Đặc điểm khu hệ cá biển Việt Nam như thế nào?
Đa số các loài cá biển Việt Nam phân bố rộng rãi ở vùng biển lân cận và vùng biển thuộc khu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điều này phản ánh tính chất nhiệt đới là chủ yếu và một phần cận nhiệt đới của khu hệ cá biển Việt Nam, ngoài ra khu hệ cá biển Việt Nam còn có một ít tính chất của khu hệ cá ôn đới. Chúng ta đã gặp không ít loài cũng có phân bố ở biển Đông Trung Hoa, biển Nhật Bản mà chưa thấy có ở Malaixia, Philippin, Ấn Độ. Đó cũng là một nét đặc biệt của khu hệ cả biển Việt Nam. Các loài này chủ yếu sống sát đáy hoặc gần đáy của vùng biển Miền Trung Việt Nam, nơi có độ sâu lớn chứ không phải là toàn bộ vùng biển Việt Nam. Điều kiện tự nhiên của vùng biển này là sâu, có đáy dốc, chịu ảnh hưởng lớn của dòng chảy từ Thái Bình Dương chảy vào từ bờ đến độ sâu 200m thao hướng bắc nam về mùa đông. Thành phần cá vùng biển Miền Trung có những nét khác biệt rõ rệt với các vùng biển vịnh Bắc Bộ, Đông Nam Bộ và vịnh Thái Lan. Vùng biển Miền Trung có nhiều nét chung với vịnh Bắc Bộ hơn các vùng khác. Nhiều loài cá sống sát đáy, gần đáy chỉ gặp ở vùng biển Miền Trung mà không gặp ở vùng biển Nam Bộ.
Thành phần cá tầng đáy rất phong phú, mỗi mẻ lưới kéo từ đáy trung bình gặp trên dưới 30 loài khác nhau gồm cả cá đáy và cá nổi nhưng chủ yếu vẫn là cá đáy. Các loài cá thường gặp chủ yếu là cá nục, cá trích, cá mối, cá hồng, cá phèn, cá lượng, cá hố, cá thu, cá trác, cá bạc má, cá căng, cá sạo...
Vùng biển Miền Trung có thể thấy rõ những loài cá sống ngoài khơi như cá chuồn, cá thu, cá ngừ, giống như hiện tượng di cư của cá ở vùng ôn đới.