Tài liệu: Australia - Mối quan tâm của người Hà Lan

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sự lôi cuốn người Bồ Đào Nha vào Ấn Độ và sự nản lòng của người Tây Ban Nha đã làm cho người Hà Lan mạnh thêm trong việc thiết lập một chuỗi các trung tâm mậu dịch từ mũi Hảo Vọng đến vùng Đông Ấn Độ của Hà Lan
Australia - Mối quan tâm của người Hà Lan

Nội dung

Mối quan tâm của người Hà Lan

Sự lôi cuốn người Bồ Đào Nha vào Ấn Độ và sự nản lòng của người Tây Ban Nha đã làm cho người Hà Lan mạnh thêm trong việc thiết lập một chuỗi các trung tâm mậu dịch từ mũi Hảo Vọng đến vùng Đông Ấn Độ của Hà Lan (Indonesia) vào thế kỷ 17. Người Hà Lan vốn đóng chốt chủ yếu ở các cảng Bantam và Batavia (Jakarta) của Indonesia, đã nhanh chóng làm cho việc khám phá ra châu Úc của người Âu châu trở thành hiện thực. Với tàu bè tốt hơn, họ đã vượt qua được những thử thách ở Nam Thái Bình Dương. Vào đầu năm 1606, Willem Jansz đã đi tàu vào eo biển Torres giữa lục địa châu Úc và New Guinea, và đã nhìn thấy đồng thời đặt tên cho một phần bờ biển đất Úc là mũi Keer-weer, ở về phía Tây của bán đảo Cape York. Eo biển này sau đó đã được đặt tên theo nhà thám hiểm cuối cùng của Tây Ban Nha, Lui Vaez de Torres, người đã đến khu vực đó vài tuần sau và xác định rằng New Guinea là một hòn đảo nhưng chưa nhìn thấy đất Úc.

Được khích lệ bởi chuyến đi của Jansz, toàn quyền của Hà Lan tại Batavia đã cho tiến hành những cuộc viễn chinh vào các vùng biển phía Nam. Vào tháng 10 năm 1616, tàu Eendracht trở thành chiếc tàu đầu tiên đổ bộ người Âu lên đất Úc tại vịnh Shark ở phía Tây lục địa Úc. Trong khoảng từ 1626 đến 1627, Peter Nuyts đã thám hiểm được khoảng 1.600 km vùng bờ biển phía Nam của Úc. Những người Hà Lan khác đã cho thêm thông tin về các bờ biển phía Bắc và phía Tây, nhưng việc quan trọng nhất đã được Abei Janszoon Tasman thực hiện. Năm 1642, sau khi đánh một vòng rộng trên biển, ông đã đi vào vùng nước phía Nam của Úc, nhìn thấy bờ biển phía Tây của hòn đảo ngày nay gọi là Tasmania. Sau đó Tasman đi xa hơn về phía Đông và phía Bắc để thám hiểm New Zealand. Ông đã làm một cuộc thám hiểm lần thứ hai vào năm 1644 ở bờ biển phía Bắc. Mặc dù ngày càng có thêm thông tin về lục địa này, nơi mà họ gọi là New Holland (Tân Hà Lan), người Hà Lan không tiếp tục những cuộc khám phá trên biển bằng sự chiếm đóng ở đây, vùng đất mà họ cho là ít có giá trị về mặt mậu dịch đối với người Âu. Do đó, con đường lại mở ra cho người Anh đến đây sau này.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2282-02-633501612988906250/Lich-su/Moi-quan-tam-cua-nguoi-Ha-Lan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận