Có lẽ bất cứ một con người nào, dù ở các cương vị xã hội khác nhau cũng đều cần nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của mình bằng cách này hay cách khác mà trong đó, các tác phẩm văn học là một loại hình rất có ý nghĩa trong quá trình này. Nam Cao, nhà văn đã sống cách chúng ta hàng nửa thế kỷ, người đã từng luôn tự giày vò khổ sở vì lẽ sống thế nào cho phải, viết thế nào cho hay...để cho ra đời những tác phẩm mà cho đến bây giờ và cả mãi mãi sau này vẫn còn nguyên giá trị. Lâu nay, nhiều người thường đề cập đến “văn hoá đọc” với không ít mối lo ngại, quả thực nếu nhìn nhận ở một số không nhỏ lớp trẻ, kể cả một số cán bộ viên chức thì thấy rằng nỗi lo ngại ấy không phải là không có cơ sở. Đọc tác phẩm của Nam Cao, cảm nhận được rất nhiều điều trong đó nổi bật lên tình người, lòng nhân ái, bao dung thấm đậm chất nhân văn, ta học được ở ông sự quan sát, phân tích, đánh giá sự vật; ta nhận thấy nỗi day dứt trăn trở trước thời cuộc và số phận con người, biết nhạy cảm trước cái đẹp, cái xấu, cái thiện, cái ác, cái cao thượng, cái thấp hèn và đứng trước một tác phẩm văn học nói chung và tác phẩm của Nam Cao nói riêng, ta thấy cuộc sống này có rất nhiều điều mà thông qua ngôn ngữ của nhà văn ta được “hưởng thụ” nhanh nhất và cũng phần nào nhờ đó mà ta thấy cuộc sống quanh ta vô cùng ý nghĩa, vô cùng thú vị.
Nam Cao là một nhà văn hiện thực. Các tác phẩm của ông đã phản ánh hiện thực bộ mặt xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng 8, một xã hội mà ở đó số phận của những người nông dân chất phác hồn hậu đã bị bần cùng trong đói khổ, quằn quại trong sự chèn ép và thông qua việc sử dụng ngôn ngữ tài tình, tinh tế với những tình huống điển hình Nam Cao đã làm được một việc lớn lao hơn hẳn một số nhà văn hiện thực phê phán tiêu biểu cùng thời là “sự tổng hợp của nhiều tiếng nói, nhiều giọng điệu, nhiều lớp ý nghĩa, nhiều màu sắc thẩm mỹ, gợi sự suy ngẫm, liên tưởng” của người đọc khi đọc tác phẩm của ông và qua tác phẩm của ông thấy yêu quý, trân trọng ông – một nhà văn đầy nhân ái, đầy tình người.
Sẽ có một khoảng trống không nhỏ nếu vì một lý do nào đấy dòng văn học của Việt Nam không có Nam Cao. Không chủ quan khi chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào xếp Nam Cao của chúng ta bên cạnh những Môpatxăng (Pháp), Đôttôiepxki, Bunhin, (Nga).... Tác phẩm của Nam Cao không có những xung đột căng thẳng, không đao to búa lớn mà cứ đời thường giản dị, thông qua các tình huống, các cuộc đời nhân vật để nêu bật nên những giằng xé trong nội tâm, những ước mơ về một tương lai tốt đẹp. Văn Nam Cao viết về những kiếp người mà cuộc đời họ là những chuyển tiếp khác nhau của nỗi buồn, nỗi khổ, của những tâm hồn đẹp đẽ, đáng trân trọng dù là người đàn bà quanh năm bị áp lực của thiếu thốn, lo toan đè nặng, lúc nào cũng nặng mặt, bẳn gắt chì chiết chồng con hay những anh chàng trí thức tiểu tư sản ăn nói độc địa, hằn học....Bởi trên tất cả những biểu hiện ấy vẫn toát lên bản chất của họ là hồn hậu, chất phác, chứa chan tình người. Nhà văn đã thấy phần “u tối” của cuộc sống, tìm ra trong đó cái đẹp và ông viết về những người nông dân, những trí thức tiểu tư sản cùng khổ với một thái độ đầy tôn trọng, không phải là sự miệt thị cũng không thi vị hoá. Nam Cao là nhà văn có tầm cỡ còn là bởi vì ngay từ thời của ông, giữa lúc dòng văn học hiện thực phê phán, dòng văn học lãng mạn đang là một trào lưu mạnh mẽ, Nam Cao đã không quá đắm chìm hoàn toàn theo hướng đó mà ông chọn cho mình một hướng đi đúng đắn, hướng đi ấy đã góp phần xếp Nam Cao là một trong những nhà văn đặt nền móng cho nền văn học hiện đại Việt Nam : “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa - 1943), ông lên án thứ văn chương “tả chân”, “hời hợt”. Nam Cao đã thông qua một loạt tình huống để miêu tả chiều sâu đời sống nội tâm của con người. Viết về nhân vật “Chí phèo”, về sự tha hoá của con người – cái gã Chí mà chất “con” đôi lúc nhiều hơn chất “người”, lúc tỉnh lúc say, khi thì thật bản năng lúc lại như một con người có ý thức...vậy mà Nam Cao vẫn có cái nhìn đầy nhân ái, ông thấy Chí Phèo không phải là thứ bỏ đi mà là một con người cũng có những khoảng lặng của cảm xúc, có những lúc luôn muốn vươn tới cái tốt, cái người nhất để rồi qua ông, người đọc cũng có cái nhìn bao dung với dạng người như Chí Phèo này, chia sẻ, cảm thông với ước muốn làm người lương thiện của hắn chứ không phải cảm giác ghê tởm, cái nhìn không thiện chí. Lòng nhân ái, tình người còn bao trùm ở Làng Vũ Đại của người nông dân nghèo khổ, của anh thả ống lươn nhặt Chí Phèo xám ngoét từ lò gạch bỏ không mang về, là bát cơm của bác Phó Cối, là bát cháo hành tình nghĩa của Thị Nở, là những người bạn tế nhị xử sự vô cùng nhân ái khi đến nhà người bạn nghèo của mình, chứng kiến những vũng bùn đứa con đau bụng thổ ra từ đêm, chứng kiến cái nhà dột nát, nghèo túng khốn cùng “Anh nào cũng làm ra dễ tính. Sự cố gắng ấy do lòng quý bạn. Cái nhà thật không đáng cho lòng tôi phải bận...” (truyện ngắn “Mua nhà” – năm 1943).
Trong truyện ngắn “Đời thừa” ta thấy Hộ nhiều lần dằn hắt, thô bạo với Từ và các con: “Mình biết không, chỉ ngày mai thôi là tôi đuổi tất cả mẹ con mình ra khỏi nhà này...mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả...”, rắp tâm đuổi vợ con ra khỏi nhà lại còn có ý định “vật mỗi đứa một nhát” cho chết mà lại còn “mình” với “tôi”...., lời lẽ nghe cay độc và có phần ác nhưng lạ lùng thay người đọc lại vẫn thấy âm vang đâu đó cái nỗi đau của người đàn ông đang đau khổ, đang không có lối thoát và yêu thương vợ con rất mực!.
Với truyện ngắn “Lão Hạc”, ngòi bút của Nam Cao giúp ta nhìn ra vẻ đẹp cao thượng của người nghèo khó và thương họ vô cùng. Lão Hạc âm thầm lựa chọn cái chết để giữ trọn tình với con, với con chó, đó là sự lựa chọn đau đớn và tàn khốc của một kiếp người. Lão là người cha nhân từ, lão chết để gieo niềm sống cho con, hy vọng con được sướng hơn mình. Rồi trong truyện “Nghèo”, người đàn ông ốm đau, tuyệt vọng, bế tắc, thương vợ con đến độ tìm cách thắt cổ tự tử để “giải thoát” cho vợ con khỏi phải vì mình mà khổ . Đây cũng là một kết cục bi thảm của một kiếp người, một vòng tròn u ám, định mệnh.
Truyện ngắn Nam Cao nói nhiều đến thân phận người phụ nữ. Truyện “Nghèo”, “Dì Hảo”, “Ở hiền”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”..., tất cả họ đều nghèo khổ, đói khát và bất hạnh và dẫu cơ hàn người nông dân sống với nhau thật nhân ái, họ quan tâm đến nhau, yêu thương nhau. Hãy nghe người mẹ nhắc con “Khe khẽ cái mồm một chút! réo mãi bố mày nó nghe thì nó chết! Nó đã ốm đấy, thuốc không có, mà còn bực mình thì chết”; thân phận Dì Hảo: “Dì Hảo chẳng nói năng gì. Dì nghiến chặt răng để cho khỏi khóc nhưng mà dì cứ khóc. Chao ôi! Dì Hảo khóc. Dì khóc nức nở, khóc nấc lên, khóc như người ta thổ. Dì thổ ra nước mắt”. Dì Hảo, người phụ nữ đẹp, cô đơn âm thầm, vẻ đẹp đáng quý của nội tâm. Tâm hồn Dì vừa đơn côi vừa bao dung, trắc ẩn. Giọng điệu của truyện ngắn này đã được nhà văn viết ra: buồn phiền, tiếc nuối và xót xa.. Người phụ nữ trong các truyện của Nam Cao thường gặp phải những ông chồng chết yểu, say rượu, theo gái hoặc gặp tai ương, hoạn nạn...và họ phải chịu đựng, nhà văn hiểu thấu nỗi đau của họ, ông đã đánh động vào tâm linh người đọc qua những mảnh đời muốn vùng thoát mà không sao thoát ra được.
Hiện thực cuộc sống luôn là chất liệu để nhà văn phản ánh hay nói như Bandăc “Nhà văn là thư ký trung thành của thời đại”. Làng Vũ Đại của Nam Cao chỉ là một làng quê như bao làng quê khác, ta thấy có dòng sông hiền hoà hai bên bờ là những vườn chuối thấm đẫm ánh trăng, thấy tiếng dệt cửi và tiếng lao xao của các bà, các chị đi chợ sớm, thấy những vườn trầu không, những vườn mía tả tơi sau bão....và trên mảnh đất ấy là những người nông dân chất phác, nhân hậu. Họ bần cùng mỗi người một kiểu. Người mẹ và bầy con nhỏ lê la trên nền nhà vũng nước trộn lẫn bùn; bát cháo cám đắng nghét không thể nuốt nổi; người đàn ông đi lĩnh những đồng tiền ít ỏi về mua thuốc cho đứa con nhỏ ốm đau mà không nỡ trách cứ viên thư ký ở nhà dây thép tỉnh bẳn gắt lại làm thiệt mất của gã một đồng bạc bởi lẽ “Điền thấy thương ông ấy quá. Điền tưởng ra cho ông ấy một gia đình đông con túng thiếu tựa nhà Điền. Số lương chẳng đủ tiêu. Sau mỗi ngày công việc rối tít mù, loạn óc lên vì những con số, vì những cái bưu phiếu, ông mỏi mệt giở về nhà, lại phải nghe mấy đứa con lớn chí choé đánh nhau, đứa con nhỏ khóc, chủ nợ réo đòi và vợ thì sưng sỉa hoặc gào thét như con mẹ dại....để sáng hôm sau lại mải mốt đến sở, nhăn mặt lại khi thấy những người gửi tiền, người lĩnh tiền vòng trong, vòng ngoài và người nào cũng muốn ông làm trước cho” và “Chỉ vì người nào cũng khổ cả, và người nọ cứ tưởng vì người kia mà khổ” – tấm lòng nhân ái, cảm thông và độ lượng của con người Nam Cao, nhân cách Nam Cao thể hiện rõ nét trong hầu hết tất cả các tác phẩm của ông mà những dẫn chứng trên chỉ là một đôi nét phác hoạ.
Giá trị nhân đạo của các tác phẩm của Nam Cao thể hiện sâu sắc ở tấm lòng yêu thương trân trọng của tác giả với những người nghèo khổ. Nói như văn hào Nga Eptusenco: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/Mỗi số phận chứa một điều cao cả”. Nam Cao đã tìm thấy những hạt trân châu lóng lánh trong sâu thẳm những thân phận con người - Nam Cao tỏ ra rất nhạy bén trong việc miêu tả tâm lý nhân vật, ông đi vào từng ngóc ngách tâm hồn của con người để tìm ra được những cái hay, cái dở trong mỗi nhân vật và bao trùm lên tất cả là một tấm lòng nhân ái, tình người thấm đậm trong từng trang viết và trong cuộc sống thời đại nào và lúc nào cũng cần lòng nhân ái, cái nhìn thiện chí – nó giúp con người sống vươn tới “chân, thiện, mỹ” hơn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn và phải chăng khi ngắm nhìn một buổi hoàng hôn trên mảnh đất mình đang sinh sống, đâu đó giữa bộn bề công việc bắt gặp một bức tranh đẹp, một áng thơ hay, một tác phẩm văn học mang nhiều thông điệp mà ta dửng dưng không rung động thì cuộc sống sẽ mất đi nhiều phần ý nghĩa! và phải chăng đọc Nam Cao chúng ta thấy rằng: hãy cố gắng hiểu những người xung quanh ta, thông cảm và có cái nhìn thiện chí, có cái tâm trong sáng chính là sợi dây nối liền con người với con người – nền tảng để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn?
Trân trọng giới thiệu!