Sách: Mặt trời nhà Scorta (Giải Goncourt 2004 )

Mặt trời nhà Scorta (Giải Goncourt 2004 )
37.000
53a6e4237f8b9a77248b4578

vi
296
12 x 20 cm

Mô tả

Giải Goncourt 2004
 
Tóm tắt tác phẩm
 
Trong một cái làng xó xỉnh ở miền nam nước Ý, làng Montepuccio, một phụ nữ đã bị một tên cướp hãm hiếp. Rồi từ cuộc giao hợp giữa một kẻ cướp liều chết với người đàm bà câm đã sinh ra thằng Rocco Scorta Mascalzone, lưu manh, trộm cướp và sát nhân y hệt cha nó, thằng Rocco sau này cũng sinh ra ba đứa con, bắt đầu cái dòng họ bị nguyền rủa của nhà Scorta. Nghèo đói và trong cảnh khốn nạn, những đứa con nhà Scorta đã cùng nhau chống lại số phận nơi vùng đất thấm mùi mồ hôi, mùi dầu ôliu và mùi mặt trời ấy.
Cuốn tiểu thuyết đầy nắng, và nhân bản, nơi Laurent Gaudé mô tả sự tồn tại của một dòng họ mà mỗi thế hệ, mỗi cá nhân , với niềm tự hào của một Scorta, trong khao khát truy tầm hạnh phúc, đều mang vác số phận của một kẻ có nòi bị nguyền rủa.
 

Nhận định
 
Điều thành công nhất của Laurent Gaudé, có lẽ, đó là ông đã thực sự tạo được một không khí riêng cho "Mặt trời nhà Scorta". Sự quyết liệt, nóng bỏng, trần trụi, hoang dại, thậm chí điên rồ không chỉ hiển hiện qua từng cử động nhỏ nhất của mỗi nhân vật mà còn cháy rực qua từng tia nắng mặt trời, qua sỏi đá, ôliu, gió biển, động đất...Nếu như dòng họ Scorta, cái dòng họ vừa bị nguyền rủa,  khinh miệt, vừa được nể sợ, vừa bị phản bội, bỏ rơi, vừa được cưu mang bao bọc ấy là hiện thân cho dân Montepuccio thì mặt trời là dưỡng khí của vùng đất ấy. Người ta ngột thở vì nó, trốn tránh nó, đồng thời  khao khát và tồn tại được nhờ dòng sữa nóng bỏng ấy trong trái chín, trong đất, gió biển.... Giữa con người với con người, con người với thiên nhiên luôn có một sự phân tranh, tương đồng để tạo nên bản sắc Montepuccio. Khó có thể tưởng tưởng rằng người đã tạo ra cả thế giới đậm chất sử thi ấy lại là một nhà văn chỉ mới 34 tuổi.
- Nhã Nam
 
"Cuốn tiểu thuyết của giống nòi, của hạnh phúc và trừng phạt...đầy đàn bà lang sói và đàn ông rắn rết, đầy những huyền thoại và những mối tình bị ngăn cấm...Cuốn sách lung linh này, khi thì đỏ màu máu, khi thì vàng mặt trời, thật sẽ nổi trội giữa vô số các tiểu thuyết"
- L'Express
 
"Cuốn saga của bóng tối và ánh sáng"
- L' Expansion
 
"Gaudé viết bằng một thứ ngôn ngữ thật phong nhã, thấm trong nhịp điệu bi thương gần như bị thôi miên"
- Sunday Telegraph
 
"Gaudé đã viết nên một cuốn tiểu thuyết mạnh mẽ và nhân bản, ứa vị chát đắng của cái miền mà ông biết là đất của mình. Một huyền thoại mới, sinh ra từ lửa của đá sỏi"
- Lire
 
"Giành giải thưởng danh giá nhất của văn học Pháp, đây là cả một thiên sử thi về tình yêu, về dối lừa, về nỗi nhục gia đình...Bằng giọng kể vừa trữ tình, vừa thăng bằng, Lauren Gaudé đã dệt nên một câu chuyện mê đắm với những thông điệp phi thời”
- HighBrigde
 
*****
Trích đoạn tác phẩm
 
Sức nóng của mặt trời như làm đất nứt toác. Không một làn gió làm lay động rặng ô-liu. Tất cả đều im sững. Hương thơm của núi đồi đã tắt ngấm. Đá rên xiết vì nóng. Tháng tám đè nặng lên dãy núi Gargano với vẻ uy nghi tự tin của một lãnh chúa. Thật không thể tin rằng một ngày nào đó, nơi này đã từng có mưa. Rằng nước đã từng tưới những cánh đồng và tắm mát cho những cây ô-liu. Không thể tin rằng một đời sống động vật hay thực vật lại có cơ tìm được gì để tự nuôi dưỡng dưới bầu trời khô cằn này. Đã hai giờ chiều và mặt đất tất phải bốc cháy.
 
Trên một con đường bụi bặm, một con lừa chậm rãi tiến bước. Nó nhẫn nhịn theo từng vòng cua của con đường. Không gì thắng được sự bướng bỉnh của nó. Cả cái không khí thiêu đốt nó đang hít thở. Cả lớp đá nhọn lởm chởm đang làm xây xướt móng guốc của nó. Nó cứ tiến. Và người cưỡi nó giống như một cái bóng bị khép tội phải chịu một nhục hình thời cổ đại. Y không động đậy. Đờ dại vì nóng. Để mặc cho con lừa mang cả hai thày trò đến tận cùng con đường này. Con vật làm nhiệm vụ với một ý chí lì lợm thách thức cả thanh thiên bạch nhật. Từ tốn, từng mét một, không đủ sức để rảo bước, con lừa nuốt chửng bao kilômét đường trường. Và người kị sĩ lẩm nhẩm giữa hai hàm răng những lời tan biến liền trong hơi nóng hầm hập. “Sẽ không có gì làm nhụt được chí ta... Mặt trời có thể giết chết tất cả thằn lằn của đồi núi, riêng ta vẫn sẽ đứng vững. Ta đã chờ quá lâu rồi... Mặt đất có thể rú rít và tóc ta có thể bốc cháy, nhưng ta đã lên đường và sẽ đi tới cùng.”
 
Giờ khắc cứ thế qua đi, trong một lò lửa thủ tiêu mọi màu sắc. Cuối cùng, ở khúc quành một ngôi làng, biển hiện ra trước mắt. “Thế là chúng ta đã tới cuối đất cùng trời, người đàn ông thầm nghĩ. Suốt mười lăm năm, mình đã mơ đến khoảnh khắc này.”
Biển nằm đó. Như một vũng im lìm chỉ để phản chiếu sự hùng mạnh của mặt trời. Con đường đã không xuyên qua một thôn xóm nào, không giao một tuyến đường nào khác, nó luôn luôn tiến sâu vào các vùng đất. Sự xuất hiện của vũng biển im lìm, chói chang nhiệt lượng này khẳng định điều xác thực là con đường chẳng dẫn tới đâu cả. Nhưng con lừa vẫn tiếp tục. Nó sẵn sàng dấn sâu vào làn nước, vẫn với nhịp bước chậm rãi và kiên quyết ấy, nếu chủ nó yêu cầu nó làm thế. Người kị sĩ không động đậy. Y vừa bị một cơn chóng mặt. Có lẽ y đã lầm. Tít tắp hút tầm mắt, chỉ thấy đồi núi và biển chồng chéo vào nhau. “Mình đã đi lầm đường, y nghĩ thầm. Đáng ra mình đã phải thấy ngôi làng đó. Trừ phi nó đã lùi lại. Phải. Chắc nó đã cảm thấy mình đang đến nên đã lùi sâu xuống biển để mình không tới nó được. Dù phải đâm đầu vào sóng, mình cũng sẽ không lùi bước. Mình sẽ tiến đến cùng. Mình muốn báo thù.”
 
Con lừa tới đỉnh của cái có vẻ như là quả đồi cuối cùng của thế giới. Chính lúc này, họ nhìn thấy Montepuccio. Người đàn ông mỉm cười. Toàn bộ ngôi làng phô ra trước mắt. Một làng nhỏ san sát những dãy nhà trắng, nằm trên một mỏm cao thống ngự cái yên tĩnh sâu thẳm của nước. Sự hiện diện của con người giữa một quang cảnh hoang mạc như thế này hẳn có vẻ khôi hài đối với chú lừa, nhưng chú không cười mà vẫn tiếp tục tiến tới.
Khi tới những ngôi nhà đầu tiên của làng, người đàn ông lẩm bẩm: “Nếu một kẻ nào trong bọn chúng ở đó và ngăn không cho ta qua, ta sẽ đấm nát mặt hắn.” Y quan sát tỉ mỉ từng góc phố. Nhưng rồi y mau chóng yên tâm. Y đã chọn đúng lúc. Vào cái giờ ngả sang chiều này, cả làng như chìm trong cõi chết. Phố xá vắng tanh. Các cửa sổ đóng im ỉm. Cả đến chó cũng bốc hơi mất tăm mất tích. Đây là giờ ngủ trưa và có động đất cũng chẳng ai mạo hiểm ra khỏi nhà. Có một giai thoại lan truyền trong làng như thế này: một hôm vào giờ này, một người làm đồng về muộn, đi ngang qua quảng trường của làng, vừa kịp tới bóng râm của các ngôi nhà thì đã phát điên vì nắng. Cứ như là những tia mặt trời đã đốt cháy sọ anh ta. Tất cả mọi người ở Montepuccio đều tin chuyện ấy. Quảng trường không lớn nhưng đi ngang qua đó vào giờ này khác nào tự khép tội tử hình.
Con lừa cùng người cưỡi nó chậm rãi thả bước trên con đường mà vào năm 1875 ấy còn gọi là phố Mới – và sau này trở thành corso Garibaldi. Chủ nó thì hiển nhiên là biết mình đi đâu. Không ai trông thấy y. Thậm chí y cũng không hề gặp một con nào trong đám mèo hoang gày guộc nhung nhúc giữa những rác rưởi ngập rãnh lề đường. Y không đưa lừa vào bóng râm, cũng chẳng kiếm một chiếc ghế băng để ngồi. Y cứ tiến. Và cung cách khăng khăng một mực của y trở nên dễ sợ.
“Chẳng có gì thay đổi ở chốn này,” y lầm bầm. “Vẫn những phố nhếch nhác. Vẫn những mặt tiền bẩn thỉu.”
 
Chính lúc đó, cha Zampanelli trông thấy y. Cha xứ của làng Montepuccio, mà mọi người thường gọi là don Giorgio, đã để quên quyển sách kinh ở vạt đất vuông nhỏ sát bên nhà thờ, dùng làm vườn rau. Buổi sáng, cha đã làm việc ở đó hai tiếng đồng hồ, và cha vừa nghĩ ra là chắc chắn cha đã để quyển sách ở đó, trên chiếc ghế gỗ cạnh căn lều chứa dụng cụ. Cha ra khỏi nhà như cách lao ra ngoài trời giữa cơn giông, thân hình co ro, mắt nheo lại, tự hứa với mình cố sao nhanh hết sức để khỏi phơi thân xác ra quá lâu dưới cái nắng nóng làm người ta phát điên. Chính ở đó, cha đã trông thấy con lừa và chủ nó đi qua phố Mới. Don Giorgio dừng một thoáng và, theo bản năng, đưa tay làm dấu thánh giá. Rồi cha quay trở vào trốn nắng đằng sau những cánh cửa gỗ nặng nề của nhà thờ. Điều đáng ngạc nhiên nhất không phải là cha không hề nghĩ đến việc báo động hoặc hô gọi kẻ lạ mặt để hỏi xem hắn là ai và muốn gì (khách vãng lai rất hiếm và don Giorgio thuộc tên tục từng người ở đây), mà là khi trở về trai phòng, cha thậm chí không hề nghĩ đến sự việc đó nữa. Cha đi nằm và thiếp đi không mộng mị trong giấc ngủ trưa hè. Cha đã làm dấu thánh giá trước gã kị sĩ như để xóa đi một ảo ảnh. Don Giorgio đã không nhận ra Luciano Mascalzone. Mà làm sao cha có thể nhận ra y được? Con người này không còn một nét vẻ nào của y thuở xưa. Y mới độ bốn mươi tuổi mà hai má đã hóp như một ông già.
 
Luciano Mascalzone đi lang thang trong những đường phố chật hẹp của ngôi làng cũ đang ngủ vùi. “Ta đã phải chờ đợi lâu, nhưng ta đã trở về. Giờ ta đang ở đây. Các ngươi chưa biết vì các ngươi đang ngủ. Ta đang đi dọc theo mặt tiền nhà các ngươi, ta đi ngang qua cửa sổ nhà các ngươi. Các ngươi chẳng mảy may ngờ là ta ở đây và ta đến để đòi nợ.” Y cứ đi lòng vòng cho đến khi con lừa dừng lại. Dừng tắp lự. Như thể con vật già luôn luôn biết rằng chính đây là nơi nó phải đến, chính đây là điểm kết thúc cuộc đấu tranh của nó với lửa mặt trời. Nó dừng phắt trước ngôi nhà của gia đình Biscotti và không nhúc nhích nữa. Người đàn ông nhảy xuống đất với một vẻ mềm mại lạ kì và gõ cửa. “Ta lại ở đây, y nghĩ thầm. Mười lăm năm vừa xóa nhòa.” Một quãng dài vô tận trôi qua. Luciano đã toan gõ lần thứ hai thì cánh cửa từ từ mở. Một phụ nữ trạc tứ tuần đứng trước mặt y. Vận áo ngủ. Nàng nhìn chòng chọc vào mặt y hồi lâu, chẳng nói chẳng rằng. Không một sắc thái nào lộ trên mặt nàng. Không sợ, không vui, cũng chẳng ngạc nhiên. Nàng nhìn trân trân vào mắt y như để lường trước mức độ của điều sắp xảy đến. Luciano không động đậy. Có vẻ như y đang chờ một dấu hiệu từ người đàn bà, một cử chỉ, một cái nhíu mày. Y chờ. Y chờ đến cứng đơ người. “Nếu nàng tỏ vẻ định đóng cửa lại, y nghĩ thầm, nếu nàng phác một cử chỉ nhỏ nào ra ý rút lui, mình sẽ chồm lên, mình sẽ phá cửa và mình sẽ cưỡng hiếp nàng.” Y nghiến ngấu nàng bằng mắt, rình ngóng bất kì dấu hiệu nhỏ nhất nào phá vỡ im lặng này. “Nàng còn đẹp hơn mình đã hình dung. Hôm nay, mình sẽ không chết uổng.” Y mường tượng thân hình nàng dưới lần áo ngủ và điều đó khiến nỗi háo hức cuồng bạo trong y tăng lên. Nàng không nói gì. Nàng để quá khứ dâng lên bề mặt kí ức mình. Nàng đã nhận ra người đàn ông đứng trước mặt nàng. Sự hiện diện của y ở đây, trên ngưỡng cửa nhà nàng, là một điều bí hiểm mà nàng thậm chí không buồn đoán cho ra. Nàng chỉ để mặc cho quá khứ xâm chiếm mình một lần nữa. Luciano Mascalzone. Đúng là anh ta. Mười lăm năm sau. Nàng quan sát y, không thù ghét cũng chẳng yêu thương. Nàng quan sát y như người ta nhìn thẳng vào định mệnh, mắt chọi mắt. Nàng đã thuộc về y rồi. Khỏi phải chống chọi nữa. Nàng thuộc về y. Bởi lẽ sau mười lăm năm, y đã trở về và đã gõ cửa nàng, y có yêu cầu gì cũng chẳng mấy quan trọng, nàng sẽ cho thôi. Nàng sẽ chấp thuận, ngay tại đây, trên ngưỡng cửa này, nàng sẽ chấp thuận tất thảy.
Để phá vỡ im lặng và bất động bao quanh họ, nàng buông tay khỏi quả đấm cửa. Cử chỉ đơn giản ấy đủ để kéo Luciano ra khỏi sự chờ đợi. Giờ y đọc thấy trên mặt nàng rằng nàng ở đó, nàng không sợ, rằng y có thể tha hồ muốn làm gì nàng thì làm. Y vào nhà, bước chân nhẹ tênh, như thể không muốn để lại một mùi hương nào trong không khí.
Một con người bẩn thỉu, bụi bặm bước vào nhà gia đình Biscotti vào cái giờ mà đám thằn lằn mơ thấy mình trở thành cá và đám đá chẳng thấy có lí do gì để phản đối.
 
Luciano thâm nhập vào nhà Biscotti. Điều đó có thể sẽ khiến y mất mạng. Y biết vậy. Y biết rằng khi y ra khỏi ngôi nhà này, dân làng đã lại ở ngoài phố, cuộc sống đã lại tiếp tục với những quy luật của nó, những cuộc chiến đấu của nó, và y sẽ phải trả giá. Y biết người ta sẽ nhận ra y. Và người ta sẽ giết y. Trở về đây, trong ngôi làng này và vào ngôi nhà này, đó là chuốc lấy cái chết. Y đã nghĩ đến tất cả những điều đó. Y đã chọn thời điểm tới đây vào cái giờ độc này, khi mà đến cả lũ mèo cũng bị mặt trời làm mù mắt, bởi vì y biết nếu phố xá không vắng tanh, thì y thậm chí không tới nổi khu quảng trường giữa làng. Y biết tất cả mọi điều đó và dù biết chắc bất hạnh đang chờ mình, y vẫn không run sợ. Y đi vào trong nhà.
 
Phải mất một lúc, mắt y mới quen dần với ánh nhập nhoạng tranh sáng tranh tối. Nàng quay lưng lại phía y. Y đi theo nàng trong một hành lang mà y tưởng như bất tận. Rồi họ tới một căn phòng nhỏ. Không một tiếng động. Y cảm thấy hơi mát của những bức tường như một vuốt ve. Bấy giờ y bèn ôm lấy nàng. Nàng không nói một lời. Y cởi quần áo của nàng. Khi nhìn thấy tấm thân trần của nàng trước mặt như thế, y không sao nén được một tiếng thì thầm: “Filomena...” Nàng run rẩy toàn thân. Y chẳng để tâm đến điều đó. Y hoàn toàn thỏa mãn. Y đang làm cái điều mà y đã thề với mình sẽ làm bằng được. Y đang sống cái cảnh mà y đã mường tượng hàng nghìn lần. Mười lăm năm tù chỉ nghĩ đến điều đó. Y đã luôn luôn tin rằng khi y cởi quần áo người đàn bà này, một khoái cảm còn lớn hơn cả lạc thú thân xác sẽ xâm chiếm y. Khoái cảm của sự báo thù. Nhưng y đã lầm. Không hề có báo thù. Chỉ có hai bầu vú nặng trong lòng bàn tay y. Chỉ có một mùi hương đàn bà bao bọc lấy toàn thân y, dai dẳng và ấm nóng. Y đã khát khao cái khoảnh khắc này đến nỗi giờ đây y ngụp lặn, tan biến luôn vào đó, quên hết thế gian, quên cả mặt trời, gió và tia nhìn độc địa của làng.
Khi y chiếm đoạt nàng trên những tấm đra mát rượi của chiếc giường lớn, nàng thở dài như một trinh nữ, môi nở một nụ cười ngỡ ngàng pha lẫn khoái lạc, và nàng buông mình không chống cự.
 
 
Suốt đời, Luciano Mascalzone thuộc cái loại mà mỗi khi nhắc đến, người trong vùng đều nhổ xuống đất mà gọi là “quân đầu trộm đuôi cướp.” Y sống bằng những vụ cướp đoạt, ăn trộm gia súc, đánh xoáy khách lữ hành. Thậm chí có thể y đã giết đôi ba kẻ tội nghiệp trên những ngả đường của vùng Gargano, song điều đó chưa hẳn xác thực. Thiên hạ kể biết bao chuyện không thể kiểm chứng. Duy có một điều chắc chắn: y đã chọn “cuộc sống xấu xa” và con người ấy, ta nên tránh xa.
Vào thời kì vinh quang, có nghĩa là ở đỉnh điểm sự nghiệp du đãng của y, Luciano Mascalzone hay lai vãng tới Montepuccio. Đó không phải là quê hương bản quán của y, nhưng y thích nơi này và qua phần lớn thời gian ở đó. Chính tại đây, y đã gặp Filomena. Cô gái này, thuộc một gia đình thanh bạch nhưng danh giá, trở thành một ám ảnh thực sự đối với y. Y biết rằng thành tích bất hảo của y dập tắt mọi hi vọng chiếm hữu nàng, cho nên y đâm khát khao nàng theo lối cánh du đãng khát khao đàn bà. Chiếm đoạt nàng, dù chỉ là một đêm: ý nghĩ đó thường làm mắt y long lanh trong ánh sáng nồng nực của chiều tà. Nhưng số phận đã ngăn chặn thú vui tàn bạo đó của y. Buổi sáng một ngày không mấy vẻ vang, năm lính sen đầm tóm y ở quán trọ, nơi y vừa qua đêm. Họ giải y đi, không chút nương tay. Y bị kết án mười lăm năm tù giam. Montepuccio quên dần y, hài lòng được rảnh nợ với cái giống đồi bại chuyên dòm ngó con gái nhà lành.
Ở trong tù, Luciano Mascalzone có thừa thời gian để suy ngẫm lại cuộc đời mình. Y đã dốc sức vào những vụ trộm vặt chẳng mấy tầm cỡ. Y đã làm được gì? Chẳng có gì ra trò. Y đã sống những gì đáng để nhớ lại khi ngồi tù? Chẳng có gì hết. Một cuộc đời đã trôi qua, vô nghĩa và chẳng được thua. Y đã không cầu ước gì, cũng chẳng hề thất bại, hỏng hụt, bởi không dám làm gì mạo hiểm. Dần dà, trong cái biển mênh mông buồn chán là kiếp sống của y, nỗi khát khao Filomena đã trở thành cái cù lao duy nhất khả dĩ cứu vãn được những gì còn lại. Khi run rẩy đi theo nàng trong các phố, y có cảm giác như được sống đến độ nghẹt thở. Điều đó chuộc lại tất cả những gì còn lại. Phải, vậy nên y đã thề với chính mình là khi ra tù, y sẽ thỏa mãn nỗi khát khao tàn bạo ấy, nỗi khát khao duy nhất mà y từng biết. Bằng bất kì giá nào. Chiếm đoạt Filomena rồi chết. Những cái khác, tất cả những cái khác, đều không đáng kể gì hết.
 
 
Luciano Mascalzone ra khỏi nhà Filomena Biscotti mà không trao đổi một lời nào với nàng. Họ đã thiếp đi bên nhau, để mặc cái mệt sau cuộc ái ân xâm chiếm cơ thể. Y đã ngủ như lâu lắm chưa từng ngủ ngon thế. Một giấc ngủ thanh tĩnh của toàn thân. Một nguôi dịu sâu xa của xác thịt, một giấc ngủ trưa của nhà giàu, không âu lo.
Trước cửa nhà, y gặp lại con lừa của mình, vẫn đầy bụi đường trường. Đến lúc này, y biết khoảnh khắc trước sự kiện trọng đại đã bắt đầu. Y đang đi đến cái chết của mình. Không do dự. Nóng đã dịu. Làng đã hoạt động trở lại. Trước cửa những nhà bên, mấy bà già nhỏ thó vận đồ đen ngồi trên những chiếc ghế lung lay, nhỏ to bàn tán về sự hiện diện phi lí của con lừa, cố đoán thử xem ai có thể là chủ nhân của nó. Sự xuất hiện của Luciano khiến các bà hàng xóm im bặt sửng sốt. Y cười thầm. Mọi sự đúng như y đã nghĩ. “Cái bọn ngu đần ở Montepuccio này chẳng thay đổi gì cả, y nghĩ. Chúng tưởng gì? Rằng ta sợ chúng chăng? Rằng giờ đây ta sắp tìm cách thoát khỏi chúng? Ta chẳng còn sợ ai nữa. Hôm nay, chúng sẽ giết ta. Nhưng điều đó không đủ để làm ta thất đảm. Ta từ quá xa đến nên chẳng dễ gì khiến ta khiếp sợ. Không cách gì với tới ta được. Liệu chúng có thể hiểu được điều đó không? Ta ở ngoài tầm những đòn mà chúng sẽ nhằm đánh vào ta. Ta đã tận hưởng lạc thú. Trong vòng tay người đàn bà ấy. Ta đã tận hưởng. Và tốt hơn hết là mọi sự dừng lại đó bởi vì cuộc đời từ giờ trở đi sẽ nhạt nhẽo và buồn như đáy chai.” Trong khi nghĩ vậy, y bỗng nảy ra ý định làm một cử chỉ khiêu khích tối hậu nhằm thách thức những cái nhìn soi mói của các bà hàng xóm và chứng tỏ cho họ thấy là y chẳng sợ gì hết: y ngang nhiên cài khuy quần ngay trên bậc cửa. Rồi y nhảy lên lưng lừa, quay trở lui. Y nghe thấy các mụ già mỗi lúc một nháo nhác hơn sau lưng mình. Tin giật gân phát sinh và bắt đầu lan truyền bởi những cái miệng già rụng hết răng ấy, từ nhà này sang nhà khác, từ sân hiên nọ sang ban-công kia. Tin đồn được phóng đại sau lưng y. Y lại đi ngang qua quảng trường trung tâm của làng Montepuccio. Các quán cà-phê đã dọn bàn ra ngoài. Đây đó, những gã đàn ông đang bàn bạc. Thấy y đi qua, tất cả im bặt. Tiếng lào xào sau lưng y to dần. Ai thế nhỉ? Anh ta ở đâu ra? Bấy giờ, một số nhận ra y trong khi mọi người còn bán tín bán nghi. Luciano Mascalzone. “Phải, chính ta đây, y nghĩ thầm trong khi đi ngang qua những gương mặt sững sờ. Đừng có nhọc công mà nhìn soi mói vào mặt ta như thế. Chính ta đây. Khỏi phải nghi ngờ gì nữa. Hãy làm những gì mà các ngươi đang nóng lòng muốn làm hoặc để cho ta qua, chứ đừng nhìn ta bằng những con mắt thú vật kia. Ta đang đi qua giữa bọn ngươi. Rất thong thả. Ta đâu có tìm cách chạy trốn. Bọn ngươi là một lũ ruồi. Những con ruồi lớn xấu xí. Và ta phẩy tay gạt phăng các ngươi.” Luciano tiếp tục tiến tới, xuôi theo phố Mới. Lúc này một đám đông lặng lẽ đi theo y. Cánh đàn ông làng Montepuccio đã rời hiên ngoài của các tiệm cà-phê, còn cánh đàn bà thì đứng trên ban-công lớn tiếng tra vấn y: “Luciano Mascalzone? Chính mi đó ư?” “Luciano? Đồ con nhà đĩ rạc hai hòn dái kéo lê, còn dám vác mặt về đây hử?” “Luciano, ngẩng cái mặt chó đẻ lên cho ta xem có đúng là mi không nào?” Y chẳng trả lời lấy một tiếng. Mắt vẫn trân trân nhìn về phía chân trời, vẻ mặt u ám, không hề tăng tốc độ. “Bọn đàn bà sẽ la lối, y nghĩ thầm. Còn đàn ông sẽ đánh. Mình biết trước mọi điều đó mà.” Đám đông tăng sức ép. Lúc này, khoảng hai chục gã đàn ông bám sát gót y. Và suốt dọc phố Mới, đám phụ nữ réo rủa y từ ban-công, từ bậc cửa nhà, ghì lũ con nép sát vào chân mình, làm dấu thánh giá khi y đi qua. Đúng lúc y đi qua trước nhà thờ, ở chính chỗ don Giorgio trông thấy y vài giờ trước, một giọng to khỏe hơn những giọng khác vang lên: “Mascalzone, hôm nay là ngày tận số của mi.” Chỉ đến bấy giờ y mới quay đầu về phía giọng nói kia và cả làng có thể trông thấy trên môi y một nụ cười thách thức gớm ghiếc, làm tất cả lạnh toát người. Nụ cười đó nói rằng y biết thế. Và rằng y khinh bỉ bọn họ hơn hết thảy. Rằng y đã đạt được cái mà y đến đây để tìm kiếm và y sẽ mang niềm lạc thú ấy theo xuống tận mồ. Mấy đứa bé, khiếp hãi cái cười nhăn nhở của người lữ khách, cất tiếng khóc. Và các bà mẹ chúng đồng thanh thốt ra lời thán của kẻ mộ đạo: “Đó là quỷ Satan!”
 
Cuối cùng, y ra tới đầu làng. Ngôi nhà cuối cùng nằm kia, cách mấy mét. Sau đó, chỉ còn con đường đá giữa hai hàng ô-liu dài biền biệt mất hút trong những dãy đồi.
Một toán đàn ông, tay mai tay cuốc, từ đâu xồ ra chặn đường y. Sát khí đằng đằng. Người nọ kề sát người kia. Luciano Mascalzone dừng lừa lại. Im lặng hồi lâu. Không ai động cựa. “Vậy là ta phải chết ở chỗ này đây. Trước cửa ngôi nhà cuối cùng của Montepuccio. Đứa nào trong bọn bay sẽ lao vào ta trước tiên?” Y cảm thấy một hơi thở dài thượt chạy dọc sườn con lừa và để đáp lại, y vỗ vỗ nhẹ lên chỗ xương bả vai nó. “Liệu bọn nhà quê này có nghĩ đến chuyện cho con vật của ta uống nước sau khi chúng thanh toán ta?” Y lấy lại tư thế, trừng trừng nhìn toán đàn ông, không nhúc nhích. Những người đàn bà ở quanh đó đều im bặt. Không ai dám làm một cử chỉ nào nữa. Một mùi hăng hắc vẫn còn thoảng tới y, mùi cuối cùng y ngửi thấy trên đời. Mùi nồng của cà chua phơi khô. Trên tất cả các ban-công, các bà nội trợ đặt những tấm ván gỗ dài để phơi những trái cà chua bổ làm tư. Mặt trời thiêu đốt chúng. Chúng teo tóp lại từng giờ như đám côn trùng và phả ra một mùi hương chua ngai ngái đến nao lòng. “Đám cà chua phơi trên các ban-công sẽ sống lâu hơn mình.”
 
Đột nhiên, một hòn đá văng vào giữa sọ y. Không đủ sức để ngoảnh lại, y ráng ngồi thật thẳng trên yên. “Ra thế đấy, y còn đủ thì giờ để nghĩ, vậy là chúng sẽ giết mình như thế đấy. Ném đá đến chết như một kẻ bị rút phép thông công.” Một hòn đá thứ hai trúng thái dương y. Lần này, sức mạnh của cú sốc làm y lảo đảo. Y ngã xuống đất, chân vẫn mắc trong bàn đạp. Máu chảy vào mắt y. Y vẫn còn nghe thấy những tiếng la hét xung quanh. Toán đàn ông hăng máu lên. Mỗi gã vớ lấy hòn đá của mình. Ai nấy đều muốn choảng. Một trận mưa đá hộc rào rào trút lên người y. Y cảm thấy những hòn đá nóng của vùng đất này bầm giập y đau điếng. Chúng vẫn còn bỏng rát lửa mặt trời và tỏa ra quanh y cái mùi hanh khô của đồi núi. Chiếc sơ-mi của y đẫm một thứ máu nóng và đặc. “Ta ngã xuống đất rồi. Ta không chống cự. Đánh đi. Cứ đánh đi. Các ngươi sẽ không giết được ở nơi ta bất cứ cái gì còn chưa chết. Đánh đi. Ta kiệt sức rồi. Máu trào ra. Kẻ nào sẽ ném viên đá cuối cùng?” Kì lạ thay, chẳng thấy viên đá cuối cùng đâu. Trong một thoáng, y nghĩ bọn đàn ông tàn ác muốn kéo dài cơn hấp hối của y, nhưng không phải thế. Cha xứ vừa chạy tới, xen vào giữa toán người và con mồi của họ. Cha gọi họ là quái vật và ra lệnh cho họ ngừng tay. Liền đó, Luciano cảm thấy ông quỳ xuống cạnh mình. Hơi thở của ông thốc vào lỗ tai y. “Ta ở đây, con trai. Ta ở đây. Hãy trụ vững. Don Giorgio sẽ chăm lo cho con.” Cơn mưa đá hộc thôi không tiếp diễn nữa và Luciano những muốn cự tuyệt ông cha xứ, để cho những người Montepuccio hoàn tất công việc họ đã bắt đầu, nhưng y đã kiệt sức rồi. Sự can thiệp của cha xứ chẳng giúp ích gì. Nó chỉ kéo dài thêm cơn hấp hối của y mà thôi. Cứ để họ ném đá vào y một cách điên cuồng và man rợ đi! Cứ để họ giày xéo y và kết thúc cho xong đi! Y muốn trả lời don Giorgio thế, nhưng không một âm thanh nào bật ra được từ cuống họng y.
 
Nếu cha xứ của làng Montepuccio không chen vào giữa đám đông và nạn nhân của họ thì Luciano đã sung sướng mà chết. Với nụ cười trên môi. Như một kẻ chinh phục say sưa chiến thắng và gục ngã giữa trận mạc. Nhưng giờ cáo chung hơi quá kéo dài. Sự sống lìa khỏi y quá chậm chạp và y đủ thì giờ thấy những điều mà lẽ ra mãi mãi y không nên biết.
Dân làng đã lại tụ tập quanh cái thân xác và vì không thể hoàn tất cuộc hạ sát, họ xoay ra chửi rủa y. Luciano vẫn còn nghe thấy được tiếng họ như những tiếng kêu cuối cùng của thế giới. “Thế cho mày hết muốn trở lại đây.” “Bọn ta đã bảo trước, Luciano, đây là ngày tận số của ngươi.” Và lại có cả cái lời phán tối hậu làm rung chuyển đất dưới thân xác y. “Immacolata chính là người đàn bà cuối cùng bị mi cưỡng hiếp, đồ chó đẻ.” Cái thân xác kiệt lực của Luciano run bắn từ đầu đến chân. Đằng sau những mí mắt nhắm nghiền, tâm trí y chao đảo. Immacolata? Tại sao bọn chúng lại nói Immacolata? Người đàn bà đó là ai thế nhỉ? Y vừa làm tình với Filomena cơ mà. Quá khứ trỗi dậy trở lại trước mắt y. Immacolata. Filomena. Những hình ảnh ngày xưa lẫn lộn với những tiếng cười chó sói của đám đông vây quanh y. Y thấy lại tất cả. Y hiểu ra. Và trong khi đám đàn ông xung quanh y tiếp tục hí lên khoái trá, y nghĩ thầm:
“Thiếu chút nữa, mình đã chết trong hạnh phúc... Chỉ vài giây thôi. Sớm lên vài giây thôi... Mình đã cảm thấy chấn động của những hòn đá nóng trên thân thể. Và đúng là... Phải, mình đã nghĩ là sự việc xảy ra như thế. Máu trào ra. Sự sống tắt dần. Mình mỉm cười đến cùng để nhạo chúng... Chỉ thiếu chút xíu, thế nhưng mình sẽ không được tận hưởng niềm thỏa mãn đó. Cuộc đời đã ngáng chân mình một cú cuối cùng... Mình nghe thấy chúng cười xung quanh mình. Những thằng đàn ông Montepuccio cười. Mặt đất đang hút máu mình cũng cười. Cả con lừa và lũ chó cũng cười. Nhìn Luciano Mascalzone kìa, hắn tưởng chiếm đoạt Filomena mà hóa ra lại phá trinh em gái cô ta. Hãy nhìn Luciano Mascalzone kìa, hắn tưởng hắn chết đắc thắng, thế mà giờ nằm đấy trong bụi đất, với cái méo xệch của trò hề trên mặt... Số mệnh đã chơi khăm ta. Một cách thích thú. Và mặt trời cũng cười sai lầm của ta... Ta đã đánh lỡ một đời ta. Ta lại lỡ luôn cả cái chết của ta nữa... Ta là Luciano Mascalzone và ta nhổ vào số mệnh trêu chọc con người.”
 
Quả đúng là Luciano đã làm tình với Immacolata. Filomena đã chết vì chứng nghẽn mạch phổi ít lâu sau khi Mascalzone bị bắt. Em gái út của nàng, Immacolata, còn sống, là người cuối cùng của dòng họ Biscotti, ở luôn ngôi nhà của gia đình. Thời gian qua đi. Mười lăm năm ru rú trong nhà. Và Immacolata dần dà giống chị như đúc, với gương mặt mà Filomena ắt có thể có nếu trời cho nàng sống lâu hơn. Immacolata thì đành phận làm gái già. Hình như cuộc đời chẳng màng gì tới nàng và trọn kiếp, nàng cũng sẽ chẳng bao giờ biết đến cuộc phiêu lưu nào khác ngoài sự chuyển đổi mùa. Trong những năm buồn chán ấy, nàng thường hay nhớ lại cái gã đàn ông theo đuổi ve vãn chị gái nàng dạo nàng còn bé và bao giờ cũng với một thứ rờn rợn khoái cảm. Gã thật dễ sợ. Cái nụ cười du đãng của gã ám ảnh nàng. Nhớ lại gã, nàng cảm thấy men say của kích thích.
Mười lăm năm sau, khi nàng ra mở cửa và thấy con người ấy sừng sững trước mặt, không hỏi han gì, thì nàng cảm thấy hiển nhiên là mình phải tuân thủ sức mạnh âm ỉ của định mệnh. Gã du đãng đang đứng đó. Đối mặt nàng. Trước nay chưa bao giờ có chuyện gì xảy đến với nàng. Giờ nàng đã nắm chắc cơ hội say sưa trong tầm tay. Lát sau, trong căn phòng nhỏ, khi gã thì thầm tên chị gái nàng trước tấm thân trần của nàng, nàng tái mặt. Nàng lập tức hiểu ra rằng gã tưởng nàng là Filomena. Nàng lưỡng lự một thoáng. Có nên đẩy gã ra không? cho gã biết là gã đã lầm? Nàng hoàn toàn không muốn thế. Gã đang đứng đó, trước mặt nàng. Và nếu như việc tưởng lầm nàng là chị nàng đem đến cho gã một khoái cảm lớn hơn, thì nàng sẵn sàng biếu gã món quà xa xỉ đó. Không dối trá. Nàng chấp thuận tất cả những gì gã muốn, đơn giản để được là người đàn bà của một gã đàn ông, chí ít là một lần trong đời.
Don Giorgio đã bắt đầu làm lễ xức dầu cuối cùng rửa tội cho kẻ hấp hối. Nhưng Luciano không nghe ông nữa. Y quằn quại tức điên.
“Ta là Luciano và ta đang chết thật lố bịch. Cả đời ta đi đến cái kết cục làm trò cười cho thiên hạ. Vậy mà cái đó có thay đổi được gì đâu. Filomena hay Immacolata thì có quan trọng gì. Ta đã mãn nguyện. Ai có thể hiểu được điều đó?... Suốt mười lăm năm, ta đã nghĩ đến người đàn bà ấy. Suốt mười lăm năm, ta đã mơ đến cuộc ôm ấp ái ân ấy, đến nỗi nguôi dịu nó sẽ mang đến cho ta. Vừa ra khỏi tù, ta đã làm ngay cái điều cần phải làm. Ta đã đến tận ngôi nhà ấy, ta đã làm tình với người đàn bà ở đó. Ta đã bám chắc. Mười lăm năm chỉ nghĩ đến điều đó. Số mệnh đã quyết định chơi xỏ ta, ai có thể chống lại được số mệnh? Ta đâu có quyền năng xoay ngược hướng chảy của các dòng sông hay tắt ánh sáng của các vì sao... Ta là một con người. Ta đã kiên trì làm những gì một con người có thể làm. Đến tận đấy, gõ vào cánh cửa ấy, làm tình với người đàn bà ra mở cửa cho ta vào... Ta chỉ là một con người. Còn nếu số mệnh muốn giễu cợt ta thì ta chẳng thể làm gì được... Ta là Luciano Mascalzone và ta đang chìm mỗi lúc một sâu vào cái chết của ta để khỏi phải nghe những lời đồn đại của thế gian đang cười mỉa ta...”
 
Y chết trước khi cha xứ của làng đọc hết bài kinh. Đáng lí y có thể cười nếu như trước khi chết, y biết được điều gì sẽ nảy sinh từ cái ngày hôm đó.
Immacolata Biscotti mang thai. Người đàn bà tội nghiệp, sau đó, sinh một đứa con trai. Dòng họ Mascalzone ra đời như vậy đó. Từ một lầm lẫn. Từ một ngộ nhận. Từ một người cha du đãng bị hạ sát hai giờ sau cuộc ái ân, và từ một nàng gái già lần đầu tiên hiến mình cho một gã đàn ông. Như vậy ra đời gia đình Mascalzone. Từ một người đàn ông bị lầm. Và từ một người đàn bà chấp nhận sự dối trá ấy bởi vì định mệnh đã làm hai đầu gối nàng run rẩy va vào nhau.
Một dòng họ phát sinh từ cái ngày nắng thiêu đó vì số mệnh bỗng dưng muốn đùa giỡn với con người, như bọn mèo đôi khi thường lấy chân vờn những con chim bị thương.
 



Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận