Tài liệu: Ấn Độ - Nền văn minh thung lũng Indus

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ngay cả đến đầu thế kỷ 20 người ta vẫn tin rằng những thành phố đầu tiên của Ấn Độ đã phát triển chỉ vào thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên.
Ấn Độ - Nền văn minh thung lũng Indus

Nội dung

NỀN VĂN MINH THUNG LŨNG INDUS

Ngay cả đến đầu thế kỷ 20 người ta vẫn tin rằng những thành phố đầu tiên của Ấn Độ đã phát triển chỉ vào thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Việc phát hiện rất nhiều tàn tích của hai thành phố tại Mohenjadaro và Harappa vào năm 1925 đã đòi hỏi người ta phải viết lại sách sử cổ đại của Ấn Độ. Hai thành phố này đã tọa lạc trên bờ sông Indus và sông Ravi và đã hưng thịnh từ thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên: Những bí ẩn về hai thành phố này cho đến ngày nay vẫn chưa được giải mã.

Những căn nhà của hai thành phố này được xây dựng một cách chắc chắn bằng gạch và nhiều nhà có nhiều tầng và được trang bị cả phòng tắm và phòng vệ sinh. Chất lượng cao của các món đồ gốm, cùng với hàng kho những đồ vàng, đồ bạc tìm thấy ở vùng thung lũng Indus đã cho thấy một sự giàu có cao độ ở đây. Thành phố được thiết kế kỹ lưỡng với những đường chính rộng rãi và những đường hẻm rất tốt. Có những vựa thóc vĩ đại được coi như kho dự trữ của cả cộng đồng. Những phát hiện trong các cuộc khai quật của nền văn minh Mesopotamian cho thấy rằng mậu dịch đã hưng thịnh giữa hai nền văn minh. Điều thú vị là sự vắng mặt của các tượng đài, tháp kỷ niệm hay các pho tượng. Thêm vào đó, không có tòa nhà biệt lập nào được sử dụng như cung điện, từ đó có thể suy ra rằng không có sự bất công trong xã hội, và một tinh thần dân chủ đã thắng thế ở đây. Có vẻ là những nhà buôn phải tự bảo quản tài sản của mình đối với giặc cướp.

Nền văn minh thung lũng Indus thuộc Thời kỳ đồ Đồng. Những dụng cụ rất tốt làm bằng đồng thau đã được phát hiện. Những người ở đây đã xuất khẩu đồng thau, cùng với con công, ngà voi và vải sợi để đổi lấy bạc và những vật dụng khác. Tuy nhiên những cư dân của những thành phố và thị trấn khác nhau tại thung lũng Indus chủ yếu là nông dân, và họ phải lệ thuộc vào các con nước định kỳ để tưới tắm cho ruộng đồng. Ngũ cốc được thu hoạch và phân phối tại các chùa, trong đó lúa gạo chiếm một phần. Gần với những khu nhà đẹp nhất là một ụ đất kiểu thành trì ở trên một nền cao 10 mét. Thành trì Mohenjadaro này là một kiến trúc có nhiều phòng vây quanh một hồ nước lớn hình chữ nhật. Xem ra kiến trúc này được sử dụng cho việc tắm theo lễ nghi.

Thành phố đôi Harappa và Mohenjadaro, vốn là hai thành phố nổi tiếng nhất của nền văn minh thung lũng Ấn Độ, nay thuộc địa phận Pakistan. Cả hai xem ra đều được xây dựng với sự quy hoạch kỹ lưỡng, và có cách bố trí giống nhau. Mặc dù sự suy tàn của hai thành phố này kéo đài dần dần cho đến năm 1750 trước Công nguyên, sự chấm dứt của chúng rất đột ngột. Và người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân của sự sụp đổ này mặc dù có những bằng chứng cho thấy sông Indus đã đổi dòng và rất có thể là lụt lội đã xảy ra. Một biến cố địa chất nào đó đã xảy ra, làm hủy hoại thành phố harappa, và thành phố này không còn dân cư ngụ nữa. Ở Mohenjadaro, thành phố đã bị đốt cháy và cư dân ở đó bị chết, và có vẻ như những người chậm tiến hơn nhiều so với những cư dân ở thung lũng Indus đã nắm quyền sở hữu các thị trấn. Do đó có thể lập luận rằng con đường đã mở ra cho người Aryan bằng sự chiến thắng của sự man rợ đối với một nền văn hóa lâu đời và tiến bộ hơn họ rất nhiều.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1952-02-633468716100625000/Lich-su/Nen-van-minh-thung-lung-Indus.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận