Khoản 2 Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trường hợp trong giấy chứng nhận quyền tài sản chỉ ghi tên một vợ hoặc một chồng, đặc biệt là những tài sản như ô tô, xe máy... Từ thực tiễn này và để bảo vệ quyền lợi chính đáng của các bên, trong Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã quy định: trong trường hợp tài sản do vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ ghi tên của vợ hoặc chồng, nếu không có tranh chấp thì đó là tài sản chung của vợ chồng.
Từ hướng dẫn trên của Hội đồng thẩm phán, hiện nay khi làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển dịch quyền sử dụng đất mà trên giấy chứng nhận chỉ ghi tên một người thì các tổ chức công chứng vẫn yêu cầu phải có cả vợ hoặc chồng cùng ký vào hợp đồng. Nhưng hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán cũng như cách làm của tổ chức công chứng mới chỉ góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người vợ hoặc người chồng - người không đứng tên trên giấy chứng nhận. Để đảm bảo triệt để quyền lợi hợp pháp của họ cũng như đảm bảo tinh thần chung của chế định tài sản chung vợ chồng trong luật hôn nhân và gia đình thì ngay từ khi tài sản được hình thành và đăng ký thì quyền lợi của cả người vợ và người chồng đều phải được ghi nhận, tức là phải ghi tên cả vợ và chồng vào giấy chứng nhận đó. Những địa bàn như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Vĩnh Phúc, và một số quận của thành phố Hà Nội… đã và đang thực hiện yêu cầu này.
Từ những quy định và thực tiễn nêu trên, yêu cầu của công chứng viên là phù hợp với quy định của pháp luật. Nhưng chỉ là phù hợp trong trường hợp quyền sử dụng đất mà bạn sẽ mua là tài sản chung của vợ chồng bạn. Nếu bạn dùng tiền riêng để mua và không hề muốn nhập vào tài sản chung vợ chồng thì công chứng viên không thể bắt buộc phải có vợ bạn ký vào hợp đồng đó được và bạn đương nhiên có quyền yêu cầu được một mình đứng tên bên nhận chuyển nhượng trong hợp đồng. Như vậy sẽ có hai trường hợp:
- Nếu là tài sản chung vợ chồng: Cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của hai vợ chồng bạn thì khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cả hai vợ chồng nên cùng lập và ký hợp đồng. Tuy nhiên, nếu vợ bạn bận công việc không thể đến được văn phòng để ký hợp đồng thì bạn có thể lựa chọn các phương án như:
+ Yêu cầu công chứng viên thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Công chứng (nếu có lý do chính đáng).
+ Bạn có thể một mình ký hợp đồng nhận chuyển nhượng nhưng trong hợp đồng sẽ ghi rõ: “Ông… (bạn) có vợ là bà.. theo Giấy chứng nhận kết hôn…”. Như vậy thì khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất sẽ ghi tên cả hai vợ chồng bạn vào giấy chứng nhận. Đây là phương án được nhiều tổ chức công chứng lựa chọn hiện nay.
- Nếu tài sản đó là do bạn dùng tiền riêng để mua và bạn không muốn nhập vào tài sản chung của vợ chồng thì vợ bạn có thể làm cam kết tài sản riêng của bạn. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng, bạn sẽ tự mình ký mà không cần có vợ.
Bạn có thể căn cứ tình hình thực tế của gia đình bạn để lựa chọn các giải pháp nêu trên.
Các văn bản liên quan:
Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP Của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình