Tài liệu: Chụp ảnh trong thiên văn học

Tài liệu
Chụp ảnh trong thiên văn học

Nội dung

CHỤP ẢNH TRONG THIÊNVĂN HỌC

 

Việc áp dụng chụp ảnh trong thiên văn có ý nghĩ lớn lao nhờ vô số ưu điểm của nó so với các quan sát bằng mắt.

 Năm 1839, nhà phát minh người Pháp Lui Giăc Măngđê Đagherơ (1787 - 1851) đã nghĩ ra phương pháp thu nhận ảnh kính trên tấm kim loại có iôđua bạc, sau đó đem hiện bằng hơi thuỷ ngân. Đã xuất hiện những ảnh chân dung đầu tiên (ảnh chụp theo phương pháp Đagherơ). Giám đốc Đài thiên văn Pari Đôminic Phrăngxoa Aragô (1786 - 1853) trong báo cáo gửi Viện hàn lâm khoa học Pháp ngày 19-8- 1839 đã chỉ ra những triển vọng to lớn của việc áp dụng nhiếp ảnh trong khoa học, và trong thiên văn học nói riêng. Ngay trong Năm 1840 đã có những bức ảnh đầu tiên theo phương pháp Đagherơ chụp Mặt Trời và Mặt Trăng, rồi các sao, nhật hoa, phổ Mặt Trời.

Nhược điểm lớn của ảnh chụp kiểu Đagherơ là không thể nhân bản. Nó chỉ ra mỗi một bản, còn nếu muốn có bản khác thì phải chụp lại nữa. Năm 1851 Ph. Xcôt - Achơ người Anh đã nghĩ ra phương pháp keo ướt, theo đó các tấm kính ảnh trước khi sử dụng được đổ một lớp keo có chứa iôđua bạc, một vật liệu nhạy sáng.

Những thí nghiệm đầu tiên chụp các thiên thể theo phương pháp này đã chứng tỏ ưu điểm hơn hẳn của nó so với phương pháp Đagherơ. Thời gian lộ sáng giảm đi hơn 100 lần và ảnh chứa nhiều chi tiết.

 Nhà thiên văn nghiệp dư người Anh Varen Đơ la Ruy (1815 - 1889) đã đạt được những thành tựu lớn nhất trong việc áp dụng phương pháp keo ướt. Là chủ một xưởng giấy, ông đã bỏ tiền ra xây dụng một đài thiên văn gần Luân Đôn, có kính thiên văn tốt và ông đã tiến hành chụp với kính thiên văn. Theo đề nghị của ông Hội thiên văn Anh đã xây ở Kiu một đài thiên văn chuyên dụng với dụng cụ để chụp ảnh Mặt Trời: viễn kính chụp quang quyển Mặt Trời.

Năm 1850, hai cha con Uyliam và Gioocgiơ Bônđơ lần đầu tiên đã chụp ảnh một ngôi sao: sao Vêga. Năm 1872 Henri Đrâypơ đã thu được ảnh phổ đầu tiên của sao này, trên đó hiện rõ các vạch hấp thụ. Nhiếp ảnh ngày càng tiến sâu vào thực tiễn nghiên cứu thiên văn. Năm 1891 nhờ nó người ta đã phát hiện ra một hành tinh nhỏ đầu tiên là 323 Bruxia. Kỹ thuật chụp ảnh hoàn thiện dần dần và vật liệu ảnh cũng được cải tiến. Người ta đã có thể chụp được các vùng vàng, đỏ và hồng ngoại của phổ.

Ngay từ thời cổ các nhà thiên văn đã chia các sao theo độ sáng thành 6 loại gọi là 6 cấp sao. Các cấp nay không có quan hệ gì với kích thước của sao, nó chỉ đặc trưng cho lượng ánh sáng. Năm 1857, nhà thiên văn người Anh Noman Rôbơt Pogxơn (1829 - 1891), đã đề xuất thang cấp sao như hiện nay đang dùng, trong đó hiệu số một cấp sao tương ứng với tỉ lệ độ sáng là 2,512 lần. Con số này được chọn vì thuận tiện, bởi lẽ 2,5125 = 100, còn hiệu số 15 cấp sao như vậy sẽ tương ứng với tỉ số độ sáng đúng 100 lần, còn hiệu số 15 cấp sao đúng bằng 1 triệu lần. Để xác định cấp sao người ta đã sử dụng các thiết bị đặc biệt: quang kế. Nhờ đó mà có thể quan sát chính xác sự thay đổi độ sáng của các sao biến quang.

Vật lý thiên văn quan sát đã phát triển mãnh liệt cả ở thế kỷ XX. Nhưng ở thế kỷ này lần đầu tiên vật lý thiên văn lý thuyết đã vượt lên trước vật lý thiên văn quan sát để thâu tóm một cái nhìn thống nhất đối với toàn bộ Vũ Trụ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/380-02-633326394853993750/The-ky-XIX-va-vat-ly-thien-van/Chup-anh-tr...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận