ADN có thể truyền từ loài này sang loài khác không?
Có và rất phổ biến. Đặc biệt, vi khuẩn thường trao đổi nhiều gen với nhau. Một số ký sinh trùng cũng có thể tiếp nhận các gen của vật chủ mà không nhiễm vào. Cuối cùng, hiện nay người ta phát hiện thấy một số sinh vật đơn bào nhân chuẩn thích nghi với môi trường của chúng bằng cách lấy gen của vi khuẩn ở gần. Kiểu truyền gen này giữa các cá thể trong cùng thế hệ được gọi là truyền ngang, ngược lại với kiểu truyền dọc, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Hiện tượng truyền ngang đã có một vai trò chủ yếu trong sự tiến hóa. Trên thực tế, ty thể và lục lạp là di tích của vi khuẩn sống cộng sinh từ đầu với tế bào nhân chuẩn nguyên thủy và những bào quan này chỉ giữ lại chừng một trăm gen của vi khuẩn. Kỳ lạ hơn nữa, một số gen này xen cả vào ADN nhiễm sâu thể. Ngoài ra, rất nhiều trình tự là di tích của virus tổ tiên đã tích tụ trong bộ gen của chúng ta trong quá trình tiến hóa. Trong số này có loại retrovirus (virus có ARN) gọi là ''virus nội sinh người'' (HERV). Nhiều gen không có chức năng rõ rệt, nhưng một số được tế bào tái tạo để đảm bảo các chức năng mới. Ví dụ, gen mã hóa cho xynsytin (syncytine), một protein cần cho sự hình thành rau thai. Gen này lúc đầu mã hóa cho protein vỏ của một loại virus.