Ngay trong phần đầu, Phan An đã viết: “Khi gặp đàn bà, có rất nhiều thứ để khen: khen đẹp, khen xinh, khen trẻ, khen gầy đi, khen béo ra… Không thấy có gì khen được trong những thứ để khen kể trên thì có thể chuyển sang khen áo, khen túi… Khi gặp đàn ông, thường chỉ có một câu khen - phong độ: “Dạo này anh phong độ thế!”.
Phong độ là gì? Phong độ như khí độ, có gì đó liên quan đến gió. Phong độ là trạng thái của thể xác, của tinh thần và của tâm hồn. Đàn ông phong độ thể xác phải khỏe. Yếu đến mức không thể cầm nổi tờ báo đọc hay không thể bật nổi nắp chai bia không thể gọi là phong độ. Đàn ông phong độ như cánh buồm căng gió, như lá cờ bay phần phật. Còn gì đẹp hơn con ngựa đang phi, con thuyền đang lướt và người đàn ông phong độ.
Đàn ông phong độ cần có tinh thần khoáng đạt. Không hiểu được điều này thì cho dù có thông minh lanh lợi đến mấy cũng không vượt qua giới hạn của sự khôn vặt và sẽ mất đi cái đàng hoàng phong độ của người đàn ông. Khoáng đạt là phong cách sống phóng khoáng, rộng rãi cả trong suy nghĩ và cả trong hành động. Phong độ cũng là sự thể hiện vẻ đẹp về trang phục, tư thế, tác phong. Phong độ của một người không thể có ngay được một sớm một chiều và không thể cố tạo ra phong độ được. Đằng sau phong độ ẩn giấu cả trình độ, tài năng và học thức. Phong độ chính là diện mạo tinh thần - khí chất bên trong được biểu hiện qua lời nói, cử chỉ và thái độ.
Phong độ là sức mạnh tinh thần toát ra từ bên trong để người ta cảm thấy sự vững vàng mà không cần phải nổ, không cần phải bắn pháo hoa, không cần diễu võ dương oai.
Phong độ như thước đo để đánh giá đàn ông. Phong độ là thể hiện được hết cái gì mình có, là đạt đến hết những gì có thể đạt được.
Phong độ là sự tự tin trong quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ với đàn bà. Đàn ông phong độ không nhìn đàn bà với cái nhìn van xin. Đàn ông phong độ nhìn đàn bà với cái nhìn bao dung độ lượng, như thể nhìn những người bạn tốt nhất của con người.
Phong độ đàn ông viết theo lối tản văn, văn phong khoáng đạt, cá tính, câu từ sử dụng tương đối chuẩn xác. Vì nhà văn viết theo cảm hứng về đàn ông và các vấn đề trong cuộc sống nên nếu đọc riêng mỗi phần có thể cảm thấy rất thú vị, nhưng khi gom tất cả các phần lại với nhau lại dễ gây cảm giác dàn trải. Mặt khác, các chủ đề tuy đã được sắp xếp nhưng chưa thật hợp lý và khá rối mắt vì khi đọc người khác không nhận thấy rõ ràng sự sắp đặt logic trong đó. Nên thay đổi bố cục các phần để toàn bài trở nên mạch lạc hơn, không gây cảm giác vụn vặt.
Với các chủ đề khác nhau diễn ra xung quanh cuộc sống của đàn ông như: Khi đàn ông vớ chạn, đàn ông và tình ảo, đàn ông và tình một đêm, khi đàn ông không gọi điện, đàn ông và hàng hiệu, đàn ông và xe, đàn ông đi café, đàn ông nuôi con gì, đàn ông và tự phục vụ, đàn ông và hàng rong, đàn ông và phim, hình như đàn ông là mưa… hướng về sự nhạy cảm.
Tóm lại, nói đến đàn ông phong độ là nói đến những người đã trưởng thành. Không ai khen những người trẻ phong độ. Với những người trẻ thường không dùng từ phong độ. Người đàn ông phong độ là người đẹp trai mà không hợm hĩnh, giàu có mà không kiêu căng, mạnh mẽ mà không thô kệch, cứng rắn mà không vũ phu, si tình mà không yếu đuối, nồng nàn mà không ngu xuẩn, thu nhập cao mà không phải làm việc quá nhiều, mê du lịch và thích mua sắm đồ, yêu chiều con cái và trọng vợ, biết tôn trọng sở thích riêng tư của người khác, biết nấu nướng, massage, có năng lực điều khiển xe trên đường và vợ trên giường… “Người đàn bà phong độ là người có người đàn ông phong độ như trên là người yêu, là người tình hoặc là chồng càng tốt”, âu đó cũng là một “chân lý” “ngộ” ra được ở cuộc sống này.
(trích từ Vnexpress)