Tài liệu: Taj Mahah - Biểu tượng của thiên đường nơi trần thế

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Taj Mahah là một trong những công trình kiến trúc lộng lẫy nhất thế giới. Dường như những khát vọng về tín ngưỡng và tinh thần của người dân Ấn được dồn vào Taj Mahah
Taj Mahah - Biểu tượng của thiên đường nơi trần thế

Nội dung

Taj Mahah - Biểu tượng của thiên đường nơi trần thế

Taj Mahah là một trong những công trình kiến trúc lộng lẫy nhất thế giới. Dường như những khát vọng về tín ngưỡng và tinh thần của người dân Ấn được dồn vào Taj Mahah, để nó trở thành biểu tượng của cả một dân tộc, để vẻ đẹp của nó làm rung động lòng người bất kể họ thuộc tôn giáo nào.

Hơn 400 năm nay và vĩnh viễn về sau này, Taj Mahah vẫn đứng đó huyền diệu trong sương mù ban mai, tinh khiết, ngời ngợi trong hừng đông bởi sự ngưỡng vọng của người đời.

Một đài tưởng niệm cho tình yêu vợ chồng.

Một đài tưởng niệm cho cái đẹp.

Và cho một tín ngưỡng duy nhất- Thánh Ala, một cách chiêm nghiệm cuộc sống của người Ấn.

Đằng đẵng suốt hàng ngàn năm, trong hành trình tâm linh, dường như mọi tôn giáo trong đó có cả Phật, Hindu, hay muộn màng như Hồi giáo đi từ thế giới Ả Rập vào đất Ấn cũng không thoát khỏi sự trầm mặc day dứt về cuộc sống đang hiện hữu, về số phận con người, và cuối cùng, vẫn là tìm kiếm sự giải thoát. Hình ảnh về một thế giới hoàn mĩ hiện lên. Khát vọng lãng mạn của con người nghĩ đến thiên đường, và rồi từ trong ''giấc mơ tiên'', “giấc mơ thiên đường”ảo vọng đó, con người biến nó thành hình ảnh hiện thực tồn tại chính ngay trên mặt đất mà có khi thiên đường nếu có thật chưa chắc đã đẹp bằng. Taj Mahah là biểu tượng của thiên đường nơi trần thế. Một thi hào Anh đã từng ví Taj Mahah ''như một chiếc cầu ngả mà tất cả mọi cái đẹp đều đi qua''. Còn với người Ấn, Taj Mahah đồng nghĩa với cái đẹp và sự thiêng liêng.

Lăng Taj Mahah

Bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 1632 dưới triều đại của Sa Giahan. Sa Giahan là vị vua thứ 5 của vương triều Mogol, một vương triều Hồi giáo gốc Thổ, được thiết lập ở Ấn Độ từ năm 1526, với vị vua đầu tiên là Babua. Ông nội của Sa Giahan là Arkbar, một vị hoàng đế nổi tiếng anh minh trong dòng Mogol và trong lịch sử Ấn Độ. Với một cái nhìn sâu sắc về nhiều tôn giáo khác nhau đang tồn tại ở Ấn Độ lúc bấy giờ, Arkbar đã xây dựng chủ nghĩa dung thứ tôn giáo với khát vọng thống nhất dân tộc trên cơ sở thống nhất tâm linh.

Arkbar là người chính thức xây dựng thành phố cổ Agra, xây dựng vòng thành, cung điện, lâu đài... trong vòng 15 năm và tất cả đều làm bằng sa thạch đỏ. Sau này, chính Sa Gichan là người kế tục xuất sắc khả năng kiến trúc của Arkhar. Chủ nghĩa dung thứ tôn giáo của Arkbar đã ra đi cùng với cái chết của ông. Tuy nhiên ông đã để lại hình ảnh của mình trong lịch sử ấn Độ không chỉ là một vị vua anh minh, một nhà kiến trúc xây dựng mà còn là một nhà kiến trúc tâm linh.

Sa Giahan còn say mê kiến trúc gấp bội ông nội, và nếu như Arkbar theo chủ nghĩa dung thứ tôn giáo thì Sa Giahan lại hướng về Hồi giáo. Tuy nhiên ông không quan tâm lắm đến công việc trị vì đất nước mà dồn tất cả sự đam mê của mình vào kiến trúc, xây dựng. Trên những con đường dẫn vào thành Agra, bất kể cá khi dân chúng chết đói đầy đường, vật liệu xây dựng vẫn được vận chuyển thành từng dòng bất tận. Dưới thời Sa Giahan, nghệ thuật xây dựng cung điện, thành trì và lăng mộ đạt đến đỉnh cao.

Nhưng lớn hơn cả tình yêu đối với kiến trúc là tình yêu của Sa Giahan dành cho vợ và cũng đồng thời là quân sư của Ngài. Ông lấy Hoàng hậu Mutaz Mahah từ khi nàng 19 tuổi và trải qua 19 năm chung sống. Sa Giahan yêu nàng bằng một tình yêu đặc biệt của một vị quân vương cực đoan và đầy cá tính. Ông nổi tiếng là chung tình với vợ. Nhưng vào một mùa xuân ấm áp năm 1631, Hoàng hậu qua đời trong lúc sinh nở người con thứ 14 cho Sa Giahan. Trước khi chết, nàng yêu cầu ông xây cho nàng một lăng mộ xứng đáng với tình yêu và 19 năm chung sống của họ.

Sa Gichan vô cùng đau khổ. Những năm tháng còn lại của cuộc đời chẳng có một người phụ nữ nào có thể làm cho ông quên được người vợ yêu quý. Sa Giahan để tang vợ trong 8 năm và bắt tay ngay vào việc xây dựng lăng mộ, một đài kỉ niệm cho người mình yêu thương, xứng đáng với tình yêu và quyền lực của ông. Lúc đầu, lăng có tên là Tat Bibica Rauza, nghĩa là nơi chôn cất nữ hoàng của trái tim, sau này mới có tên là Taj Mahah, tiếng Ba Tư có nghĩa là vương miện của người Mogol.

Không thể biết chính xác ai là người kiến thiết lăng mộ này. Một kiến trúc sư người Ba Tư, người ý, người Pháp hay người Ấn? Chỉ có một điều chắc chắn: chính tình yêu đối với vợ của Sa Giahan đã giúp ông chọn lựa mẫu kiến trúc đẹp nhất, và tạo dựng, nâng niu đến từng chi tiết nhỏ. Từ khắp nơi, các loại đá cẩm thạch đủ màu quý nhất: hồng ngọc, ngọc bích, kim cương... được chuyển tới Agra. Sự hoàn mĩ của Taj Mahah đã nổi tiếng ngay từ khi nó chưa hoàn thành.

Taj Mahah được xây dựng trên một khu đất rộng hình chữ nhật (dài 580m, rộng 304m). Kiến trúc chính của khu lăng là một tòa lâu đài hình bát giác, xây trên một cái nền cao, bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch đỏ. Mái đền là một vòm tròn bằng cẩm thạch trắng muốt, sừng sững, đồ sộ giữa vòm trời xanh nhưng vẫn phơi ra những đường nét thanh thoát ngoạn mục tràn vào trong tâm hồn người xem một cảm giác hư ảo như đang đứng trước một quả đào khổng lồ mà con người dâng tặng cho trời xanh. Tất cả cao chỉ khoảng 75m, vậy mà hơn 20.000 người phải làm việc cật lực trong suốt 22 năm. Chỉ có thể đánh giá được rằng, họ có khả năng thiết kế xây dựng như những người khổng lồ và hoàn thành công trình tỉ mỉ, khéo léo như những người thợ kim hoàn để tạo nên một lâu đài tưởng niệm tình yêu đẹp nhất trên thế gian này. Nhưng tình yêu vượt quá mơ ước đó là gì? Là vợ, hay cả Thánh Ala?

Là một lăng mộ phỏng theo kiến trúc Hồi giáo, mọi chi tiết trang trí của Taj Mahah không chỉ thể hiện tình yêu duy nhất đối với người vợ xấu số của một vị hoàng đế đầy quyền lực, mà nó còn hàm chứa yếu tố tầm linh, thấm đượm một niềm tin sâu sắc đối với Thượng đế.

Theo quan niệm của đạo Hồi, số 4 và bội số của 4 là thiêng liêng nên chung quanh vòm chính của đền còn có 4 vòm tròn nhỏ hơn. Ở bốn góc lại vươn lên 4 tháp nhọn cao 40m như những cây sáo vĩ đại thổi lên trời. Theo kiến trúc của đạo Hồi, 4 tháp đó có ý nghĩa để lan truyền lời tiên tri của Thánh Ala đi khắp bốn phương trời. Ngoài ra cấu trúc tổng thể của ngôi đền còn có 4 hồ nước, hoa viên bao quanh đền cũng chia làm bốn. Cửa chính với mái vòm của nó tượng trưng cho cổng vào thiên đường. Bước qua mải vòm đó ta bắt gặp hình chữ đính ngọc như một trang điểm độc đáo cho tường đền. Thánh kinh Coran kêu gọi động viên người ta bước vào đền: ''Những tâm hồn thanh tịnh xin hãy vào vườn địa đàng''. Và quả thật, bên trong cửa và tường là những mẫu vật khắc tinh vi phủ đầy hoa như trong vườn địa đàng.

Tại chính giữa gian phòng rộng lớn sáng sủa ở tầng hai là nơi đặt hai chiếc quan tài bằng đá cẩm thạch màu hồng nhạt, được trang trí bằng các hoa văn thực vật và những hàng chữ Ả Rập rút từ kinh Coran. Bao quanh quan tài là một tấm lưới bằng cẩm thạch chạm trổ như đăng ten, đặt thành một kiểu ''bình phong'' bát giác. Ánh sáng chảy qua làm ngời lên bức ren thêu bằng đá. Đứng đây mà ngắm, người ta có cảm tưởng, có lẽ con người không thể làm được cái gì tinh tế hơn nữa. Theo một số nhà nghiên cứu về đạo Hồi, hai quan tài nấy chỉ là nơi chứa đựng linh hồn của người chết, còn đi cốt thật của Mahah và Giahan đặt trong hai quan tài ở tầng dưới.

Ba trăm năm đã trôi qua trên ngôi đền như một cái bóng nhẹ nhàng, để muôn đời các thi sĩ, nhà văn được ngợi ca vẻ đẹp hoàn mĩ nên thơ của Taj Mahch ''một bài thơ bằng cẩm thạch'', ''giấc mơ tiên hiện lên thành đả trắng''. Thi hào Tagor, nhà thơ trí tuệ muôn màu của nhân loại đã từng thốt lên:

Ai đem sự sống cho người, hỡi đền bằng đá.

Ai tiếp cho người vĩnh viễn nhựa đời.

Để muôn năm người được dựng lên trời.

Đóa hoa rạng ngời mà đất sinh ra.

Còn Will Durant một học giả người Anh đã nhận xét: nếu Taj Mahah không phải là kiến trúc vĩ đại nhất, thì hẳn là đẹp nhất. Hãy thử hình dung và so sánh ngày nay, người ta làm những tòa nhà cao hàng trăm tầng trong một năm, với việc 20 000 người trong suốt 22 năm làm một công trình kiến trúc kích thước nhỏ xinh xắn, thì cái đọng lại hẳn là cái công phu tỉ mỉ và nghệ thuật. Đây là chỗ khác nhau giữa nghệ thuật và kĩ nghệ. Tinh thần đạt tới cái đẹp hẳn là vượt xa ý chí chinh phục không gian. Và ông kết luận: ''Thời gian là hủy hoại, nhưng thời gian vốn thông minh. Cầu mong sao vì một lẽ gì đó mà thời gian phải hủy hoại tất cả thì xin hãy hủy hoại Taj Mahah sau cùng, để nó tồn tại làm niềm an ủi cho con người cuối cùng còn lại trên mặt đất, làm chứng nhân cho tình yêu, lòng cao cả của con người''.

Con người đã chết. Nhưng tình yêu vẫn nằm đó, cả Mahah và Giahan, như lãng quên thế giới phàm trần trong tấm đăng ten đá, và dường như cuộc đời này chưa hề trải qua đắng cay, nghiệt ngã. Người ta kể rằng, về cuối đời Sa Giahan bị một trong những người con của mình là Aureng Zep nổi loạn, bắt sống cha rồi đem giam vào tháp Jamine (tháp hoa nhài) trong thành Agra. Tại đó Jahan đã sống thêm 9 năm đau khổ. Ngày ngày ông thui thủi trong khu mật thất, chẳng làm gì cả ngoài việc dõi mắt nhìn sang lăng tẩm trắng toát của Hoàng hậu bên kia sông Jumna. Chẳng ai biết ông nghĩ gì. Khi chết rồi mắt ông vẫn mở to trân trối hướng về lăng mộ vợ. Tình yêu ấy làm xúc động đến cả những trái tim băng giá nhất. Aureng Zep cho đem thi thể cha về đặt bên cạnh mẹ và Sa Giahan được phong là ''cư dân của thiên đàng''.

Tình yêu của Sa Giahan đã hướng lương tâm con người đến sự dung thứ. Tầm nhìn lãng mạn và tình yêu của ông vươn đến hết thảy mọi tâm hồn và mọi sự đổi thay của vũ trụ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4203-02-633716005793437500/Kien-truc-tieu-bieu-cho-nen-van-minh-An-D...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận