Hỏi đáp: Kính thưa bác sĩ, năm nay em 28 tuổi, mang thai lần đầu, siêu âm thai ở tuần 18, bác sĩ cho kết quả là: Nhau bám mép, vị trí: nhau bá...
Kính thưa bác sĩ, năm nay em 28 tuổi, mang thai lần đầu, siêu âm thai ở tuần 18, bác sĩ cho kết quả là: Nhau bám mép, vị trí: nhau bá...
Câu hỏi
Kính thưa bác sĩ, năm nay em 28 tuổi, mang thai lần đầu, siêu âm thai ở tuần 18, bác sĩ cho kết quả là: Nhau bám mép, vị trí: nhau bám mặt sau thân tử cung, mép dưới bánh nhau bám sát lỗ trong cổ tử cung. Xin bác sĩ giải thích giùm em, hiện tượng này cần chú ý những vấn đề gì, có nguy hiểm cho mẹ và bé hay không, em đi dạy, phải leo cầu thang khá nhiều. rất mong bác sĩ tư vấn. xin cảm ơn.
Bánh nhau thông thường nằm ở phía trên phần thân tử cung (đáy tử cung). Khi bánh nhau nằm ở phần eo thì gọi là nhau bám thấp. Khi bánh nhau chiếm một phần hay toàn bộ cổ tử cung thì gọi là nhau tiền đạo, tức là nhau nằm trước thai, trên đường thai sẽ thoát ra ngoài khi sanh. Cổ tử cung được đóng lại suốt thai kỳ, sẽ bắt đầu mở ra khi vào chuyển dạ và mở tối đa để thai có thể thoát ra ngoài. Như vậy, khi có nhau tiền đạo, lúc cổ tử cung mở cũng là lúc bánh nhau bị lộ ra ngoài và sẽ có chảy máu ồ ạt trước khi thai thoát ra ngoài. Tình trạng chảy máu có thể làm ảnh hưởng đến cả sức khỏe mẹ và con, thường phải mổ cấp cứu để cứu mẹ và con. Do đó, tại bệnh viện, những bệnh nhân có nhau tiền đạo thường phải được theo dõi đặc biệt sát sao, được hẹn nhập viện sớm trước khi có cơn đau chuyển dạ. Trong những tháng giữa của thai kỳ, bánh nhau có thể bám thấp phía dưới; nhưng sau đó, cùng với sự phát triển của thai và của tử cung, vị trí bánh nhau có thể thay đổi. Trong trường hợp của bạn, không nên quá lo lắng, bạn nên theo dõi qua siêu âm thêm vài lần nữa để xem vị trí bánh nhau có thay đổi hay không. Cẩn thận hơn, bạn nên đi khám ngay mỗi khi có cơn đau bụng hay có tình trạng xuất huyết dù rất ít. Việc khám thai định kỳ cần thực hiện đầy đủ, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, tránh quan hệ và vận động nhẹ nhàng.