Khi đến Huế bạn sẽ có ấn tượng rất đặc biệt của Chả Huế, đó là gói hoàn toàn bằng lá chuối và cột thắt ở hai đầu chứ không gói vuông 2 đầu như chả Bắc.
Không chỉ khác về hình dáng bên ngoài mà còn cả về mùi vị và công phu tỉ mỉ trong chế biến.Trước khi muốn có đòn chả ngon, lá chuối phải được luộc qua nước sôi, rửa sạch và ngâm vào trong nước lạnh qua 1 đêm, sáng vớt ra cho ráo nước và cắt tỉa góc cạnh, khi làm cần lau thật sạch cho hết mủ lá.
Tiếp đến là bước chọn nạc, nạc phải được chọn, chuẩn bị từ sáng sớm, tươi và phải là nạc mông. Nạc phải lọc hết gân, mỡ thái hình vuông và quan trọng nhất là phải có sự hợp lý giữa lượng Nạc và Mỡ, nếu không sẽ không tạo nên được miếng chả thơm dai và đậm đà tình thân. Nhưng sự khác biệt giữa chả Huế và các loại chả ở nơi khác là mùi vị. Khi ăn vào miếng chả Huế sẽ thấy rất đậm đà, cũng chỉ với nước mắm, muối, tiêu, đường và hành tỏi nhưng thêm vào chút tấm lòng người Huế thì chả Huế lại trở nên đậm tình. Có lá, có nạc ngon và có gia vị chỉ cần xay ra và gói lại là sẽ có những đòn chả Ngon & Lành.
Nhưng không chỉ đơn giản là đưa vào máy xay nạc cho nhuyễn mà phải xem đã đạt đủ độ dẻo của nạc quết, và còn phải trải qua giai đoạn người thợ quết bằng cối đá và chày, lúc này mới tăng được độ dẻo của nạc. Rồi đưa chúng ra những chiếc lá chuối đã được lau khô và gói lại, phải cột thật chặt hai đầu chả để khi luộc không thấm nước vào làm giảm độ đậm đà của chả.
Luộc chả quyết định việc chúng ta có đòn chả ngon hay không, thiếu không được mà thừa cũng không ngon.
Một đòn chả nhỏ xinh nhưng chứa trong chúng biết bao tâm huyết của những người thợ làm chả gia truyền. Chả Huế đậm đà, thơm ngon và lưu luyến đến lạ kỳ.
Những đòn chả ngon xinh luôn luôn kèm bên những cặp Nem thơm chua. Nem cũng là đặc sản của Huế, làm quà cho người thân, bạn bè hay để bày trên những mâm cúng cho ông bà tổ tiên trong các ngày lễ tết.
Nem Huế khác với nem miền Bắc và nem miền Nam ở cách nêm gia vị. Không bao giờ ta gặp một lọn nem Huế lại có một hạt tiêu tròn ở giữa. Các mùi vị dều hòa tan trong lọn nem xinh xắn. Trong lọn nem có đủ mùi vị của thịt nạc lên men chua, da heo xắt nhỏ, thính, nước mắm kho, đường phèn, muối... Thực lòng khó cản được sự háo hức của vị giác khi thấy từng lọn nem chua ửng hồng xếp thành vòng tròn trong lòng đĩa mời gọi!
Nem cũng là món ăn dân dã để các ông lai rai vào những buổi chiều hè cùng ly bia mát lạnh.
Để làm nem cũng cần công phu tỉ mỉ không thua gì chả, từ khâu chuẩn bị lá, rang thính, thái bì rồi chọn nạc. Khi đã đủ nguyên vật liệu thì nạc được xay quết ra, thêm gia vị sao cho nem khi chín sẽ vừa ăn. Sau đó trộn thính, bì sợi vào và trộn đều lên.
Phải làm sao cho nem ăn vừa dai, chua vừa béo thơm, tất cả phụ thuộc vào người thợ điều chỉnh lượng nạc, mỡ và nêm gia vị. Gói nem là giai đoạn cuối cùng để tạo nên nem, lá dong phải được lau sạch, ngoài là một lớp lá chuối gói thành hình chóp, phải vắt nem sao cho đều tay để những lọn nem bằng nhau và đẹp mắt.
Nem sau khi gói xong để khoảng 3 ngày là vừa dùng, khi đó nem sẽ có vị chua thanh, hơi ngọt và béo thơm. Vị chua thanh nhờ vào sự lên men tự nhiên mà có, vị ngọt của nạc và vị béo thơm của mỡ, sẽ thêm vị cay nồng nếu bạn dùng kèm với vài múi tỏi tím của Huế. Nem cũng đa dạng về kiểu dáng và mùi vị, nem lọn, hay nem đòn, nem heo hay nem bò tùy vào khẩu vị mỗi khách hàng.
Nếu như bạn là người không ăn được chua, thì sẽ có 2 sự lựa chọn cho bạn nến thích ăn nem, đó có thể kể đến nem nướng, nem chiên, nem hấp (nem sống mới làm, bỏ đi lớp lá chuối ở phía ngoài, giữ lại lớp lá dong, đem nướng trên than, chiên bằng dầu hoặc hấp cách thủy) với vài thao tác đơn giản bạn sẽ làm cho thực đơn thêm phong phú hơn cho gia đình.