Sách: Lời Tiên Tri Của Giọt Sương (Truyện tuyệt ngắn và truyện một câu)

Lời Tiên Tri Của Giọt Sương (Truyện tuyệt ngắn và truyện một câu)
63.000
Tác giả: Nhật ChiêuBìa mềm. Xuất bản tháng 04/2011. NXB Hội Nhà VănSố trang: 263. Kích thước: 11x17.5x1.3cm. Cân nặng: 160 gr
53a6e4237f8b9a77248b4578

vi
263
11x17.5x1.3cm.

Mô tả

Cho đến nay, truyện cực ngắn không còn là một khái niệm mới mẻ và gây ngạc nhiên cho các độc giả, nhưng “truyện tuyệt ngắn” và “truyện một câu” ắt hẳn sẽ mang đến cho người đọc những trải nghiệm văn chương kỳ lạ và bất ngờ. Với những độc giả yêu quý văn chương và say mê những khám phá mới về cách viết và kỹ thuật sáng tác, tập truyện Lời tiên tri của giọt sương chính là những thử thách thú vị mà nhà văn Nhật Chiêu dành cho bạn với những truyện ngắn chỉ có một câu, hay tối giản đến mức chỉ còn có một từ. Khi nắng lên, những giọt sương mỏng manh sữ nhanh chóng bốc hơi và tan biến mất song, sau khi trang sách cuối cùng được gấp lại, những câu chuyện tuyệt ngắn trong tập sách ấy vẫn còn ngưng đọng rất lâu trong suy ngẫm của độc giả. Sách được trình bày song ngữ Anh - Việt (tên khác: A dewdrop’s foretelling) chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị khi đọc sách cho các bạn.



Tóm tắt nội dung

Tập truyện Lời tiên tri của giọt sương gồm 109 truyện, chia thành 9 chùm truyện, với những tựa đề ngắn gọn nhưng chứa chất nhiều ẩn nghĩa: Nhỏ, Lạ, Đêm, Đâu, Hư, Mê, Ai, Chơi, Thời. Những truyện có thể rất ngắn tựa như một phép chơi chữ thông thường, nhưng thực chất là sự tung hứng ly kỳ của nhà văn Nhật Chiêu với cả thời gian, không gian cõi người trong trò chơi ngôn từ ảo diệu. Người đọc có thể nhận ra những hình tượng vô cùng quen thuộc như Cóc, Tấm, Bụt, như Tố Nữ hay Hạc vàng, hoặc xa hơn một chút là nàng Sita, là Vua Lear, là Don Quixote, là Gulliver, là cô bé bán diêm... Nhưng đó không phải là lối tập cổ, phóng tác đơn thuần, mà những câu chuyện trong Lời tiên tri của giọt sương thực sự là sự phát triển đầy tinh tế và sâu sắc nguồn dữ liệu văn học Đông Tây phong nhiêu để tạo nên những huyền thoại, ngụ ngôn hiện đại đầy triết lý.

Ấn tượng độc đáo mà Lời tiên tri của giọt sương mang lại còn nằm ở phiên bản Anh ngữ được thực hiện hết sức công phu của dịch giả Từ Lê Tâm qua hiệu đính của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam. Không phải là tham vọng, nhưng những lời nhỏ của giọt sương hoàn toàn đủ sức hòa vào dòng chảy mênh mang, đa điệu của văn chương thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Có những truyện như một bài thơ tình tuyệt mỹ lại khiến cho người đẹp hoài nghi thế nào là “đẹp”, thế nào là “xấu”..
“Cô gái vừa bị đuổi ra khỏi Thiên Thai
nói cho tôi biết
TỘI của nàng là XẤU, xấu như ma!
Tôi chỉ biết nhìn nàng ngây ngất,
ma tuyệt sắc mà!
không biết cõi Thiên Thai ấy
thế nào là HOA?” (Người tình)
Có những truyện, bắt nguồn từ một huyền thoại quen thuộc nhưng lại chính là một câu hỏi day dứt dành cho con người của thời hiện đại:
“Biển cạn dần, Ngư nữ lên bờ tìm thủ phạm, mỗi bước đi đau nhói” (Lên bờ)...

Cuốn sách xinh xắn với những câu chuyện nhỏ bé, long lanh như giọt sương sẽ mang lại cho người đọc những trải nghiệm tinh tế và sâu sắc về không gian, thời gian, cuộc đời và sự sống. Hãy đọc tập sách như một hành trình khảo cổ tri thức, bóc tách và tạo nghĩa cho tập truyện, cũng như suy niệm trong không gian đa chiều, đa nghĩa của văn chương, bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều diệu kỳ...

Thông tin tác giả

Sinh 1951 tại Sài Gòn, Nhật Chiêu được biết đến là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, nhà biên khảo, phân tích và là một dịch giả uy tín. Ông hiện là giảng viên của nhiều chuyên đề văn học và văn hoá tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Tp. Hồ Chí Minh cùng nhiều trường đại học khác. Nhật Chiêu là tác giả của hàng trăm bài viết, bài biên khảo và dịch thuật, xuất hiện trên nhiều tạp chí chuyên ngành từ 1987 đến nay. Một số tác phẩm đã xuất bản của tác giả Nhật Chiêu: Con lừa vàng (Lucius Apuleius, dịch, 1987); Tagore - người tình của cuộc đời (viết chung với Hoàng Hữu Đản, 1991); Basho và thơ Haiku (biên khảo, 1994); Văn học Nhật Bản (biên khảo, 2000); Người ăn gió và quả chuông bay đi (tập truyện, 2007); Viết tên trên nước (Tập truyện, 2010)... Ông cũng viết nhiều về thơ Thiền Việt Nam nên thường được gọi với danh hiệu cư sĩ Nhật Chiêu.




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận