Theo như anh trình bày thì năm 1984, gia đình anh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao 250 m2 đất để làm nhà ở. Đến năm 1992, gia đình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có xác nhận quyền sử dụng 200 m2 đất ở - thời hạn sử dụng lâu dài và 50 m2 đất trồng cây lâu năm, thời hạn sử dụng là 50 năm. Như vậy có thể thấy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp Giấy chứng nhận theo quyết định giao đất năm 1984. Do đó, việc cấp Giấy chứng nhận như trên là có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật.
Về phần đất còn lại chưa được cấp Giấy chứng nhận, vì có nguồn gốc do gia đình tự đổi lấy đất ruộng của hộ liền kề từ năm 1984 nên phần diện tích đất này không được xác nhận quyền sử dụng chung với diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận. Vì vậy, việc gia đình anh yêu cầu đính chính Giấy chứng nhận theo hiện trạng sử dụng là không phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên phần diện tích ngoài Giấy chứng nhận đã được gia đình sử dụng ổn định từ năm 1984 đến nay, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì có thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 4 điều 50 Luật Đất đai: "Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất."
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật Đất đai, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp gia đình anh là UBND cấp huyện nơi có đất.
Như vậy, gia đình anh có thể liên hệ UBND cấp huyện để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất còn lại.
Theo quy định tại các điều 11, điều 12, điều 14 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính Phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp gia đình anh được thực hiện như sau:
1. Nơi nộp hồ sơ và trao giấy chứng nhận: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân xã, thị trấn nơi có đất. Trong thời gian không quá hai mươi (20) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn có trách nhiệm thực hiện các công việc theo quy định tại các Điều 14, 15, 16 và 17 của Nghị định 88/2009/NĐ-CP và chuyển hồ sơ cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Ủy ban nhân dân xã, thị trấn khi nhận hồ sơ có trách nhiệm viết giấy biên nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ, trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc phải kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ biết nếu cần phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
2. Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận lần đầu:
Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Không quá 50 ngày làm việc không kể thời gian công khai kết quả thẩm tra, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính, thời gian trích đo địa chính thửa đất.
3. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận:
Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ gồm có:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
- Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có);
- Bản sao các giấy tờ về nhân thân cá nhân, hộ gia đình người sử dụng đất;
- Các giấy tờ khác pháp luật quy định đối với từng trường hợp.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 88/2009/NĐ-CP Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
Luật 13/2003/QH11 Đất đai