Vụ Án Trường Oxford Chương 14


Chương 14
Cuối cùng hắn giết cô ta

Chúng tôi lặng lẽ rời đồn cảnh sát và đi ngược về St Aldates, không nói một lời cho đến khi gặp tháp Carfax.

“Tôi cần mua thuốc lá,” Seldom nói, “anh muốn đi với tôi đến Chợ Mái che không?”

Tôi gật đầu và chúng tôi đi ngược xuống phố High. Tôi vẫn chưa nói câu nào từ khi rời đồn cảnh sát. Seldom mỉm cười một mình:

“Anh đang tự ái vì tôi không cho anh biết cái ký hiệu ấy là gì. Nhưng cứ tin tôi đi, tôi có lý do rất tốt.”

“Lý do khác với cái mà ông nói với tôi ở công viên hôm qua? Giờ ông đã chìa nó ra cho Petersen, tôi không thấy có hậu quả trái ngược gì nếu tôi biết được nó.”

“Sẽ có... những hậu quả khác,” Seldom đáp. “Nhưng đó không hẳn là lý do tôi không cho anh biết. Tôi không muốn những ức thuyết của tôi ảnh hưởng lên anh. Tôi làm như vậy với những nghiên cứu sinh của mình: cố không vượt qua mặt họ với lập luận riêng của tôi. Thời khắc đáng giá nhất trong quá trình tư duy của một nhà toán học là khi anh ta nảy ra linh cảm đầu tiên trong sự cô độc về một vấn đề. Dù anh có thể không tin điều này, nhưng tôi đã có lòng tin vào anh hơn vào chính tôi về chuyện tìm ra giải đáp. Anh đã có mặt ở đó lúc khởi đầu, và lúc khởi đầu, như Aristotle nói, là một nửa của mọi chuyện. Tôi nghĩ không sai là anh đã nhận thấy điều gì đó, mặc dù anh chưa biết là gì. Và trên hết mọi chuyện, anh không phải người Anh. Vụ án đầu tiên chính là ma trận. Cái vòng tròn giống hệt như con số không trong dãy số tự nhiên, một ký hiệu của sự bất định tối đa, nhưng đồng thời quyết định mọi chuyện.”

Chúng tôi vào chợ và Seldom bỏ thời gian ra chọn một loại thuốc lá trộn ở quầy bán thuốc của một người đàn bà có dáng vẻ Ấn Độ. Người đàn bà, đứng lên từ cái ghế đẩu của mình để giúp ông, mặc một chiếc áo vàng nghệ và đeo một chiếc bông tai như một vòng xoắn lủng lẳng từ tai trái bà ta. Lại gần nhìn kỹ hơn, tôi thấy đó thật ra là một con rắn. Tôi bỗng nhiên nhớ lại lời Seldom đã nói về hình ouroboros của những người Ngộ giáo, và không cưỡng nổi ý muốn hỏi bà ta về biểu tượng này.

Vỗ vỗ đầu con rắn, bà ta đáp:

“Không gì cả, và tất cả mọi thứ. Tính trống rỗng của mọi vật biệt lập, và tính toàn thể bao bọc hết thảy chúng. Khó, rất khó hiểu. Thực tại tuyệt đối, vượt qua mọi sự phủ định. Vĩnh cửu, cái không có khởi đầu và không có kết thúc. Sự luân hồi.”

Bà ta cẩn thận cân số thuốc, và trao đổi vài lời với Seldom khi thối lại tiền lẻ. Chúng tôi vạch một lối đi xuyên qua trùng trùng những quầy hàng. Ngoài hiên tòa nhà, chúng tôi gặp Beth đang đứng sau một chiếc bàn nhỏ, phân phát những tờ quảng cáo cho dàn nhạc Sheldonian. Họ sắp tổ chức một buổi hòa nhạc từ thiện, và các thành viên của dàn nhạc, cô cho chúng tôi biết, thay phiên nhau đến bán vé. Seldom cầm một tờ chương trình lên.

“Đây là một buổi hòa tấu ở tại lâu đài Bleinheim, có pháo bông giữa một bản nhạc,” ông nói. “Tôi e rằng anh không thể đi khỏiOxfordmà chưa có dịp, dù chỉ một lần, đến nghe một buổi hòa nhạc có pháo bông. Cho phép tôi mua một vé cho anh,” và ông rút túi lấy tiền mua hai vé.

Từ hôm điLondonđến giờ, tôi chưa có dịp nói chuyện với Beth. Khi cô xé vé ra và viết số ghế ngồi lên, tôi có cảm giác cô đang tránh cái nhìn của tôi. Cuộc chạm mặt này làm cô ngượng ngùng.

“Thế là cuối cùng tôi cũng được nghe cô chơi à?” tôi hỏi.

“Đây có lẽ là buổi hòa nhạc cuối cùng của tôi,” cô nói, ánh mắt đụng vào cái nhìn của Seldom trong thoáng chốc. Cô nói tiếp, như thể đây là một điều cô chưa nói với ai bao giờ và không chắc ông sẽ hài lòng: “Cuối tháng này tôi sẽ kết hôn và nghỉ một thời gian. Tôi không nghĩ mình sẽ đeo đẳng nghề chơi nhạc tiếp sau đó.”

“Đáng tiếc thật,” Seldom nói.

“Vì tôi ngừng chơi nhạc, hay vì tôi sắp kết hôn?” Beth hỏi, cười một cách không có gì vui vẻ vì câu đùa của mình.

“Cả hai!” tôi nói. Cả hai đều phá lên cười, như thể câu trả lời của tôi tự nhiên đã cất đi được một sự nặng nề. Nhìn họ cười, tôi nhớ lại lời Seldom nói về việc tôi không phải người Anh. Có một cái gì đang bị kìm nén kể cả trong cái cười tự ý này, như thể đấy là một sự vô ý ít quen thuộc, và họ đáng ra không nên đi xa đến mức đấy. Dĩ nhiên Seldom có thể phản đối rằng đừng quên ông là người Scotland, nhưng dù như vậy đi nữa, trong cử chỉ của họ, hay đúng hơn, trong sự tiết giảm cử chỉ của họ, có một không khí chung không thể chối cãi.

Chúng tôi ra đến phố Cornmarket, và tôi chỉ cho Seldom một thông báo tôi đã thấy từ trước trên những tấm bảng bên ngoài thư viện Bodleian. Nó nói về một cuộc thảo luận bàn tròn trong đó thanh tra Petersen và một cây viết trinh thám địa phương sẽ tham gia, tựa đề “Trên đời này có tội ác hoàn hảo không?” Cái tên làm Seldon khựng lại một lúc.

“Anh có nghĩ đây là một thứ mồi nhử nào đó Petersen đang giăng ra không?”

Ý nghĩ đó chưa hề đến với tôi.

“Không đâu, cáo thị này đã dán lên gần cả tháng rồi. Vả lại, tôi đoán nếu họ đang gài một cái bẫy, họ đã mời cả ông nữa.”

Tội ác hoàn hảo... Tôi đã tham khảo một cuốn sách có nhan đề y như vậy khi còn đang cố thiết lập những tương đồng giữa logic và điều tra tội phạm. Cuốn sách dẫn chứng vô số vụ án đến giờ vẫn chưa phá được. Vụ lý thú nhất, cho mục đích của tôi, là vụ án của một bác sĩ, Howard Green, người đã hệ thức hóa vấn đề một cách chính xác nhất. Y ta muốn giết vợ mình và đã viết một cuốn nhật ký dự trù sẵn, với một phong cách thực sự khoa học và chi tiết, tất cả mọi khả năng có thể xảy ra. Chuyện cũng dễ dàng thôi, hắn kết luận, nếu muốn  giết vợ hắn bằng một cách mà cảnh sát không thể gán tội cho bất cứ ai chắc chắn được. Hắn đề đạt mười bốn phương pháp khác nhau, một số trong đó cực kỳ sáng kiến. Còn nếu muốn đảm bảo chính bản thân hắn được đứng ngoài vòng hoài nghi mãi mãi thì sẽ khó khăn hơn nhiều.

“Mối nguy hiểm thực sự cho một tên tội phạm, Green tuyên bố, không phải là cuộc điều tra ngược về trước để tái hiện các biến cố - chuyện đó không thành vấn đề một khi án mạng được tính toán cẩn thận đúng mực, đảm bảo mọi vết tích đều bị xóa mờ hay tẩy sạch - mà là những cạm bẫy có thể giăng ra cho hắn ở xuôi về phía trước trong dòng thời gian. Sự thật, hắn viết bằng từ ngữ gần như của toán học, thì tuyệt đối độc nhất vô nhị; bất cứ điều gì tách rời khỏi sự thật đều luôn có nguy cơ bị phản bác. Tại mọi cuộc thẩm vấn, hắn sẽ tự biết chính mình đã làm gì, và trong mọi bằng cớ ngoại phạm hắn soạn ra đều không tránh khỏi có cái gì đó sai sự thật mà luôn có thể, với sự kiên nhẫn đúng mực, bị vạch trần. Hắn không thỏa mãn với cái nào trong số những khả năng mà hắn phân tích qua cả - tìm một người khác giết cô ta, giả như đấy là tự sát hay tai nạn, và tương tự như thế. Hắn kết luận là mình phải cung cấp cho cảnh sát một nghi phạm khác, một người rõ rệt và cận kề, để như vậy vụ án coi như đóng lại, Tội ác hoàn hảo, hắn viết, không phải một vụ mãi không phá được, mà là một vụ khi người ta kết tội sai người.”

“Cuối cùng hắn giết cô ta?”

“Ồ không, cô ta giết hắn. Một đêm cô ta tìm thấy cuốn nhật ký và họ ẩu đả kịch liệt. Cô ta tự vệ với một con dao bếp, và gây cho hắn một vết thương chí tử. Ít nhất, đó là câu chuyện cô ta kể trước tòa. Đoàn bồi thẩm, kinh hoảng vì nội dung cuốn nhật ký, và các hình chụp những vết bầm trên mặt cô ta, kết luận là cô ta đã hành động để tự vệ và phán cô ta vô tội. Thật ra, chính vì cô ta mà vụ án được bỏ vào trong sách: nhiều năm sau khi cô ta chết, một nhà nghiên cứu tự dạng học chứng minh là nét chữ trong cuốn nhật ký, dù là một sự mô phỏng gần như tuyệt hảo, thật ra không phải nét chữ bác sĩ Green. Và họ khám phá thêm một sự kiện li kỳ: người đàn ông cô ta kín đáo kết hôn sau đó không lâu là một người sao chép những minh họa và tác phẩm nghệ thuật cổ. Tôi thật muốn biết ai trong bọn họ đã sáng tác cuốn nhật ký: thật là một sự mô phỏng bậc thầy văn phong khoa học. Họ thật liều lĩnh ngoài sức tưởng tượng, vì chính cuốn nhật ký, được đọc trong phiên toà, thuật lại và tiết lộ từng dòng một chuyện họ đã làm. Nói dối bằng sự thật, với toàn bộ quân bài trên mặt bàn, cũng giống như một trò biến hóa ra đồ vật bằng tay không vậy. Nhân tiện, anh đã bao giờ nghe nói đến một ảo thuật gia người Argentina tên là René Lavand chưa? Anh mà xem ông ấy diễn trò rồi thì không bao giờ quên được.”

Tôi lắc đầu - cái tên nghe thậm chí không có chút gì mơ hồ quen thuộc.

“Không à?” Seldom hỏi, ngạc nhiên. “Anh phải đi xem mới được. Tôi biết ông ta sắp đếnOxfordrồi, chúng ta có thể cùng đi. Anh còn nhớ câu chuyện chúng ta nói ở Merton, về nguyên tắc thẩm mỹ của lập luận trong các bộ môn khác nhau? Như tôi đã nói, điều tra tội phạm là hình mẫu thứ nhất. Cái thứ hai là ảo thuật. Tôi rất mừng là anh không biết ông ấy,” ông nói với sự phấn khởi như trẻ con. “Nhờ thế tôi có cớ để đi xem lại lần nữa.”

Khi chúng tôi đến quán Đại bàng và đứa trẻ, tôi đã thấy Lorna bên trong. Nàng ngồi quay lưng lại chúng tôi, mái tóc đỏ buông ra tuôn bềnh bồng. Nàng ngồi lơ đãng lật ngược mặt một tấm lót đáy chai bia. Seldom, đã tự động lôi gói thuốc ra, dõi theo ánh mắt của tôi.

“Đi vào đi,” ông nói. “Lorna không thích chờ lâu đâu.”

Hết chương 14. Mời các bạn đón đọc chương  15!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/34662


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận