Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (người được giám hộ) (theo Điều 58 Bộ luật Dân sự). Người được giám hộ bao gồm:
- Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu. Người chưa đủ mười lăm tuổi được quy định trong trường hợp này phải có người giám hộ.
- Người mất năng lực hành vi dân sự: Người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình phải có người giám hộ.
Trường hợp bạn hỏi liên quan đến thủ tục cử người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Để giải đáp thắc mắc của mình bạn có thể tìm hiểu về thủ tục giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
- Trước hết phải yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự.
Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định (Điều 22 Bộ luật Dân sự).
Thủ tục tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự tiến hành theo trình tự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự. Khi gửi đơn yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, người gửi đơn phải gửi kèm theo đơn là kết luận của cơ quan chuyên môn và các chứng cứ khác để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (Điều 319 Bộ luật Tố tụng dân sự).
- Sau khi Tòa án ra Quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì người được tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự sẽ được giám hộ. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên được quy định tại Điều 62 Bộ luật Dân sự:
+ Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
+ Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.
+ Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định nêu trên thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (Điều 63 Bộ luật Dân sự). Thủ tục cử người giám hộ thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 64 Bộ luật Dân sự:
+ Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.
+ Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.
Căn cứ vào các quy định nêu trên: Để cử người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự thì cần phải có Quyết định của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự; và để yêu cầu Tòa án ra Quyết định này thì đương nhiên phải có chứng cứ để chứng minh người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, như: kết luận của cơ quan chuyên môn hoặc các chứng cứ khác để chứng minh.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự