Tài liệu: Borobudua - Ngôi đền núi quyến rũ

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Jeannine Auboyer, một nhà nghiên cứu khảo cổ học, nghệ thuật người Pháp đã gọi Borobudua như vậy. Ông đã nói thay tâm trạng của tất cả những ai từng một lần đứng trước Borobudua.
Borobudua - Ngôi đền núi quyến rũ

Nội dung

Borobudua - Ngôi đền núi quyến rũ

Jeannine Auboyer, một nhà nghiên cứu khảo cổ học, nghệ thuật người Pháp đã gọi Borobudua như vậy. Ông đã nói thay tâm trạng của tất cả những ai từng một lần đứng trước Borobudua.

Toàn cảnh Borobudua

Borobudua được xây dựng vào khoảng cuối thế kỉ VIII, đầu thế kỉ IX ở trung tâm đảo Java, ngay chính giữa đồng bằng Kedu trù phú. Đó cũng chính là khoảng thời gian trị vì của Vương triều Núi Sailendra của Vương quốc Kalinga. Thời kì này, những con thuyền của họ tung hoành ngang dọc trên biển, chuyên chở cả những khát vọng chính trị lẫn giao lưu văn hóa của người Java, đặc biệt là giao lưu văn hóa với Ấn Độ. Chính vì thế, Borobudua đã chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc truyền thống Ấn Độ, mang tính chất đặc biệt của một ''ngôi đền núi'', có nhiều tầng lớp, có bậc thang lên xuống theo đường trục tới tận mặt bằng trên cùng mà ở giữa có một điện thờ hay một stupa lớn. Trường hợp Borobudua là một stupa lớn hình chuông. Vì vậy, nhìn toàn cảnh Borobudua giống như một quả núi. Lại nằm trên một quả đồi, xưa kia nước ngập lưng chừng, những lúc ấy ngôi đền núi trông như một tòa sen nổi trên mặt nước.

Rất nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích tên của ngôi đền này. Người đầu tiên là một nhà khoa học người Anh vào đầu thế kỉ XIX. Ông giải thích Borobudua có nghĩa là ngôi đền của làng Boro. Thế nhưng, làng Boro lại không phải là nơi có đền Borobudua. Ông còn đền ra lí giải khác nghĩa là : Đức Phật vĩ đại. Có người giải mã Borobudua là Quả núi tập hợp các phẩm hạnh. Song tất cả chỉ là phỏng đoán, còn lí giải tại sao tên của nó là như vậy, hay ngay từ đầu tên của nó có phải là như thế không, vẫn đang còn là một ẩn số.

Tục truyền, Borobudua được xây trong một vùng có nhiều đền Hindu, nhưng đến nay thì đã biến mất cả, chỉ còn một cụm ba đền, bao gồm đền Pawon, Mendut và Borobudua. Mỗi đền cách nhau 1.500 - 2.500m. Ba đền này nằm trong một vòng tròn bán kính 8km, có liên quan với nhau, hợp thành một thể thống nhất. Những người hành hương đầu tiên đi đến Mendut, rồi từ đó đi đến Pawon dừng lại nghỉ sau một chặng đường hành lễ rồi đi tiếp đến Borobudua, cũng là bước dần đến chân lí của nhà Phật.

Borobudua không mang chức năng của đền thờ, mà là một công trình tưởng niệm của Phật giáo - tháp thờ (stupa). Nhưng lại cũng không hẳn là một stupa. Trước hết, nếu gọi một cách chính xác thì nó là một ngôi đền chuyên chở những stupa (72 stupa nhỏ và 1 stupa lớn ở chính giữa ngôi đền). Sau nữa, stupa là nơi thờ thánh tích của nhà Phật, nhưng ở Borobudua lại phổ biến là những stupa trổ hình mắt cáo đi cùng với những pho tượng Phật ngồi trong tư thế ''thuyết pháp'' (vitarka mudra). Đặc biệt, stupa lớn giữa đỉnh lại chỉ là một căn khám chật hẹp, trong đó đặt một bức tượng Phật làm dở dang, có lẽ thuộc một niên đại muộn hơn, đang ở trong tư thế ''chứng giám'' (bhumishparcamudra) chứ không phải trong tư thế ''thuyết pháp''. Kiến trúc của ''ngôi đền núi'' này hết sức độc đáo, gồm những lộ đài hình vuông, hình tròn và các stupa hình quả chuông, bên trong có đặt tượng Phật. Có nhà nghiên cứu cho rằng lối kiến trúc biểu thị quan niệm về một mandala (vũ trụ) của Phật giáo nhuốm màu Siva giáo từng phổ biến khắp trong vùng Himalaya, Trung Quốc, Nhật Bản... Quan niệm về vũ trụ này nhiều khi được thể hiện bằng đồ họa trên vách tường hay cờ hiệu thờ cúng, còn Borobudua lại thể hiện qua một công trình kiến trúc khổng lồ xây ở ngoài trời và qua chủ đế các phù điêu trang trí.

Toàn bộ ngôi đền cao 42m được xây trên một đài hình vuông. Chiều dài của mỗi mặt chân đền là 123m. Nếu nhìn từ trên cao xuống, Borobudua gồm hay phần chính: phần tròn ở phía trên gồm có tháp trung tâm hình chuông và ba tầng tròn rộng đồng tâm bao quanh với những stupa ở trên đó. Tầng 1 có 32 stupa, tầng 2 có 24 và tầng 3 có 16 stupa. Phần vuông phía dưới bao gồm 4 tầng bậc với những lan can, tường được trang trí bằng những phù điêu xen kẽ với tượng Phật.

Borobudua (phần trên)

Năm 1983, trong khi trùng tu lại tháp, các nhà khảo cổ học lại phát hiện thêm một tầng nền của công trình kiến trúc, nhưng người ta không hiểu tại sao tầng nền này có một loạt 160 bức phù điêu chạm nổi được xây kín ở phía trước và chìm dưới nền đất. Những phù điêu này mô tả ''thế giới của lòng dục'' gồm 3 tầng: địa ngục ở dưới cùng, giữa là trái đất và trên là trời. Đó là thế giới mà ta đang sống theo luật ''nghiệp báo'' : ai ăn ở độc ác sẽ bị đày xuống địa ngục, ai hiền lành phúc đức sẽ được lên thiên đàng. Ý tưởng này được diễn tả sinh động và khá dễ hiểu qua những phù điêu mô tả cảnh vạc dầu hay cảnh sống sung sướng trên thiên đường, có thức ăn, có chim kêu hoa nở và những tiên nữ múa ca. Thoát khỏi tầng nền, khách hành hương đi theo các bậc thang, lần lượt bước vào 4 lộ đài hình vuông với các bức tường được bao phủ bởi những phù điêu liên tiếp nhau, tổng cộng khoảng 2.500m2. Có rất nhiều tượng Phật xen kẽ, đó là thế giới của nhà Phật. Các phù điêu mô tả cuộc đời đức Phật, các vị Bồ Tát, những con người giác ngộ vượt khỏi tội lỗi... Tất cả đều thể hiện sự ''giải thoát'' theo quan điểm Phật giáo. Chính ở đây, những người mộ đạo tiếp cận với con đường đi đến để hiểu được ''Phật tính". Hàng ngàn cảnh gắn với đức Phật, với giáo lí nhà Phật có ích, có chức năng răn dạy người đời và biểu dương một cuộc đời trong sạch. Có lẽ vì vậy mà những phù điêu chạm nổi ở Borobudua mô tả mọi vật trong những động thái điểm tĩnh thanh thản. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phù điêu Borobudua mang dấu ấn của phong cách cổ điển Ấn Độ, lặng lẽ, trang nghiêm và đầy vẻ quyến rũ, chủ yếu tập trung ở những công trình Phật giáo mang phong cách Gupta. Quần áo và đồ trang sức cũng mang ảnh hưởng Ấn, đặc biệt gần gũi với trang phục của các nhân vật trong chùa hang Ajanta.

Toàn bộ phù điêu Borobudua đểu tập trung ở tầng nền và bốn tầng bậc của lộ đài hình vuông, chính những phù điêu này đã đem lại cho Borobudua giá trị lớn lao về mặt nghệ thuật. Qua khỏi thế giới của nhà Phật, qua những phù điêu dày đặc là tới các lộ đài hình tròn. Bảy mươi hai stupa cùng với những tượng Phật ngồi tĩnh lặng, trầm tư. Con người như đạt đến trạng thái siêu thoát. Theo quan niệm vũ trụ của nhà Phật, nơi đây tượng trưng cho thế giới của sự vô cùng, vô tận của không gian, của kiến thức và tư duy, thế giới của hư vô.

Không phải ai cũng hiểu được Borobudua, hiểu được những gì mà cổ nhân đã làm. Triết lí tôn giáo được phản ánh qua công trình kiến trúc này mang dấu ấn của Phật giáo Đại thừa - nghệ thuật mang tính ''cung đình'', ''bác học''. Có thể nhìn thấy ở Borobudua mối quan hệ giữa tôn giáo và nghệ thuật một cách sâu sắc. Và đó cũng là đặc điểm nổi bật của kiến trúc cổ Đông Nam Á.

Chạm khắc mô tả cuộc sống đức Phật trên hành lang Borobudua

Cảnh tắm Phật trên hành lang Borobudua

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4204-02-633716010434375000/Kien-truc-tieu-bieu-cho-nen-van-minh-Dong...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận