Sách: Những cuộc đời song hành

Những cuộc đời song hành
38.000

vi
14,5 x 20,5 cm

Mô tả

CHI TIẾT SÁCH

Tên sách: Những cuộc đời song hành: Các nhân vật kiệt xuất Hy Lạp – La Mã cổ đại

Tác giả: Plutarque

Dịch giả: Cao Việt Dũng, Vũ Thọ

Bìa mềm: 344 trang

Khổ sách: 14,5 x 20,5 cm

Bìa mềm: 38.000 VND

Tủ sách Tinh hoa Tri Thức Thế giới

Xuất bản lần đầu năm 2005

------------------

VỀ BỘ SÁCH

NHỮNG CUỘC ĐỜI SONG HÀNH

Có thể nói cùng với Thần thoại Hy Lạp, Những cuộc đời song hành của Plutarque là tác phẩm đồ sộ nhất về nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại. Năm 1926, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh đã lược dịch một vài nhân vật trong bộ sách này. Tiếc rằng cho đến nay, việc dịch và xuất bản trọn vẹn tác phẩm này vẫn chỉ là một ước muốn khó thực hiện của các học giả Việt Nam.

Từ năm 2001, một nhóm dịch giả trẻ gồm Nguyễn Cảnh Bình và Cao Việt Dũng đã từng mơ ước một ngày nào đó cuốn sách này sẽ được dịch và xuất bản trọn vẹn. Bốn năm đã trôi qua, mong ước đó giờ đã dần dần trở thành hiện thực. Sau bản dịch tóm lược chân dung 15 nhân vật Hy Lạp mang tên Những anh hùng Hy Lạp cổ đại được xuất bản năm 2002, đến nay tập đầu tiên của bộ Những cuộc đời song hành gồm hai cặp nhân vật cổ xưa nhất của hai nền văn minh là Hy Lạp và La Mã là Thésée – Romulus và Lycurgue – Numa chính thức ra mắt độc giả. Lần này, trong nhóm dịch giả ngoài bác Vũ Thọ năm nay đã 84 tuổi, thì các dịch giả khác còn rất trẻ, như Cao Việt Dũng 25 tuổi, Vũ Hoàng Linh 29 tuổi, Tạ Quang Đông 32 tuổi, Nguyễn Thị Hải Yến 24 tuổi, Vũ Đàm Linh 22 tuổi, v.v… Nhiều người trong số họ đang sống và học tập tại các quốc gia phương Tây nên đã hấp thụ tinh thần văn hóa và lĩnh hội được tư duy duy lý của phương Tây mà cái nôi chính là nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại. Nhờ thế, bản dịch đã truyền tải được thực chất cái tinh hoa và tinh thần duy lý đó. Là người dịch tập đầu tiên của tủ sách, nên Cao Việt Dũng đã dành thời gian công phu để chuẩn bị bản giới thiệu cho tác phẩm, tác giả, phần chú thích, phần tiểu dẫn giới thiệu từng nhân vật. Bản dịch này đã được học giả Lê Hồng Sâm thẩm định và góp ý, chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Qua những cuốn sách này, ngoài việc hiểu biết về nền văn minh Hy Lạp – La Mã, độc giả sẽ hiểu thêm về cội nguồn chủ nghĩa duy lý của phương Tây. Đó chính là hy vọng mà chúng tôi đặt vào bộ sách này.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả.

 NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC

-------------------

MỤC LỤC

 Lời giới thiệu

THÉSÉE – ROMULUS

Tiểu dẫn Thésée - Romulus

Thésée

Romulus

So sánh Thésée và Romulus

LYCURGUE – NUMA

Tiểu dẫn Lycurgue – Numa

Lycurgue

Numa

So sánh Lycurgue và Numa

Niên biểu đối chiếu lịch sử Hy Lạp – La Mã cổ đại

Giải thích các từ thường xuất hiện

Chú thích địa danh, tộc người

và các dòng họ nổi tiếng

Chỉ dẫn tên riêng

 *****

LỜI GIỚI THIỆU

“Tôi không biết mình đã làm gì cho đến tuổi lên năm hay sáu; tôi không biết mình đã học đọc thế nào; tôi chỉ còn nhớ những sách đầu tiên đã đọc và ấn tượng chúng gây ra cho tôi: đó là khoảng thời gian khi tôi bắt đầu nhận ra được, và sau đó sẽ không có chút gián đoạn nào, ý thức về bản thân tôi. Mẹ tôi để lại nhiều tiểu thuyết. Hai cha con tôi thường đọc sách sau khi ăn tối. Thoạt tiên chúng tôi chỉ muốn hoàn thiện kỹ năng đọc của tôi bằng những cuốn sách vui nhộn; nhưng rất nhanh chóng sự say mê [đọc sách] trở nên thôi thúc đến nỗi chúng tôi luân phiên đọc không ngừng nghỉ, hằng đêm hằng đêm. Chúng tôi chỉ có thể buông sách khi đã đọc cho đến hết. Nhiều lúc, khi sáng ra nghe thấy tiếng hót chim én, cha tôi ngượng ngùng nói với tôi: “Thôi đi ngủ! Cha còn trẻ con hơn cả con.”

Trong một khoảng thời gian ngắn, bằng phương pháp nguy hiểm đó, tôi thu lượm được không chỉ kỹ năng đọc và hiểu cực kỳ tốt, mà còn một tầm hiểu biết hiếm có ở độ tuổi của tôi về các cảm giác. Tôi không có chút ý tưởng nào về sự vật, thế mà tôi biết hết các loại tình cảm. Tôi không ý thức được gì hết, tất cả tôi đều chỉ cảm nhận. Những nỗi xúc động hỗn độn tôi lần lượt thu hái được đó không hề làm hỏng đi cái lý trí mà tôi còn chưa có cho đến khi đó; nhưng chúng rèn luyện tôi theo một kiểu khác, và trao cho tôi những khái niệm kỳ lạ đầy tính tiểu thuyết về đời người, mà kinh nghiệm và suy tư sẽ không bao giờ xóa nhòa được khỏi đầu óc.

Tiểu thuyết chấm dứt vào mùa hè năm 1719. Mùa đông tiếp theo, đã có cái khác thế chỗ. Tủ sách của mẹ tôi cạn kiệt, chúng tôi chuyển sang tủ sách của ông ngoại mà chúng tôi được quyền sở hữu. Thật may mắn vì ở đó có những cuốn sách tốt; không thể khác được vì tủ sách đó thật tình do tay của một mục sư lập nên, ông lại còn là một bác học, vì hồi đó như thế là mốt, nhưng ông là người có gu và có trí tuệ. Lịch sử Nhà thờ và Đế chế của Le Sueur, Luận văn về Lịch sử phổ quát của Bossuet; Gương danh nhân của Plutarque; Lịch sử Venise của Nani; Những chuyển hóa của Ovide; La Bruyère; Các thế giới của Fontenelle, Luận đàm của người chết cũng của ông; vài tập kịch của Molière được chuyển vào văn phòng của cha tôi, và ngày nào tôi cũng đọc cho ông nghe trong khi ông làm việc. Tôi tìm thấy ở chúng một gu hiếm có và có thể là duy nhất ở tuổi đó. Đặc biệt Plutarque trở nên tác giả mà tôi yêu thích nhất. Niềm thích thú khi đọc đi đọc lại ông dần chữa tôi một chút khỏi bệnh tiểu thuyết; và tôi nhanh chóng thích Agésilas, Brutus, Aristide hơn nhiều so với Orondate, Artamène và Juba[1]. Từ những lần đọc sách thú vị đó, những cuộc trò chuyện nảy sinh giữa cha con tôi, đã tạo nên cái tinh thần tự do và cộng hòa, cái tính cách bất khuất và kiêu hãnh, nóng nảy chống lại áp bức và phục tùng, cái tính cách đã hành hạ tôi suốt cuộc đời, cả trong những tình huống nhiều khi không cần đến nó. Không ngừng bận tâm với Rome và Athènes, không ngừng sống với những con người vĩ đại của hai thành phố đó, tự bản thân tôi cũng sinh ra là công dân của một nền cộng hòa, con trai của một người cha có tình cảm lớn nhất là tình yêu nước, tôi cháy bỏng khát khao học tập theo gương ông [Plutarque]: tôi tự thấy tôi là người Hy Lạp hay La Mã; tôi trở thành nhân vật, tôi đọc cuộc đời nhân vật ấy: truyện kể về những nét kiên định và gan dạ tác động đến tôi, làm đôi mắt tôi rực sáng và giọng nói hào sảng. Một hôm ở bàn ăn tôi kể chuyện phiêu lưu của Scaevola, mọi người hoảng sợ khi thấy tôi tiến bước lên và đặt tay lên một cái bếp để miêu tả hành động của chàng[2].”

Để bắt đầu với một nhà văn lớn, có lẽ không có sự dẫn nhập nào tốt hơn là những lời của một nhà văn lớn khác. Trên đây là vài đoạn trong quyển I tác phẩm Tự thú[3] của Jean-Jacques Rousseau, cuốn tiểu thuyết tự thuật vào hàng đầu tiên trong lịch sử văn học. Plutarque để lại sau mình một danh sách dài những người ngưỡng mộ, nhưng hiếm khi nào các nhân vật của ông lại mang tính định hướng quyết định như vậy đối với một đứa trẻ, tương lai cũng sẽ trở thành một con người kiệt xuất ngang tầm nhà văn Hy Lạp.

Hãy chú ý câu văn khá kỳ lạ của “người công dân tự do thành Genève”: “Niềm thích thú khi đọc đi đọc lại ông dần chữa tôi một chút khỏi bệnh tiểu thuyết”. Sách của Plutarque rõ ràng đóng vai trò cân bằng những lệch lạc, ham mê quá đà do đọc tiểu thuyết gây ra, chính vì lẽ đó chúng ta sẽ có nhà văn Rousseau - tác giả của Julie hay nàng Héloïse mới, nhưng chúng ta cũng lại có nhà khai sáng Rousseau - tác giả của Khế ước xã hội[4].

“Không ngừng bận tâm với Rome và Athènes”, đó không phải là lời của một đứa trẻ bình thường, mà là của một “công dân tự do” bẩm sinh, một con người trong tương lai sẽ dành cả cuộc đời chiến đấu vì lý tưởng cộng hòa. “Không ngừng bận tâm với Rome và Athènes”, đó cũng là tâm thế thường trực của những người tự cho mình là trí thức ở Tây phương; nguồn gốc và truyền thống vẫn luôn là những dòng chảy ngầm nâng đỡ tư tưởng của mọi thời đại. Nhất là vào cuối thế kỷ XIX, các nhà văn, trí thức Pháp luôn coi “hành hương” về Hy Lạp là chuyến đi bắt buộc của mỗi người có ý thức với lịch sử và văn hóa. Charles Maurras, Maurice Barrès… đều đã đi và để lại những tác phẩm đáng nhớ ghi lại cuộc hành trình; Rome cũng là địa chỉ không thể thiếu trên con đường xê dịch của các nhà văn: chúng ta nhớ Stendhal từng có những trang viết đầy thơ mộng về ngõ ngách thành Rome, nhà văn Mỹ Henry James vốn say mê văn hóa châu Âu lục địa cũng lấy Rome, mà chính xác hơn là đấu trường Colisée, làm bối cảnh cho truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông, Daisy Miller.

 *

*       *

[...]

(Trích Lời giới thiệu, Cao Việt Dũng, 2005)



[1] Ba nhân vật đầu tiên của Plutarque, ba nhân vật sau là của các tiểu thuyết TK XVIII. Như vậy Rousseau đối lập hai lý tưởng khác nhau, tính phù phiếm của tiểu thuyết và tính luân lý nghiêm trang của lịch sử.

[2] Scaevola là chàng trai La Mã trẻ tuổi, tự trừng phạt mình bằng cách đặt bàn tay phải lên bếp lửa vì đã giết nhầm người khi định hành thích ông vua Porsenna của người Étrusque.

[3] Jean-Jacques Rousseau, Les Confessions, 2 tập, Gallimard/folio 1993, bản của Bernard Gegnebin và Marcel Raymond, Catherine Koenig chú thích, J.-B. Pontalis giới thiệu. Bản tiếng Việt của đoạn trích: Cao Việt Dũng.

[4] Cuốn Du contrat social (viết năm 1762, một năm sau khi viết Julie, cả hai đều được viết khi Rousseau trú ở thành phố nhỏ Montmorency liền kề Paris) ở Việt Nam trước được biết dưới cái tên Xã ước (Phạm Quỳnh là một trong những người sử dụng cách dịch đó), sau này có bản dịch Khế ước xã hội của Hoàng Thanh Đạm.




Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận