Tài liệu: Đại thánh đường ở Cordoba

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sau khi đế chế La Mã sụp đổ (476), phần lớn các nước Tây Âu đều lần lượt rơi vào ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo La Mã
Đại thánh đường ở Cordoba

Nội dung

Đại thánh đường ở Cordoba

Sau khi đế chế La Mã sụp đổ (476), phần lớn các nước Tây Âu đều lần lượt rơi vào ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo La Mã. Chính qua vai trò trung gian của các giáo sĩ Công giáo mà những thành quả của nền văn minh Hy-La đã đến với nhân dân các nước Tây Âu, đặc biệt là từ thế kỉ XI trở đi. Ngoại trừ bán đảo Ibérica. Trong vòng thập niên thứ hai của thế kỉ VII, gần như toàn bộ bán đảo này đều bị triều đại Umayyad của người Ả Rập đặt kinh đô tại Damascus (Syria) xâm chiếm. Vua Abd al-rahman I (756-788) đã biến Tây Ban Nha thành một vương quốc Hồi giáo độc lập. Ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo La Mã bị đẩy lui, nhường chỗ cho đạo Islam.

Hình 73. Khu cầu niệm trong đại thánh đường Cordoba

Nền văn minh Hồi giáo đã có cơ hội xâm nhập và xác lập một chỗ đứng vững chắc trên bán đảo Ibérica cho đến nửa sau thế kỉ XV.

Hình 74: Khu nội thất đại thánh đường Cordoba

Trong 300 năm thống trị của triều Umayyad, Tây Ban Nha và thành phố Cordoba trở thành trung tâm văn hóa quan trọng nhất của thế giới Hồi giáo, chỉ đứng sau mỗi Baghdad. Còn ở châu Âu, nó chỉ chịu nhường bước cho Constantinople mà thôi.

Dưới triều Abd-al-Rchman III và al-Hakam II trong thế kỉ X, Cordoba trở thành đối thủ cạnh tranh với Baghdad, cả về mặt chính trị lẫn văn hóa. Lúc này, Cordoba có 200.077 ngôi nhà, 60.300 dinh thự, 600 thánh đường và 700 nhà tắm công cộng. Du khách kinh ngạc trước sự giàu có của tầng lớp trên, trước cảnh phồn thịnh được thấy ở khắp cả thành phố. Đường phố được rải đá, vỉa hè được nâng cao, ban đêm được thắp sáng. Các ngôi nhà chạy dài san sát nhau suốt cả 10 dặm đường. Một trong việc làm đầu tiên của vua Abd-al-Rahman I là cho xây một thủy kiều nhằm cung cấp nước sạch cho cư dân trong thành phố. Cordoba nổi tiếng vì những khu vườn và những khu dạo chơi xinh đẹp.

Hai năm trước khi vua Abd-al-Rahman I qua đời (788), người ta khởi công xây dựng một thánh đường rất lớn tương xứng với tầm vóc của thành phố Cordoba, trên nền của một nhà thờ Công giáo. Được thiết kế theo hoạch đỗ của một thánh đường Ả Rập thông thường, thánh đường Cordoba chỉ gồm một khuôn viên hình chữ nhật, trong đó phần lớn nằm ở phía bắc được dùng làm sân lộ thiên, còn phần nhỏ hơn ở phía nam, được xây thành một nhà nguyện có mái che. Công trình kiến trúc đơn giản này trong 2 thế kỉ sau đó được tu bổ và mở rộng cả thảy bốn lần. Dưới thời Abd-AL-Rahman III, thánh đường được bổ sung một tháp cao vào năm 950. Nhưng thay đổi quan trọng nhất diễn ra dưới thời al-Hakam I, khi ông này cho xây thêm 7 gian bên và phần phía nam của khu nhà nguyện. Dưới thời al-Mansur, cả sân lộ thiên và nhà nguyện được xây rộng thêm về phía tây.

Các lần tu bổ và mở rộng thêm đã biến thánh đường Cordoba thành một trong những công trình kiến trúc Hồi giáo nổi tiếng nhất hiện nay trên thế giới. Còn xét về diện tích, thánh đường đứng vào hàng thứ ba với kích thước 247 x 157m.

Nhìn từ xa, thánh đường nổi bật lên nhờ một ngọn tháp có kích cỡ và vẻ đẹp vượt tất cả những ngọn tháp đương thời, do đó được liệt vào ''một trong những kì quan của thế giới''. Khi bước qua một trong 19 cổng có khung vòm hình móng ngựa, được chạm trổ bằng những bông hoa và hoa văn hình học rất đẹp, du khách sẽ vào trong Sân cầu nguyện, hay còn gọi là Sân Quả cam (Patio de Los Naranjos). Khoảng sân hình chữ nhật này được lót bằng những tấm gạch đủ màu, có cả thảy bốn đài phun nước. Những tấm gạch này được cắt ra từ một khối đá hoa cương lớn đến mức phải sử dụng tới 40 con bò để kéo nó từ mỏ đá đến nơi đặt hiện nay.

Tuy nhiên, thánh đường nổi tiếng không phải nhờ bốn đài phun nước trên, mà nhờ một rừng cột với con số lên đến 1290 cột. Con số quá lớn này dễ làm du khách lầm tưởng rằng diện tích thánh đường là không có giới hạn. Chúng chia nội thất thánh đường ra làm 11 gian chính và 21 gian bên. Các cột này được liên kết với nhau bằng đủ loại các khung vòm: bán nguyệt, nhọn, móng ngựa, hầu hết đều có đà cuốn màu đỏ và trắng lẫn lộn. Được thu nhặt từ các phế tích nằm rải rác khắp Tây Ban Nha, các cột có chất liệu không giống nhau: ngọc thạch anh, thạch cao tuyết hoa, hoa cương hoặc poócfia.

Từ trên trần nhà bằng gỗ được chạm khắc các dòng chữ trích từ kinh Coran, rủ xuống 200 ngọn đèn treo với 7.000 chén đầu. Để rót dầu vào chén, người ta sử dụng những quặng treo trên nóc. Chúng nguyên là những quả chuông của nhà thờ Công giáo trước đây, nay được chế biến lại. Tường được trang hoàng bằng vô số tranh khảm. Một số được làm bằng thủy tinh tráng men màu sắc rực rỡ, thường được dát thêm vàng hay bạc. Hơn 1.000 năm sau, chúng vẫn sáng lấp lánh như những viên trân châu.

Nhà nguyện có sàn được lót bằng những tấm gạch dát bạc hay tráng men, cửa được chạm trổ bằng những hoa văn rất khéo, còn tường được trang trí bằng vô số tranh khảm, mái được che bằng 3 nóc vòm. Trong Nhà nguyện, người ta dành hẳn ra một góc để xây khu cầu niệm (mirab). Tại đây, các nghệ nhân tha hồ trổ tài khéo léo của mình. Bản thân mirab là một góc biệt lập hình bảy cạnh, trên tường chạm đầy những tranh tráng men và những dòng chữ màu vàng kim nổi bật trên nền màu xanh lam và đỏ thẫm. Các cột khu mirab được liên kết bằng các tường cuốn, chạm trổ nhiều hoa văn rất đẹp. Bàn thờ của mirab được xem là một trong những bàn thờ đẹp nhất thế giới. Nó được tạo nên bởi 13.000 mảnh nhỏ bằng ngà và các thứ gỗ quý khác: thanh yên, mun, lô hội, đàn hương đỏ và vàng. Các mảnh này được ghép bằng các cây đinh vàng và bạc có cẩn ngọc. Trên bàn thờ có một hộp được bọc bằng tấm lụa màu đỏ thẫm và được may bằng chỉ vàng. Trong hộp là một quyển kinh Coran cổ được viết vào thế kỉ VII.

Cách đây 300 năm, một nhà nghiên cứu nghệ thuật đã viết: ''Thế giới công nhận rằng thánh đường Cordoba là thánh đường đẹp nhất thế giới''. Ngày nay, các nhà phê bình có khe khắt hơn: đó là một trong ba thánh đường đẹp nhất thế giới.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4206-02-633716059860781250/Cong-trinh-kien-truc-Hoi-giao/Dai-thanh-d...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận