Tài liệu: Australia - Các cấp độ học vấn

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Ở Úc các trường tiểu học và những năm đầu của trường trung học là cưỡng bách đối với học sinh.
Australia - Các cấp độ học vấn

Nội dung

Các cấp độ học vấn

Ở Úc các trường tiểu học và những năm đầu của trường trung học là cưỡng bách đối với học sinh. Việc giáo dục được cung ứng cho các trẻ từ 4 tuổi đến khoảng 18 tuổi. Tuổi chính xác cho từng cấp độ học còn tùy thuộc vào từng bang, nhưng nhìn chung tuổi trong phạm vi cưỡng bách giáo dục là từ 6 tuổi đến 15 tuổi.

            TUỔI MẪU GIÁO

Mẫu giáo ở Úc thường bắt đầu khi trẻ lên bốn, nhưng điều này không phải là bắt buộc. Các học sinh ở đây từ tuổi lên ba đến tuổi lên năm thường đến các trường mẫu giáo công lập, các trung tâm giữ trẻ ban ngày hoặc các nhóm vui chơi.

Chỗ học ở các trường mẫu giáo chính thức thường hạn chế, nên phụ huynh cần đăng ký sớm. Các trường mẫu giáo có những chương trình mà qua đó các trẻ khoảng bốn năm tuổi có thể phát triển khả năng, kỹ năng và kiến thức của chúng.

Các trường mẫu giáo thường học một buổi, phụ huynh có thể chọn cho con em mình học vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Nếu như phụ huynh bận đi làm, có thể dàn xếp riêng với nhà trường. Ở Úc có Bộ phận Giúp đỡ phụ huynh, chuyên đảm trách các loại dịch vụ như vậy.

Trường Tiểu học

Cấp độ Tiểu học bắt đầu đối với hầu hết các học sinh ở độ tuổi 5 tuổi. Năm đầu tiên ở cấp Tiểu học là lúc học sinh được làm quen với môi trường học vấn thực sự. Tên của lớp này khác nhau tùy theo từng bang. Ở năm đầu tiên này học sinh học các kỹ năng đọc và viết cơ bản, và có những hiểu biết nhiều hơn về những cách ứng xử và cách quan hệ với người lớn cũng như với những trẻ em khác. Những môn chính ở các trường Tiểu học thường bao gồm 8 môn như sau: Tiếng Anh, Giáo dục Y tế và Thể dục, Ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, Toán, Khoa học, Xã hội và Môi trường, Công nghệ, và Nghệ thuật.

Ở các trường Tiểu học này trẻ em sẽ lần đầu học về xã hội và văn hóa nước Úc. Đây cũng là môi trường mà học sinh tiếp cận với những nền văn hóa khác ngoài nền văn hóa bản xứ của chúng. Ở đây học sinh cũng được dạy rằng sự khoan dung đối với tất cả các màu da khác nhau, các chủng tộc và các nền văn hóa khác nhau là một điều vô cùng quan trọng.

Ở cuối cấp Tiểu học, học sinh đã có khả năng đọc và viết, làm các phép tính cơ bản,và có kiến thức tốt về việc hội nhập của nước Úc trong thế giới xung quanh.

Trường Trung học

Hầu hết các học sinh bước vào cấp Trung học ở độ tuổi 12 hoặc 13. Trong bốn năm đầu của cấp Trung học, chương trình gồm các môn chính như Tiếng Anh, Toán, và Khoa học, là những môn học bắt buộc. Ngoài ra còn một dải rộng những môn nhiệm ý như máy tính, ngoại ngữ, nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, thương mại, lịch sử, địa lý, và kỹ thuật. Trong hai năm cuối của cấp học này học sinh sẽ chọn chuyên ban theo ý thích của mình. Học sinh cũng được thảo luận về việc chọn ban với những nhà tư vấn về sự nghiệp, vì một số chương trình ở đại học đòi hỏi các môn tương ứng ở cấp Trung học.

Những học sinh đáp ứng được những yêu cầu của năm cuối cấp Trung học sẽ được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Trong chứng chỉ này có ghi điểm để so sánh với các học sinh cùng tốt nghiệp khác. Điểm số này cũng là cơ sở để các trường đại học tuyển sinh. Tuy nhiên, việc tốt nghiệp Trung học không phải là cơ sở đảm bảo cho việc vào đại học. Việc vào một khoa nào đó trong trường đại học còn tùy thuộc vào điểm số ở cấp Trung học và tùy thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh của khoa/ngành mà học sinh muốn chọn.

Một số trường Trung học hiện nay có cấp bằng Tú tài cho học sinh tốt nghiệp. Giá trị của bằng Tú tài này là ở tính 'lưu động' của nó. Đối với những học sinh có gia đình chỉ đến Úc công tác hay sinh sống ngắn hạn, bằng này sẽ có giá trị để học sinh đó vào học các trường đại học tại quê nhà, hoặc có thể học tiếp chương trình đại học tại Mỹ.

            CÁC SINH HOẠT Ở TRƯỜNG

Thời gian học

Thời gian học khác nhau tùy theo từng bang, với từ 3 đến 4 học kỳ xen kẽ với thời gian nghỉ. Giờ học thường từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, từ thứ hai đến thử sáu hàng tuần.

Đồng phục

Rất nhiều trường công lập và hầu hết các trường tư thục đều yêu cầu học sinh phải mặc đồng phục. Giá đồng phục tùy theo từng trường - có trường qui định đồng phục theo lối đơn giản, chỉ gồm một áo khoác ngoài và một chiếc váy hay quần dài, trong khi có những trường yêu cầu thêm những món khác như áo jacket hay sơ mi. Có loại đồng phục dành cho mùa Hè và đồng phục dành cho mùa Đông. Phụ huynh có thế mua đồng phục tại các cửa hàng hay mua dạng đồ cũ. Hầu hết các trường đều có quầy bán đồng phục đã qua sử dụng.

Di chuyển đến Trường

Ở Úc học sinh đến trường bằng cách đi bộ, đi xe đạp, ô tô và các phương tiện chuyên chở công cộng khác. Điều đó tùy thuộc vào khoảng cách từ nhà đến trường là dài hay ngắn để phụ huynh sắp xếp một phương tiện tối ưa nhất cho con em mình. Có nhiều trường tư thục hay trường phi chính phủ đứng ra thuê xe buýt để chở học sinh của họ đến trường. Học sinh sẽ trả phí cho dịch vụ này. Các trường của nhà nước thường những tổ chức xe buýt riêng để đưa rước học sinh, trừ phi trường đó có một số lượng lớn học sinh ở ngoài khu vực nhà trường. Nhiều trẻ em được cha mẹ đưa đến trường bằng ô tô riêng, hoặc nhờ ô tô nhà hàng xóm có con học cùng trường đưa đón.

Ăn trưa tại Trường

Các trường công lập thường không cung cấp miễn phí bữa ăn trưa tại trường. Học sinh thường mang theo thức ăn đến trường. Những căng tin của trường cũng có bán các thức ăn uống cho bữa trưa.

Kỷ luật

Kỷ luật ở các trường tại Úc ngày nay đã khác xưa nhiều. Ở hầu hết các trường, các hình phạt về thể xác không còn được áp dụng nữa. Trẻ được khích lệ tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng giáo viên. Mỗi trường có một chính sách riêng về vấn đề này. Hầu hết các trường ngày nay trông mong phụ huynh nhận lãnh trách nhiệm về hành vi của con em mình tại trường và nhà trường sẽ tiếp xúc với họ nếu như có vấn đề nghiêm trọng về kỷ luật.

Yêu cầu về Sức khỏe

Mỗi trường có những yêu cầu riêng về tình trạng sức khỏe của học sinh khi nhập học. Nhưng hầu hết các trường đều bắt học sinh phải chích ngừa trước khi vào trường.

            GIÁO DỤC CẤP CAO

Các trường Đại học

Ở Úc có hơn 40 trường đại học. Đó là những cơ sở vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Một dải rộng với đầy đủ các khoa, ngành đều sẵn có ở các trường này, với đủ các cấp độ học, từ các khóa cấp chứng chỉ đến các khóa học lấy bằng Tiến sĩ.

Nhiều trường đại học có nhiều cơ sở đặt tại các địa điểm khác nhau, trong đó mỗi cơ sở chuyên về một số khoa/ngành nào đó. Các trường đại học địa phương, có nhiều trường có những chương trình đặc biệt, cũng có đủ loại chương trình cho sinh viên cư ngụ tại địa bàn và tham gia vào các sinh hoạt địa phương.

Các chuẩn mực, cách thiết kế và sự đa dạng của chương trình tại các trường đại học của Úc là thuộc hàng có hiệu quả nhất trên thế giới. Bình quân, thời gian để sinh viên lấy một bằng đại học kép dạng danh dự là từ 3 đến 6 năm.

Về học phí, sinh viên có thể trả từng năm, hoặc sử dụng một hệ thống trả dần, gọi là Kế hoạch Trả góp ở Giáo dục Cấp cao. Theo hệ thống này, sinh viên sẽ đóng học phí mỗi khi thu nhập của họ đạt được một mức nhất định nào đó. Hệ thống này áp dụng cho hầu hết các chương trình học, và mức học phí thấp hơn nhiều so với Mỹ hay một số quốc gia khác.

Chương trình ở các trường đại học có cấp độ đại học và cấp độ sau đại học, có những cuốc nghiên cứu, những học bổng được cấp phát, đồng thời cũng có dịch vụ tư vấn và bàn bạc về các vấn đề quốc gia và quốc tế. Những trường này có mối quan hệ mật thiết với các cộng đồng địa phương cũng như các cộng đồng rộng lớn hơn. Sự đa dạng và quyền tự trị là những đặc điểm chính của các trường đại học của Úc. Mỗi trường đều có quyền tự do xác định phương hướng, mục tiêu cho riêng mình, cũng như mô hình dạy và học và nội dung giảng dạy.

Sự đa dạng của nhu cầu và sự trông mong của các nhà tuyển dụng được phản ánh trong hàng loạt những mục tiêu của nhà trường và tập trung vào nội dung giảng dạy của từng chuyên ngành. Các cách tiếp cận đa dạng này là một trong những thế mạnh quan trọng của hệ thống giáo dục tại Úc, và là điều thiết yếu cho sự phát triển lâu dài.

Giáo dục cấp cao tại Úc đã có tiếng trên trường quốc tế. Các trường đại học của Úc là một thành phần được công nhận của các loại học bổng quốc tế, với thành phần giảng huấn được tuyển từ trên khắp thế giới, và sinh viên đến từ nước ngoài cũng ngày một gia tăng. Trong khi đó, trong các chương trình trao đổi quốc tế về sinh viên và giáo viên, số lượng người tham gia cũng ngày một gia tăng.

Ngoài Đại học Quốc gia Úc được thành lập theo một luật của quốc hội liên bang, tất cả các trường đại học khác tại Úc đã được thành lập hoặc được công nhận bởi luật pháp của bang hoặc của hạt. Chính quyền liên bang có trách nhiệm tài trợ cho 37 trường đại học công lập, mặc dù các trường này ngày càng tìm thêm những nguồn tài trợ khác từ cộng đồng rộng lớn bên ngoài, một phần là do ý định của chính phủ sẽ thay đổi cách tài trợ để cung cấp tài chính cho cả những trường công lập lẫn tư thục. Bộ phận quản trị chính thức của một trường đại học là một hội đồng, một ban giám hiệu hoặc một ban quản trị, dưới sự chủ tịch của một hiệu trường do các thành viên bầu ra. Những thành viên trong bộ phận quản trị này được rút từ chính phủ, các ngành công nghiệp, cộng đồng bên ngoài, ban giảng huấn, các sinh viên đã tốt nghiệp và các sinh viên đang theo học.

Quyền điều hành chính ở trong tay vị hiệu phó, người chịu trách nhiệm với bộ phận quản trị và có trách nhiệm về các hoạt động học thuật và quản trị của trường. Năm 2001 có 726.196 sinh viên đăng ký vào các chương trình giáo dục cấp cao ở khắp nước Úc, gia tăng 4,4% so với năm 2000. Trong số này có gần 82% sinh viên theo chương trình toàn thời gian và 83% sinh viên ở cấp đại học. Trong tổng số sinh viên này, khoảng 302.009 sinh viên, chiếm 42%, bắt đầu vào trường từ năm học 2001-2002, và 55% sinh viên là nữ. Các sinh viên ở những chương trình nghiên cứu chiếm 5,3% tổng số sinh viên. Có 112.334 sinh viên, chiếm gần 15,5%, đến từ các nước khác.

Sinh viên Úc trả học phí cho cấp đại học chủ yếu qua Kế hoạch Trả góp ở Giáo dục Cấp cao. Những sinh viên này sẽ trả tiền lãi khi đã có việc làm và có thu nhập ở một mức nhất định nào đó, và mức độ trả tùy thuộc vào mức thu nhập của họ. Số tiền trả góp theo kế hoạch này được chia làm 3 mức độ, tùy theo ngành học, với mức trả cao nhất ở các ngành có triển vọng thu nhập cao. Sinh viên sẽ được giảm bớt một phần tiền phải trả nếu như trả góp theo từng học kỳ hoặc trả từng phần, mỗi phần tối thiểu 500 $A. Theo kế hoạch này, trong năm 2002, sinh viên sẽ phải trả theo ba mức học phí là 3.598 $A, 5. 125 $A và 5.999 $A.

Kể từ năm 2002, các sinh viên Úc đăng ký vào các lớp sau đại học thuộc dạng không nghiên cứu sẽ được vay tiền từ chính phủ liên bang để trả toàn bộ hay một phần học phí, qua Kế hoạch cho vay Sau Đại học (PELS). PELS tương tự như chương trình trả chậm trong Kế hoạch Trả góp ở Giáo dục Cấp cao, nhưng ở đây chính phủ sẽ trả trực tiếp học phí cho sinh viên tại trường. Cũng giống như Kế hoạch Trả góp, sinh viên áp dụng PELS sẽ trả nợ khi thu nhập của họ đạt một mức ngưỡng tối thiểu được qui định trước.

Trong năm 2000, có 82.233 giáo viên và nhân viên trong lĩnh vực giáo dục cấp cao ở Úc. Trong số giáo viên toàn thời gian (69.563 người), có 45% chỉ chuyên giảng dạy, hoặc chỉ chuyên nghiên cứu, hoặc chỉ chuyên giảng dạy và nghiên cứu. Trong khi số giáo viên và nhân viên nam chiếm 51% trong tổng số, số giáo viên và nhân viên nữ làm việc bán thời gian lại chiếm đến 70%.

Giáo dục Hướng nghiệp

Những cơ sở giáo dục kỹ thuật và giáo dục xúc tiến khác với các trường đại học ở chỗ những cơ sở này có các chương trình nặng về hướng nghiệp và ứng dụng nhiều hơn, chẳng hạn như lữ hành, du lịch, thiết kế đồ họa, v.v...

Học phí tại những cơ sở này khác nhau tùy theo từng bang và từng cơ sở. Một số chương trình được giảng dạy để lấy bằng đại học, trong khi một số khác thuộc dạng cấp chứng chỉ.

Giáo dục Người lớn và Giáo dục Cộng đồng

Trọng tâm của giáo dục người lớn và giáo dục cộng đồng là chú trọng nhiều hơn vào việc giáo dục suốt đời. Những chương trình dành cho giáo dục người lớn và giáo dục cộng đồng thường ngắn hơn những loại chương trình khác của giáo dục cấp cao, để tiện cho người học có thể theo học suốt đời.

Những chương trình dạng ngắn này phù hợp với những người lớn bề bộn với công tác và việc nhà, thường khó có thể theo các chương trình giảng dạy và đào tạo dài thời gian. 

            TRỢ GIÚP CHO PHỤ HUYNH

Đảm bảo cho con em các phụ huynh có được một nền giáo dục tốt nhất có thể có được chính là mục tiêu của hệ thống giáo dục của Úc. Những giúp đỡ cho các phụ huynh có dưới các hình thức như hỗ trợ, các dịch vụ và các nguồn tài nguyên nhằm làm cho phụ huynh tận dụng được nhiều nhất hệ thống giáo dục này. Những địch vụ sau đây đã được tổ chức để giúp đỡ các phụ huynh và các học sinh: Dịch vụ Chăm sóc Trẻ, Hỗ trợ Tài chính, Hỗ trợ các Trẻ có Nhu cầu Đặc biệt, Giúp đỡ về Tiếng Anh.

            DỊCH VỤ CHĂM SÓC TRẺ

Dịch vụ chăm sóc trẻ ở Úc là rất phổ biến. Rất nhiều trẻ em, trong những khoảng thời gian nào đó, đã được gởi đến các dịch vụ này. Dịch vụ này được cung ứng cho những phụ huynh cần thời gian để theo đuổi công tác cũng như làm việc nhà. Dịch vụ chăm sóc trẻ thường được chia thành 3 độ tuổi khác nhau:

+ Các trẻ sơ sinh từ lúc mới sinh ra

+ Các trẻ trong độ tuổi mẫu giáo, tính đến 5 tuổi

+ Các trẻ trong độ tuổi Tiểu học, từ 5 đến 12 tuổi, ở nhà ngoài giờ học tại trường

Các loại hình Chăm sóc Trẻ

+ Các trung tâm chàm sóc trẻ dài ngày

+ Các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày tại gia đình

+ Dịch vụ chăm sóc trẻ ngoài giờ học

+ Dịch vụ chăm sóc trẻ trong kỳ nghỉ hè

+ Các nhóm vui chơi

+ Dịch vụ chăm sóc trẻ tổng hợp

+ Dịch vụ chăm sóc trẻ lưu động và các thư viện đồ chơi

            HỖ TRỢ TÀI CHÍNH

Hỗ trợ cho việc chăm sóc trẻ

Nhà nước có những hỗ trợ về tài chính cho việc chăm sóc trẻ của phụ huynh. Các phụ huynh có thể xin được trợ cấp về mặt này.

Hỗ trợ cho học sinh trung học và giáo dục cấp cao

Đối với các trẻ từ 16 tuổi trở lên, nhà nước có các hình thức hỗ trợ tài chính, tùy theo thu nhập và tài sản của phụ huynh. Các học sinh được hỗ trợ phải theo học chương trình toàn thời gian ở cấp trung học hay giáo dục cấp cao.

Học bổng

Một số trường tư thục và hầu hết các trường Thiên chúa giáo đều có một số học bổng cấp cho học sinh để trang trải học phí tại trường. Muốn xin cấp những học bổng này, học sinh phải dự kỳ thi tuyển, và những học sinh có điểm cao nhất sẽ được cấp phát các học bổng này. Đôi khi có những trường cấp phát học bổng theo những tiêu chí khác ngoài năng lực của học sinh.

            HỖ TRỢ CHO CÁC HỌC SINH CÓ NHU CẦU ĐẶC BIỆT

Các phương tiện giáo dục đặc biệt bao gồm các trường đặc biệt và các đơn vị phát triển giáo dục đặc biệt. Các phương tiện này cung ứng những chương trình giảng dạy riêng cho các học sinh thiểu năng có các nhu cầu vượt quá tầm đáp ứng của các trường bình thường. Những học sinh này cần một chương trình giáo dục cá nhân hóa do các giáo viên chuyên môn đảm trách. Đối với những học sinh có nhu cầu này, các trường địa phương sẽ tạo điều kiện để phụ huynh tiếp xúc với sở giáo dục của bang hay của hạt để trao đổi về nhu cầu đó.

            HỆ THỐNG CÔNG NHẬN TRÌNH ĐỘ CỦA ÚC

Úc có một hệ thống trải khắp nước để công nhận các loại trình độ học vấn, được gọi là Tổ chức Cấp bằng của Úc. Tổ chức này có quyền cấp phát 12 loại văn bằng, chứng chỉ khác nhau cho các cấp học, từ trung học, giáo dục kỹ thuật đến đại học. Tổ chức này do nhà nước hỗ trợ và các loại văn bằng, chứng chỉ đó đã được công nhận ở một số nước. Một cơ quan nhà nước có trách nhiệm công nhận các loại bằng cấp của Úc và của nước ngoài.

            VIỆC ÁP DỤNG CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC

Công nghệ Thông tin và Công nghệ Truyền thông đang thay đổi nhanh chóng cách nhìn nhận và thực hành trong giáo dục và đào tạo. Để đảm bảo cho Úc tận dụng được những lợi ích của công nghệ giáo dục, Bộ Giáo dục & Khoa học và Đào tạo đã xem xét đến kế hoạch Sử dụng Công nghệ Giáo dục trong Tương lai của Úc.

Việc xem xét này nhắm vào những áp dụng hiện nay của công nghệ giáo dục cũng như khảo sát những ứng dụng cho tương lai. Người ta khảo sát những biện pháp giáo dục đổi mới cũng như cơ sở hạ tầng và kỹ năng chuyên môn cần thiết để ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông một cách hữu hiệu trong giáo dục và đào tạo trong tương lai. Ở đây việc khảo sát cũng tập trung vào nhu cầu của thổ dân, của các vùng xa xôi trên đất Úc và phương cách để đưa nước Úc vào thị trường quốc tế về giáo dục và đào tạo.

            KẾ HOẠCH GIÁO DỤC CẤP CAO TỪ 2003 ĐẾN 2005

Chính phủ đã coi giáo dục cấp cao như một sự đóng góp vào việc hoàn thiện những tiềm lực của con người và xã hội, vào sự phát triển kiến thức và các quá trình kinh tế, xã hội. Mục tiêu chính của giáo dục cấp cao ở Úc bao gồm:

Kích thích và làm tăng cường khả năng của các cá nhân nhằm phát triển năng lực riêng của họ đến mức cao nhất (cho sự tăng trưởng và thành đạt cá nhân, cho sự đóng góp vào lực lượng lao động và đóng góp vào việc xây dựng xã hội).

Làm tăng tiến các kiến thức và sự hiểu biết.

Đem những ứng dụng của kiến thức và hiểu biết vào làm lợi cho kinh tế và xã hội.

Làm cho từng cá nhân có khả năng thích nghi và học hỏi phù hợp với nhu cầu của một nền kinh tế tri thức ở cấp địa phương và cấp quốc gia.

Các Mục tiêu của Chính phủ

Các mục tiêu bao quát trong các chính sách của chính phủ về giáo dục cấp cao là:

Mở rộng các cơ hội.

Đảm bảo chất lượng.

Nâng cấp trách nhiệm của các trường đại học đối với những nhu cầu của sinh viên và những đòi hỏi khác nhau của nền công nghiệp trong nước.

Làm tăng tiến những cơ sở kiến thức và sự đóng góp của các trường đại học vào việc đổi mới đất nước.

Chính sách Giáo dục Quốc tế của Chính phủ

Chính phủ Úc đã nhận thức được rằng nền giáo dục quốc tế đang góp phần quan trọng vào những ràng buộc của Úc với thế giới về các mặt xã hội, văn hóa, tri thức và kinh tế.

Chính phủ đã có chính sách cho việc thực hiện giáo dục quốc tế trong thập kỷ tới và thời gian tiếp theo. Chính sách này tạo cơ sở cho việc mở rộng giáo dục quốc tế, phát triển hợp tác về giáo dục với các nước khác, và hỗ trợ cho sự tăng trưởng lâu dài trong việc mậu dịch đối với các dịch vụ giáo dục. Những chính sách này nhằm thực thi sự ràng buộc của chính phủ với chất lượng giáo dục của Úc và việc bảo vệ các chuẩn mực trong giáo dục.

Chính phủ Úc sẽ hơ trợ cho giáo dục quốc tế bằng cách:

Hợp tác với chính quyền của các nước khác để làm tăng cường kiến thức toàn cầu và mở rộng sự nhận thức về chất lượng giáo dục của Úc.

Nâng cao hình ảnh quốc tế của Úc như là một quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực về khoa học, giáo dục và văn hóa.

Bảo vệ uy tín của Úc về khả năng cung ứng một nền giáo dục có chất lượng.

Hợp tác với các tổ chức về giáo dục và chính quyền của các bang và các hạt trong nước để phát triển một tương lai chiến lược cho nền giáo dục quốc tế của Úc.

Sự tăng trưởng lâu dài của nền công nghiệp giáo dục quốc tế của Úc sẽ được củng cố bằng sự đa dạng hóa và chất lượng. Ngân sách năm 2003-2004 cho giáo dục quốc tế đã được định ra để thực hiện chính sách này. Ngân sách này dựa trên thực tế của ngành giáo dục và kết hợp với các hoạt động của những lĩnh vực khác như đối ngoại, nhập cư, mậu dịch và du lịch.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2287-02-633501635428437500/Giao-duc/Cac-cap-do-hoc-van.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận