Chào bạn,
Rối loạn lo âu có nhiều có nhiều thể bệnh,
- Rối loạn lo âu lan tỏa: những lo lắng, sợ hãi luôn luôn thường trực làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của bạn hoặc bạn có những lo lắng là có một điều gì không tốt với bạn đang chuẩn bị xảy đến. Những bệnh nhân lo âu lan tỏa thường cảm thấy lúc nào cũng lo lắng, mặc dầu họ không biết tại sao và thường có biểu hiện kèm theo như mất ngủ, nóng rát dạ dày, bồn chồn bất an, mệt mỏi...
- Rối loạn hoảng sợ: được đặc trưng bởi những cơn hoảng hốt sợ hãi, tim đập nhanh, thở nhanh, nông, run rẩy chân tay, cảm giác buồn nôn, cảm thấy như mất sự kiểm soát hoặc cảm giác như mình bị điên. Bệnh nhân thường kèm theo tình trạng sợ đám đông hoặc sợ khoảng trống, tránh đến những nơi công cộng như siêu thị, đi máy bay…
- Sợ đặc hiệu: là một sự sợ hãi không có thật hoặc một sự sợ hãi quá mức một đồ vật, một hành động hoặc một tình huống thực sự không nguy hiểm. Sợ đặc hiệu phổ biến là sợ động vật. Ví dụ như sợ rắn hoặc nhện, sợ độ cao hoặc sợ đi máy bay. Trong những trường hợp nặng, bệnh có thể kéo dài và người bệnh thường tránh những tình huống gây sợ này. Điều này làm cho bệnh nặng thêm.
- Rối loạn stress sau sang chấn: là một sự lo lắng xảy ra sau khi gặp phải một sự kiện gây shock hoặc sự kiện gây đe dọa cuộc sống của bạn với những biểu hiện hồi tưởng hoặc ác mộng về những việc xảy ra, tăng sự cảnh giác, hay hoảng hốt, thu rút quan hệ với người khác, tránh những tình huống gợi lại sang chấn.
- Rối loạn lo âu sợ xã hội: bạn có sự sợ hãi là người khác đánh giá không tốt về bạn ở những nơi công cộng, nói một cách dễ hiểu hơn là bạn quá mất tự tin, ngượng ngùng khi ra trước đám đông. Trong những trường hợp nặng người bệnh thường tránh hết mọi giao tiếp xã hội.
- Rối loạn ám ảnh cưỡng bức: được đặc trưng bởi những ý nghĩ hoặc những hành vi không mong muốn nhưng không thể kiểm soát hoặc không thể không thực hiện được, ví dụ như bạn rất sợ tay bẩn và có thể mất hàng tiếng đồng hồ để rửa tay, bạn luôn sợ rằng mình quên không khóa cửa và phải kiểm tra nhiều lần…
Để làm giảm lo âu, bạn hãy thực hiện những điều sau: Dành thời gian hàng ngày để thư giãn và tạo sự hài hước, vui vẻ; Tìm cho mình sự chia sẻ về cảm xúc; Chăm sóc cơ thể về chế độ ăn, ngủ; Giảm bớt áp lực công việc; Tìm sự giúp đỡ của mọi người trong gia đình, cơ quan; Tìm cách đưa sự mất cân bằng trong cuộc sống của mình trở về trạng thái bình thường, có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống.
Bạn có thể đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn điều trị tình trạng lo âu bằng các liệu pháp tâm lý như nhận thức hành vi, liệu pháp tránh phơi nhiễm hoặc được chỉ định những thuốc giải lo âu. Chúc bạn sức khỏe!