Trong nửa thế kỷ qua, số người phương Tây thăm viếng phương Đông không phải là ít nhưng đã có mấy ai lĩnh hội được tinh hoa của phương Đông? Nếu có một thiểu số may mắn học hỏi được chút gì thì đã mấy người viết sách chia sẻ kinh nghiệm đó với chúng ta? Tất nhiên Lafcadio Hearn đã làm điều này, nhưng ông chỉ ghi nhận vài chi tiết huyền bí về châu Á. Alan Watts đi xa hơn trong việc tìm hiểu những giá trị tâm linh, nhưng ông cũng chỉ chú trọng về kỹ thuật và phương pháp chứ không đào sâu vào những phương diện khác. John Blofeld khác hẳn hai tác giả trên, ông không ghé thăm như một khách lạ mà sống hẳn ở đây gần trọn cuộc đời. Không những ông học hỏi và trải nghiệm nhiều, mà ông còn chia sẻ với chúng ta những vui buồn của kiếp người trong giai đoạn giao thời giữa Đông và Tây lúc đó.
Khi Trung Hoa Cộng sản thắng thế tại Hoa lục, ông phải rời Trung Hoa nhưng lòng vẫn luôn luôn hướng về mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa bùng nổ, ông là người phương Tây đầu tiên đã viết kháng thư phản đối và gọi hình ảnh Hồng vệ binh đốt sách vở, phá đền miếu là những “hành động phá hoại tồi tệ trong lịch sử nhân loại”. Đau đớn trước thảm trạng hủy diệt văn hóa, ông âm thầm sưu tầm, phiên dịch các tác phẩm lớn của Trung Hoa ra Anh ngữ, không phải chỉ cho độc giả phương Tây mà còn cho cả thế hệ sau của người Trung Hoa lưu vong. Ông là người Tây phương duy nhất mà tôi được biết đã thiết tha làm công việc bảo tồn truyền thống văn hóa Trung Hoa.
Tôi quen John Blofeld trong thời gian ông giảng dạy văn hóa châu Á tại Đại học Syracuse, New York. Tuy là một “quý ông” người Anh nhưng ông còn có tác phong của một kẻ sĩ Trung Hoa, lúc nào cũng khoan thai, nghiêm trang và điềm đạm. Ông sống thanh bạch trong căn phòng nhỏ, trang trí giản dị với bàn thờ Phật, tủ sách và một tấm thảm để ngồi thiền. Ông dành trọn phần đời còn lại để viết sách và dạy học. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là ngoài việc soạn thảo tài liệu giáo khoa, ông còn dành thời gian sáng tác thơ Đường luật, một thể thơ khó mà làm cho thật hay. Không những thế, ông còn mở khóa dạy những người Mỹ trẻ gốc Trung Hoa về niêm luật thơ Đường và luôn luôn khuyên họ đừng bao giờ quên cái gia tài văn hóa quý báu mà cha ông họ đã để lại.
Năm 1987, tuy nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn cố gắng soạn thảo một cuốn sách bằng tiếng Trung Hoa, viết cho những người trẻ sống tại Hoa lục. Nội dung cuốn sách tha thiết kêu gọi lớp người này hãy cố gắng tìm về và bảo tồn truyền thống cao đẹp của họ mà thế hệ trước đã có nhiều hành động hủy diệt. Trước khi mất, ông soạn một bài trường thi viết theo thể Đường luật để tặng bằng hữu bốn phương và một lá thư dài viết cho các độc giả. (Ghi chú: lá thư ấy đã được đưa vào phần Phụ lục của quyển sách này).
John Blofeld không những là một học giả uyên bác với rất nhiều tác phẩm giá trị mà còn là một Phật tử tu theo hạnh Bồ Tát. Chỉ nội hai điều này đã bảo đảm giá trị những cuốn sách của ông nhưng hơn thế nữa, ông còn là một người thiết tha với Chân, Thiện, Mỹ, một người đã lĩnh hội được tinh hoa phương Đông rồi trao truyền cho độc giả khắp nơi trên thế giới.
Huston Smith
Giáo sư triết học phương Đông, Đại học Syracuse, New York