...Người ta phát hiện trong lĩnh vực thơ tình ở ta, Xuân Diệu là một trong những người đầu tiên đã thực sự hoà nhịp linh hồn với xác thịt. Tình yêu phải thực sự là tình yêu của con người trần tục, chứ không phải thứ tình mà người phương Tây gọi là Platôních và Biêlinxki từng chế giễu: "Chỉ làm đẹp lòng các vị bảo hộ hậu cung vua chúa phương Đông mà thôi". Tuy nhiên, cái đích mà tình yêu nhằm đạt tới phải là sự hoà hợp cao độ của tâm hồn. Thơ Xuân Diệu không chỉ chú trọng thính giác và thị giác. Như thế còn xa xôi, cách bức quá. Phải huy động cả khứu giác, vị giác và xúc giác để có thể tiếp cận sát sạt, và ôm riết, quấn riết lấy cuộc đời. Con người ấy sinh ra để mà yêu, nên suốt đời khao khát tình yêu - "Kẻ uống tình yêu dập cả môi". Nhưng tình yêu phải là cái đó: Trái tim đỏ thắm của em, tâm hồn xanh thẳm của em - "Trời ơi, anh muốn uống hồn em". Đấy là giây phút giao cảm tuyệt vời của những con người.
Thơ Xuân Diệu nói giao cảm đầy đủ hơn là nói yêu. Sung sướng thay là luôn luôn được giao cảm với đời. Ta hiểu vì sao ngay trước Cách mạng tháng Tám, dù có lúc hoang mang bế tắc, Xuân Diệu vẫn không chấp nhận những trường thơ Điên, thơ Loạn, các thứ triết lý siêu hình rắc rối, cũng như lối thơ gọi là "chủ nghĩa kín mít" (hermétisme) của Xuân thu nhã tập. Anh cần có người giao cảm, thật hiểu người, nên nhất quyết không nói bằng thứ tiếng nói nào khác tiếng nói của đồng loại...