Cách đây 30 năm, Trung Quốc bước vào con đường cải cách và mở cửa ra thế giới dưới sự chỉ đạo của tổng công trình sư Đặng Tiểu Bình. Sự phát triển và quá trình mở cửa của Phố Đông, Thượng Hải là một trong những thành tựu vĩ đại theo lý luận của Đặng Tiểu Bình về việc xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với đặc điểm Trung Quốc. Cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đã từng miêu tả Phố Đông là "biểu tượng của quá trình cải cách và mở cửa Trung Quốc". Quá trình cải cách mở cửa và phát triển của Phố Đông chính là một trong những cửa sổ quan sát, là ví dụ điển hình nhất trong việc nghiên cứu nền kinh tế Trung Quốc cũng như quá trình cải cách mở cửa của đất nước này.
Cuốn sách này miêu tả một cách chân thực quá trình phát triển của Phố Đông. Đồng thời, cuốn sách cũng cho thấy những khái niệm then chốt và quan điểm cơ bản trong quá trình khám phá của những nhà lãnh đạo Thượng Hải và những người tham gia phát triển Phố Đông.
Từ giữa thập niên 1980 đến đầu thập niên 1990, Giang Trạch Dân, Bí thư Thành ủy Thượng Hải và Chu Dung Cơ, thị trưởng Thượng Hải, dẫn đầu phái đoàn đến thăm một vài quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Họ đã tham quan những khu công nghệ cao, những khu công nghiệp mới và khu thương mại tự do để học hỏi bí quyết thành công. Sau khi so sánh, phân tích và thảo luận, họ đã hình thành ý tưởng phát triển Phố Đông, trên cơ sở nắm bắt thời cơ của quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế, tận dụng lợi thế địa lý vùng đồng bằng châu thổ Sông Dương Tử và nguồn nhân lực của Thượng Hải, đồng thời từng bước một chủ động tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ của các nước phát triển. Nhờ những điều kiện thuận lợi nói trên, Trung Quốc đã biến Khu đô thị mới Phố Đông thành nơi gặp gỡ của thị trường trong và ngoài nước, nơi hội tụ những nguồn lực trong và ngoài nước. Nhờ đó mở ra con đường phát triển tươi sáng mới có thể đúc kết trong câu khẩu hiệu: "Phát triển Phố Đông, hồi sinh Thượng Hải, phục vụ đất nước và hướng ra thế giới".