Bảo tàng Ermitag
Bảo tàng Ermitag, được thế giới coi là một trong số rất ít bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới. Viện Bảo tàng Ermitag được thành lập đã hơn hai thế kỷ này, nằm trong cung điện Mùa Đông ở Saint Petersburg. Bảo tàng có 1057 phòng với diện tích 46.516 m2 và các hành lang dài khoảng 2 km.
Bảo tàng Ermitag do Nữ hoàng Catherine II xây dựng nên, sau khi lên ngôi, Nữ hoàng Catherine II, muốn tỏ ra là người có kiến thức, am hiểu nhất nước Nga và cả châu Âu, bà đã yêu cầu xây dựng một bảo tàng nghệ thuật ngay trong cung điện Mùa Đông, nơi bà đến ở. Thực hiện ý đồ đó, các tòa đại sứ Nga khắp trên thế giới đã lùng mua cho bà tác phẩm hội họa, cổ vật sách báo... Năm 1764, cung điện Mùa Đông đã nhận được 225 tác phẩm hội họa của nhiều trường phái châu Âu. Đây là những viên gạch đầu tiên xây dựng trên bảo tàng.
Chỉ trong vòng vài năm, viện bảo tàng đã nhận được một khối lượng khổng lồ các tác phẩm mỹ thuật, nhiều đồ trang sức bằng đá ngũ sắc, nhiều viên ngọc quý giá, nằm nguyên trong các hộp nhung. Khối lượng hiện vật ngày một tăng, đòi hỏi phải có nhà trưng bày. Việc xây một tòa nhà bảo tàng là một đòi hỏi cấp bách. Công việc này được giao cho kiến trúc sư J.M. Felten.
Viện bảo tàng còn thiếu thư viện, Catherine II yêu cầu phải có những tủ sách của các danh nhân. Từ đó ngày ngày những đoàn xe chở sách tiến về Saint Petersburg. Chỉ trong một thời gian ngắn, viện bảo tàng đã có 13.000 tấn sách các loại của khắp châu Âu.
Catherine II đã làm say mê nhiều triết gia thế giới, đến mức khi túng tiền, triết gia Diderot đã bán ngay tủ sách của mình cho bà. Còn Voltaire, sau khi qua đời, Catherine đã mua lại tủ sách của ông và ra lệnh không được tẩy xóa bất cứ bút tích nào của triết gia ghi bên lề sách.
Đầu thế kỷ XVII, viện bảo tàng qua tuổi 36. Vào năm 1797, một năm sau khi Catherine II mất, bảo tàng đã có 4.000 họa phẩm, nhưng có thứ khác còn ít ỏi. Vì vậy chưa thể gọi là một bảo tàng hoàn mỹ.
Vào đầu thế kỷ XIX bảo tàng và Cung điện Mùa Đông đã bị đội quân chiến thắng của Napoléon cướp phá sạch. Nhưng sau khi Napoléon thất trận, một số họa phẩm được trả về cho viện bảo tàng.
Chiến tranh thế giới I bùng nổ. Chính phủ lâm thời Nga đã phải chuyển hiện vật của bảo tàng về Mátxcơva để bảo vệ, chiến tranh kết thúc, ngày 27 - 10 - 1918, bảo tàng mở cửa trở lại.
Đại chiến thế giới lần thứ hai nổ ra, một lần nữa các tác phẩm của bảo tàng được chuyển đến một thị trấn nhỏ Sverdlov. Chiến tranh kết thúc, san 5 năm tu sửa bảo tàng, các hiện vật lại được trưng bày nguyên vị trí cũ.
Trước Cách mạng tháng Mười, bảo tàng chỉ có 56 gian trưng bày, hiện nay có 356 gian trưng bày với 2 triệu rưỡi tác phẩm trong đó có bộ sưu tập đồ sứ đặc biệt đa dạng, có bộ sưu tập độc đáo về đồ bạc Xaxanhit.
Hiện mỗi năm có đến 5 triệu lượt khách đến thăm viện bảo tàng.