Câu chuyện của Ảo ảnh tuổi học trò là một câu chuyện rất phổ biến. Ai qua thời mới lớn mà không từng rơi vào tình trạng không trọng lượng của tâm hồn, không từng tự vấn về sự xuất hiện của mình trên cõi đời này: ta là ai, ta phải làm gì? Nhưng cách tiếp cận thẳng thắn đến chua chát của Sacha Sperling khiến người đọc phải choáng váng. Không ít lần, độc giả sẽ thấy xót xa cho cậu bé Sacha trong truyện, khi nó tìm mọi cách để được chú ý, được quan tâm, khi nó lấy kéo cứa mạnh vào cổ tay chỉ để chứng thực rằng mình còn đang sống, còn khả năng cảm nhận. Những lúc ấy, mọi hành động mất kiểm soát hay tự huỷ hoại của nó tỏ ra đáng thương hơn đáng giận rất nhiều. Không hẳn phức tạp về tình tiết, nhưng câu chuyện khá gây sốc và giàu xúc cảm bởi giải phẫu được nhiều vấn đề hết sức thiết thân với cuộc đời như dục vọng, tình yêu, sống chết, sự trưởng thành... đồng thời éo le đến độ người ta phải bứt rứt phỏng đoán xem nhân vật sẽ thu dọn vai diễn của mình như thế nào. Nói cách khác, Ảo ảnh tuổi học trò là một tác phẩm chân thành, có khả năng gây xúc động đến tận tâm can, phải chăng vì được viết ra bởi trải nghiệm thực tế hoàn toàn tươi mới của một người vừa chạm ngưỡng thành niên? Ảo ảnh tuổi học trò xuất bản lần đầu tại Pháp năm 2009, cũng là năm Sacha Sperling bước sang tuổi 19. Tuổi trẻ cũng giống như cát trong lòng bàn tay, không ai nắm được lâu. Quan trọng là chúng ta sẽ làm gì với từng hạt trước khi nó bay đi mãi mãi?