...Điểm đặc sắc hơn trong nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh có lẽ là giọng điệu thơ. Thơ chị có một giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Giọng điệu ở đây không phải là cách nói mà cảm xúc, là giọng điệu của tâm hồn. Một giọng điệu không kiểu cách, khiên cưỡng, mà luôn tự nhiên, phóng khoáng. Chị thường hay chọn lời ru hoặc lấy cảm hứng từ lời ru làm giọng điệu cho bài thơ của mình (Ru, Lời ru, Hát ru, Lời ru trên mặt đất, Lời ru của mẹ, Hát ru chồng những đêm khó ngủ...). Với những lời ru, Xuân Quỳnh đã chọn được một giọng điệu thích hợp cho tiếng hát của tâm hồn chị; Tâm hồn một người mẹ nhân hậu, một người yêu đằm thắm và giầu đức tính hy sinh. Sử dụng biện pháp nghệ thuật này có lẽ chị muốn thơ mình là những lời ru ngọt ngào, sâu lặng, chân thành. Những điều chị muốn nói với cuộc đời, những suy nghĩ về con người, về đất nước, về hạnh phúc, tình yêu và nhiều quan niệm nhân thế khác đã được Xuân Quỳnh diễn tả nhuần nhụy bằng những lời ru bình dị ấy. Tiếng ru của Xuân Quỳnh là tiếng hát của một tâm hồn. Ở đây câu thơ đi về rộng dài theo những liên tưởng nhiều khi đột xuất mà vẫn tự nhiên hợp lý, câu thơ chao liệng giữa hy vọng, mơ ước với những trăn trở xót xa, giữa những niềm vui nỗi buồn. Tiếng ru là một hình thức và phương tiện thơ ca thích hợp để biểu hiện phần sâu lắng và đằm thắm của hồn thơ Xuân Quỳnh. Lắng nghe trong tiếng ru của chị vỗ về giấc ngủ người yêu, chúng ta thấy cả tạo vật cùng cảm hoà và đi dần vào giấc ngủ êm đềm. Bình hoa, ngọn đèn, bức tranh trên tường, con tàu trên bến đều dần đi vào giấc ngủ. Và trong sâu xa của miền yên tĩnh ấy một tình yêu thiết tha đang thức dậy...