Vụ Án Trường Oxford Chương 8-9


Chương 8-9
Tôi hy vọng anh không thấy bệnh viện có vẻ đáng sợ gì lắm.

Chúng tôi đi ra theo lối xuyên qua gian triển lãm các vòm đá ở phía sau khu phân viện. Seldom chỉ cho tôi thấy sân quần vợt hoàng gia từ thế kỷ mười sáu mà Edward VII đã chơi, đối với tôi gợi nhớ một sân pelota[1]. Chúng tôi băng qua đường, rồi xuôi xuống một chỗ nhìn giống như một khe hở ở giữa hai tòa nhà, y như một thanh kiếm khổng lồ đã xẻ dọc đá từ trên xuống bằng một cú giáng thẳng tay.

“Đây là một lối tắt,” Seldom nói.

Ông đi nhanh, vượt lên trước tôi một chút vì lối đi không đủ chỗ cho cả hai người. Chúng tôi ra khỏi đấy, bắt vào một lối mòn dọc bờ sông.

“Tôi hy vọng anh không thấy bệnh viện có vẻ đáng sợ gì lắm,” ông nói. “Bệnh viện Radcliffe này cũng có khi nhìn vào thấy khá buồn nản. Tòa nhà có bảy tầng tất cả. Chắc anh cũng có nghe nói đến một nhà văn Ý, Dino Buzzati. Ông ta viết một truyện ngắn tên đúng như vậy, “Bảy tầng nhà”, dựa trên một câu chuyện xảy ra với ông khi ông đang viếng thămOxfordcho một buổi lên lớp. Ông mô tả lại toàn bộ kinh nghiệm trong một cuốn nhật ký hành trình của mình. Hôm ấy là một ngày rất nóng, và khi ra khỏi giảng đường, ông ngất đi trong chốc lát. Vì cẩn thận, những người tổ chức ép ông phải vào khám bệnh ở Radcliffe. Ông được đưa lên tầng bảy, tầng dành riêng cho những ca nhẹ và khám tổng quát. Người ta khám cho ông và thử một vài thứ, rồi cho biết mọi sự có vẻ đều ổn, nhưng họ muốn làm vài xét nghiệm đặc biệt cho bảo đảm. Do đó, họ đưa ông xuống tầng dưới, trong khi những người chủ nhà của ông đợi ở tầng trên. Ông được đẩy xuống bằng xe lăn, chuyện mà ông thấy hơi quá đáng, nhưng coi đấy như biểu hiện của sự sốt sắng quá mức của người Anh. Dọc lối đi và trong những phòng đợi của tầng sáu, ông thấy toàn những người bỏng mặt, quấn đầy băng, nằm trên xe đẩy, mù, hay ngoại hình bị biến dạng. Chính ông cũng bị bắt nằm lên xe đẩy khi đến chỗ soi X-quang. Ông vừa định ngồi dậy thì bác sĩ quang tuyến nói rằng họ khám phá ra một điểm bất thường - có lẽ không nghiêm trọng gì, nhưng tốt hơn ông cứ nằm yên đấy đến khi họ nhận được kết quả của những xét nghiệm khác. Họ cần phải quan sát tình trạng của ông trong vòng vài tiếng kế tiếp, nên ông được chuyển xuống tầng năm, nơi ông được vào nằm một phòng bệnh riêng.

“Trên tầng năm, các lối đi đều trống trải nhưng có vài cánh cửa mở hé ra. Trong một căn phòng ông thoáng thấy người nằm trên giường, tay nối với các ống dẫn. Ông bị bỏ nằm lại một mình trong phòng, trên xe đẩy, càng lúc càng lo lắng, suốt mấy tiếng đồng hồ. Cuối cùng, một y tá bước vào, tay mang một khay nhỏ có vài chiếc kéo. Cô ta đến cắt một ít tóc sau gáy ông, theo lệnh của một bác sĩ dưới tầng bốn, bác sĩ X, người sẽ khám lần cuối. Trong khi tóc ông đang rơi vào trong khay, Buzzati hỏi có phải bác sĩ sắp lên để gặp ông. Cô y tá mỉm cười, kiểu như chỉ có người ngoại quốc mới nghĩ đến một chuyện như vậy, và trả lời rằng các bác sĩ có thói quen ở yên tại tầng của họ. Nhưng cô ta sẽ đẩy ông xuống tầng dưới và để ông lại đợi bên cạnh một cửa sổ. Tòa nhà có hình chữ U và nhìn qua cửa sổ xuống dưới, Buzzati nhìn thấy những tấm mành che các khung cửa sổ tầng thứ nhất, mà ông tả lại trong truyện của mình. Vài tấm kéo lên, nhưng đa số đều hạ xuống. Ông hỏi cô y tá ai ở dưới tầng một, và cô ta cho một câu trả lời mà ông chép lại trong truyện: làm việc dưới ấy chỉ có mình vị giáo sĩ thôi. Buzzati viết rằng trong một giờ kinh khủng chờ đợi bác sĩ, ông bỗng bị ám ảnh bởi một ý nghĩ toán học. Ông nhận ra tầng bốn là điểm chính giữa của 7 và 1, và trong sự lo sợ dị đoan, ông tin chắc là nếu mình phải xuống thêm một tầng nữa, mọi chuyện thế là hết. Thảng hoặc, từ tầng bên dưới, ông nghe được tiếng kêu thảm thiết của một người đã mê loạn vì đau đớn và sầu não. Nghe y như những tiếng kêu đang lọt ra ngoài này qua buồng thang máy. Buzzati quyết định sẽ dùng mọi cách cưỡng lại nếu họ nghĩ ra thêm cớ gì để đưa ông xuống thêm một tầng nữa.

“Cuối cùng bác sĩ cũng tới. Không phải là bác sĩ X, mà là bác sĩ Y, vị tư vấn. Ông ta nói được một ít tiếng Ý, và có biết về tác phẩm của Buzzati. Ông ta nhìn sơ qua những kết quả xét nghiệm, và tỏ vẻ ngạc nhiên là người đồng nghiệp trẻ của mình, bác sĩ X, lại ra chỉ thị cắt tóc của Buzzati. Có lẽ, bác sĩ Y nói, anh ta đang trù liệu cho một lỗ khoan dự phòng. Dù sao thì chuyện ấy cũng không cần thiết nữa. Mọi sự đều ổn cả. Vị bác sĩ xin lỗi và hy vọng Buzzati không bị phiền hà quá vì người đàn ông đang rên la ở tầng ngay dưới. Tầng ba nhiều khi rất ồn ào, bác sĩ cho biết, nhiều y tá làm ở đó phải mang đồ bịt tai. Nhưng có lẽ họ sẽ đưa người khốn khổ ấy xuống tầng hai và mọi sự sẽ yên tĩnh trở lại.”

Seldom hất đầu về phía khối gạch to lớn, tối tăm giờ đã mọc lên trước mắt chúng tôi. Ông tiếp tục, như đang cố gắng kết thúc câu chuyện bằng giọng điệu trầm tĩnh, điều hòa nãy giờ: “Ghi chép trong nhật ký của Buzzati có đề ngày tháng là 27 tháng Sáu, 1967, hai ngày sau vụ đụng xe làm tôi mất vợ, vụ đụng xe khiến John và Sarah bỏ mạng. Người đàn ông trong sự đau khổ cùng cực ở tầng ba đó chính là tôi.”

 

 

Chương 9

 

Chúng tôi im lặng bước lên những bậc thềm đá trước cửa chính. Vào đến bên trong, chúng tôi băng qua một gian sảnh lớn. Seldom chào hỏi hầu hết bác sĩ và y tá chúng tôi gặp trên lối đi.

“Tôi ở trong này gần hết hai năm,” ông nói. “Và tôi còn phải trở lại đây mỗi tuần một lần suốt một năm kế tiếp. Đôi lúc tôi thức giấc giữa đêm khuya, tưởng là mình đã được đưa trở lại vào một buồng nào ở đây.” Ông chỉ một khúc quanh trên đường đi, từ đó mọc lên những bậc mòn nhẵn của một cầu thang xoáy ốc. “Mình đang đi lên tầng hai,” - ông nói. “Đi đường này nhanh hơn.”

Trên tầng hai, chúng tôi đi dọc theo một hành lang dài, sáng sủa, nơi ngự trị một sự im lặng nặng nề bị kiềm chế như trong một nhà thờ, và tiếng chân chúng tôi vang vọng một cách âm u. Sàn nhà nhìn có vẻ vừa mới đánh bóng, và sáng bừng như thể có rất ít người đi trên đấy.

“Các y tá gọi chỗ này là Bể cá, hay khu Ăn chay,” Seldom nói, đẩy cánh cửa dẫn vào một căn buồng.

Trong này có hai dãy giường, với khoảng trống hẹp ở giữa, như trong một bệnh viện dã chiến. Trên mỗi giường là một thân hình chỉ lộ ra phần đầu, nối vào một máy thở nhân tạo. Tiếng động của các máy thở hợp lại tạo thành một âm thanh ùng ục trầm, yên tĩnh, quả thật làm cho ta nghĩ đến một thế giới dưới mặt nước. Đi dọc theo lối đi giữa hai dãy giường, tôi để ý thấy bên cạnh mỗi thân hình đều treo một chiếc túi để hứng phân. Những con người giảm thiểu xuống chỉ còn bộ thất khiếu, tôi nghĩ thầm. Seldom đã nhận thấy biểu hiện của tôi.

“Một lần tôi tỉnh dậy giữa đêm,” ông thì thầm, “nghe được hai y tá đang trông coi buồng này, thì thầm về “bọn ở bẩn”, những kẻ làm túi đầy hai lần một ngày, khiến cho y tá phải thêm việc thay túi lần nữa vào buổi chiều. Tình trạng tốt xấu gì cũng vậy, “bọn ở bẩn” không ở lâu được trong buồng. Bằng cách nào không biết, điều kiện của họ luôn tệ đi, và họ phải được chuyển đi nơi khác. Hoan nghênh quý vị đến mảnh đất của Florence Nightingale[2]. Nhân viên ở đây được miễn trừ tuyệt đối không ai động đến, vì thân nhân hiếm khi theo dõi lâu đến mức đó - họ viếng thăm một hai lần lúc đầu, rồi mất dạng. Chỗ này giống như một nhà kho vậy. Tôi cố gắng đến đây mỗi buổi chiều vì không may gần đây Frank đã trở thành một “kẻ ở bẩn”, và tôi không muốn chuyện gì lạ lùng xảy ra cho ông ấy.”

Chúng tôi dừng lại cạnh một chiếc giường. Người đàn ông, hay phần còn lại của ông ta, nằm đấy là một chiếc sọ với ít tóc hoa râm thưa thớt trên hai tai và một tĩnh mạch phồng lên rất đặc dị ở thái dương. Thân hình ở dưới tấm chăn đã tàn tạ đi hết, làm chiếc giường trở thành quá khổ, và tôi ngờ như ông ta không có cả chân. Mảnh vải trắng mỏng gần như không nhúc nhích trên ngực ông ta, và mặc dù cánh mũi còn phập phồng, không thấy hơi thở nào làm mờ đi chiếc mặt nạ chất dẻo phủ trên mặt. Một cánh tay chìa ra ngoài chăn, ràng buộc bằng dây đai đồng tới một cơ phận mà đầu tiên tôi tưởng là máy đo nhịp mạch. Sau mới biết đấy là thiết bị giữ cánh tay trên một tập giấy ghi chép. Một cây bút chì được đặt một cách phải nhận là khéo léo giữa ngón cái và ngón trỏ. Nhưng bàn tay, với những móng dài, nằm rũ liệt bất động trên mặt tờ giấy trắng.

“Chắc anh có nghe nói đến ông ấy,” Seldom nói. “Tên ông ấy là Frank Kalman. Ông ấy đã mở rộng công trình của Wittgenstein về tuân thủ quy luật và các trò chơi ngôn ngữ.”

Tôi nói một cách lịch sự rằng cái tên nghe quen quen, mặc dù chỉ rất mơ hồ.

“Frank không phải là một nhà chuyên môn logic học,” Seldom nói. “Chính ra thì ông ấy không bao giờ là loại toán học gia viết các bài nghiên cứu hay tham dự hội nghị thảo luận. Không lâu sau khi ra trường, ông nhận một việc làm ở một công ty tư vấn lớn về tuyển nhân sự. Công việc của ông liên quan đến việc chuẩn bị và đánh giá trắc nghiệm cho ứng cử viên của nhiều loại việc làm. Ông được phân vào bộ phận lo về vận dụng ký hiệu và trắc nghiệm IQ. Vài năm sau, ông còn được giao phó việc soạn những bài trắc nghiệm tiêu chuẩn cho các trường cấp hai toàn nước Anh. Ông bỏ cả cuộc đời chuẩn bị những liên chuỗi logic, thuộc loại căn bản nhất, như cái tôi đã cho anh xem: cho biết ba ký hiệu đầu, xin điền vào ký hiệu thứ tư. Hay liên chuỗi số: cho các số 2, 4, 8, xin viết con số kế tiếp trong liên chuỗi. Frank làm việc rất tỉ mỉ như với một nỗi ám ảnh. Ông ấy thường kiểm lại cả núi bài làm trắc nghiệm từng cái một, và ông bắt đầu nhận ra một điều rất lạ. Ta có, dĩ nhiên, những bài làm hoàn chỉnh, mà anh có thể nói, như Frank sau này viết với sự tế nhị tuyệt vời, là câu trả lời của thí sinh hoàn toàn khớp với chờ đợi của người khảo thí. Cũng có những bài làm, loại này thuộc về đa số áp đảo, mà Frank gọi là phân bố chuẩn đường cong chuông - bài làm với một ít sai sót thuộc về dạng lỗi được dự trù. 

Nhưng lại có loại thứ ba, luôn luôn ít nhất, đã bắt Frank phải chú tâm. Đây là những bài gần như hoàn hảo, trong đó tất cả mọi câu trả lời trừ một câu đúng như mong đợi. Nhưng nó khác với những trường hợp thông thường là sai lầm trong câu này có vẻ, với cái nhìn ban đầu, hết sức vô lý, một sự tiếp nối mù quáng hay hú họa, hoàn toàn nằm ngoài tập hợp những lỗi phạm phải thường gặp. Vì tò mò, Frank nghĩ đến việc hỏi những thí sinh thuộc loại ít ỏi này lý giải câu trả lời của họ, và ở chỗ này ông ấy nhận được sự bất ngờ đầu tiên. Những câu trả lời mà ông ấy cho là sai, thật ra là một cách khác cũng có thể dùng và hoàn toàn hợp lý để tiếp tục liên chuỗi, chỉ là với một cách lý giải phức tạp hơn nhiều. Điều lạ lùng là những thí sinh này không nhìn ra được lời giải sơ đẳng của Frank, mà lại nhảy cao vượt khỏi nó, như bằng một tấm ván nhún vậy. Hình ảnh tấm ván nhún cũng là của Frank nghĩ ra: ông ấy coi ba con số hay ký hiệu viết trên tờ giấy cũng như đoạn chạy lấy đà dọc theo cầu nhảy của người nhảy cầu. Bằng cách nhìn như vậy, hình ảnh so sánh này đã cung cấp cho ông một giải thích sơ bộ: lời giải xa nhất đến một cách tự nhiên với đầu óc nào quen nhảy tiến những bước vọt hơn là cái nào ở ngay trước mũi. Nhưng dĩ nhiên, điều này đã thách đố từ tận gốc rễ những giả định đã làm nền tảng cho công việc cả đời ông.

“Frank đột nhiên thấy mình rối trí. Những lời giải cho liên chuỗi của ông hoàn toàn không phải là lời giải độc nhất; những câu trả lời lâu nay ông cho là sai có thể là cách chọn lựa khác, và một cách nào đấy, là lời giải “hợp tự nhiên”. Ông không tìm ra được cách nào để phân biệt giữa một câu trả lời hú họa, và cách nối tiếp một liên chuỗi mà một bộ óc ngoài thông lệ, và quá “cường tráng”, có thể lựa chọn. Đến giai đoạn này thì ông tìm tới gặp tôi và tôi phải báo tin buồn cho ông.”

“Nghịch lý Wittgenstein về quy tắc hữu hạn,” tôi nói.

“Chính xác. Frank đã phát hiện lại bằng thực nghiệm, bằng một thí nghiệm thực thụ, cái mà nhiều thập kỷ trước Wittgenstein đã chứng minh trên lý thuyết: sự vô phương thiết lập một quy tắc không mang hai nghĩa. Liên chuỗi 2, 4, 8 có thể viết tiếp với số 16, nhưng cũng có thể là số 10, hay 2007. Anh sẽ luôn luôn tìm thấy một quy tắc, một sự lý giải, cho phép anh dùng bất cứ con số nào làm khoản mục thứ tư. Bất cứ con số nào, bất cứ cách nối tiếp nào. Đây đúng không phải một điều thanh tra Petersen sẽ hoan hỉ mà nghe, và nó đã gần như làm Frank phát cuồng. Lúc ấy ông đã ngoài sáu mươi, nhưng ông yêu cầu tôi chỉ dẫn tư liệu, và ông đã đủ dũng cảm để tiến vào, như thể ông trở lại thời sinh viên, cái hang động bị bỏ hoang là công trình của Wittgenstein. Và anh cũng biết về chuyến du hành vào bóng tối của Wittgenstein rồi đấy. Đến một lúc, Frank có cảm giác như đang đứng bên bờ một vực thẳm. Ông phát hiện ra mình không thể tin tưởng được cả quy tắc nhân một số với hai. Nhưng ông đã nảy ra được một ý tưởng, cũng khá tương tự với ý tưởng của tôi. Frank bám víu với một đức tin gần như quá khích vào những mảnh của con tàu vỡ: các thống kê từ thí nghiệm của ông. Ông tin rằng các kết quả của Wittgenstein đều là lý thuyết, đến từ một thế giới theo ý tưởng của Platon[3], nhưng con người thật nghĩ một cách khác. Xét cho cùng, chỉ có một tỉ lệ nhỏ nghĩ đến những câu trả lời không điển hình. Ông ước đoán là, tuy trên nguyên lý mọi câu trả lời đều có khả năng như nhau, tất phải có một điều gì đó được ghi khắc vào tâm trí con người, hay trong trò chơi chấp thuận-bác bỏ khi học các ký hiệu, đã hướng dẫn đa số đến cùng một chỗ, đến câu trả lời có vẻ như giản dị nhất, rõ ràng nhất, hay thỏa mãn nhất. Ông hiển nhiên đang nghĩ, cũng như tôi, là có một loại nguyên lý thẩm mỹ vận động sẵn từ trước hết mọi sự, chỉ cho ló ra một vài câu trả lời khả dĩ để đi đến lựa chọn cuối cùng. Thế là ông quyết định vạch ra một định nghĩa trừu tượng cho cái mà ông gọi là tư duy bình thường. 

“Nhưng ông đã chọn một con đường khá lạ lùng. Ông bắt đầu đi thăm các viện tâm thần, và thử những trắc nghiệm của ông trên các bệnh nhân bị cắt bỏ một phần não bộ. Ông thu thập các mẫu chữ viết và hình vẽ của người đang ngủ. Ông tham dự các buổi thôi miên. Nhưng chủ yếu ông nghiên cứu những dạng ký hiệu mà bệnh nhân bị tổn thương não trong trạng thái gần như vô tri giác dùng khi họ muốn truyền đạt điều gì đó. Thực sự, ông muốn thử làm một việc ngay từ định nghĩa đã là không thể thực hiện: tìm hiểu cái gì sót lại của lý trí sau khi lý trí không còn đó để giám sát mọi việc. Ông cho là mình có thể phát hiện ra một vài cử chỉ hay động tác nào đó còn sót lại trong hệ thần kinh tương ứng với một vết hằn hữu cơ hay một lề lối cố hữu nào đấy được tạo ra qua quá trình học tập. Tôi cho rằng ông đã nảy ra sẵn một khuynh hướng bệnh hoạn có ảnh hưởng đến chuyện ông định làm về sau. Lúc ấy, ông vừa phát hiện ra mình mắc phải một chứng bệnh ung thư vô cùng ác tính, đầu tiên hoành hành ở chân. Các bác sĩ chỉ còn cách lần lượt cắt đi từng chi của ông mà thôi. Sau lần cắt bỏ đầu tiên, tôi đã đến thăm ông. Tâm trạng của ông có vẻ khá lạc quan, xét theo tình huống lúc đó. Ông cho tôi xem một cuốn sách mà bác sĩ đã đưa cho, trong có hình những hộp sọ bị hủy hoại một phần vì tai nạn, ý định tự tử, hay bị đập vỡ bằng gậy. Họ làm cả một nhận định toàn diện về những hậu quả và liên đới nảy ra từ các dạng tổn hại não. Vẻ bí ẩn, ông chỉ cho tôi một trang trong đấy có hình bán cầu não trái, đỉnh thùy não bị tiêu hủy một phần vì một viên đạn. Ông bảo tôi đọc những gì được ghi dưới bức hình. Người này, sau khi tự tử hụt, đã rơi vào một cơn hôn mê gần như hoàn toàn, nhưng nhiều tháng liền người ta thấy tay phải ông ta tiếp tục vẽ ra những ký hiệu kỳ lạ. Frank giải thích rằng trong những chuyến đi thăm các bệnh viện, ông đã tìm thấy một sự liên hệ chặt chẽ giữa những dạng ký hiệu mình đang thu thập, và nghề nghiệp của người bệnh nhân hôn mê ngoài đời.

“Frankie có tính rụt rè quá mức, và đây là lần đầu tiên ông bộc lộ một điều có tính cách cá nhân: ông nói rằng mình hối tiếc vì đã không bao giờ kết hôn, và, với một nụ cười buồn, ông nói suốt đời mình đã không làm được gì nhiều, nhưng bốn mươi năm liền ông đã phác họa và vận dụng các ký hiệu logic. Ông xác quyết rằng mình không bao giờ tìm được một đối tượng tốt hơn chính bản thân cho cuộc thí nghiệm. Ông có niềm tin sẽ có cách nào đấy đọc được những lớp tàn tích hay hạ tầng của lý trí được mã hóa mà ông đang tìm kiếm trong những ký hiệu chính tay ông sẽ vẽ. Trong trường hợp nào thì ông cũng không muốn còn ở đó nhìn thấy người ta cắt đi chân bên kia. Nhưng vẫn còn một vấn đề ông phải giải quyết, đó là làm sao bảo đảm viên đạn không tạo ra quá nhiều tổn hại, và mảnh đạn không đụng vào những tuyến thần kinh tác động đến chức năng cử động. Sau bao năm quen biết, tôi đã cảm thấy khá quý mến ông, nên đã nói với ông là mình không có lòng dạ nào giúp ông trong kế hoạch này cả, thế là ông chỉ yêu cầu tôi có mặt ở đó để đọc các ký hiệu, trong trường hợp ông thành công.”

Chúng tôi bất thần nhận ra bàn tay lên gân một cách đột ngột, nắm lấy cây bút chì, như đang bị dòng điện chạy qua. Với sự cuốn hút lẫn kinh hoàng, tôi nhìn cây bút chì chạy chậm chạp và vụng về qua mặt giấy, nhưng Seldom không tỏ ra chú ý gì mấy.

“Khoảng giờ này là ông ấy bắt đầu viết,” ông nói, không buồn hạ giọng xuống, “và tiếp tục suốt đêm. Thế đấy, Frankie rất đỗi thông minh, ông ấy đã tìm ra giải pháp. Một khẩu súng thường, kể cả súng nòng nhỏ, tạo ra một nguy cơ sai lệch rất lớn, vì các mảnh đạn có thể văng ra. Ông cần cái gì có thể xuyên qua sọ và chọc vào não gọn ghẽ, như một mũi lao nhỏ. Lúc bấy giờ, gian này của bệnh viện đang được sửa chữa, và ông tìm thấy ý tưởng từ một người thợ trò chuyện với mình về các dụng cụ. Cuối cùng, ông đã dùng một khẩu súng phóng đinh.”

Tôi cúi người về phía trước để cố đọc những dấu vạch rối loạn hiện ra trên mặt giấy.

“Đến gần đây thì chữ viết của ông còn rất rõ ràng, nhưng càng ngày nó càng khó đọc.” Seldom nói. “Thực sự thì ông chỉ viết đi viết lại có bốn chữ cái mà thôi. Bốn chữ cái của một cái tên. Mấy năm trời Frankie không hề vẽ một ký hiệu hay chữ số nào. Ông ấy chỉ vẽ, không ngừng nghỉ, cái tên của một người phụ nữ.”



[1] Trò chơi bóng của Tây Ban Nha.

[2] Tên người sáng lập nghề y tá hiện đại.

[3] Thế giới có trật tự toàn chỉnh, là hình ảnh biểu hiện những quy luật hợp lý chặt chẽ.

Hết chương 9. Mời các bạn đón đọc chương  10!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/34648


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận