BUỒNG TỐI NHIẾP ẢNH TRONG NHÀ TẮM NGA
Để quan sát nhật thực toàn phần ngày 19-8-1887 ở nước Nga, giám đốc Đài thiên văn Pôtxđam (Đức), giáo sư Ghecman Caclơ Phôghen (1841- 1907) đã đi đến thị trấn Yurievet (gần Hạ Nôpgôrôt) gần sông Vônga. Ông dự định chụp phần đỏ của phổ sắc cầu và nhật hoa mà thời đó không thể chụp được bằng các kính ảnh có keo động vật và brôm khô vốn được áp dụng từ năm 1871. Do đó Phôghen đã chế ra nhũ tương đặc biệt trên nền lỏng và buổi tối hôm trước nhật thực ông đã đổ lớp keo lên các kính ảnh rồi để cho khô. Thế rồi bỗng những người bên cạnh - các thành viên đoàn các nhà khoa học của đài thiên văn Matxcơva do A. A. Bêlôpônxki đứng đầu - nghe thấy tiếng kêu tuyệt vọng:
- Thôi chết rồi, thế là đi đứt! Hỏng hết các kính ảnh rồi!
Đó là tiếng kêu của Phôghen. Ông đã bày các kính ảnh của mình trong “buồng tối” là một nhà tắm Nga bình thường. Trần nhà được đắp đất, mà khi sập cửa mạnh, đất rào rào rơi xuống. Phôghen tội nghiệp không thể nào ngờ được trong căn buồng người ta tắm rửa lại có thể có đất rơi từ trên trần xuống. Dù sao thì ông cũng đành quan sát phổ bằng mắt thường.