Hàn Mặc Tử bắt đầu sáng tác bằng những bài thơ Đường luật mang nội dung buồn bã, yếm thế. Đến tập Gái quê, thơ ông vẫn chưa có gì thật đặc biệt so với thơ ca lãng mạn đương thời. Thế nhưng, những sáng tác sau khi nhà thơ mắc bệnh phong thì khác hẳn. Thơ điên có những bài thật kinh dị, không phải những cảnh mộng hoặc cảnh thực quen thuộc, mà là một thế giới tăm tối hãi hùng đầy những hình ảnh âm thanh rùng rợn. Có những vần thơ giống như tiếng gào rú mê sảng của một linh hồn đau thương cùng cực.
Hàn Mặc Tử quan niệm: "Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên", "không rên xiết là thơ vô nghĩa lý (!)" Không khí tôn giáo thần bí bao trùm nhiều bài thơ của ông, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội là những vở kịch thơ lấy đề tài từ mối tình trong mộng tưởng của tác giả, được đưa vào một thế giới diễm ảo của chiêm bao, cách xa hoàn toàn cuộc sống. Thơ Hàn Mặc Tử đã diễn tả tâm trạng tuyệt vọng, bi đát và điên loạn, có ảnh hưởng nhiều đến một số ít thi sĩ Thơ mới, tập hợp trong Trường thơ loạn, một xu hướng tiêu biểu cho tình trạng bế tắc, khủng hoảng của phong trào Thơ mới.