Tài liệu: Điện thờ Linga Ngọc Bích trong quần thể kiến trúc Hindu giáo Khajuraho

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

''Linga ngọc bích thuộc về vua Dhanga thiêng liêng. Ngài tạo dựng Linga này vì lòng thành kính thần Indra và muốn làm hài lòng Thần
Điện thờ Linga Ngọc Bích trong quần thể kiến trúc Hindu giáo Khajuraho

Nội dung

Điện thờ Linga Ngọc Bích
trong quần thể kiến trúc Hindu giáo Khajuraho

''Linga ngọc bích thuộc về vua Dhanga thiêng liêng. Ngài tạo dựng Linga này vì lòng thành kính thần Indra và muốn làm hài lòng Thần. Linga này được Arjuna mang đến với ý nguyện tôn thờ Yudhishthira, người giành được chiến thắng trên thế giới.

Có một Linga bằng đá khác được tạo đựng cũng bởi chính vua Dhanga, tượngtrưng cho thần Siva thờ trong ngôi đền này.

Vĩ đại thay vua Dhanga, người đã dựng đền thờ thần Shambhu (Siva), vị chúa tể của các thần linh, ánh sáng chói lòa trên những đám mây...''.

Đó là những đòng chữ khắc trên một phiến đá ở cổng của đền Vishvanatha, một trong những ngôi đền đẹp nhất trong quần thể kiến trúc tôn giáo ở Khajurcho. Từ những dòng chữ này, hiện lên một niên đại tuyệt đối chính xác: 1002- chắc chắn đó là năm ngôi đền này được tạo dựng.

Hình 29: Đền Vishvanatha ở Khajuraho

Khajuraho, tên cổ của nó là Karjuravahaka, một thành phố cổ nằm ở khu vực trung tâm của Trung Ấn, nơi có rặng Vindya vắt ngang Ấn Độ như một đường gân, phía dưới là vùng cao nguyên Decan của miền Nam Ấn. Cách đây trên dưới 10 thế kỉ, thành phố này đã chứng kiến sự ra đời của nhiều đền đài vĩ đại đo hoàng tộc Chandella và những nhà buôn của đạo Jain([1]) thực hiện. Tất cả gồm có 85 đền đài trải rộng giữa những hồ nước và những cánh đồng. Những ngôi đền ở phía đông thành phố do những nhà buôn của giáo phái Jain xây dựng, còn hoàng tộc Chandella, chúa tể vùng này thì tiến hành xây những đền đài vĩ đại ở phía tây thành phố, gần hồ Shibsaga. Những ngôi đền của hoàng tộc Chandella, cho đến nay, vẫn được coi là những ngôi đền độc đáo nhất của nghệ thuật Hindu giáo, và có lẽ chính sự độc đáo đó đã tạo nên sự nổi tiếng cho Khajuraho.

Từ thế kỉ VII đến thế kỉ XI là thời kì phát triển cực thịnh của kiến trúc Hindu giáo cả ở miền Nam và miền Bắc. Nhiều tháp Hindu đều được tạc bằng đá nguyên khối theo tinh thần của thời Ajanta và đều tuân theo những nguyên tắc chuẩn về kiến trúc của Hindu giáo. Trên tổng thể, các tháp Hindu đều bao gồm: tháp cổng (gopura), tiền sảnh (mandapam), đại sảnh (mahamandapam), tháp thờ (gọi là sikhara hay là vimana). Tháp thường có bình đồ hình múi hay bình đồ hình vuông, hình chữ nhật, dáng tháp thu nhỏ dần, tầng trên lặp lại giống tầng dưới có đỉnh chóp nhọn hay hình cầu Tháp mang phong cách miền Bắc thường là bình đố hình nhiều múi, trong khi tháp mang phong cách miền Nam thường là tháp hình hộp, bình đồ vuông. Tuy nhiên, có những tháp miền Nam lại mang phong cách miền Bắc và ngược lại, có những tháp miền Bắc lại mang phong cách miền Nam.

Đạo Hindu thờ rất nhiều các vị thần. Nếu theo thống kê của nhà nghiên cứu người Anh Will Durand thì có tới 30 triệu thần, nhưng những tín đồ của Hindu giáo xây đền chủ yếu là để thờ ba vị thần chính là Brahma (thần sáng tạo), Vishnu (thần  bảo tồn), và Siva (thần hủy diệt). Đền Hindu cũng là nơi diễn ra những nghi lễ thiêng liêng bí ẩn của tôn giáo này, nhưng thường thì người ta làm lễ ở đại sảnh còn tháp thờ chính, nơi ở của thần linh là nơi linh thiêng không phải ai vào cũng được.

Quần thể kiến trúc Khajuraho được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 900 đến  năm 1150, bao gồm một số đền của đạo Jain và phần lớn là đền Hindu. Giữa thế kỉ X, ngôi đến Hindu đầu tiên Lakshmara đã được xây dựng để thờ thần Vishnu. Năm mươi năm sau, trong niềm tự hào ngập tràn, Dhangadeva, thế hệ thứ ba của người xây đền Lakshmara, đã dựng một ngôi đền lộng lẫy để thờ thần Siva. Đền có tên là Vishvanatha (H.29), tên ban đầu của nó là Marakatesvara (vị chúa tể ngọc bích) hay Pramathanatha (vị chúa tể của những phép thuật). Người chủ của ngôi đền này, vua Dhanga, được mệnh danh là ''vị chúa tể của vùng Kalanjara", một danh hiệu thể hiện vị trí mà các vị vua đầy quyền lực của Bắc Ấn lúc bấy giờ rất khao khát. Dhanga đóng đô ở Khajuraho từ năm 950 đến năm 1002. Những dòng văn bí khắc trên đền Vishavanatha cho thấy ông sống khá lâu , đến hơn 100 tuổi, được lịch sử đánh giá là một quốc vương anh minh. Ông đã mở rộng lãnh thổ trải dài hầu như hết vùng Trung Ấn Độ, từ Gwalior đến vidsa, từ Varamasi ở phía bắc đến sông Narmada ở phía nam. Sống khá lâu, trị vì anh minh, ông còn là một vị vua có tâm hồn lãng mạn, được coi là “vị thánh của nghệ thuật”, thời đại của ông cũng là thời đại vàng son của nghệ thuật. Không chỉ xây những đền đài Hindu giáo mà dưới sự bảo trợ của ông, những nhà buôn giàu có của đạo Jain đã xây dựng được rất nhiều đền đài cho tôn giáo của họ ở phía đông thành phố. Trong những đền này, đền Parsharamatha nổi tiếng hơn cả bởi sự trang nhã của nó. Chủ nhân của Parsharamatha khắc rõ trong văn bia ngợi ca “Vua Dhanga tôn kính”

Những dòng văn bia khắc ở cổng đền Vishvanatha cho thấy một chi tiết thú vị. Việc xây đền Vishvanatha gắn với việc tạo dựng những Linga, biểu tượng của thần Siva, một bằng ngọc bích và một bằng đá, có lẽ vì vậy mà người ta còn gọi Vishvanatha là đền thờ Linga ngọc bích. Và quả thật nếu không có Linga ngọc bích thì Vishvanatha cũng xứng đáng là viên ngọc bích của quần thể kiến trúc Khajuraho.

Quay mặt về phía đông và được dựng trên một nền kiến trúc phức hợp, Vishvanatha hiện lên uy nghi, lộng lẫy. Cấu trúc chính của Vishvanatha bao gồm một điện thờ trung tâm (sikhara), bốn điện thờ phụ bổ trợ ở bốn góc (panchayatana). Tất cả đều được nối liền với nhau bằng những mảng tường mà đồng thời cũng là những phù điêu trang trí khổng lồ. Một tháp cổng (gopura), tiền sảnh (mandapam), đại sảnh (mahamandapam). Ngoài ra, đối diện với đền thờ còn có một bộ phận kiến trúc đặc biệt gọi là swatika, có nghĩa là sung sướng, an lạc. Trong ngôi đền nhỏ này thờ duy nhất con bò thần Nandi, vẫn được coi là vật cưỡi của thần Siva, nhưng trong quan niệm thông thường của người Ấn, nó còn tượng trưng cho sinh thực, cho hạnh phúc hoặc vận may. Thượng tầng kiến trúc của Vishvanatha được xây nhỏ dần, nhiều người cho rằng đó là sự mô phỏng theo hình núi Kailasa, vẫn được coi là thiên đường trên đỉnh Hymalaya trong hệ thống thần thoại Puranâs. Đỉnh tháp là những hình vòng tròn và kết lại tận cùng trên đỉnh là một hình nhọn giống như nụ sen.

Vishvanatha của Khajurcho cũng giống như các tháp Hindu khác ở chỗ thiên về trang trí kiến trúc mặt bên ngoài của tháp. Trước khi kể đến những phù điêu trang trí quanh tháp, không thể không kể đến những kudu (gian thờ) với chức năng để đặt tượng thờ âm vào mặt đền. Ở tháp thờ chính sikhara, vị trí trang trọng nhất là một linga biểu hiện cho dương tính của thần Siva và cũng là năng lực sinh hóa sáng tạo (sakti) của thần Siva, mặc dù vị thần này vẫn được coi là thần hủy diệt. Dòng văn bia khắc trên đền thờ ngay đoạn đầu đã khấn cầu Siva: ''Người vô biên của hành động bảo tồn và phá hủy...''. Dưới đó là những gian thờ trình bày những hình tượng hóa thân của Siva. Đó là hình Siva - Andhakantaka giết con quỷ (demon) mù quáng, tối tăm, thể hiện một trong năm hành động của đấng tối thượng (Panchakritya). Sự tối tăm, mù quáng thường được thể hiện bằng người lùn nhỏ bé, bị thần Siva dẫm đè trên lưng, trên đầu bằng chân trái. Đó là Siva - Nataraja (Siva múa) và Siva- Ardhanari (Siva trong trạng thái nửa đàn ông nửa đàn bà, có quan hệ với Uma([2])). Ngoài ra còn có các hình voi Ganesa, Saravati ở trong những gian thờ của phía bắc đền. Ở mặt phía tây của tháp thờ sikhara, người ta còn thấy sự kết hợp giữa Siva, Vishnu và Brahma. Bao quanh những gian thờ đó là tượng những người đàn bà trẻ đẹp trong những tư thế duyên dáng và thanh nhã. Trong những hình tượng hoàn hảo đó không thể không kể đến những Surasundari (trinh nữ thiên thần), mà điệu bộ của họ quá đỗi hồn nhiên như chính những cô gái đang sống giữa đời thường. Một Surasundari đang quay đầu lại uốn tấm thân mềm mại nhổ gai dính ở gót chân trái được tạc trên một chiếc lá sen, hay một Surasundari đứng trìu mến bên cạnh con quái vật sư tử đầu chim (Vyalas).... Đặc biệt là hình tượng những Surasundari khỏa thân, đứng lệch hông, để lộ rõ trên chân phải hình một con bò cạp. Có thể đây chỉ là sự phản ánh một truyền thuyết truyền khẩu trong nhân gian, nhưng lần đầu tiên người ta lại thấy xuất hiện từ “bò cạp” trong văn bia đền Vishvanatha, liên quan đến tên cổ của thành phố Khajuraho. Sau đó, có những giai đoạn hình tượng Surasundari với bò cạp khắc trên chân được xem như là biểu tượng của thành phố này.

Chủ đề chiếm nhiều nhất ở đền Vishvanatha và hai đền thờ khác trong khu vực Khajuraho là những cảnh sinh hoạt tình dục. Những nhà kiến trúc đã lựa chọn một cách cố ý những môtip gợi tình (Erotic motifs) để trang trí ở những bức tường nối các bộ phận kiến trúc phụ của phức hợp Vishvanatha với tháp thờ chính. Có chỗ nó được sắp xếp theo thứ tự như trong sách giáo khoa mà thực ra có lẽ là mô phỏng theo Kamasutra (nguyên tắc về tình dục) được phản ánh trong kinh Hindu. Nhưng người ta cũng không quên rằng, tất cả những đền thờ của đạo Hindu theo giáo phái Siva đều thờ Linga như một biểu tượng của sự sáng tạo ra thế giới. Ở Hindu có thể tìm thấy ''sự khắc kỉ đến nghiệt ngã", đấy là sự đè nặng của số phận, sự vâng chịu uy lực của thần thánh. Nhưng cũng lại thấy trong tôn giáo này sự khơi dậy cuộc sống vật chất, trần tục, trong đó những lạc thú, kể cả nhục dục cũng trở thành quy tắc. Sự hòa hợp thể xác, lạc thú nhục dục, hay một con đường khác hơn là tu luyện Yoga, dường như đều dẫn tới sự giải thoát. Tuy nhiên thật khó mà di đến tận cùng để hiểu thấu đáo những điều thuộc về thế giới tâm linh bí ẩn của người Ấn, chỉ có một điều hiển hiện mà tất cả những ai đã một lần chiêm ngưỡng Khajuraho phải thừa nhận, rằng những pho tượng chạm khắc nổi tầng tầng lớp lớp quanh bề mặt ngôi đền Vishvanatha được chạm khắc rất tinh xảo và công phu. Những nhà điêu khắc Ấn Độ đã đạt tới trình độ cao trong việc nghiên cứu cơ bắp và hình thể con người để có thể có những tác phẩm điêu khắc hoàn mĩ và độc đáo đến thế.

Sử thi và hệ thống thần thoại Puranâs được thể hiện rất rõ trong văn bia đền Vishvanatha. Linga ngọc bích mà vua Dhanga đặt thờ được xây dựng có nguồn gốc từ thần Indra để tôn thờ Yudhishthira, vị anh hùng trong trường ca Mahabharata bất hủ. Ông của Dhanga được so sánh với Rama, một hóa thân của Vishnu, còn cha của Dhanga thì dược ví với Bhishma, một người cầm đầu trong cuộc chiến tranh mà trường ca Mahabharata mô tả. Văn bia ca ngợi vua Dhanga như một hóa thân của thần Vishnu là Krisna, kẻ thù của Kamsa hay còn gọi ông là Narasimha, cũng là một hóa thân của Vishnu ... Đó chính là những dòng văn bia còn lại để người đời biết đến vị vua bảo trợ cho đền Vishvanatha và cũng là vị thánh của nghệ thuật Khajuraho. Cũng chính nhờ đó mà người ta biết được, trong ngôi đền đẹp đẽ, tráng lệ đó đã từng lung linh một Linga bằng ngọc bích. Có thể tất cả chỉ là huyền thoại... bạn có thể không tin. Nhưng dẫu sao, Vishvanatha vẫn đứng đó, lộng lẫy và kiêu sa cùng với 21 đền còn lại của Khajuraho.

Gần mười thế kỉ đã trôi qua, vẫn còn đó những ngôi đền Khajuraho. Vì lẽ gì nó được tạo dựng? Vì một Siva thiêng liêng hay vì lòng đam mê với nghệ thuật? Có thể tất cả, như chính những khát vọng thánh thiện hòa quyện với những đam mê trần tục ẩn hiện trong thế giới tâm linh của người Ấn.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4203-02-633716001976250000/Kien-truc-tieu-bieu-cho-nen-van-minh-An-D...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận