Tài liệu: Đôi vợ chồng trẻ say mê khoa học

Tài liệu
Đôi vợ chồng trẻ say mê khoa học

Nội dung

ĐÔI VỢ CHỒNG SAY MÊ KHOA HỌC

Marie và Pierre Curie khám phá ra radium và biến việc chữa bệnh bằng phóng xạ (xạ trị) thành hiện thực

 

GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

Marie và Pierre hết lòng vì nhau cũng như đối với con cái và khoa học. Hình này chụp vào năm 1.904, khi con gái Irene của họ được bảy tuổi, trước lúc Pierre mất hai năm.

 

ĐO SỰ BỨC XẠ

Hai vợ chồng Curie phải tự làm lấy các thiết bị nghiên cứu. Phóng xạ có thể khiến cho không khí dẫn điện, và Pierre đã phát triển nhiều dụng cụ đo rất nhạy để dùng cho hiệu ứng này.

 

Năm 1.891, Marie Sklodowska đến Paris lúc 23 tuổi. Cô đã hoàn thành xuất sắc chương trình học tại Ba Lan và sau tám năm làm gia sư, cô đã dành dụm đủ tiền để đăng ký vào Đại học Sorbonne, trở thành một sinh viên nghiên cứu khoa vật lý và toán học.

Năm 1.894, Marie tốt nghiệp đại học. Trong năm này, đồng thời có nhiều việc quan trọng xảy ra với cô, Marie gặp giáo sư Pierre và họ cưới nhau vào năm sau; để trở thành một đôi cộng sự thân thiết và đem lại nhiều thành tựu nổi bật cho khoa học.

Marie quyết định nghiên cứu về bức xạ của uranium vừa được Henri Becquerel khám phá vào thời gian đó. Bà nghiên cứu Pitchblende (uranit), một khoáng chất có chứa uranium và nhận thấy nó phát xạ nhiều hơn là bức xạ mà uranium riêng lẻ mang lại. Bà cho rằng nó có chứa một cái gì đó có “tính phóng xạ” cao hơn uranium. Cùng với Pierre, bà hòa tan pitchblende trong hóa chất để tạo ra hợp chất mà họ có thể tách ra được. Công việc của họ tạm ngưng vào năm 1.897 vì sự ra đời của cô con gái đầu lòng.

Mùa hè năm 1.898, hai vợ chồng họ lại phát hiện một nguyên tố phóng xạ mới là polonium, nhưng vẫn còn nhiều bức xạ chưa được tính đến, lại có nguồn phóng xạ rất cao. Dù chưa cô lập được chất này, họ vẫn gọi là radium và công bố việc này vào tháng 12.

Sau bốn năm miệt mài với công việc, Marie chỉ tạo ra được 1/10gr clorua radium tinh khiết. Bà trở thành Tiến sĩ Khoa học - là người phụ nữ châu Âu đầu tiên có được học vị này. Và trong năm 1.903, bà lại cùng chia sẻ giải Nobel vật lý với chồng và Becquerel. Bà trở nên nổi tiếng và cùng với Pierre nhận được những công việc đầy vinh dự. Năm 1.904, hai vợ chồng đón nhận sự ra đời của cô con gái thứ hai. Nhưng vào năm 1.906, tai họa ập đến với gia đình họ, Pierre bị một chiếc xe phóng nhanh đâm phải, bị thương nặng và chết. Marie nhận chức giáo sư của chồng tại Sorbonne - cũng là một vinh dự đầu tiên khác đối với một phụ nữ - và phải tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu một mình. Cùng với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp, bà đã tạo ra được radium tinh khiết vào năm 1.910. Năm sau, bà nhận được giải Nobel thứ hai. Lần này không có ai được vinh dự chia sẻ cùng bà.

Trong thời gian xảy ra Thế chiến thứ I, những nghiên cứu của Marie bị đặt xuống hàng thứ yếu. Sau chiến tranh, bà đi vòng quanh thế giới, dùng danh tiếng của mình để khuyến khích người ta hỗ trợ cho những ứng dụng mới đối với khám phá vĩ đại của mình. Nhiều bác sĩ nhận thấy radium, nguồn phóng xạ mạnh nhất được biết đến hồi đó, có thể dùng để đối phó với bệnh ung thư. Marie Curie đã giúp cho liệu pháp phóng xạ (radiotherapy) trở thành hiện thực. Dù ngày nay radium chỉ còn được dùng hạn chế cho mục đích này, nhưng nó vẫn còn nhắc nhở chúng ta nhớ về một phụ nữ tài ba lẫy lừng.

LƯU DANH MUÔN THUỞ

Năm 1.927, khi chụp bức ảnh này, Marie đã chiếm được chỗ trong đại hội Solvay, cuộc gặp mặt của những nhà vật lý hàng đầu được tổ chức ở Brussels, Bỉ. Bà là người thứ ba ở hàng đầu tính từ bên trái sang. Những tên tuổi nổi tiếng khác hiện diện trong nhóm có cả Bohr, Bragg, Einstein, Heisenberg, Lorentz, Pauli, Planck và Schrödinger.

 

CÁC KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM

Phòng thí nghiệm của Curie có thể thử nghiệm trên những nguồn tạo ra tia gamme. Bằng chứng nhận này do Marie ký xác nhận một nguồn tương đương với 10mg radium.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/223-02-633438652175430000/Khoa-hoc-nam-quyen-dieu-khien-1851-1900/Do...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận