Cháo lươn Nghệ An
Thành phố Vinh có hai đặc sản là cam và lươn. Món cháo lươn, súp lươn đã trở thành "niềm tự hào xứ Nghệ" với cách chế biến đặc biệt và hương vị hết sức đặc trưng "không nơi mô có được".
Xã Long Thành thuộc huyện lúa Yên Thành, một vùng chiêm trũng bắc Nghệ An. Gần 1 vạn dân ở đây, 80% sống bằng nghề bắt lươn. Trúm là ống nứa dài khoảng 60 cm một đầu đục thủng cho lươn chui vào, đầu kia bịt kín có khoét lỗ thông hơi đề phòng lươn chết ngạt. Gần miệng trúm cài sẵn một chiếc bẫy hình phễu đan bằng cật tre. Thợ săn lươn cứ chiều chiều mang mỗi người khoảng 100 chiếc trúm ra đồng, cách chừng 5m đặt một chiếc. Khi đặt trúm sao cho phần đầu nằm dưới mặt nước, phần sau nghếch lên cao hơn. Lũ lươn có giác quan rất nhạy, hễ ngửi thấy mùi giun hoặc cua đồng mà người thợ săn làm mồi nhử bèn lách mình chui vào. Xưa nay loài lươn chỉ bò tới chứ không biết bò lui nên mắc kẹt lại trong trúm không ra được. Sáng sớm hôm sau, thợ chỉ việc đi nhặt trúm về xổ ra, có khi bốn năm chú lươn cùng chui vào một chiếc trúm.
Ngoài thả trúm bắt lươn, nông dân Yên Thành còn đi soi lươn. Đêm tối trời mỗi người xách một chiếc đèn ra đồng chọn thửa ruộng nào xâm xấp nước lội xuống, dùng đèn soi, lươn thấy ánh sáng bèn ngóc đầu dậy, thế là bị thợ lươn túm cổ cho vào oi (một dụng cụ chuyên dùng để đựng cua, cá đồng của nông dân).
Quán bà Liễu (Quán Bàu) nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, cửa ngõ Thành Vinh, chỉ phục vụ điểm tâm sáng từ 6h đến 9h, lúc cao điểm khách đông nghịt. Mùi lươn chín thơm lừng, khi ăn có vị ngọt pha lẫn tí cay cộng hưởng với mùi rau răm thơm rất hấp dẫn. Miếng bánh mì giòn tan nghe râm ran đầu lưỡi, vừa thưởng thức món cháo lươn vừa nhâm nhi ly rượu Nghi Đức chính hạng. Ngoài cháo lươn, bà Liễu còn bán súp lươn, món này chỉ để giữ khách là chính chứ chẳng lời lãi là mấy bởi mỗi cân lươn làm chỉ được ba bốn bát. Súp lươn kẹp bánh mỳ nóng, vị cay đằm, khó quên.
Mỗi ngày bà Liễu bán hết hơn 2 yến lươn. Lươn mua về phải làm sạch nhớt, và cách làm nhớt của bà Liễu cũng chẳng giống ai. Bà đun nước sôi, cho lươn vào luộc như luộc gà, xong mới đưa ra róc thịt, chế biến thành cháo. Công đoạn chế biến là cả một bí quyết phức tạp mà dù có đổi bằng vàng, bà Liễu cũng không bao giờ tiết lộ. Quán ở Cửa Nam, lươn hơi to, kém ngọt. Còn ở thị xã Hà Tĩnh thì có món lươn cuốn lá lốt, lươn bọc trong lá lốt rán như chả làm một món ăn hàng ngày tuyệt diệu.
(Theo Tiền Phong)