mòn một khi nó đã được vạch ra. Nhưng dĩ nhiên phải có một khoảnh khắc sớm hơn của sự soi sáng, hay như ông nói, bước nhảy của con mã. Chỉ có số ít người, có khi một người trong suốt bao nhiêu thế kỷ, nhìn ra được bước đầu đúng đắn từ trong bóng tối.”

“Anh nói rất hay,” Seldom đáp. ““Một người trong suốt nhiều thế kỷ”, nghe kịch tính lắm. Dù sao thì cái ký hiệu tôi đang nghĩ trong đầu này rất đơn giản. Nó thực sự không đòi hỏi kiến thức toán học gì. Nhưng thành lập mối quan hệ giữa các ký hiệu và các vụ án mạng thì khó khăn hơn. Có được một phác họa tâm lý không phải một ý kiến dở. Thôi,” ông nói,” liếc vào đồng hồ, “tôi phải trở vào trong Viện rồi.”

Tôi nói rằng mình muốn tiếp tục đi bộ thêm một lát, và ông đưa cho tôi tấm danh thiếp Petersen đã trao cho ông.

“Đây là địa chỉ đồn cảnh sát. Nó đối diện với cửa hiệu tên làAliceở Xứ thần tiên. Chúng ta có thể gặp nhau ở đấy lúc sáu giờ, nếu tiện cho anh.”

Tôi tiếp tục con đường và dừng lại dưới một bóng cây để quan sát trò chơi bí hiểm không sao hiểu nổi là cricket. Trong vài phút tôi tưởng mình đang coi các bước chuẩn bị trước trận đấu, hay một loạt những ý định khai cuộc không thành công. Nhưng rồi tôi nghe tiếng vỗ tay nhiệt tình của vài phụ nữ đội mũ lớn ngồi uống rượu pha ở cuối sân. Rõ ràng là tôi vừa bị lỡ một pha tuyệt vời. Có thể ngay lúc đó cuộc chơi đã vào giây phút quyết định, nhưng tôi chỉ thấy duy nhất một sự thiếu hành động đến phát nản.

Tôi băng qua một cây cầu nhỏ - phía bên kia, công viên bớt phẳng phiu gọn ghẽ hơn - và đi dọc bờ sông qua những bãi cỏ đang vàng lá. Thường xuyên tôi thấy những cặp tình nhân đang chèo thuyền nhỏ giữa dòng. Có một ý nghĩ là ở đâu đó phía đấy, gần ngay trước mặt, như tiếng vo ve của một thứ côn trùng không nhìn thấy được, có một linh cảm sắp được làm sáng tỏ, và trong một lúc tôi cảm thấy giá như mình đến được đúng chỗ, có thể nhìn thấy được một bên lề và chụp lấy nó. Như khi làm toán, tôi không rõ mình có nên kiên trì và cố khơi gợi nó lên, hay bỏ quên nó đấy, cố ý quay đi và để cho nó tùy nghi tự hiện lên. Có gì đó ở trong sự yên bình của khung cảnh, tiếng mái chèo vỗ nhẹ vào nước, và nụ cười lịch sự của các sinh viên trong những chiếc thuyền đi ngang qua, đã làm loãng sự căng thẳng. Dù thế nào thì cũng không phải ở nơi này, tôi nhận ra, chìa khóa của án mạng và cái chết sẽ được tiết lộ cho tôi.

Tôi đi tắt qua đám cây về lại văn phòng. Anh bạn đồng nghiệp người Nga của tôi đã ra ngoài ăn trưa, nên tôi quyết định gọi cho Lorna. Tiếng nàng nghe rất tươi vui và phấn khởi. Có, nàng có tin tức đấy, nhưng trước hết nàng muốn nghe của tôi đã. Không, Seldom chỉ nói với nàng là một thông điệp lạ lùng đã xuất hiện, dán vào cửa sổ. Tôi kể cho nàng mình đã thấy mẩu giấy như thế nào, miêu tả ký hiệu, và nhắc lại những gì còn nhớ được từ câu chuyện với thanh tra Petersen. Lorna hỏi thêm vài câu trước khi kể cho tôi chuyện nàng biết được: thi hài Ernest Clarck không được đem về nhà xác của cảnh sát, mà thay vào đó, xét nghiệm gia của cảnh sát đã tiến hành giải phẫu tại bệnh viện, cùng với một bác sĩ ở đó. Nàng đã thu xếp dụ được vị bác sĩ kể chuyện lại trong bữa ăn trưa. “Có khó lắm không?” - Tôi hỏi, với một thoáng ghen tuông. Lorna bật cười. À, anh ta đã mời nàng ngồi chung bàn mấy lần, và lần này nàng đã nhận lời.

“Cả anh ta lẫn nhà pháp y kia đều mù tịt,” nàng nói. “Không biết ông Clarck bị tiêm cái gì, nó không để lại dấu vết gì cả - họ tuyệt đối không thấy gì hết. Anh bác sĩ nói nếu phải là mình, anh ta cũng đã ký giấy chứng tử là chết vì nguyên do tự nhiên. Có thể có một cách giải thích: có loại thuốc này khá mới, trích ra từ thứ nấm Amanita muscaria, và chưa tìm ra loại thuốc thử nào phát hiện được nó cả. Nó đã được giới thiệu hồi năm ngoái ở một hội nghị y khoa khép kín tạiBoston. Chỗ kỳ lạ - chỗ thú vị nhất đây - là các nhà giám định pháp y chưa bao giờ công bố sự tồn tại của loại thuốc này. Xem ra họ đều đã thề bồi không bao giờ tiết lộ ngay cả tên của nó. Có phải như vậy cho thấy cảnh sát nên đi tìm hung thủ giữa các giám định pháp y?”

“Hoặc giữa những cô y tá ăn trưa với họ,” tôi nói. “Cả những thư ký làm biên bản cho hội thảo, các nhà hóa học và sinh học đã nhận diện hóa chất, và luôn giới cảnh sát nữa. Họ tất nhiên đã được thông báo về sự tồn tại của loại thuốc này.”

“Ờ, dù sao đi nữa,” Lorna nói, có vẻ tự ái, “nó cũng thu hẹp cuộc tìm kiếm lại. Đấy không phải một thứ anh tìm trong tủ thuốc phòng tắm nào cũng có.”

“Đúng lắm,” tôi nói, cố xoa dịu. “Mình đi ăn tối nay được không nào?”

“Không được, tối nay em làm muộn lắm, thế còn tối mai thì sao? Sáu giờ ba mươi ở quán Đại bàng và đứa trẻ?”

Tôi nhớ đến giờ hẹn với thanh tra Petersen.

“Dời qua tám giờ được không? Anh vẫn chưa quen ăn tối sớm như vậy.”

Lorna cười.

“Được, mình có thể giữ giờ giấc gaucho[1] của anh một lần này.”

 



[1] Tiếng lóng, chỉ ngườiNam Mỹ.

Hết chương 12. Mời các bạn đón đọc chương  13!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/34657


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận