Với trái tim tha thiết yêu thương con người của Nguyên Hồng, phụ nữ và trẻ em chính là những con người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất. Ông đã viết thiên tự truyện Những ngày thơ ấu ghi lại "những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại" quãng đời thơ ấu đầy tủi cực của chính mình, cậu bé mười hai tuổi mồ côi. Trong tác phẩm này hiển hiện rõ nét hình ảnh người mẹ hiền hậu phải chịu những bất công và những định kiến nặng nề của lề thói phong kiến. Tình mẹ con cảm động tha thiết trong truyện còn được Nguyên Hồng nhắc đến nhiều nữa mà tiêu biểu là trong truyện ngắn Mợ Du sau này.
Những truyện ngắn của Nguyên Hồng chủ yếu viết trong thời kì trước Cách mạng Tháng Tám. Dường như nhà văn không thể không viết về những gì đang diễn ra làm trái tim ông như rỉ máu. Ông đăm chiêu, nặng lòng suy nghĩ về những thân phận nhỏ bé, yếu đuối, bị các thế lực trong xã hội cướp đoạt, bất công. Hãy nghe nhà văn nói về Thạo bé trong truyện Giọt máu:
“Trước ánh lửa bếp lom nhom và ánh đèn lù mù, sắc mặt Thạo càng xạm thêm, ngây dại và cô độc hơn. Con bé ấy gắp rau, húp nước dưa và nhất là xới cơm đều rón rén như sợ rằng nó không được phép ăn những thứ quý báu lắm ấy."
Một cô bé con nhà nghèo khổ phiêu bạt từ một tỉnh nghèo sau cơn bão lũ gây chết chóc và mất mùa ra Hải Phòng kiếm sống. Cả gia đình tá túc trong ngôi nhà rách thuê được của mụ chủ tham lam, độc ác, điêu ngoa. Giữa cảnh sống tối tăm, giữa những vất vả trầy trật để có bát cơm ăn là một tia sáng tươi mát chiếu ra từ mảnh vườn ngô non của Thạo bé:
“Mới dạo nào lấm tấm như mạ non thế mà trải qua đâu mười mấy ngày mưa phùn rồi nắng to mà đã thành cây, rung rung với gió và ánh nắng. Những lá ngô rộng dài, xanh trông suốt được, cạnh sắc gợn, trổ vươn ra những nõn lá mạnh mẽ..."
Từ mảnh vườn ngô ấy đã nuôi lên hi vọng nhỏ nhoi của con bé nghèo qua những xếp đặt của người mẹ:
“Chuyến này tao xem được bao nhiêu bắp, tao để nó bán cả, lấy tiền mua đôi gà con nuôi nhớn rồi để cho ấp, đến tết nó bán gà nó may áo."
Nhưng hỡi ôi cái hi vọng ấm áp và mơn man ấy đã bị tắt dụi đi vì bàn tay và tâm địa độc các của mụ chủ nhà. Lấy cớ bố mẹ Thạo bé còn nợ tiền nhà của mụ, mụ đã tàn nhẫn bẻ trụi hết vườn ngô của bé Thạo để trừ tiền. Người đọc không thể nén được cơn giận cứ run lên trong lòng khi đọc đến đoạn văn này:
"Mụ chủ nhà bổ xuống sân, mặc gió thổi như tát nước vào mặt, mụ lấy áo tơi của mẹ Thạo trùm đầu, xéo bừa cả lên những đống rác, ra khoảng đất đằng góc vườn. Rắc... Rắc... soạt... soạt... những bắp ngô bẻ nghiến ra, có bắp chặt quá mụ giằng cả cây xuống mà rứt..."
Rồi hình ảnh Thạo bé đội mưa ra vuốt vuốt lại từng cây ngô và nức nở khóc trong mưa, rồi chi tiết Thạo bé sau đó bị sốt đến mê sảng cứ ám ảnh, quặn thắt những trái tim trẻ dại, không bao giờ nguôi được...
Truyện ngắn của Nguyên Hồng thời kì trước cách mạng viết nhiều về những con người "dưới đáy", nhưng dù ở nơi tăm tối đói khát nhất, dù ở trong bùn lầy và phải đối diện với những gì khốn nạn nhất họ vẫn giữ được phần lương tâm con người trong sáng của họ. Như thằng bé Điều cầu bơ cầu bất sống bằng nghề ăn cắp vặt, đói khát quanh năm, trước cảnh ông lão ăn mày mù bị bạn nó đánh bả giết chết con chó vẫn dắt lão đi ăn xin, để cướp đi một món tiền thì nó vẫn bưng mặt khóc và quẳng trả lại gói tiền cho ông lão (Con chó vàng). Truyện ngắn này như một ánh lửa nhỏ để rồi tác giả nhóm lên ngọn lửa lớn trong Bỉ vỏ một niềm tin yêu tha thiết vào phần bản chất lương thiện của con người, dù hoàn cảnh có xô đẩy họ vào những nơi đen tối khủng khiếp nhất…