Có thể nói cùng với Thần thoại Hy Lạp, Những cuộc đời song hành của Plutarque là tác phẩm đồ sộ nhất về nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại. Năm 1926, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh đã lược dịch một vài nhân vật trong bộ sách này. Tiếc rằng cho đến nay, việc dịch và xuất bản trọn vẹn tác phẩm này vẫn chỉ là một ước muốn khó thực hiện của các học giả Việt Nam.
Từ năm 2001, một nhóm dịch giả trẻ gồm Nguyễn Cảnh Bình và Cao Việt Dũng đã từng mơ ước một ngày nào đó cuốn sách này sẽ được dịch và xuất bản trọn vẹn. Bốn năm đã trôi qua, mong ước đó giờ đã dần dần trở thành hiện thực. Sau bản dịch tóm lược chân dung 15 nhân vật Hy Lạp mang tên Những anh hùng Hy Lạp cổ đại được xuất bản năm 2002, đến nay tập đầu tiên của bộ Những cuộc đời song hành gồm hai cặp nhân vật cổ xưa nhất của hai nền văn minh là Hy Lạp và La Mã là Thésée – Romulus và Lycurgue – Numa chính thức ra mắt độc giả. Lần này, trong nhóm dịch giả ngoài bác Vũ Thọ năm nay đã 84 tuổi, thì các dịch giả khác còn rất trẻ, như Cao Việt Dũng 25 tuổi, Vũ Hoàng Linh 29 tuổi, Tạ Quang Đông 32 tuổi, Nguyễn Thị Hải Yến 24 tuổi, Vũ Đàm Linh 22 tuổi, v.v… Nhiều người trong số họ đang sống và học tập tại các quốc gia phương Tây nên đã hấp thụ tinh thần văn hóa và lĩnh hội được tư duy duy lý của phương Tây mà cái nôi chính là nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại. Nhờ thế, bản dịch đã truyền tải được thực chất cái tinh hoa và tinh thần duy lý đó. Là người dịch tập đầu tiên của tủ sách, nên Cao Việt Dũng đã dành thời gian công phu để chuẩn bị bản giới thiệu cho tác phẩm, tác giả, phần chú thích, phần tiểu dẫn giới thiệu từng nhân vật. Bản dịch này đã được học giả Lê Hồng Sâm thẩm định và góp ý, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
Qua những cuốn sách này, ngoài việc hiểu biết về nền văn minh Hy Lạp – La Mã, độc giả sẽ hiểu thêm về cội nguồn chủ nghĩa duy lý của phương Tây. Đó chính là hy vọng mà chúng tôi đặt vào bộ sách này.