Hỏi đáp: Hậu quả pháp lý của hợp đồng vay thế chấp tài sản không qua công chứng

Hậu quả pháp lý của hợp đồng vay thế chấp tài sản không qua công chứng

Câu hỏi

Cách đây 1 năm, tôi có nhu cầu tài chính nên đã vay tiền tại Ngân hàng do anh họ tôi làm Giám đốc. Tài sản thế chấp là sổ đỏ của gia đình do bố mẹ tôi ủy quyền. Anh họ tôi có đặt vấn đề cần vay giúp anh thêm một số tiền 500 triệu. Tôi đã đồng ý và làm hợp đồng riêng để vay giúp anh tôi khoản tiền trên. Trong quá trình phía Ngân hàng đi làm thủ tục công chứng sổ đỏ là tài sản thế chấp, do sổ đỏ của gia đình tôi thiếu một số giấy tờ kèm theo nên không thể làm thủ tục công chứng được. Tuy nhiên bản thân tôi lại không biết điều này, vì anh họ tôi không cho biết mà vẫn ký hợp đồng cho tôi vay và nhận tiền (hiện tôi vẫn còn giữ giấy tờ nhận tiền của anh tôi).  Sau đó, phía cán bộ tín dụng ngân hàng có thông tin cho bố mẹ tôi biết việc không thực hiện công chứng sổ đỏ được, nên yêu cầu anh rể tôi trả lại sổ đỏ cho gia đình và sớm trả ngay khoản vay 500 triệu nói trên. Anh rể tôi đã mượn lại sổ đỏ để trả cho bố mẹ tôi, tuy nhiên khoản vay trên vẫn không trả cho ngân hàng. Trong thời gian vừa qua, do làm ăn thua lỗ cũng như có một số sai phạm trong công tác quản lý tín dụng, anh rể tôi đã bị cất chức và hiện không có khả năng trả khoản nợ nói trên. Sau đó, tôi được phía Ngân hàng thông báo hiện các khoản vay của tôi (gồm cả khoản vay giúp anh họ tôi) chưa có tài sản đảm bảo. Tôi xin tư vấn giúp nội dung sau: 1. Hợp đồng tín dụng đã ký giữa tôi và ngân hàng, tuy nhiên tài sản thế chấp không qua công chứng có hợp pháp hay không? 2. Trong trường hợp anh tôi không có khả năng trả nợ (tôi ký hợp đồng, anh tôi vay lại), và tôi cũng không có khả năng với khản vay của anh tôi. Thì hướng xử lý như thế nào? Liệu tài sản thế chấp chưa qua công chứng, sổ đỏ trả lại gia đình tôi rồi thì có bị thu hồi cho Ngân hàng hay không? 3. Trách nhiệm của các bên  như thế nào? (gồm trách nhiệm Ngân hàng, trách nhiệm Giám đốc ngân hàng, trách nhiệm của tôi là bên vay?) xin trân trọng cám ơn sự tư vấn của quý vị.
Khánh
Pháp luật

Trả lời

Bạn thân mến, câu hỏi của bạn phức tạp và có rất nhiều nội dung, tuy nhiên, tôi xin được trả lời bạn ngắn gọn như sau:

Căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự về vấn đề hợp đồng và trách nhiệm giữa các bên:

Thứ nhất, về vấn đề bạn hỏi “Hợp đồng tín dụng đã ký giữa tôi và ngân hàng, tuy nhiên tài sản thế chấp không qua công chứng có hợp pháp hay không?”. Giao dịch này được thực hiện giữa bạn và ngân hàng, trong đó, đại diện cho ngân hàng là anh họ bạn. Việc tài sản thế chấp là ngôi nhà không đủ điều kiện nhưng anh bạn do muốn nhờ bạn vay 500 triệu nên vẫn ký và giải ngân tiền, do đó, ở đây anh họ bạn đã có hành vi lừa dối. Căn cứ theo quy định tại Điều 132 Bộ luật Dân sự 2005 thì giao dịch giữa bạn và ngân hàng (vì dù là anh họ bạn nhưng trong quan hệ này anh ấy đang đại diện cho phía ngân hàng) sẽ được Tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của bạn. Cụ thể:

Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa 

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Pháp luật quy định thời hiệu cho bạn yêu cầu Tòa án tuyến bố giao dịch này là vô hiệu trong vòng 2 năm kể từ thời điểm xác lập giao dịch (Điều 136 Bộ luật Dân sự 2005). Trong trường hợp giao dịch bị tuyên bố vô hiệu, khoản 2 Điều 137 Bộ luật Dân sự quy định: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận ». Có nghĩa là bên ngân hàng hoàn trả giấy tờ sổ đỏ cho bạn và bạn phải hoàn trả số tiền đã nhận của ngân hàng cho bên ngân hàng.

Ở đây, bạn có nói đến vấn đề cán bộ tín dụng ngân hàng đã thông báo về việc sổ đỏ của gia đình bạn không thể làm tài sản thế chấp và yêu cầu trả sổ đỏ cho gia đình bạn cũng như gia đình bạn hoàn trả số tiền đã nhận lại cho ngân hàng. Như vậy, có nghĩa là về phía ngân hàng đã có thông báo cho bạn về việc giao dịch không thành công và đã trả sổ đỏ lại cho gia đình bạn, nhưng bạn vẫn cố tình không trả số tiền đó lại cho ngân hàng là vi phạm quy định pháp luật dân sự và bạn cần nhanh chóng hoàn trả số tiền đó cho ngân hàng để tránh bị khởi kiện.

Thứ hai, vấn đề bạn hỏi,  trong trường hợp anh tôi không có khả năng trả nợ (tôi ký hợp đồng, anh tôi vay lại), và tôi cũng không có khả năng với khoản vay của anh tôi. Thì hướng xử lý như thế nào ? Liệu tài sản thế chấp chưa qua công chứng, sổ đỏ trả lại gia đình tôi rồi thì có bị thu hồi cho Ngân hàng hay không? Trách nhiệm của các bên  như thế nào? (gồm trách nhiệm Ngân hàng, trách nhiệm Giám đốc ngân hàng, trách nhiệm của tôi là bên vay?)

Ở đây, tôi xin phân tích vấn đề cho bạn hiểu, mối quan hệ giữa các bên ở đây bao gồm bạn, anh bạn và ngân hàng. Bạn vay tiền của ngân hàng, anh họ bạn vay tiền của bạn, anh bạn là cán bộ của ngân hàng đã làm sai quy trình tín dụng. Vậy ở đây, nghĩa vụ trả nợ ngân hàng (bao gồm cả khoản vay nợ 500 triệu của anh bạn) là của bạn. Anh bạn có nghĩa vụ trả nợ cho bạn 500 triệu. Và anh bạn cũng phải chịu trách nhiệm trước ngân hàng về việc làm sai quy trình tín dụng bằng việc buộc phải thu hồi tiền, tức thu lại số tiền từ bạn. Trong trường hợp bạn không có khả năng để trả các khoản nợ, ngân hàng sẽ khởi kiện yêu cầu bạn trả toàn bộ số nợ đó và sẽ có biện pháp xử lý tài sản thuộc quyền sở hữu của bạn như kê khai, bán đấu giá để thu hồi nợ.

Còn về phần số tiền 500 triệu anh họ bạn vay bạn, đó là khoản vay cá nhân, bạn và anh họ bạn có thể tự thỏa thuận về phương thức trả và thời gian trả, trong trường hợp xấu, bạn có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tòa án can thiệp và có biện pháp thi hành án để thu hồi tài sản cho bạn.

Về vấn đề sổ đỏ, như trên tôi đã nói, giao dịch ở đây không có hiệu lực pháp lý, nên ngân hàng không thể thu hồi sổ đỏ của bố mẹ bạn. Các biện pháp kê khai, bán đấu giá để thu hồi nợ của bạn chỉ nằm trong phạm vi các tài sản mà bạn sở hữu (ví dụ : tiền, nhà đất đứng tên bạn, xe, nguồn thu nhập...).

Như vậy, tổng kết lại, trong trường hợp này trách nhiệm của các bên như sau:

- Bạn có nghĩa vụ trả tiền cho ngân hàng (bao gồm cả 500 triệu bạn vay hộ anh họ bạn).

- Anh bạn có nghĩa vụ trả cho bạn 500 triệu mà anh ấy đã nhận.

- Anh họ bạn có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thực tế cho ngân hàng trong vấn đề thu lại số tiền của bạn (nếu ngân hàng đã dùng biện pháp kê khai tài sản và bán đấu giá tài sản của bạn nhưng không thu lại đủ số tiền đã chuyển cho bạn).

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Chuyên viên pháp lý - Cục trợ giúp pháp lý
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=14121


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận